Ngày xưa khi còn bé, chúng tôi thường được dân làng dạy cho hát bài ‘Cầu mưa’, để xin trời đổ mưa xuống cho đồng ruộng của thôn làng và nhất là chúng tôi được tắm mưa.
 “Lạy trời mưa xuống.

  Lấy nước tôi uống.

  Lấy ruộng tôi cày.

  Đong đầy bát cơm.

  Lấy rơm đun bếp”.

Mưa được coi như ơn trời đổ xuống trên mặt đất, khiến mọi loài nơi mưa ấy được hưởng chung. Mưa giúp cho cỏ cây được sinh tươi, lúa đồng đơm bông, loài người và sinh vật có nước uống. Thế rồi mưa tạnh, mây lại bay đến chỗ khác. Chúng kết tụ thành những đám mây to, tạo thành những cơn mưa khác đổ xuống cho một vùng đất khác. Ngày nay, người ta giải thích mưa là sự kết tụ của mây gặp lạnh tạo thành những cơn mưa. Ánh sáng Chúa Kitô như mặt trời chiếu rọi khắp mọi nơi. Từ trời Đông sang phía trời Tây, để muôn dân khắp mọi nơi trên toàn thể địa cầu được hưởng nhờ ánh sáng Chúa Kitô. Ánh sáng Đức tin ấy đã được các giáo sĩ truyền giáo Âu Châu vào các thập niên đầu thế kỷ XVI, mang đến cho dân chúng thuộc các nước Á Châu, để họ được biết đến tình yêu của Thiên Chúa, và được biết đến Đấng họ đang khao khát mong chờ, và để tôn thờ.

“Khi hừng đông ló rạng.

  Tỏa ánh sáng dịu hiền.

  Ơn thiêng trời đổ xuống.

  Trên vùng đất Á Châu.

  Cây Đức Tin trỗi mọc.

  Cành, lá, chồi, đơm bông”.

Trích theo bài viết “Kitô giáo và sự hiểu biết về Linh đạo Á Đông”của Phaolô Phạm Xuân Khôi đăng trên VietCatholic News (Thứ Sáu 06/6/2008 23:07)

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Mã Lai, Singapore và Brunei nhân cuộc thăm viếng Vatican của các ngài trùng hợp với những chuẩn bị cho năm thánh Phaolô. Đức thánh Cha mời gọi các ngài hãy theo gương thánh Phaolô, “Làm vị thầy xuất sắc và nhân chứng can đảm của Tin Mừng”. Đức thánh Cha cũng đã nhấn mạnh đến gương tông đồ và những thành quả của thánh Phaolô, vị tông đồ mà chúng ta thường gọi là vị thánh Tông Đồ truyền giáo cho dân ngoại, kể từ khi gặp gỡ Chúa Giêsu trên đường đi Đamas. Chúa Giêsu đã hiện ra với ông và kêu gọi ông làm tông đồ dân ngoại. Hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô thật gian nan và đầy rẫy những bắt bớ, ngục tù, đắm thuyền, tù đầy tại Rôma và cuối cùng bị trảm quyết. Bước chân của ông đã đi khắp vùng Árập. Từ Antiokia xứ Syri đến Đerbê trong hành trình truyền giáo thứ nhất. Từ Antiokia xứ Syri đến Corinthô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai. Từ Corinthô đi Êphêsô, ghé  thăm các vùng Tiểu Á Galat trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba. Thánh Phaolô cùng với các cộng sự viên như Timôthê, Titô, Erastô, Gsiô, Aristarkhô, và Epaphra đã thành lập được nhiều cộng đoàn Kitô giáo. Số tín hữu lãnh nhận phép rửa tội ngày càng đông, có lẽ một phần nhờ vào lòng đầy nhiệt huyết của thánh Phaolô và các cộng sự viên đã chẳng quản ngại gian khổ, bắt bớ, chống đối và tù đầy để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Và do các ông đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần. Người đã soi sáng  cho các ông hiểu biết và nhận thức được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người. Họ đã đổi mới cuộc sống, biết quên mình và bỏ mình để Thiên Chúa sống trong họ, để tạo dựng nên những cộng đoàn dân Chúa thời ấy.

