Ở đời này, các bậc cha mẹ thường cho là học khôn thì khó, học dại thì dễ. Học khôn ba năm như trong câu chuyện anh khờ đi học cái khôn của thiên hạ, hay  quý vị nếu có rảnh rỗi thử mở sách khôn ngoan ra mà đọc thì thấy ngay là học khôn rất khó, ấy chưa kể cái ta tưởng là khôn, lại là cái cái dại đối với kẻ khác. Học khôn đã khó thế mà giữ cho mình được khôn càng khó hơn. Các bà mẹ thường mắng con gái rằng: Khôn ba năm dại một giờ. Học sống cho nên người thì khó, chứ học sống không ra người thì dễ. Học làm giàu thì khó chứ học để nghèo thì dễ. Học khôn ngoan thì khó chứ học khôn vặt thì dễ.
Học làm thầy thì khó chứ học làm đầy tớ người ta thì dễ. Học làm cha mẹ thì khó chứ học làm con thì dễ. Học sống cho ra sống thì khó chứ học sống một cách bừa bãi thì dễ. Học cách sống đạo đức, và hành đạo thì khó chứ học đạo cho có đạo thì dễ. Chính vì có sự phân biệt giữa cái khó và dễ ấy mà các cụ ngày xưa đã nói: “Học cả đời không hết, vì không có cái ngu nào giống cái ngu nào cả”. Cho nên chúng ta là những bậc phụ huynh thường nghe câu nói: “Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Chứng tỏ rằng mặc dù đã lớn tuổi làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà rồi mà vẫn còn phải học để bằng anh, bằng em.

Về phần các em học sinh thì sao ? Các em sẽ cho là học môn nào khó, hay nói khác đi là các em sẽ cho là học môn nào dễ. Học môn toán thì khó, học môn văn thì dễ hay ngược lại. Học môn khoa học thì khó hay học môn kế toán, thương mại thì dễ. Học môn xã hội học thì khó còn học môn lịch sử thì dễ. Học môn tiếng Việt thì khó hay học môn tiếng Anh thì dễ. Đã đành rằng tuỳ theo sở thích và trí thông minh cũng như cá tính của từng người, mà các em có sự chọn lựa khác nhau.

Thày giáo trường dòng rất vui mừng vì đầu năm nay, đã thấy nhiều phụ huynh Thiếu Nhi Thánh Thể trong cộng đoàn Công giáo Thánh Vinh Sơn Liêm, có con em thi lớp 12 vào cuối năm đã cùng nhau bàn hỏi và khích lệ con em bằng cách đóng góp để treo giải hạng nhất, nhì, ba cho các con em của mình, để chúng cố gắng thi đua nhau mà học. Xin được có một đôi lời đóng góp theo tước vị là nhà giáo của Trang Học Sinh Dân Chúa.

Chắc hẳn các cha mẹ của các em học sinh lớp 12 đang mong chờ vào tương lai của các em, như là họ đã mong chờ từ hồi còn chưa đi vượt biên. Có lẽ đó cũng là lý do chính yếu mà các bậc cha mẹ đã chọn, để quyết định liều mình vượt mọi gian nguy, hiểm nghèo, khó khăn và có khi đổi cả mạng sống của chính mình, để cho con cái của mình ngày nay có được cuộc sống yên vui và có được học hành cho nên người.

Chúng tôi đã theo giòng nước chảy, xuôi về miền Tasmania này cũng không ngoài lý do ấy. Chúng tôi lại một lần nữa vì tương lai việc học hành của con cái mà lại vượt biển ra đi. Cũng chính vì sống trong vùng đất mới này. Chúng tôi đã gặp gỡ, và khám phá ra những điều mà mình chưa hề biết, hầu giúp kinh nghiệm cho các bậc phụ huynh có con em đang học lớp 12.

Có rất nhiều em học sinh sẽ may mắn được nhận vào học các ngành học như ý mình muốn ngay tại nơi mình, gia đình của mình đang sinh sống. Điều này thật đáng mừng và không dám bàn gì hơn. Thế nhưng cũng có rất nhiều em chỉ kém có chút ít mà phải bỏ ý định theo đuổi cái môn học mình muốn theo từ nhỏ đến giờ, hay nói khác đi là các bậc cha mẹ phụ huynh đành chắc lưỡi, lắc đầu thất vọng vì con cái không được như ý mình muốn. Chính vì những em học sinh này, những tài năng hơi thiếu một tí ấy. Thày Giáo Trường Dòng xin làm thày thuốc kê đơn viết toa, mong giúp được chút gì cho những người bệnh ấy nhé. Vì Chúa Giêsu đã từng nói chỉ có người bệnh mới cần đến thầy thuốc mà thôi.

