“Đời nó thật sự không có  được tình thương của người cha trần thế. Nó ao ước được gặp gỡ người Cha trên trời như kinh Lạy Cha mà nó thường đọc, nhưng nó chưa bao giờ được gặp”..
 Những bước chân âm thầm của nó, in đều đặn trên mặt cát của bãi biển sau nhà, làm nó chợt nhớ lại thời qúa khứ của thời vượt biên. Cũng những dấu chân ấy, đã in trên cát của bãi biển, đảo Pulau - Bidong. Trời nước mênh mông. Nó như con chim lạc đàn, xa lìa quê hương, đến sống một phương trời xa lạ. Một nơi mà chỉ tòan là trời mây, biển và núi rừng. Hòn đảo ấy đã từng là chỗ chứa đựng trên chục ngàn người Việt tỵ nạn như nó. Nó ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả. Nó đã bỏ cha mẹ, anh em, họ hàng và ngay cả vợ con của nó. Vâng đúng thế nó bỏ lại tất cả cho quê hương khốn cùng ấy, nơi mà con người như nó không có quyền tự do để sinh sống, không có quyền công dân, mọi bước chân đi đều phải trình báo. Cuối cùng nó đã tìm đủ mọi cách để bỏ quê hương, đất tổ, để ra đi. Nó vô gia cư, vô tổ quốc và vô gia đình. Nó không cha, không mẹ, không anh em, họ hàng thân thích, không vợ con nơi đất tỵ nạn Mã Lai. Ngày ấy nó chỉ mơ ước một điều, là được đi định cư tại một quốa gia nào đó. Ước mơ đó, như một sự bình an mà nó chờ đợi phái đoàn cao uỷ Liên Hiệp Quốc ban phát cho nó, trong thời gian còn là dân tỵ nạn ở đảo Mã Lai. Thế rồi nó  có tên được đi Úc. Sự bình an ấy chấm dứt, và đời nó lại bắt đầu bằng bao nhiêu nỗi lo âu khác, mà cuộc sống mới bắt nó phải đối diện.

Nó tiếp tục bước đi trên bãi cát trắng mịn. Nó đùa giỡn với những cơn sóng mang nước lên theo cơn thủy triều dâng. Nó bỗng cảm thấy mình cô liêu vả đơn độc quá. Mặc dù lần vượt biển này, nó mang theo vợ và đứa con gái út cùng đi. Thời tiết tại đảo Tasmania này còn lạnh lẽo, và nhiều mưa hơn cả Melbourne. Nỗi trống  vắng làm nó chợt nhớ lại câu chuyện thủa xưa giữa nó và một người bạn trẻ. Bạn nó, một thằng bé thiếu tình thương của người cha từ thủa nhỏ. Mẹ bạn nó đã bị người chồng ruồng bỏ, và ở lại miền Bắc. Người mẹ bồng bế con, xuống tàu, di cư vào trong miền Nam năm 1954. Bà một mình tần tảo nuôi con khôn lớn, cho con ăn học tại trường dòng Don Bosco Thủ Đức, nhưng bạn nó vẫn sầu tủi cho thân phận không cha. Có đôi khi bạn nó còn ăn nói nặng lời với mẹ  của mình nữa. Để khuyên bảo, và an ủi thằng bạn ấy. Nó đã kể cho bạn nó nghe về cuộc đời của nó. Nó được sinh ra, và lớn lên trong một gia đìng có đủ mẹ, đủ cha. Thế nhưng cuộc sống của nó có khá gì hơn bạn của nó. Cha mẹ nó lấy nhau từ lúc 16 tuổi, trải qua bao thăng trầm khổ cực của đời làm dâu. Mẹ nó chịu những lời gièm pha của các cô em chồng, chịu những trận đòn của mẹ chồng và chồng. Đến năm 20 tuổi, Mẹ nó đã sinh ra nó. Tiếng khóc chào đời của nó, tưởng đã làm cho mẹ nó từ nay có được hạnh phúc. Nào ngờ cơn bệnh đậu mùa lại ập đến, tàn phá khuôn mặt xinh xắn, nhỏ bé của nó. Thế rồi, lại có lời đồn rằng nó không phải là con của bố nó, vì nó mang xui xẻo đến cho gia đình. Từ khi ấy, mẹ nó và nó bị đối xử như những kẻ tội phạm trong gia đình. Nó đã được nuôi lớn lên bằng những trận đòn, bằng những tiếng chửi tục tĩu của bố nó. Nó sinh ra có mẹ có cha, thế nhưng nó đã không được hưởng chút gì tình thương của người cha. Tất cả chỉ vì lời gièm pha, vu khống của bên chồng. Mẹ nó lúc còn sống thường kể cho nó nghe về đời làm dâu của mẹ nó. Mẹ nó nói: “sống thì để bụng, chết mang theo”. Đời nó là thế ấy. Nó và bạn của nó, hai thằng đều thiếu tình thương của người cha, nhưng ít ra thằng bạn của nó còn may mắn hơn, không bị những trận đòn trả thù của bố như nó.

