Nhân tháng mười một năm nay, tháng cầu cho các linh hồn. Xin mời các em học thêm một chủ đề mới của đời học sinh, đó là học cách chăm sóc người chết. Thầy giáo trường Dòng cũng biết các em lớp 12 đang bận rộn với kỳ thi, cầu chúc các em đầy may mắn trong kỳ thi cuối năm nhé.
 Đời người được người ta tính từ lúc khóc chào đời, cho đến khi được người thân khóc biệt ly, giã từ cõi sống thế gian. Nó có thể ngắn hạn hay dài hạn. Có người vừa sinh ra thì đã chết,và cũng có người kéo dài cuộc sống trên một thế kỷ. Tôi may mắn được học về ngành y tế. một trong những điều mà tôi phải học là cách chăm sóc cho người vừa mới qua đời. nghe nói thì ngắn gọn nhưng học cũng cả buổi học. Học về sự khác biệt giữa các tôn giáo và các nghi lễ cho người chết. Tùy theo những luật lệ của các tín ngưỡng, mà cách chăm sóc cho những người chết ấy có sự khác biệt nhau. Sau khi người bệnh được bác sĩ khám nghiệm và xác nhận là bệnh nhân đã chết. Việc đầu tiên của chúng tôi, những người y tá là tắm xác bệnh nhân ấy cho sạch sẽ, bằng những khăn bông tắm, được làm ướt bằng nước ấm độ 40 độ. Sau đó bao bọc người chết trong những áo choàng dài từ cổ đến chân, bằng loại giấy trắng đục do bệnh viện cung cấp, cột vào tay họ một tờ giấy có ghi rõ tên, ngày sinh, ngày giờ chết có chữ ký của người trưởng trại, hay y tá trưởng, trực trại lúc ấy. Kế tiếp là cho xác ấy vào bao ny-lông có chìa khóa kéo dài từ đầu đến chân. Phía bên ngoài bao ny-lông cũng có dán một tờ giấy viết tên tuổi, ngày sinh, ngày giờ chết. Sau hết, chúng tôi sẽ gọi cho y công đem một chiếc xe đẩy, và có bọc ny-lông màu xanh đậm, để đựng xác người chết trong ấy và đem xác người chết xuống nhà xác, đựng trong phòng lạnh, chờ người thân liên lạc với cơ quan chuyên lo mai táng đến lãnh xác về để lo liệu việc hậu sự.

Ngày tôi còn là thanh thiếu niên, ở quê nhà trong thời buổi chiến tranh, chẳng mấy ngày là tôi không nhìn thấy xe cam nhông chở quan tài, có phủ lá quốc kỳ chạy vào xứ đạo của tôi, trong đó có cả xác bạn bè của tôi nữa. Trai thời loạn cơ mà. Đám ma nào mà chẳng có tiếng khóc, có nhiều địa phương còn có cả nhóm người đi làm nghề khóc mướn. Hồi còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi thường đi nghe người ta khóc mướn ở những gia đình giầu có, nghe họ khóc, chúng tôi cũng thấy tự nhiên chảy cả nước mắt, họ tài tình thật. Đám ma nào mà chẳng có hình chụp người qúa cố, hình chân dung 4x6 cm đem ra tiệm phóng lớn thành khổ giấy A4 bây giở. Thế nhưng có một lần, tôi đã tự dưng trở thành họa sĩ vẽ chân dung người chết. Số là trong xứ đạo, có một gia đình nọ, ông chồng tự nhiên lăn đùng ra chết. Ở cái thời xa xưa ấy, mấy ai có tiền đâu mà chụp hình, chụp ảnh làm gì, vả lại ai lại dở hơi đi chụp hình chân dung để treo trong nhà, các ông bà sẽ quở cho là gở chết. Cho nên khi ông chồng chết chẳng có một tấm hình nào để lên bàn thờ. Tôi bèn bàn với lũ con của ông ta, tôi sẽ vẽ giúp một tấm hình chân dung cho ông. Vì tôi thường gặp và trò chuyện với ông ta lúc còn sống, nên tôi cũng tưởng tượng được khuôn mặt của ông ta. Tôi bèn chọn một trong những đứa con có nét giống bố nhất làm người mẫu. Thế là sau vài tiếng đồng hồ tô đi, sửa lại bằng cây bút chì. Tôi đã có một bức hình giống ông như đúc, chỉ tội trông hình có vẻ trẻ hơn nhiều, chứ còn mắt mũi giống y chang. Viết đến đây, tôi lại nhớ chuyện ngày xưa. Tôi may mắn có một em trong đơn vị hội Legio làm nghề vẽ tranh, quảng cáo. Tôi bèn phân công cho em dạy lại cho các em khác, cách vẽ nhưng mẫu chữ quảng cáo, những nét vẽ căn bản về hình chân dung bằng bút chì. Kể từ ấy tôi cứ nhìn mình trong gương và tự học vẽ lấy chính mình, và dần dần thì tôi quen tay vẽ tưởng tượng, và dùng trí nhớ mà vẽ.