Đức thánh Cha cũng nhắc nhở các giám mục về cách thức Thánh Phaolô đã làm cho đức tin được phát triển tại Athen. “Nhớ đến cách thánh Phaolô đã giảng Tin Mừng cho người Athen, quý huynh cũng được mời gọi trình bày đức tin Kitô giáo bằng những cách nào đó phù hợp với ‘sự hiểu biết về tâm linh và sự khôn ngoan về tâm lý bẩm sinh của linh hồn Á Châu’, để dân chúng đón chào nó và làm cho nó thành đức tin riêng của mình”.

Cách giảng đạo của thánh Phaolô tại Athen

Thánh Phaolô trong khi ở Athen chờ đợi hai ông Sila và Timôthê từ Bêrê đến. Ông đã nổi giận khi thấy dân chúng tại đây, mê tín thờ nhiều tượng thần, trong đó có cả một bàn thờ để thờ thần vô danh. Ông đã thảo luận với những người Do Thái và những người tôn thờ Thiên Chúa trong hội đường. Ông cũng thảo luận ở ngoài quảng trường mỗi ngày với những người qua lại trên đường phố. Trong đó có cả những triết gia thuộc phái Khoái lạc và Khắc kỷ. Dân Athen và những người kiều dân ở đó chỉ để thời giờ tán gẫu hay để nghe ngóng những chuyện mới nhất. Họ đã mời Thánh Phaolô đến đồi Arê để nghe ông nói những điều mà họ cho là lạ tai. Vì ông đã giảng Tin Mừng về Đức Giêsu và sự Phục Sinh.

(Cv.17: 16-21).

Chúa thánh thần đã soi sáng cho ông biết điều mà ông phải nói. Đứng giữa đồi Arê ông nói: “Kính thưa quý vị người Athen, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quí vị, tôi thấy cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị: “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu, như một số thi sĩ của quí vị đã nói: Chúng ta thuộc dòng giống của Người. Đã thuộc dòng giống thần linh, thì ta không được nghĩ rằng thần linh lại giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.

“Vậy những thời vô tri, Thiên Chúa bỏ qua không chấp. bây giờ Người loan báo cho nhân loại là mọi người, mọi nơi phải hối cải, bởi chưng Người đã định là sẽ có ngày người xử án thiên hạ một cách công minh, do một Đấng, Người đã chỉ định; để cho mọi người được lấy làm bằng, thì người đã cho Đấng ấy sống lại từ cõi chết” (Cv. 17: 22-31).

Đọc đoạn sách Tông Đồ Công Vụ trên, chúng ta thấy thánh Phaolô đã tìm hiểu kỹ lưỡng về tín ngưỡng, văn hóa và tập tục thời bấy giờ của dân Athen. Ông thấy được sự sai lạc của việc tôn thờ của dân chúng, các tượng thần và cả vị thần vô danh, vị thần họ biết là có nhưng không biết rõ là ai. Ông đã giảng dậy từ chỗ không biết đến chỗ biết, từ những tập quán mê tín đến chỗ nhận biết Đấng tôn thờ, và biết cách tôn thờ Thiên Chúa.

Hạt giống Tin Mừng gieo tại Mã Lai, Singapore, Brunei 

Đức Thánh Cha nói: “Dân Á Châu đã sung sướng bày tỏ một sự khao khát Thiên Chúa thiết tha. Qua việc truyền lại cho họ sứ điệp mà quý huynh cũng đã nhận được, quý huynh đang gieo những hạt giống truyền giáo trên một thửa đất mầu mỡ”. Theo bước chân các nhà truyền giáo Âu Châu vào đầu thế kỷ thứ XVI. Đã đến truyền giáo tại các nước Á Châu, trong đó có các nước như Mã Lai (năm 1511) , Singapore ( năm 1821), Brunei (năm 1587). Thế nhưng cho đến nay. Con số tín hữu Công Giáo vẫn còn quá ít oi, chỉ 3% đến 10% dân số của cả nước. Dân chúng ở các nước này đa số theo đạo Hồi giáo như ở Mã Lai, Brunei, và ở Singapore thì đa số theo đạo Phật giáo.

Đức Thánh Cha cho rằng quí vị giám mục của các nước ấy đang gieo những hạt giống truyền giáo trên một thửa đất ‘màu mỡ’.