Lại có câu Phúc Âm nói rằng: “Con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng”. Điều này tôi thấy đúng ý quá xá trời. Từ khi đặt chân đến Tasmania này, và sống tại vùng Sandy Bay, nơi mà gần khuôn viên của trường Đại Học Tasmania gọi tắt là UTAS. Tôi mới thấy mình còn thật là khờ dại trong việc tìm tương lai cho con cái trong việc học hành. Tôi mới chỉ nghe đồn rằng bên ấy trời mùa Đông thì rất lạnh mà đã rét trong ruột. Tôi mới nghe thấy bên này không có, hay rất ít người Việt vì công ăn việc làm ít thì đã nản chí và than thân, trách phận. Thậm chí là cha tuyên úy cũ của tôi còn nói: nhiều người đã từ Melbourne bỏ đi nơi khác rốt cuộc rồi cũng trở về lại Melbourne. Chả trách nào khi tôi đến Tasmania, và gặp được gia đình anh chị Nghi Hoàng, anh chị ấy cũng hỏi tôi cùng một cách thế ấy.

Sau này tôi mới biết mình sai. Hôm ấy tôi đi làm tại một bệnh viện tư Công Giáo, bệnh viện Calvary, tại vùng Lenah Valley, cách thành phố Hobart độ 12 phút lái xe, khoảng chừng 6 cây số. Có một người Úc đồng nghiệp, sau khi bà ta biết lý do tại sao tôi di chuyển về nơi đây để sinh sống. Bà ta đã nói với tôi rằng: Anh chớ có quảng cáo nơi đất lành này nhé, vì nếu không thì chẳng bao lâu cuộc sống của Tasmania này sẽ bị xáo trộn vì số người từ đất liền, sẽ kéo nhau qua đây để lập nghiệp, và mang theo bao nhiêu thứ không tốt làm cho cuộc sống của chúng ta thay đổi, không còn được hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên như ngày nay nữa. Tôi nghĩ là bà ta nói đúng. Vì trước đây 26 năm thì Melbourne, hay nói rõ hơn là các vùng Footscray, Richmond, Springvale. Dân chúng cũng được hưởng cuộc sống thanh bình, không trộm cắp, gặp nhau tay bắt mặt mừng như dân Tasmania ngày nay. Cuộc sống của người dân Tasmania rất đơn giản. Xe chạy thong thả đúng luật, và nhường nhau một cách hiếu khách. Cảnh người đi bộ cách vô tư trên đường phố, không lo lắng. Họ trông rất khỏe mạnh dù là tuổi gìa trên 65. Dọc theo con đường lộ Sandy Bay Road, một bên là đồi núi, và một bên là con sông dài Derwent với nước chảy hiền hoà. Nhà trên các sườn đồi giống như cảnh dồi Tabor mà Chúa Giêsu đã đem ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Các bến tầu, thuyền buồn tấp nập các du khách sang trọng từ các nước Á châu, Âu châu đến để thưởng ngoạn vẻ đẹp của thành phố Hobart, vùng Sandy Bay này.

Tôi thấy mình như lạc vào thế giới thuyền buồm của Gold Coast mà tôi có dịp được con chú thím Lai, một người anh em bạn của chúng tôi gần nhà ở Melbourne, chở đi thưởng ngoạn vào kỳ nghỉ hè năm ngoái. Có lẽ bà bạn đồng nghiệp của tôi đã nói đúng. Đây là nơi lý tưởng nhất cho những ai đang mơ ước cho con cái học hành thành đạt, và là nơi lý tưởng cho những người mong có cuộc sống thanh bình thực sự như thời Cụ Ngô 1954-1963. Hơn thế nữa đây là nơi lý tưởng cho những người tuổi trẻ muốn hành nghề kinh doanh vì nó là vùng đất du lịch của người giàu. Cái biết của tôi về Tasmania này thật là sai lạc vào những năm trước đây, về vẻ đẹp của nó về sinh hoạt của dân chúng nơi đây. Với sự ham mê  của tôi về cuộc sống thanh bình, mê có thuyền để chở vợ con đi chơi trên sông, đi câu cá, bắt cua, ghẹ, chem chép, oyster, thì nơi đây rất tuyệt và vừa tầm tay với của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra ý Chúa, Người đã cho tôi được hưởng những ngày hạnh phúc của thiên đàng nơi trần gian này. Chỉ cần làm 2 ngày là đủ sống, làm 4 ngày là dư sống để phòng khi ốm khi đau, để giúp đỡ cha mẹ, và giao tế. Còn lại 3 ngày thì vợ chồng mở cuốn: Hobart & Surrounds, để tìm nơi thắng cảnh từ thành phố đế thôn quê để mả thưởng ngoạn. Nói thế cũng còn tuỳ vào sức khoẻ và thời tiết nắng mưa. Tuần vừa rồi chúng tôi đã ghé đến vùng Kettering. Nơi đây dân chúng thường đổ về để đi phà qua đảo Bunny Island. Chúng tôi đến Kettering thì đã quá trưa mặc dù chỉ mất có 28 phút lái xe theo quốc lộ A6, Southern Outlet. Nhưng có lẽ vì đám cua to bằng bàn tay bơi lội tung tăng ngay gần bờ, đã làm cho tôi quyết định ở lại đây coi người ta câu cua bằng miếng mồi thịt Ham. Cuối cùng chúng tôi cũng được cho mượn cần câu và đem về 5 con cua đỏ to, để chén no nê bữa ăn tối. Chuyện cuộc sống là thế ấy. Xin khất lại lúc khác sẽ viết tiếp về vẻ đẹp mến yêu của Tasmania.

