Đối với những người đang ở tuổi vào bậc làm ông bà thì chẳng còn ai lạ gì với câu nói của cổ nhân: “Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về”. Câu nói này, có ý nghĩa thiên về cách dạy con, dạy vợ cách ăn ở lễ phép hơn là dạy học. Ngày nay, các bậc làm cha mẹ đều mong muốn cho con mình sau này học hành giỏi giang, trở thành ông này bà nọ, nên đa số đã gắng công sức đi tìm thầy cô, tìm trường tốt cho con mình học chữ ngay từ lúc còn bé tí tẹo, chưa biết gì.
 Có hai bà mẹ trẻ gặp nhau. Một người than với bạn rằng: “thằng bé nhà tôi quấy lắm cứ khóc đòi bế tối ngày, chẳng rời ra được một chút nào cả”. Nghe vậy người kia đáp lại: “Cứ gởi tới nhà giữ trẻ, thì vài bữa là nó sẽ ngoan ngay”. Ít tháng sau. Hai bà mẹ lại gặp lại nhau, họ mừng rỡ chào nhau và người mẹ có con khen rằng: “thằng bé từ khi gởi đến nhà giữ trẻ, nó ngoan hẳn ra”. Thì ra thế, có đi học thằng bé được huấn luyện giỏi cả ra. Nhiều gia đình đã gởi con sau vài tháng nghỉ hộ sản, nhưng đa số là gởi con cho cha mẹ bên ngoại, hay bên nội nuôi mà thôi.

Gần đây có những trường dạy trẻ từ khoảng 9 tháng tuổi, giá một giờ học là 50 đô. Tuần học một giờ, nhiều cha mẹ rất hài lòng vì con của họ đã phát triển nhanh về khả năng nhận biết màu sắc, và tiếng nói. Chính vì thế những gia đình khá giả, thường chọn lựa nơi ở, họ mua nhà gần các trường học nổi tiếng, có nhiều học sinh giỏi. Họ hy vọng con họ sẽ được nhận vào học ở các trường ấy.

Có thể nói là phong trào gởi con đi học sớm, hay gởi con vào những trường tư thục mắc tiền, ngày nay không còn gì xa lạ với người Việt Nam đang sinh sống tại đất nước Úc này. Tuy nhiên vì tốn kém tiền bạc, và mất thời gian, mất sự phát triển tự nhiên của con trẻ, cho nên cũng từ đó mà sinh ra bất đồng ý kiến giữa vợ và chồng, giữa gia đình bên nội và bên ngoại.  Hãy thử nghĩ lại ngày xưa, khi còn ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh, hoàn cảnh còn túng thiếu đối với đại đa số gia đình, thế mà các học sinh ngày ấy vẫn đạt được kết quả rất tốt. Chính vì thế mà người viết xin nêu ra những yếu tố gia đình trong việc dạy con trong việc học chữ nghĩa.

Trước hết, xin bàn đến các yếu tố ảnh hưởng đến việc học của các em nhỏ.

Chúng ta nên tìm hiểu con em của mình thuộc  loại năng động hay ít hoạt động. Tùy theo sự phát triển về thể lực, vận động, di chuyển, chạy nhảy, về khả năng học và nhận biết về màu sắc, hình dáng, về sự phát triển tiếng nói, ngôn ngữ của các em nhanh hay chậm mà cách dạy cũng khác nhau. Ngoài ra còn các yếu tố khác làm chậm sự phát triển của trí thông minh của các em, như ảnh hưởng của bệnh bẩm sinh như: Autism, Down Syndrome, Cerebral Palsy, động kinh, mắt kém, tai điếc.Ngoài ra sự suy dinh dưỡng, hay cơ thể của các em thiếu các chất như chất Iodine, chất kẽm, hay thiếu máu do không đủ chất sắt trong cơ thể, hay do người mẹ bị nhiễm bệnh HIV, hoặc do người mẹ bị bệnh trầm cảm sau khi sinh con. Và ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của các em, là do thiếu sự hướng dẫn hay tạo cho các em có cơ hội học tập hay tiếp xúc với môi trường bên ngoài của xã hội.

Như đã nói từ đầu, là chúng ta đều ước muốn dạy con từ thủa còn thơ cơ mà. Vâng đúng thế, nhiều gia đình trẻ ngày nay có chương trình huấn luyện con một cách tài tình. Ngay từ những ngày mới chào đời. Họ huấn luyện về giờ giấc: như giờ ăn, giờ ngủ, giờ thức, giờ được bồng bế, giờ  để tắm rửa, vệ sinh. Còn đối với những yếu tố thuộc về gia đình. Các bậc cha mẹ cũng cần hiểu rõ tiến trình phát triển của các em theo từng lứa tuổi. Các em từ lúc sinh ra cho khi đến khi đến tuổi cắp sách đến trường. Cơ thể và trí hiểu biết luôn luôn phát triển theo các giai đoạn của từng tháng tuổi, và người ta đánh dấu sự thay đổi ấy theo từng cột mốc ở 3 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 1 năm tuổi. 18 tháng tuổi, 2 năm tuổi, 3 năm tuổi, 4 năm tuổi, 5 năm tuổi. Lúc được 4 tuổi, các em sẽ được đi học ở Kindergarten. Năm sau đó, khi các em đủ 5 tuổi sẽ lên lớp Prep hay gọi là lớp chuẩn bị cho bậc tiểu học. Năm 6 tuổi, các em bước vào năm học của bậc tiểu học, từ grade 1 đến grade 6. Theo các nhà nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em cho biết như sau:

