Ngày xưa, hồi mới ở Bắc di cư vào trong miền Nam, cả xứ đạo Bùi Vĩnh của chúng tôi chỉ có mỗi một nhà ông Phúc Thịnh là mở tiệm bán xe đạp mới và cho thuê xe đạp cũ mà thôi. Gia đình ông ta làm ăn chăm chỉ và phát đạt lắm, khách đến mua và thuê xe đạp lúc nào cũng đông người. Bọn trẻ chúng tôi chỉ biết đứng xa xa mà nhìn những chiếc xe đạp khung đàn ông và khung đàn bà, đủ loại màu sắc.  Lòng tôi ước mong lúc đó gỉa thử mà trồng được cây đẻ ra tiền, thì thể nào tôi cũng mua cho mình một chiếc xe đạp mới, có cả chuông để bấm "kính coong" cho lũ bạn phát thèm nhỏ dãi chơi.
 Ngày nay, thì trẻ con bằng tuổi của tôi ngày ấy, đâu còn mơ ước như chúng tôi ngày xưa nữa. Ở Việt Nam chúng bây giờ ước mơ có một chiếc xe gắn máy, xe Honda. Còn ở Úc thì trẻ con mong mau chóng lớn, đủ tuổi học lấy bằng lái xe, làm kiếm đủ tiền mua một chiếc xe hơi mới, chạy cho sướng thân.

Nhắc đến xe đạp thời xưa, tôi liền nhớ đến câu chuyện mà một học sinh mới lớn đang độ tuổi biết yêu, đã hỏi mẹ nó rằng: "bên tình, bên nghĩa, bên nào nặng hơn?".

Chuyện kể rằng, có một cậu học sinh vừa mới ở ngưỡng cửa biết yêu, nhà có một chiếc xe đạp để dùng làm phương tiện di chuyển vì nhà anh ta ở tận cuối chân đồi, mà phố xá, trường học và chợ thì ở đồi phía bên kia. Vì có người yêu cùng xóm, nên ngày nào anh ta cũng đạp xe, chở người yêu đi học, đi chợ và đi dạo phố. Tuy đồi cao, dốc đứng và người yêu thuộc loại phúc hậu nặng ký. Ấy thế mà anh không biết mệt, lại còn ra vẻ hãnh diện vì được chở người yêu, mặc dù anh ta đã thở phì phò khi lên tới được đỉnh đồi nghỉ chân. Bỗng có một hôm, mẹ của anh ta có việc nhờ anh chở đi chợ. khi đến lúc phải leo dốc, anh liền dừng xe đạp lại và bảo mẹ xuống xe, đi bộ leo dốc vì anh ta nói rằng mệt không đạp chở mẹ leo dốc được, mặc dù bà mẹ thân thể gầy gò. Bà mẹ nhìn cậu con trai của mình, lắc đầu rồi nói.

- Mày ngày nào cũng đèo chở bạn gái của mày thì được, nó còn to gấp đôi tao nữa cơ mà!

- Dạ! nhưng mẹ thử nghĩ coi. Bên tình, bên nghĩa, bên nào nặng hơn?

Tuổi học sinh ngày nay ở xứ Úc này cũng thế. Bạn bè là nhất, là số một, chúng nó qúy bạn bè và nghe theo bạn bè hơn cả lời cha mẹ dạy. Cũng có khi gặp bạn bè tốt và nhiều khi gặp bạn bè xấu. Đây là một trong những vấn nạn mà chúng ta cần lưu tâm để ý tới tuổi trẻ đang sống ở xứ Úc này.

Nguyên nhân có lẽ vì chúng gần gũi bạn bè nhiều thì giờ hơn là gần gũi với bố mẹ. Cả ngày ở trường học, từ 0900 giờ sáng đến 1530 giờ chiều. Chúng học hành trong lớp học, nghỉ giải lao, ăn trưa cùng bạn học cùng lớp. Ngày qua ngày, rồi năm qua năm. Về đến nhà thì đã mệt nhoài, chúng vào phòng đóng cửa.  Cha mẹ tưởng chúng nghỉ ngơi, nên không muốn sai nhờ làm thêm bất cứ việc nhà nào khác. lâu ngày rồi thành thói quen chúng chỉ còn biết bạn bè, nói chuyện với bạn bè, bắt chước bạn bè và nghe lời bạn bè mà thôi.

