Tôi chỉ nghe các cụ nói: “Dạy con từ thủa còn thơ”, chứ chưa hề nghe ai nói dạy cháu từ thủa nào bao giờ cả. Trong cuộc sống ở hải ngoại ngày nay. Sự liện hệ giữa cha mẹ và con cái, ngày càng trở nên phức tạp, và sự liên lạc giữa ông bà và các cháu càng ngày, càng ít mật thiết hơn nữa. Chính vì thế, người viết xin mạn phép bàn với các đấng bậc làm ông bà, về vấn đề dạy cháu trong cuộc sống ở hải ngoại ngày hôm nay.
 Trước hết có người nói rằng: “Chúng nó đã có cha mẹ của chúng dạy dỗ, chứ đâu cần đến ông bà”. Sau đó lại có người lại cho rằng: “Ông bà biết gì đâu mà dạy, vì chúng nó nói tiếng Anh với nhau, mình nói tiếng Việt thì bà cháu có hiểu nhau nói gì đâu mà dạy”. Ngoài ra, còn có người cho rằng: “nhà trường dạy chúng một cách, mình dạy cháu một cách, e rằng không hợp với lối giáo dục hiện nay”.

Để hiểu rõ hơn về sự phát triển của một trẻ nhỏ từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành. Chúng ta hãy ôn lại tiến trình phát triển đời sống của một trẻ sơ sinh. Khi em bé vừa được sinh ra khỏi lòng mẹ, thì em đã khóc. Em khóc để báo cho người mẹ biết là mình đói, và cần được bú no thì mới hết khóc. Ngay từ giây phút đầu tiên này. Các bà mẹ đã phải cố công tập cho trẻ sơ sinh biết mgậm núm vú của mình để nuốt sữa. Cứ 4 giờ thì người mẹ lại cho con bú một lần. Thời khóa biểu cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, được các cô y tá sản khoa ghi chép kỹ lưỡng cũng như sự cân đo trọng lượng hàng ngày của em bé.

Các em bé cũng đã dùng tiếng khóc, để diễn tả sự khó chịu vì đái, ỉa làm ướt tã, khiến cha mẹ chúng phải thay và lau, rửa cho sạch sẽ. Các em bé cũng dùng tiếng khóc khi chúng cần được người mẹ bế ẵm, ôm ấp.  Chính vì những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống ấy mà các cháu bé cần phải được huấn luyện về cách ăn uống, ngủ nghỉ cho có giờ giấc. Ngày nay đã có rất nhiều bậc cha mẹ trẻ, họ huấn luyện cho con cái của họ rất hay, và rất đúng cách giáo dục hiện đại.

Thế nhưng. Còn rất nhiều gia đình trẻ đang gặp trở ngại trong vấn đề nuôi nấng con cái. Có thể là do họ thiếu kiến thức, kinh nghiệm vì chưa nuôi con bao giờ. Cũng có thể họ thiếu kinh nghiệm vì không có cha mẹ ở gần để học hỏi. Và cũng có thể vì lòng yêu thương con qúa độ, nên họ đã làm cho đứa bé trở nên khó nuôi, khó dạy.

Bài học đầu tiên mà các bé phải học là sự đúng giờ. Bài học này sẽ giúp cho các em biết quý trọng thời gian về sau này khi đã khôn lớn. Đúng giờ mới được ăn, được bú. Sớm hay muộn hơn đều không phải là thời gian cho các em ăn, hay cho các em bú. Khi các em lớn lên, ông bà cũng dùng cái luật gia đình đầu tiên ấy mà dạy dỗ các cháu của mình. Đúng giờ đi học, đúng giờ nghỉ giải lao, đúng giờ về học, đúng giờ ăn cơm, đúng giờ đọc sách, đúng giờ đọc kinh và đi ngủ. Nếu qúi vị là bậc ông bà xin nhắc nhở chúng, để giúp cho các cháu của mình biết phân chia giờ giấc cho các công việc cần phải làm trong ngày, và giữ cho đúng giờ để thực hiện, thì đó là điều rất hữu ích cho các cháu của chúng ta.

Khoảng 4 đến 5 tháng tuổi. Con mắt của các em đã biết nhìn và nhận ra những khuôn mặt quen thuộc của gia đình. Các em đã biết cười, khi được cha mẹ hỏi chuyện. Ngay từ lúc vài tháng tuổi ấy, các em đã biết dùng khứu giác của mình, phân biệt các mùi vị như mùi mồ hôi của bố, mùi của da thịt, của dòng sữa của người mẹ, để nhận ra kẻ quen người lạ. Các em đã nhận biết được khuôn mặt của mọi người trong gia đình.  Chính sự gần gũi này đã tạo nên sự tin tưởng tuyệt đối của trẻ thơ đối với cha mẹ, anh chị em, ông bà, những người đã gần gũi với trẻ thơ trong những tháng đẩu đời này. Vì hễ bé khóc thì được bế ẵm, nâng niu. Khi bé khóc vì đói thì được cho ăn. Khi bé khóc vì ướt tã thì được rửa sạch, và thay tã.