Nó cố tình vượt biên. Không phải chỉ để tranh khỏi phải sống trong chế độ của kẻ thù, mà nó còn lý do khác nữa là vì nó thoát khỏi cuộc sống trong một gia đình như  bị giam trong một hỏa lò, hay rõ hơn là sống trong hỏa ngục trần gian. Nó chỉ sống bằng tình thương của mẹ nó. Đời nó thật sự không có  được tình thương của người cha trần thế. Nó ao ước được gặp gỡ người Cha trên trời như kinh Lạy Cha mà nó thường đọc, nhưng nó chưa bao giờ được gặp. Những ngày trong mùa chay, và nhất là trong tuần thánh trước lễ Phục Sinh. Nó thường được nghe những câu nói của các anh chị lớn tuổi hơn nó về việc Chúa chết.

-        Chúa chết rồi mày biết không. Từ nay, mình tha hồ phạm tội, và không còn sợ Chúa phạt nữa.

Nó ngẫm nghĩ. Thì ra là thế đấy. Các anh chị ấy vì sợ Chúa phạt, nên đã siêng năng đi lễ, đọc kinh, và làm điều tốt. Thế nhưng từ hôm thứ Sáu tuần thánh, Chúa chịu nạn, thì tha hồ mà phạm tội. Vì Chúa chết rồi, lấy ai mà phạt tội. Tuổi trẻ hiểu biết giáo lý nông cạn là thế đấy.

Cũng có nhiều ông bố  trong tuần thánh rủ nhau uống rượu, say lè nhè , bắt chước lời Chúa, nói với nhau:\

-        Ta sẽ không còn uống chén này nữa, cho đến khi vế ở trên nước thiên đàng. Bây giờ chúng ta cứ hãy chén cho say.

Sau ngày mất nước, năm 1975. nhiều anh lính bị đi tù cải tạo. Họ gặp nhau trong các trại tù lao động, nhìn nhau, than thầm:

-        Chúa bỏ anh em mình thật rồi.

Có lẽ thế thật, nên miền Nam mới bị rơi vào tay cộng sản. Từ đó nhiều người tìm đường vuợt biên. Trên đường vượt biển, nhiều người trong những chiếc tầu bé nhỏ ấy. Khi bị những cơn gió to sóng lớn, họ đã quăng cả tượcng Chúa xuống biển, miệng lầm bầm than:

-        Cầu xin Chúa mãi mà Chúa chẳng nghe. Thôi thì cho Chúa chìm xuồng trước.

Khi định cư tại Úc, nó cũng nghe nhiểu người nói:

-        Người ta sang đây, bỏ Chúa hết trơn rồi. Họ chạy theo tiền bạc, máy móc, thì lấy đâu có giờ cho Chúa.