Tuổi học sinh hay ở Úc gọi là tuổi teenage. Cái tuổi mà các cụ nói là ăn chưa no, mà lo chưa tới. Cái tuổi mà trời cho chúng sức khoẻ sung mãn, ít đau bệnh tật nhất của đời người, giống như tuổi thanh niên vậy nhưng chưa có kinh nghiệm sống. Chúng làm theo ý mình muốn và lời súi giục của bạn bè. Chúng biết bạn bè chúng nhiều hơn là biết về bản thân của cha mẹ và về những lo âu, khó khăn, những suy tư, mong ước và những dự định tương lai của cha me đang phải lo lắng cho gia đình.

“I don’t care”. Đó là câu trả lời của đứa con gái 16 tuổi. Nó sắp sửa được 17 tuổi vào tháng tới, đang học lớp 12. Tháng sáu là tháng thi giữa năm, tháng mà các học sinh đang dồn hết mọi khả năng để ôn tập làm bài thi. Cha mẹ cũng dành nhiều thì giờ để lo thức ăn, nước uống cho con mình có sức để thức đêm mà học nhất là những em học lớp 12 hoặc có thi môn lớp 12.

Ấy thế mà kỳ thi chưa hết, tối thứ bảy đứa con gái đòi mẹ nó cho đến chơi nhà một đứa bạn gái đang học năm thứ nhất đại học. Mẹ nó cố gắng khuyên nó, vì tuần tới nó còn phải thi một hai môn nữa, đợi thi xong rồi hãy đi chơi. Nó vùng vằng rồi nói: "I don’t care" và vào phòng đóng cửa lại.

Hôm sau, tôi chở nó đi lễ Chúa Nhật và khi về lễ, nó lại đến xin phép tôi cho nó đến nhà bạn của nó chơi từ sáng đến chiều. Tôi ngạc nhiên và hỏi lại.

- Ủa con thi xong rồi sao mà xin đi chơi.

- Chưa thi xong, nhưng những bài thi này là thi ở nhà trường nên không quan trọng mấy.

Tôi im lặng đôi chút, rồi nói tiếp

- Con cũng biết là luật của ba mẹ là các con muốn xin đi chơi thì phải xin phép trước một tuần, thì ba mẹ mới cứu xét lời xin, hơn nữa năm ngoái con đã hứa với ba mẹ là sẽ không đi đến nhà đứa bạn nào cả, cho đến thi xong kỳ thi cuối năm. Ba mẹ trợ giúp con ăn uống để con khoẻ, có thì giờ nghỉ ngơi và có thì giờ học hành chứ đâu phải có thì giờ đi chơi.

Với vẻ mặt buồn nó vào phòng đóng cửa và gọi điện thoại báo cho con bạn nó biết là tôi không cho phép đi. Còn phần tôi nghĩ về câu nói của nó: “I don’t care”, lòng tôi cảm thấy buồn và miệng muốn nói rõ cho nó biết rằng nếu tôi là mẹ thì tôi đã nói: “Who care! When you ‘thích ăn me’. You will know who care for you”. Thế nhưng tôi đành cắn răng, im lặng, chờ thời gian trôi qua.

Ở vào tuổi mười sáu, mười bảy này, tuổi trẻ thường thiếu suy nghĩ chín chắn trước khi nói và hành động. Chúng dễ bị lung lay thay đổi ý định bởi bạn bè. Không phải chúng tôi nghiêm khắc với con, nhưng chúng tôi muốn tập cho nó biết nói chữ “Không” với bạn bè của nó, khi nó không muốn và khi hoàn cảnh không cho phép.