Ở vào 3 tháng

Các em sẽ biết quay đầu hướng mắt nhìn về phía có ánh sáng và những màu sắc sáng tươi. Nhận diện ra bình sữa hoặc bầu sữa của người mẹ. Biết trả lời khi nghe thấy tiếng của người mẹ. Biết tạo ra tiếng ọ ẹ. Biết chập tay, ngoe nguẩy bàn chân hay đong đưa tay chân. Biết ngẩng đầu khi em được đặt nằm sấp. Biết im lặng khi nghe thấy tiếng nói hoặc âm thanh.

Khi được 6 tháng

Mắt của các em sẽ biết nhìn theo các vật chuyển động. Mặt biết hướng về nơi phát ra những nơi tạo ra những âm thanh bình thường. Tay cố với tới các vật ở gần, và nắm lấy chúng. Biết rờ và thích nghịch với các ngón chân của bé. Biết cầm bình sữa khi bú. Biết nhận ra những khuôn mặt của người quen. Biết bắt chước âm thanh của lời nói. Biết lật lẫy.

Khi được 1 năm

Các em biết ngồi, bò, và tập đứng. Biết bắt chước người lớn nghe điện thoại hay uống trà. Biết chơi trò ú òa, nhìn trộm. Biết vẫy tay chào tạm biệt. Biết nhặt đồ chơi bỏ vào thùng đựng. Biết nói tiếng “ma- ma” hay “ba- ba”.