Chúa là ai nhỉ? Đời nó chưa bao giờ gặp được Chúa. Chúa cũng chưa bao giờ hiện ra cho nó dưới hình thức loài người, như những bức hình mà các nhà họa sĩ vẽ cả. Ngày mới đến Úc. Nó may mắn được ở trong mộ trung tâm công giáo, nhà nguyện ở kế bên. Có nhiều đêm nhớ vợ thương con, nó không ngủ được bèn mở cửa nhà nguyện để ngồi lặng lẽ trong bóng tối, ngắm nhìn tượng chịu nạn giữa nhà nguyện. Nó than thở với Chúa hàng giờ. Người ta đã bảo nó rằng Chúa thích nơi thinh lặng, vắng vẻ. Ban đêm trời tối đen, nhà nguyện rộng lớn, không gian thật tinh lặng, thế nhưng Chúa cũng đã không hiện ra với nó. Ma cũng không, vì người ta cũng đã bảo nó, nhà thở là nơi lắm ma nhất, vì người ta thường đem xác chết vào để qua đêm tại nhà thờ trước ngày đem chôn. Nó cũng sợ đến nổi da gà,miệng thầm thĩ đọc kinh. Thế rồi cũng chẳng có gì xảy ra. Nó tự hỏi Chúa ở đâu. Theo như kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ, nó biết nó có một người cha ở trên trời. Nó rất ước ao gặp được người cha ấy, vì Người rất giàu lòng thương xót những kẻ khốn cùng như nó.

Kể từ khi nó thành công trong chuyến vượt biển lấn thứ tám, nó đã mất tất cả tài sản, gia đình, mẹ cha, vợ con và anh em. Thế nhưng ngược lại nó đã thoát khỏi ách cộng sản, và thoát khỏi chế độ phong kiến của gia đình, hay nói đúng hơn là nó đã thoát khỏi nhà tù lớn và nhà tù nhỏ mà nó bị giam hãm bấy lâu nay. Thiên Chúa là cha ở trên trời, vì trời cách xa đất nên nó không thể nhìn thấy người cha đầy lòng nhân ái ấy.

Tìm cách gặp gỡ Thiên Chúa Cha. Để có thể gặp gỡ Đấng mà nó tôn thờ. Nó cũng gia nhập vào các đòan thể như Legio Mariae, Nhóm Hồn Nhỏ của chị thánh Têrêsa. Vì nó tin rằng mỗi đoàn thể có linh đạo riêng có thể giúp nó gặp gỡ được người cha trên trời.

Thế nhưng nó vẫn thắc mắc Chúa ở đâu? Chúa ở trong bệnh viện, nơi mà ngưởi ốm cần đến Chúa. Ở trong nhà nguyện hay nơi công viên, trong giảng đường, trường học, phố chợ, nơi tiệc cưới hay trong đám ma. Chúa ở trong chốn ngục tù hay nơi xóm nghèo, dân chúng đói ăn, thiếu mặc. Chúa ở với anh chị công nhân hay ở với nhà phú thương. Chúa ở gần các em bé thơ ngây hay gần các cụ gìa có tràn đầy kinh nghiệm sống. Chúa ở với quý vị tu hành hay ở với con chiên lạc đạo. Chúa ở bên con, trên con hay ở trong con. Chúa ở đâu mà bấy lâu con hằng đi tìm. Nó vẫn chưa biết thực sự Chúa đang ở đâu.

Mãi cho đến cuối năm 2008. Anh Lâm, người bạn của nó, thời còn học Trung học, anh đã mời gọi nó tham dự khóa 3 ngày. Anh ấy đã nói với nó.

-        Bạn muốn biết Chúa ở đâu. Hãy đến mà xem. Chúa đang kêu gọi tên bạn đến, để gặp gỡ người cha trên trời.