Ngày hôm ấy, tim tôi như xe thắt lại vì câu nói của nó đã khiến cánh cửa tình thương trong tâm hồn tôi như muốn đóng lại. Tôi chợt thức tỉnh và nhận ra được rằng, chẳng bao lâu nữa nó sẽ lìa bỏ chúng tôi để sống với bạn bè của nó, ngày ấy chẳng sớm thí muộn rồi cũng phải đến. Bạn bè của nó chẳng phải sinh đẻ, dưỡng nuôi gì nó thế mà được quyền sai khiến nó. Còn cha mẹ chỉ là người đầy tớ không công, sẵn sàng phục vụ nó những khi nó thiếu thốn tiền bạc, bữa ăn hay chỗ trú thân mà thôi. Đau lòng quá phải không qúi vị phụ huynh. Càng nghĩ càng tức, tôi nhất định phải làm một cái gì đó cho hả giận và tôi cầm bút viết lên bài thơ:

Đau lòng mẹ lắm con ơi

 Đau lòng mẹ lắm con ơi.

Những lời con nói, khác gì dao đâm.

Yêu con mẹ đã bao lần,

Nhịn ăn, nhịn uống chỉ vì yêu con.

Những đêm trái gió, dở trời.

Con thơ bị bệnh, mẹ nào ngủ yên.

Có đêm con khóc không ngừng.

Con thơ đau bụng, mẹ lòng quặn đau.

 Đau lòng mẹ lắm con ơi.

Những điều con nói, khác gì gươm dao.

Thương con mẹ đã bao lần.

Chịu đau chịu khổ, chỉ vì thương con.

Những khi con bị phạt đòn.

Giơ cao mẹ khẽ, nhẹ nhàng hạ roi.

Có khi con nũng nịu đòi.

Mẹ yêu con nhất, trên đời mà thôi.

Đau lòng mẹ lắm con ơi.

Những gì con nói khắc vào tim can.

Nuôi con dù cảnh túng nghèo.

Mẹ luôn lo liệu, cho đời con vui.

Bây giờ con lớn khôn rồi.

Con theo chúng bạn, nói lời chua cay.

Con đâu có biết lời này.

Còn hơn lửa đốt, xác hồn mẹ tan.

 Khi viết xong bài thơ trên, tôi chợt nhớ ra lời của đứa con trai lớn của chúng tôi, trước khi vợ chồng chúng ra ở riêng. Chúng đã dặn chúng tôi rằng nếu có việc gì thì cứ gọi chúng, để anh em nó bảo nhau thì dễ hơn.  Tối hôm ấy, sau thánh lễ chiều Chúa nhật vợ chồng chúng vào thăm chúng tôi như thường lệ và tôi đã kể cho chúng nghe chuyện của em gái nó làm phiền lòng chúng tôi. Không biết anh nó đã nói gì với nó, nhưng tôi cũng yên lòng vì ít ra tôi cũng có người thay tôi dạy dỗ các em của nó.

Câu truyện kể trên nhắc nhở mọi người chúng ta, về việc chúng ta mong ước cho con của chúng ta học giỏi về học vấn không cũng chưa đủ, mà còn phải hướng dẫn chúng về các điều lễ nghĩa trong gia đình và ngoài xã hội nữa. Đồng thời nó cũng nhắc nhở cho chúng ta biết, ảnh hưởng của bạn bè nhiều khi còn lớn hơn cả ảnh hưởng của chúng ta đối với con của mình. Cuối cùng, nếu chúng còn biết nghe lời của các anh chị nó khuyên bảo, thì chúng còn có cơ hội sửa chữa được.

Cầu chúc quí vị được an vui và bình an trong Chúa Giêsu Kitô.

Mong ước được đón nhận những ý kiến đóng góp những vấn nạn về tuổi học sinh của quí vị trên Trang học sinh của tờ báo Dân Chúa Úc Châu.

Nay kính.

Thầy giáo trường Dòng.




Leave a Reply.