Phải chăng vì còn quá nhiều người chưa biết đến “vị thần vô danh” như dân Athen ngày xưa. Phải chăng Đức thánh Cha thấy dân chúng ở các nước Á Châu có lòng kính thờ những đấng thiêng liêng, và vì giữa họ hãy còn thiếu những người can đảm rao giảng Tin Mừng và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu như thánh Phaolô. Hay sự ngăn trở của nhà cầm quyền ngăn cấm không cho dân chúng có quyền tự do tôn giáo. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha khuyến khích các giám mục có một quyết tâm đối thoại liên tôn trong phạm vi đối thoại cởi mở và chân thành với các tôn giáo tôn giáo lớn như Hồi giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo đang được dân chúng tin theo ở các quốc gia Mã Lai, Singapore, và Brunei, mà các giám mục đang chăm sóc cho giáo hữu. Đối thoại liên tôn đích thực đòi hỏi mỗi bên phải nói thật và biểu lộ căn tính của mình. Đây là một hành trình tìm kiếm sự thật cứu độ, chứ không phải những mẫu số chung giả tạo. Chính sự đối thoại này sẽ giúp cho tín hữu nhận biết được đâu là chân lý và sự thật, biết được Đấng thiêng liêng đáng tôn thờ. Đồng thời sự đối thoại liên tôn này cũng giúp tìm ra những phương thế để phát triển tình thương yêu đồng loại, phát triển một xã hội tự do, hòa bình, và thịnh vượng.

Đối thoại liên tôn với các tôn giáo trong cùng một quốc gia 

“Trong chân lý, hòa bình.

  Anh với tôi là một.

  Cùng quê hương chung sống.

  Cùng lãnh nhận ơn trời.

  Trên vùng trời Châu Á.

  Đoàn kết để yêu thương”.


Hãy quan sát một cây đa to ở đầu làng, vừa bị một cơn giông làm bật gốc, nằm ngổn ngang bên vệ đường. Chúng ta sẽ thấy phần trên của cây nằm phía trên mặt đất bao gồm thân cây, nhánh cây, cành cây, lá, chồi, bông hoa. Phần dưới mặt đất là gốc cây bao gồm những rễ chính ăn thẳng sâu xuống lòng đất, rễ phụ mọc chung quanh gốc, có nhiều rễ con và từ những rễ con ấy có rất nhiều rễ nhỏ hơn nữa lan tỏa đi khắp mọi hướng để tìm nguồn dinh dưỡng nuôi cây. Nếu chúng ta thử bắt đầu từ những rễ nhỏ của các rễ con đi lần về và hội tụ về hướng rễ phụ chạy ngược trở về gốc cây và đi lần tới thân cây. Thân cây như cột trụ cho tất cả các rễ xuất phát từ gốc cây. Chúng ta sẽ hiểu tại sao có một triết gia Á Châu đã nói rằng không có hai Thiên Chúa, chỉ có một Thiên Chúa mà thôi nhưng được người ta gọi khác tên.

Nếu mọi người đều cho Thiên Chúa là Chúa của mình, là đấng đáng được tôn thờ, kính yêu và họ luôn vâng theo tín điều được chỉ dạy. Trước hết họ hãy thể hiện bằng cách sống và thực thi điều mà các giáo điều ấy đã chỉ dạy họ về lòng bác ái, về tình yêu thương đồng loại và sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống tâm linh để mọi người được sống chung trong một xã hội công bình, bác ái. Chính khi họ thực hiện các việc làm bác ái cho những anh em cùng khổ, cho bạn bè, làng xóm, là lúc họ sẽ gặp được Thiên Chúa. Lúc ấy họ mới xứng đáng được gọi là con của Thiên Chúa và là tín hữu đích thực.

Hơn thế nữa, các tôn giáo ngày nay còn phải đối đầu với chủ thuyết duy vật và tương đối. Nó làm cho người ta trở nên ích kỷ và thờ ơ trước những sự đau khổ của tha nhân, nó đang làm con người xa lánh và gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống của con người. 

Khi mặt trời sáng tỏ.

  Chiếu rõ khắp mọi miền.