Có người than phiền là con của mình quấy quá, tối ngày cứ đòi bế chẳng làm được việc gì cả. Thế nhưng, nếu chúng ta biết tập cho các em nằm yên trong phòng, dù là các em thức vì chưa tới giờ ăn. Lâu riết rồi, các em cũng phải quen. Khi lớn lên, các em sẽ có được những tính tốt như:  các em sẽ biết tự tìm ra những việc làm, những trò chơi giải trí khi phải ở trong phòng một mình, hay các em sẽ không còn sợ ngồi học một mình trong phòng, trong thư viện, hoặc phải ngồi yên lặng để suy nghĩ về một vấn đề gì đó.

Ở cái tuổi tập nói. Cha mẹ, ông bà sẽ dạy cho các cháu tiếng nói đầu đời như: ba, má, ông, bà, dạ, vâng. Khi lớn hơn chút nữa, các cháu sẽ được ông bà dạy cho những bài hát, những câu ca dao, câu vè ngắn, và sau đó là các kinh như: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh. Các cháu được ông bà tập cho nghe những điệu nhạc vui, những bài hát đạo với lời chân tình tha thiết dâng lên Thiên Chúa và Đức mẹ. Hoặc ông bà sẽ kể, đọc cho nghe những hạnh tích về các thánh; Những chuyện cổ tích thần tiên; Những mẩu chuyện về gương hy sinh của các cha truyền giáo, gương anh hùng và can đảm tử đạo của các bậc tiền nhân; Những chuyện kể về gương chăm sóc trẻ mồ côi, người bệnh tật của các bà sơ. Nhờ được nghe những câu chuyện hay, những bài hát đạo đức ấy, mà các em biết kính trên nhường dưới, biết đóng góp tiền bạc cho những công việc bác ái, công việc truyền giáo.

Ở cái tuổi tập đi. Cha mẹ, ông bà cũng có thể giúp cho con, cho cháu của mình những bước đi vững chắc đầu đời. Từ cái xe tập đứng, tập đi, và những giây phút nắn bóp đôi chân của cháu mình cho ngay thẳng để nó không bị quằn quèo. Ông bà sẽ tập cho các cháu những bước chân đi đúng điệu 1,2,3,4. Mặt hướng nhìn thẳng về phía trước, để những bước chân vững chắc và bước đi đều đặn như nhịp quân hành của các cụ ngày xưa, thủa còn ở quân ngũ. Tướng đi của các cháu sẽ không ẻo lả, siêu vẹo, không vội vàng. Nhưng các em sẽ biết đi thong thả, đều đặn, và vững chắc. Hoặc các em sẽ biết cách chạy cho nhanh, cho giỏi để về đến đích với mọi người trong trường chạy đua.

Tóc cũng được thường xuyên cắt cho khỏi chấm tai, che mắt khiến tầm nhìn của các cháu bị trở ngại, và làm các cháu bị vấp ngã. “Cái răng cái tóc là góc của con người” theo như các cụ đã nói cơ mà. Các ông có thể mua cái ‘tông - đơ’, để cắt tóc cho các cháu. Cắt tóc cho các con trẻ thì quá dễ, cứ cao và ngắn gọn như thế là đẹp rồi.

Quần áo của các em cũng cần được mặc tùy theo thời tiết để tránh khỏi quá nóng hay quá lạnh. Ở cái tuổi mới lớn này các em thích mặc những quần áo có nhiều mầu sắc sặc sỡ, như các cụ thường nói: “xanh xanh, đỏ đỏ, mua về cho em nhỏ nó mừng”. Các cụ ông, cụ bà nhớ mà mua qùa cho các cháu mỗi khi đến thăm nhé, vì các cháu sẽ nhớ đến ông bà rất nhiều về sau này.