Có một điều thích thú trong đời Legio của tôi, là sau 1975. Tôi được dịp đi về Cái Sắn, kinh F để buôn gạo lậu. Tôi tình cờ đi qua kinh C. Tôi thấy cách tổ chức sống đạo ở đây trước thời 1975, được cha xứ chăm sóc rất hay. Ngay trước cửa của mọi căn nhà, thuộc gia đình công giáo đều có viết một câu phúc âm. Mọi người đi đường đều có thể đọc và suy gẫm. Những câu phúc âm được viết bằng sơn, trên ngưỡng cửa chính của nhà. Tôi thích quá, khi về nhà tôi bèn bắt trước, và kêu gọi các em của tiểu đội Legio làm công tác, bằng cách kêu gọi mọi gia đình trong giáo xứ, chọn một câu phúc âm cho gia đình và chúng tôi xin đến vẽ miễn phí. Chúng tôi thực hiện được hơn 50 gia đình thì bị nhà nước phát hiện, bởi chính những tên thanh niên xung phong báo cáo, và cũng tại dân ta nhát quá, còn e dè nhà nước, nên đành phải ngưng. Về sau những nhà chưa vẽ câu phúc âm bị chính quyền địa phương buộc vẽ những khẩu hiệu của nhà nước. Câu phúc âm của nhà tôi được viết ngay cửa là: “Ai khát, hãy đến cùng Ta”. Ở ngay chính giữa bức tường trong nhà, là hai câu phúc âm viết bằng sơn: “Hãy kính sợ Đấng có thể hại cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục” và câu: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì”. Nghĩ lại thời xa xưa, tôi thấy cũng khen mình một cái liều.

Trở lại chuyện chăm sóc cho người chết. Thường thì theo tục lệ của gia đình công giáo, thì khi chết sẽ xin lễ đưa chân, làm phép xác, lễ phát tang, lễ an táng, lễ giỗ một trăm ngày, lễ giỗ một năm, lễ giỗ mãn tang, hay còn gọi lễ ba năm. Và theo tục lệ thủa xưa của dân tộc ta, thì người chồng hay người vợ của người chết, lúc ấy có quyền đi kết hôn với người khác.

Nếu chết là hết như dân vô thần cho là thế, thì tôi đâu có dám bàn đến cách học chăm sóc cho người chết. Dân ta ngày xưa, đa số là theo đạo thờ ông bà, cho nên ngày giỗ kỵ của các cụ đều được con cháu ghi nhớ trong mọi gia đình. Đến ngày giỗ của các cụ, con cháu đều quy tụ về nhà trưởng tộc, để cùng nhau đến cúng, khấn vái xin ông bà phù hộ cho các con, các cháu. Trong gia đình đều có bàn thờ tổ tiên, bát nhang, chén cơm, ly rượu, nải chuối hay đĩa trái cây là những thứ không thể thiếu được trong gia đình Việt Nam. Hằng ngày, người trong gia đình đều thắp nén nhang, khấn vái, để xin ông bà phù hộ cho con cháu được mọi sự an bình, làm ăn phát đạt, tránh mọi sự không may xảy đến. Trước khi ăn cơm, đều dâng của ăn ngon, đặt trên bàn thờ, thắp hương khấn vái, rồi mới đem xuống chia cho con cái ăn.

Các em thân mến. Các em thấy sự hiếu thảo đối với những người qúa cố là cha mẹ, ông bà, của các bậc tiền nhân chúng ta ngày xưa, thật đáng khâm phục họ biết chừng nào. Khi sống thì họ phụng dưỡng mẹ cha, và khi chết thì thờ phượng suốt đời, còn truyền lại cho con cháu tiếp tục nhớ ngày giỗ kỵ. Họ tin tưởng linh hồn của ông bà, những người thân đã chết luôn luôn ở với họ, và luôn phù hộ cho họ.