  Anh ở tận trời Đông.

  Tôi trời Tây đối lập.

  Cùng hưởng nắng của trời.

  Ơn trời là của chung”.

Đức tin phát triển trong Hội Thánh Á Châu 

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các giám mục của hội đồng giám mục các nước Mã lai, Singapore, và Brunei, cần tìm hiểu nghiên cứu văn hóa, truyền thống của dân tộc để đức tin được mọi người đón nhận và phát triển trong cuộc sống của họ, qua lời nhắn nhủ như sau đây.

“Tuy nhiên, nếu muốn cho đức tin được phát triển, nó cần phải đâm rễ sâu trên đất Á Châu, nếu không người ta sẽ coi nó như một thứ đồ nhập cảng từ ngoại quốc, xa lạ với văn hóa và truyền thống của dân tộc quý huynh”. 

Như một thứ đồ nhập cảng từ ngoại quốc 

Thật vậy, vì trước khi đạo Công giáo được các nhà truyền giáo Âu Châu đến giảng dạy cho dân chúng tại các nước Á Châu này. Dân chúng trong nước đã theo nhiều đạo giáo khác nhau và họ coi những tín ngưỡng ấy như là quốc giáo, hay ít ra nó đã có ảnh hưởng lớn trên đời sống của dân tộc họ từ lâu đời. Các tôn giáo lớn tại các nước như Mã Lai , Singapore và Brunei là: Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo.

Cho nên đạo Công giáo được dân chúng tại các nước Á Châu coi như một thứ tôn giáo du nhập từ Tây phương, một thứ tôn giáo khác biệt với văn hóa của người Á Châu. Chính vì thế mà cha ông của chúng ta ngày xưa đã bị khép tội là theo ‘Tà đạo’.

Truyền thống tôn giáo và văn hóa của Á Châu 

Phần đông người Trung Hoa sống ở Singapore theo đạo Phật giáo(42.5%), hơn nửa dân số của nước Singapore là người gốc Trung Hoa, số còn lại là người Mã Lai, Ấn Độ. Ở nước Mã Lai cũng  nhiều chủng tộc và nhiều văn hóa cổ truyền, nhưng Hồi giáo lại có ảnh hưởng nhiều đến tín ngưỡng của người dân tại Mã Lai và  đặc biệt tại nước Brunei (67%).

Tuy nhiên về truyền thống gia đình thì các người dân Á Châu vẫn lấy gia đình làm gốc. Đại gia đình trong đó bao gồm ông bà, cha mẹ, anh em, chú bác, cô dì, con cái, cháu chắt. Như Việt Nam ta gia đình gồm gia phả tổ tiên, ông bà đến bảy, tám đời. Ông bà cha mẹ ở chung trong một căn nhà, để tiện việc chăm sóc và dậy dỗ con cái khi còn trẻ và ngược lại họ được chăm sóc khi  tuổi về già.

“Một lòng thờ mẹ kính cha,

  cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Lòng biết ơn và nhớ ơn Tổ Tiên, Ông Bà, Cha mẹ là nền tảng của việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Ngày giỗ Ông bà cũng là dịp để con cháu, anh em quay về nhà tổ để gặp gỡ, xum họp và cùng chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn với nhau.

Người dân Á Châu hiếu khách, thương người, yêu mến anh em và đầy lòng nhân ái.

“Anh em như thể tay chân.

  Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

“Lá lành đùm lá rách”.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Người Á Châu có nhiều tình người, giàu tình thương đồng loại. Họ bao dung, cảm thông, vị tha và hiền hoà.

“Thương nhau củ ấu cũng tròn,

  Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

“Thương người như thể thương thân”.

“Một câu nhịn chín câu lành”.

Người dân Á Châu có lòng tin vào Đấng thiêng liêng, và cầu xin khấn nguyện để được tai qua nạn khỏi, được mùa màng… Đấng thiêng liêng ấy dân chúng thường gọi là ‘Ông Trời’, hay gọi tắt là Trời.

Người dân Á Châu trung thành trong đời sống hôn nhân, cho dù là ngày xưa ‘cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’. Thế mà họ vẫn ăn đời, ở kiếp với nhau.

Người dân Á Châu rất cầu tiến, ham học và trọng sự học vấn.