Tuổi biết chơi đồ chơi. Ngay từ khi các trẻ biết nhìn, thì đồ chơi với những mầu sắc rực rỡ như: đỏ, xanh, vàng, hay những màu trắng, màu đen là những thứ khiến các em chăm chú nhìn và dễ thích nhất. Các thứ đồ chơi phát ra âm thanh, cử động cũng gây được sự thích thú của các em. Ông bà cứ tùy theo ý thích mà mua quà cho các cháu của mình nhé. Có người mua chiếc xe đua bằng nhựa, chiếc máy bay, chiếc xe lửa, con chim nhựa biết hót, Búp bê biết khóc, biết cười, cái chong chóng, cái điện thoại nhựa, cái đàn nhựa bấm nút phát ra âm thanh của nốt nhạc. Đồ chơi rất ảnh hưởng đến sự phát triển của trí óc của con trẻ sau này, cho nên xin qúy ông bà cũng nên thận trọng dùm cho các cháu của mình.

Sức khỏe của con trẻ thật là quan trọng đối với sự phát triển toàn diện về thể lực, trí thông minh, nghị lực, tình cảm, sự giao tiếp với mọi người của con trẻ sau này. Thật ngạc nhiên khi các cha mẹ nuôi con và cứ phó thác cho trời nuôi mà thôi. Khi còn là trẻ sơ sinh các em được các nhân viên y tá hộ sinh cân đo hàng ngày, để theo dõi sự phát triển về thể lực, và dần dần thì mỗi tháng một lần. Thế nhưng khi các em lớn lên, các bậc cha mẹ lại quên mất điều cân đo ấy cách thường xuyên. Cho đến một ngày nào đó có ai nói: “Trông thằng bé, con bé có vẻ thiếu dinh dưỡng”, thì cha mẹ mới giật mình, vội mang con mình đi tới bác sĩ gia đình để xin được khám bệnh. Ông bà là người có nhiều kinh nghiệm nuôi con, thì tại sao chúng ta lại không giúp cháu của mình. Thí dụ như: “Hôm nay thằng bé bị nóng đầu, biếng ăn, ho, sổ mũi, thở khò khè, khóc mà không chịu bú, mình mẩy nổi mụn như rôm sẩy. Hoặc hôm nay con bé khó chịu, đau bụng, đi ỉa chảy mấy lần, phân tanh hôi. Cứ nghe kể một lô các triệu chứng ấy. Các đấng bậc ông bà ắt hẳn cũng đã nhận ra là đứa cháu của mình bị bệnh gì, và cần phải chữa trị cách như thế nào rồi. Ông bà đã nuôi bao nhiêu mặt con rồi, làm gì mà họ đã không gặp phải những trường hợp tương tự như thế. Chỉ trừ những cơn bệnh dịch mới lạ mà thôi.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đó là nguyên tắc căn bản đầu tiên mà các bậc làm cha mẹ cần biết. Chứ để cơn bệnh hoành hành đứa trẻ rồi, mới chữa bệnh thì e sợ rằng các biến chứng của cơn bệnh sẽ làm chậm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về thể lực và trí khôn của con trẻ sau này.  

Sự phát triển của trẻ em theo các nhà nghiên cứu. Họ cho rằng theo thời gian và tùy theo sự dinh dưỡng. Các em sẽ được phát triển toàn diện về thể lực, trí óc, cảm giác, tình cảm, tâm lý, tinh thần. Tuy nhiên tùy theo từng cá nhân mà có em phát triển chậm hay nhanh. Cũng có em thích năng động nhưng có em lại thích thụ động. Có em có khiếu vẽ nhưng có em thích âm nhạc, hay có năng khiếu về làm toán. Có em sẽ học giỏi hơn nếu được học bằng cách thực hành, nhưng cũng có em sẽ học giỏi hơn nếu được đọc nhiều sách tham khảo. Hay có em phải được nhắc nhở nhiều lần thì mới thông hiểu được bài học. Tùy theo từng cá tính của từng em, mà chúng ta tìm cách tốt nhất để hướng dẫn cho các cháu của mình. Kinh nghiệm này,qúy vị ông bà chắc chắn đã có khi thời còn phải nuôi con.

Có người cho rằng: “Đời cua, cua máy. Đời cáy, cáy đào”. Đã vất vả nuôi con biết bao nhiêu năm rồi, thì bây giờ là lúc được nghỉ ngơi. Hơn thế nữa, con của nó thì nó dạy, chứ mình dạy theo kiểu của mình sợ con rể, con dâu không bằng lòng. Hay ngược lại, có những người con thấy ông bà lo lắng nhiều qúa cho các cháu. Cho nên họ thấy tội nghiệp, không dám nhờ vả mẹ cha, để cho ông bà được nghỉ ngơi. Các bậc cha mẹ này quên mất câu nói cổ xưa: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Theo truyền thống của người Việt chúng ta. Dù chúng ta sống ở bất cứ ở đâu, thì các ông nội, ông ngoại, các bà ngoại, bà nội cũng đều cùng nhau gánh trách nhiệm trong việc dạy dỗ các cháu của mình. Cứ tưởng tượng rằng các bậc làm cha mẹ đã cố công nuôi nấng, dạy dỗ cho con cái học hành, thành công trong việc làm ăn, buôn bán. Thế mà đến đời cháu, chẳng đứa nào làm nên công cán gì cả. Thì ở tuổi già như các đấng bậc làm ông bà, nào còn cái gì lấy làm vui, và hãnh diện được nữa. Chính vì vậy xin mọi người làm cha mẹ đừng ngăn cản các cụ ông, cụ bà trong việc chăm sóc dạy dỗ cháu của mình.