Khi được 18 tháng tuổi Các em biết đẩy hay kéo các đồ vật. Biết nói ít nhất là 6 chữ. Biết đi theo sự hướng dẫn đơn giản. Biết kéo giầy, vớ và bao tay khi không thích. Biết chỉ đúng bức tranh ở trong cuốn sách mà người mẹ đã dạy. biết tự đút ăn lấy cho mình. Biết vẽ nguệch ngoạc trên giấy. biết đi thụt lùi. Biết dùng tay chỉ trỏ hay cố gắng dùng tiếng nói để hỏi về điều gì đó. Khi em bé được 2 tuổi Các em biết dùng câu từ 2 hay 3 chữ trở lên. Biết nói sõi độ khoảng 50 chữ. Biết nhận dạng những bức hình quen thuộc. Biết đá trái bóng cho lăn về phía trước. Biết tự súc ăn bằng thìa. Nhất là đòi hỏi người thân chú ý đến mình nhiều hơn. Biết nhận ra đâu là tóc, tai,mắt mũi bằng cách chỉ vào đúng chỗ khi em được hỏi tới. Biết quyến luyến, tình cảm khi phải chia tay với bạn bè đến chơi. Khi em bé được 3 tuổi Các em biết cỡi xe đạp 3 bánh. Biết tự sỏ giầy vào chân. Biết mở cửa, biết lật sách từng trang. Biết chơi với các trẻ khác cùng lứa tuổi trong chốc lát. Biết nhắc lại những câu ca dao ngắn. biết nói những câu có từ 3 đến 5 chữ. Biết nói đúng màu sắc ít nhất là một màu: trắng, đỏ, vàng, xanh, đen. Khi các em được 4 tuổi Các em biết dùng câu nói từ 5 đến 6 chữ. Biết đi lên xuống cầu thang mà không cần sự trợ giúp của mẹ cha. Biết ném trái banh. Hiểu và biết đếm được vài con số từ 1 đến 10. Biết vẽ người có đầu, có 2 tay và đôi khi có cả 2 chân. Em có thể nhớ được một phần của câu chuyện mà người cha, người mẹ đã đọc cho em nghe. Em cũng bắt đầu hiểu nhiều hơn về thời gian. Em cũng hiểu biết hơn về khái niệm sự “giống” và “khác nhau”. Em tưởng tượng rằng những hình ảnh không quen thuộc đều là “quái vật” cả. Khi các em được 5 tuổi Các em biết dùng các câu nói từ 5 chữ trở lên. Thích hát, múa và đóng kịch. Các em bắt đầu để ý đến sự khác biệt giữa phái tính.Biết đếm hơn 10 đồ vật. Biết kể những câu chuyện dài, Biết nhảy cò cò, trèo leo, đánh đu, biết vẽ hình người với đấy đủ chi thể. Biết tự mặc quần áo, biết dùng các thứ muỗng, đũa, nĩa. Trên đây chỉ là những điều mà những nhà nghiên cứu đưa ra một cách chung cho các em từ 3 tháng tuổi  cho đến 5 tuổi, để chúng ta dựa vào đó mà tìm ra sớm về sự phát triển bất thường hay nhanh chậm của các em. Tuy nhiên sự phát triển về thân xác, trí tuệ của các em không hoàn toàn giống nhau. Chính vì thế , chúng ta là những bậc cha mẹ cần phải quan tâm, để ý đến sự phát triển của con cái mình, và hỏi thăm những người đã có kinh nghiệm cùng các nhà chuyên môn nuôi dạy trẻ. Cách dạy cho con trẻ ngay từ khi còn bé, theo phương diện của người Việt Nam của chúng ta là: “Tiên học lễ”. Đúng vậy, chúng ta cần dạy cho con trẻ ngay từ khi còn bé về lễ nghĩa, lễ phép. Biết kính trên nhường dưới. Biết thờ kính Thiên Chúa, và yêu thương anh chị em, tha nhân. Nếu không thì sau này thật là một vấn đề đau khổ cho gia đình chúng ta.    Cũng dựa vào những khám phá mà các nhà nghiên cứu đã tìm ra ở trên. Chúng ta cũng có thể dạy cho con em của chúng ta biết tập ăn, tập nói, tập đọc, tập làm việc, tập suy nghĩ, tập im lặng, tập cách tập trung vào công việc đang làm, tập vâng lời, tập bắt chước, tập nghe nhạc, tập giữ đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp, tập giao tiếp với bạn bè cùng lứa tuổi. Tập giữ các đức tính tốt thì sẽ thành thói quen như các cụ đã nói: “Tập giữ, tính thành”. Về mặt phát triển ngôn ngữ và toán số. Chúng ta cũng có thể dạy cho các em bé nhỏ ấy những vần thơ, những câu ca dao đơn giản, những kinh ngắn gọn như Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, cách làm dấu đơn, dấu kép. Tập cho các con thích nghe đọc sách,và sau này tự đọc sách. Trong thời gian các em còn ở nhà, khả năng của các em có thể học các ngoại ngữ, âm nhạc rất nhanh, nếu chúng ta tập cho các em.Ngoài ra chúng ta có thể dạy cho các em biết về cách làm tính cộng trừ. Kết quả sẽ tốt đẹp, và học tập rất khả quan khi các em đủ tuổi đến trường. Chính gia đình chúng tôi tìm thấy sự dạy con từ lúc còn nhỏ trước tuổi đến trường thật là hữu ích, đơn giản và nhất là không tốn kém tiền bạc và mất thời gian nhiều trong công việc đưa đón, hay tìm thầy dạy học. Vì không có ông thầy nào hiểu biết con của mình bằng chính mình. Sở dĩ nhắc đến vấn đề trên là để nhắc nhở mọi người, những anh chị trẻ, mới tập làm cha mẹ tưởng lầm là thầy tốt, trường tốt thì con mình sẽ tốt, và không cần đến sự cộng tác của chính các bậc làm cha mẹ.Vì ngay khi con em của chúng ta đã đi học, thì nhà trường vẫn cần đến chúng ta để trợ giúp sự học của các em. Họ vẫn yêu cầu chúng ta thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với thày cô, hay gặp hiệu trưởng để bàn đến những việc liên quan đến sự học hành của con em chúng ta. Những lo lắng ấy bao gồm các khả năng của các em như về cách ăn nói, diễn tả những điều mà các em muốn biết và cần biết. Cách giao tiếp, hòa đồng với bạn học. Về cá tính của các em như sự tập trung trong việc học, sự nóng giận hay bình tĩnh khi gặp phải một vấn đề phải giải quyết. Về sự phát triển của thể lực như: khỏe mạnh hay đau yếu, biếng ăn, ít hoạt động hay ít chịu tham gia vào trò chơi tập thể. Về khả năng học tập, các em cũng cần được giúp đỡ trong việc sắp xếp thời gian học bài, đọc sách, tập làm toán và ôn bài khi ở nhà. Không hẳn chỉ có các em nhỏ mới học cách tìm chữ, ghép chữ từ những mẫu tự hay tìm ra đáp số từ những con số cho sẵn. Trong trò chơi của đài SBS số 1 cũng có chương trình ‘Letters and numbers’ tạm dịch là những mẫu tự và con số, dành cho người lớn. Người thi phải dùng các mẫu tự được rút ra từ hộp đựng và ghép thành chữ trong vòng 30 giây, hay họ phải tìm ra cách làm toán mà máy tính đã cho sẵn đáp số, từ những bảng số họ đã chọn để rút ra từ hộp. Tôi ngồi xem chương trình mà cũng thầm kêu trời. Ước gì mình biết dạy con học theo kiểu này ngay từ nhỏ thì hay biết mấy. Nói vậy chớ cái học ‘từ chương’ của thời chúng tôi, thế mà có ai là dốt toán đâu nào.  Cầu chúc tất cả quý phụ huynh, các bậc cha mẹ trẻ an tâm trong vấn đề dạy con từ lúc còn thơ. Hẹn gặp lại trong số báo kế tiếp. Nay kính. Thầy Giáo Trường Dòng.



Leave a Reply.