“Sĩ, Nông, Công, Thương”.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Người dân Á Châu yêu thiên nhiên và yêu sự sống. Rừng núi, sông nước là những món qùa mà Thiên Chúa đã ban cho các nước Á Châu, người dân yêu con sông xanh, yêu núi rừng, yêu muông thú, yêu cánh đồng lúa rộng mênh mông, và yêu quí trẻ thơ.

Còn rất nhiều đặc tính của người dân Á Châu cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn thì mới hiểu hết được trong đó có đặc tính siêng năng, cần mẫn và sức chịu đựng.

 Đức tin đâm sâu rễ vào lòng đất Á Châu

 

“Trên đất mẹ màu mỡ.

  Gốc rễ được sinh sôi.

  Phát triển tận chân trời.

  Để muôn người được hưởng.

  Hồng phúc của thánh ân”.

- Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô mà các tín hữu thuộc các nước Á châu, cần phải được các linh mục là ‘những Thày dạy Đức tin’ hướng dẫn, giảng dạy giáo lý một cách liên tục từ ấu thơ cho đến trưởng thành. Cách giảng dạy cần phù hợp với sự hiểu biết về tâm linh và tâm lý của các tín hữu ở mọi lứa tuổi, giúp mọi người giáo dân trong cộng đoàn được thăng tiến về giáo lý, tín lý và đức tin.

- Đức tin vào Chúa Giêsu cũng cần được in sâu vào tâm khảm, trí óc của giáo dân. Họ yêu Chúa và tha nhân không phải chỉ bằng lời nói xuông, nhưng lòng yêu Chúa và tha nhân được phát sinh từ trong tư tưởng, lời nói và thể hiện bằng việc làm. Đức tin này sẽ vững chắc không lay chuyển tựa núi đá. Nhờ sự giảng dạy giáo lý của các vị linh mục cùng các giáo lý viên, giáo dân trong Cộng đoàn nhận ra được họ đang sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Họ nhận biết Thiên Chúa đang sống, hoạt động trong họ. Họ vui sướng khi nhận biết được rằng, họ sống nhưng không phải họ sống, mà là chính Thiên Chúa đang sống trong họ. Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của họ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tác động. Họ vui sướng, thỏa mãn vì tình yêu và bình an của Chúa ban cho họ tràn đầy, và lan tỏa đến những người sống chung quanh.

- Đức tin vào Chúa Giêsu cũng cần được ăn rễ sâu vào tâm hồn của người tín hữu bằng sự kết hợp với Chúa qua việc tham dự thánh lễ, viếng mình Thánh Chúa, chầu thánh thể. Hay qua cách cầu nguyện đơn sơ và chân thành, hoặc tâm nguyện với Chúa. Những thể cách trên sẽ làm cho rễ Đức tin được lớn mạnh trong các tín hữu Á châu, đang khao khát tình yêu của Thiên Chúa. Đức tin vững mạnh đến nỗi dù phong ba, bão táp, hay lửa hỏa ngục cũng không thể làm bật gốc rễ, hay thiêu rụi được. Bằng chứng là gương anh hùng tử đạo của hàng trăm ngàn cha ông Việt Nam chúng ta thủa xưa.

- Đức tin cũng cần thâm nhập vào trong lời nói hàng ngày của các tín hữu. Các vị linh mục coi sóc các giáo xứ hay là tuyên úy của Cộng đoàncần khuyến khích giáo dân năng đọc kinh thánh, thánh vịnh, các sách tu đức, sách gương các thánh. Để nhờ đó mà Lời Chúa thấm nhập vào tâm trí của họ. Lời Chúa được rao truyền cho tha nhân bằng chính ngôn ngữ của đất nước họ qua những cuộc đối thoại hàng ngày.

- Đức tin của các tín hữu cũng cần được nuôi dưỡng bằng những việc làm bác ái qua cuộc sống đạo giữa đời. Yêu mến và hòa giải với Thiên Chúa bằng cách sống và ăn năn, sám hối quay trở về với tình yêu Thiên Chúa. Yêu mến tha nhân được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày qua các sự tha thứ, cảm thông và lắng nghe tâm tư của anh em đồng loại, biết chia sẻ tình thương cho người kém may mắn với tất cả tình mến thương trong một tình yêu của Thiên Chúa.