Có người lại nói rằng: “Tôi quê mùa dốt nát, biết gì đâu mà dạy”. Câu nói quá khiêm nhường, nhưng không hòan toàn đúng. Kinh nghiệm trong cuộc sống của quý vị là những bài học dạy hết cả đời cũng không hết. Các bà có thể dắt cháu đi chợ, chỉ cho cháu xem những gian hàng bán trái cây, mua một vài trái về ăn , lấy hột và tập cho các cháu gieo trồng, tưới và chăm sóc cho cây lớn lên để sinh hoa kết trái. Các bà đã dạy cho cháu nghệ thuật trồng cây rồi đấy. Các bà cũng có thể mua một vài món như thịt, cá, đem về nhà nấu, để bà cháu cùng ăn với nhau. Đó là các bà đã có cớ để dạy cho các cháu biết thưởng thức và cách nấu ăn rồi đấy. Các bà có thể dạy cho cháu đọc các kinh thông thường và dẫn cháu đi nhà thờ, hay tham dự những buổi đọc kinh chung trong gia đình hay giáo khu, để cùng với mọi người tôn vinh Chúa hay tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Còn về phía các cụ ông thì những cuộc đi du ngoạn, cắm trại hay đi câu cá cũng là những dịp khiến ông cháu cùng nhau sống, và yêu thích thiên nhiên với các thú tiêu khiển lành mạnh. Những món đồ chơi bằng giấy, bằng gỗ mà ông cháu đã cùng làm, là những vật kỷ niệm mà các cháu rất thích. Những bài tập thể dục buổi sáng, những trò chơi rồng rắn, nhảy cò cò, cỡi ngựa, những bài hát vui của tuổi trẻ mà ông cháu cùng nhau tập dợt cũng là những đề tài luôn luôn hấp dẫn con trẻ. Một vài thế võ nhu đạo, hay một vài thế võ Thiếu Lâm, Việt võ đạo cũng làm cho lũ cháu trai mê tít thò lò, và bái phục tài nghệ của các cụ ông.

Nhưng có người lại cho rằng họ không biết dạy trẻ ở trong môi trường xã hội không phải là của người Việt ở quê nhà. Vâng đúng thế, chúng ta phải tìm tòi, hỏi han, để biết thích ứng với môi trường mới. Ngoài những điều căn bản về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và những tín điều mà người tín hữu buộc phải tin. Chúng ta còn vô số đề tài cần phải tự học hỏi, để trau dồi kiến thức và có thể hướng dẫn, cũng như có thể trả lời cho các cháu khi chúng hỏi: “Tại sao”.

Dạy cháu cũng cần phải có một chương trình hẳn hoi, tùy theo từng lứa tuổi mà dạy dỗ, tùy theo từng bản tính cá nhân của mỗi đứa trẻ mà cách dạy cũng phải thay đổi. Sự dạy dỗ con trẻ cũng cần phải có khen, có thưởng, có phạt, và nhất là phải có những khảo hạch, để thấy được sự cố gắng của con trẻ. Chứ nếu không, thì nhiều khi sự rầy la, dạy dỗ của chúng ta trở thành vô nghĩa, và “dạy cháu nhà, mà cháu hàng xóm khôn”.

 Hy vọng với những suy tư được viết ở trên, sẽ giúp qúy vị, các đấng bậc làm ông ngoại, ông nội, bà ngọai, bà nội có được một quyết tâm, cùng nhau ra sức truyền hết túi khôn của mình cho các cháu. Chúng ta hãy cùng nhau tiếp tay cho các con của mình trong việc dạy dỗ các cháu nên người công dân tốt cho xã hội, cho đất nước, và trở thành người tín hữu tốt lành cho giáo hội.

Ngày xưa, các cụ đã thường nói: “Con hơn cha thì nhà có phúc”. Nhưng nếu ngày nay, các ông các bà giúp cho các cháu hơn ông, hơn bà thì thật là nhà ta có đại phúc.

Thụy Miên

.




Leave a Reply.