Sau ba ngày học tập và gặp gỡ Chúa Giêsu trong nhà nguyện. Nó như chợt thức tỉnh. Linh đạo của phong trào Crusillô là cách thế đưa người ta đến gặp gỡ với chính Chúa Giêsu. Khi gặp được Chúa Giêsu là người ta gặp được chính Chúa Cha.  Chúa Giêsu đã nói với ông thánh Philiphê: “Ai xem thấy Thầy thì cũng xem thấy Cha”. ( Gioan. 14:9). Và muốn đến được với Chúa Cha thì như lời Chúa đã nói với ông thánh Tôma: “Thầy là đường, là sự thật, là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Ôi tuyệt diệu thay! Linh đạo của Phong trào Cursillô. Đến với chính Chúa Giêsu Kitô để gặp gỡ Thiên Chúa Cha, người cha trên trời đầy lòng thương yêu chúng ta, đã sai con một của chính mình để cứu chuộc tội cho nhân loại là chúng ta.

Bây giờ nó đã hiểu cách thế để gặp gỡ Thiên Chúa, người cha nhân từ và đầy tràn tình yêu. Thiên Chúa là sự yêu thương. Ai có sự yêu thương thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy ( thư thứ nhất của thánh Gioan. 4:16).

Ai tuân giữ giới răn Chúa thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong kẻ ấy, chúng ta biết Chúa ở trong chúng ta, nhờ ở Thánh Linh Chúa ban cho chúng ta. (thư thứ nhất của thánh Gioan. 3: 24).

 Vậy làm cách nào để nó gặp gỡ được Đức Giêsu Kitô. Bằng cách yêu thương tha nhân, đem tình yêu đến với mọi người. Chúa Giêsu ngồi ăn chung với kẻ tội lội, thu thuế. Chúa Giêsu đến với kẻ ốm, kẻ liệt, Chúa Giêsu đến chữa lành người mù, điếc, câm. Chúa Giêsu đến dực trong tiệc cưới, Chúa Giêsu ở nơi phố chợ, nơi hội đường, nơi hoang địa. Bước chân của Chúa Giêsu đi khắp mọi nơi, và ngài ở với mọi loại hạng người khốn cùng nghèo khổ, những người đã tin vào danh thánh của Người. Chúa Giêsu đã vui với kẻ vui, và Người cũng đã khóc với kẻ buồn. Nó can đảm đi đồng hành với Chúa Giêsu để đem tình yêu đên cho mọi người. Đời nó may mắn có Chúa ở trong nó, ở chỗ nào nó không biết rõ, nhưng nó cảm nghiệm được rằng, nó có sức sống của Chúa Giêsu ban cho nó, để nó sống hòan toàn lệ thuộc vào Chúa, như là chính Chúa sống chứ không phải là nó sống với bản thân già nua của nó như trước nữa. Nó hạnh phúc vì nó còn có được người Cha trên trời cũng đang sống trong nó như lời Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Con ở trong họ, và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một, như vậy, thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu họ như Cha đã yêu con” (Gioan. 27: 23).

Niềm hạnh phúc là sự bình an bất tận mà con người hằng mong ước khi đời con có Chúa,. Thế gian giả dối chóng qua, mau tàn, nay còn, mai mất. Niềm hạnh phúc là có Thiên Chúa làm gia nghiệp đời con. Chúa là tất cả những gì con ước mong. Tình yêu của Người làm cho can đảm sống giữa đời, với đời, và vào đời bằng hành trang đơn sơ: Tin tưởng vào danh thánh của Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa hằng sống và bằng tinh thương yêu tha nhân. Đó là chân lý sống ngày thứ tư của bản thân nó, và của những ai đang sống thiếu tình thương của người cha trần thế như nó.

Kính chúc quí anh chị em trong Phong trào Cursillo tràn đầy bình an và hạnh phúc trong tình yêu của Thầy Giêsu.

Delore.

Mt. Lê văn Miện.




Leave a Reply.