- Đức tin vào Chúa Giêsu của các tín hữu cũng đòi hỏi họ thực thi công tác tông đồ của người giáo dân bằng cách sống làm nhân chứng cho Chúa Giêsu và sự Phục Sinh của Người. Đem Tin Mừng và bình an của Chúa đến với tha nhân, và đem họ đến với Giáo hội. Tất cả những phương thức này sẽ giúp cho Đức tin của Giáo dân Á châu phát triển lớn mạnh và giúp cho họ có cuộc sống tâm linh hoàn hảo  và cuộc sống xã hội tốt đẹp hơn.

Những ưu tư lo ngại 

Ngày nay, người tín hữu thuộc giới trẻ đã bị văn hóa tây phương với trào lưu tiến hóa của xã hội ngày nay, với nhiều hình thức băng hoại. Họ bị lẫn lộn giữa lúa Tin Mừng và rơm của thuyết duy vật và tương đối. Tất cả những điều này đã khiến Đức Thánh Cha lo ngại và nhắc nhở các vị chủ chăn có nhiệm vụ cung ứng việc dạy Giáo lý, nhiệt tâm hướng dẫn tín hữu khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính con người của họ. Hướng dẫn và giải thích cho họ nhận thức được là họ đang được sống trong Chúa, và họ đang được hưởng bình yên trong Chúa. Nếu các linh mục của các Giáo xứ, Cộng đoàn còn thờ ơ, chưa tích cực trong việc dạy Giáo lý cho tín hữu ở mọi lứa tuổi thì có ngày Đức tin của tuổi trẻ sẽ bị chết, hay họ sẽ bị lầm lạc trong Đức tin. Họ sẽ không còn phân biệt được đâu là lúa Tin Mừng và đâu là cỏ lùng của kẻ thù là ma quỉ. Họ sẽ tin và thờ đủ mọi loại thần linh như dân thành Athen ngày xưa vậy.

Về phần các tín hữu lớn tuổi. Đức tin của quí vị có còn được chăm sóc, tưới bón bằng cách trau dồi kinh thánh, đọc các sách đạo đức, cầu nguyện, tâm nguyện, và suy niệm Lời Chúa hàng ngày nữa hay không. Hay chỉ là đi lễ cho đủ bổn phận, nghe giảng có nhiều khi nghe tiếng được, tiếng không về đến nhà là quên hết. Đức tin của qúi vị có còn được nuôi dưỡng bằng các việc làm bác ái, tha thứ, và kiến tạo bình an cho tha nhân nữa hay không.

Về phần các con trẻ trong gia đình, từ ấu thơ cho đến tuổi vị thành niên có còn được cha mẹ, ông bà dạy dỗ cho biết cách sống đạo theo gương các thánh và theo gương Chúa Giêsu nữa hay không. Chúng có còn được dạy cho biết thảo kính cha mẹ, biết phân biệt điều tốt để làm và điều xấu để lánh xa nữa hay không.

Về phía các công đoàn Công giáo. Các lễ hội, các cuộc rước kiệu, chầu Thánh Thể, các sinh hoạt đoàn thể tôn giáo có còn được khuyến khích phát triển nữa hay không. Hay đã theo lối sống Tây phương ngắn, gọn, tránh ồn ào, hồn ai người nấy giữ, và thánh làng nào làng ấy thờ.

Hy vọng những ưu tư kể trên là nỗi ưu tư của toàn thể dân Chúa. Cầu chúc mọi người được tràn đầy ơn Chúa thánh Thần, biết chỗi dậy từ những thiếu sót trong đời sống đạo của mình. Can đảm canh tân cuộc sống, quyết tâm làm tròn bổn phận của người Kitô hữu trong thế kỷ thứ hai mươi mốt này. Để Nước Chúa ngày càng được rộng lan khắp nơi và đem bình an cho loài người dưới thế. Amen.

“Tôi tiếc thầm trời tối.

Anh vui mừng rạng đông.

Em thơ khen trời tốt.

Chị nói nắng chẳng hung.

Cùng chung bầu trời cả.

Tất cả là anh em”.

Thụy Miên.




Leave a Reply.