Còn chúng ta thì sao? Là những học sinh công giáo. Các em có tin là con người ta khi chết thì chỉ có xác chết mà thôi, còn linh hồn thì không chết hay không. Các em có tin là những linh hồn của những người chết đang trông chờ vào những lời cầu nguyện, những ơn ích mà các em có được do  những việc làm tốt lành, do hãm mình, hy sinh, do tham dự thánh lễ, và dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho các linh hồn ông bà, thì họ sẽ được nhận lãnh hay không. Hàng năm trong các thánh lễ tại các nghĩa trang nơi chôn cất xác của ông bà, cha mẹ, hay của người thân trong gia đình của các em. Các em có dám hy sinh thì giờ để đến nghĩa trang ấy viếng mộ, và tham dự thánh lễ hay không. Có em nào đã dám hãm mình hy sinh, làm những việc lành phúc đức để làm của lễ dâng cho ông bà hàng ngày hay chưa. Có em nào hàng ngày dùng đôi ba phút đề trò cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà hay chưa. Nếu chưa làm được như thế, thì có lẽ các em không còn là người của dân tộc Việt Nam, lấy chữ hiếu làm đầu, và cũng không phải là công dân Nước Chúa, lấy điều thảo kính mẹ cha làm giới răn trọng yếu. Các em hãy tự hỏi chính mình câu hỏi: Vì đâu mà có ta.

Cũng có em sẽ hỏi. Tại sao người chết rồi mà vẫn còn cần đến các việc làm hãm mình, hy sinh, cùng các lời cầu nguyện của kẻ còn sống. Thứ nhất là vì khi người ta đã chết thì không còn làm được gì cho chính mình nữa. Họ đành trông nhờ vào những người còn đang sống cầu nguyện cho, giống như người ta khi tuổi về già sức lực không còn như lúc trẻ, nên các việc nặng nhọc đều trông nhờ vào các con, các cháu. Thứ hai là vì khi còn sống ở trần gian. Ai nào dám nói mình chẳng có tội, nào là tội nặng, tội nhẹ, tội không đáng chết, tội đáng phải phạt. Ai nói mình là không có tội, thì họ là kẻ tự lừa dối chính mình, họ đã không tin vào ơn cứu chuộc của Con Thiên Chúa, và họ coi Thiên Chúa là kẻ nói dối và lời Chúa không có ở trong lòng họ (trích thư thứ nhất của thánh Gioan.1: 8-10)

Tại sao có người khi nghe nói đến người chết thì lại sợ. Họ sợ người chết hiện về trong lúc ngủ giữa đêm khuya. Họ sợ ma đè, ma bóp cổ, kêu ú ớ, không nói nên thành tiếng được. Đến khi tỉnh cơn mê, mồ hôi nhễ nhãi, mới biết là mình nằm mơ. Cũng có người thường ước ao mơ được thấy người chết hiện về như trong vở tuồng Phạm Công và Cúc Hoa, mơ thấy mẹ hiện về để an ủi vỗ về người con. Hai hiện tượng trên xảy ra tuỳ thuộc vào lòng yêu thương của chúng ta đối với người qúa cố, lúc họ còn sống và sau khi họ đã chết. Hai hiện tượng xảy ra ở trên cũng là cách chứng minh cho chúng ta thấy, chết không phải là đã cắt dứt mối dây liên lạc với người còn sống. Theo đạo công giáo, chúng ta có ba hội thánh, bao gồm: Hội thánh ở trên trời của các thiên thần, các thánh. Hội thánh trần gian của chúng ta những người đang còn sống nơi thế gian này, và Hội thánh nơi luyện ngục của những người đã chết. Ba hội thánh ấy liên kết và hỗ trợ lẫn cho nhau tạo thành Nước Chúa.

Ước gì các em học sinh là những người tuổi trẻ, những người mà  giáo hội đang mong cho mai sau, biết dùng thì giờ để kín múc ơn Chúa, và biết cách chăm sóc cho những linh hồn người đã chết, bằng cách dâng lời nguyện cầu, dâng những việc làm hãm mình, hy sinh, để làm qùa tặng cho các linh hồn người thân đã qua đời, hay chia sẻ những món quà thiêng liếng ấy cho những linh hồn mồ côi. Đặc biệt trong tháng mười một cầu cho các linh hồn. Các em hãy nhớ lại kinh thương người có mười bốn mối, mà chúng ta thường nghe đọc trong các thánh lễ ngày Chúa Nhật. Về phần xác: “Thứ bảy, chôn xác kẻ chết”, và về phần hồn: “Thứ bảy, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”.

Ước mong trong mọi gia đình công giáo, đều có ghi chép gia phả tổ tiên, đều có bàn thờ ông bà, hình ảnh của các bậc tiền nhân ở những nơi trang nghiêm tôn kính, để các con em chúng ta biết được nguồn gốc, công ơn của các đấng bậc tổ tiên, giòng họ trong gia đình, để các em biết cố gắng học hành, cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, và sống xứng đáng với biết bao công phúc mà các bậc tiền nhân đã tích đức hy sinh cho con cháu.

Cầu xin các đẳng linh hồn cầu nguyện và trợ giúp cho các em đạt được kết qủa tốt trong kỳ thi cuối năm nay.

Thày giáo trường Dòng.




Leave a Reply.