Bây giờ xin trở lại vấn đề chính yếu là việc học hành và phương pháp giúp các em được học vào các ngành nghề mà tại các tiểu bang khác vì  ngân sách cắt giảm của tiểu bang, nên chỗ học bị giới hạn, hay vì thiếu chút điểm mà không học được ngay các môn mình muốn học, sau khi tốt nghiệp kỳ thi lớp 12. Thành phố Hobart và Sandy Bay, tràn ngập các bông hoa biết nói nhiều loại tiếng. Tôi nói thế vì các sinh viên trẻ tuổi, tràn đầy sức sống và do cách ăn mặc màu sắc của họ nữa. Phần lớn sinh viên là người Á Châu đến từ các nước Á Châu như Hồng Kông, Trung quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore, Mã Lai, và Nam Dương hay họ đến từ Tân Tây Lan, Ấn Độ. Đã từ 10 năm nay và hàng năm với con số vào khoảng từ 8000 đến 9000 du học sinh như năm nay. Ta cứ thử tính trung bình là 8000 du học sinh bậc Đại Học một năm nhân với 10 năm thì con số người Á Châu định cư tại đây bây giờ đã lên đến tám chục ngàn người rồi. Nhà ở vủng Sandy Bay, giá trung bình cho 2 phòng ngủ là 350000 đô. Giá một căn nhà 3 phòng ngủ là 500 ngàn cho đến 1.8 triệu. Thật qủa thực thành phố này, đang vuơn mình để trở thành Hồng Kông của nước Úc. Lại còn du học sinh đến từ các tiểu bang khác nữa để được theo học các môn học mà cách đây một hai năm họ không thể vào được tại các tiểu bang của họ. Theo như con gái của chúng tôi cho biết là khoảng 35% sinh viên trong năm đầu tiên y khoa là người lớn tuổi, hay là học sinh đã học một năm ở các môn học khác đạt được điểm cao và chuyển vào ngành y tại Tasmania này. Cách giảng dạy thì tuyệt vời. Có ai dám nói là các bác sĩ tốt nghiệp ở đây, lại thua tay nghề với các bác sĩ tốt nghiệp ở các tiểu bang khác đâu. Hay nói khác đi là bằng cấp tốt nghiệp ở Tasmania lại thua tại các tiểu bang khác. Đúng ra, nó còn ngược lại là đàng khác, vì các công sở tại các tiểu bang khác đã thi nhau đặt cọc trước khi các sinh viên tốt nghiệp ra trường. Phải nó rõ hơn Tasmania là nơi đào tạo và huấn luyện các chuyên viên ưu tú cho đất nước Úc và cho các nước Á Châu vùng lân cận.

Nói chuyện vòng quanh để rồi vào chủ đề. Tôi như người được sai đi, để làm một cuộc khám phá mới về Trang Học Sinh. Hầu có thể giúp cho các em và các đấng bậc phụ huynh tìm ra đường hướng, để toại nguyện trong công việc lo toan giáo dục cho con em mình. Ngay từ khi còn ở Melbourne, chúng tôi thấy con gái mình có ý hướng muốn học ngành Y như người anh của nó. Chúng tôi đã cầu xin và dâng con gái mình cho Chúa hàng ngày, vì là người Công Giáo, chúng tôi tin tưởng vào thánh ý của Chúa, nếu Chúa muốn và chọn cháu vào ngành Y như là một nghề nghiệp, một thiên chức để phục vụ tha nhân thì tốt biết mấy. Tôi đã từng ao ước mấy chục năm qua, đã từng ghi danh xin học năm 1995 mà không được nhận. Trong năm ngoái, chúng tôi nghiên cứu nhiều về vấn đề thi giữa năm, kỳ thi gọi là UMAT, tạm dịch là thi năng khiếu, xem các học sinh có thật sự thích hợp với các ngành liên hệ với y khoa hay không. Thường thì vào thời điểm này, tại các trang mạng quảng cáo dạy kèm khóa học 3 ngày về các đề thi UMAT. Xin các phụ huynh đừng tiếc tiền mà không cho các con em mình đi học thêm. Các em sẽ được chỉ cho cách học thi, các đề thi thử trên mạng điện tóan. Tóm lại các em sẽ biết được nhiều kinh nghiệm làm bài, để có thể làm được hết các câu hỏi. Phần lớn các em bị ít điểm vì không quen với các loại câu hỏi, cho nên không đủ giờ làm hết các câu hỏi. Điểm UMAT cần thiết để được báo cho phỏng vấn vào ngành Y ở cuối năm tại các trường đại học khác nhau, từ 87.5 điểm của UMAT cho đến 93 điểm UMAT, tùy theo trường và tuỳ theo con số thí sinh ghi danh hàng năm mà nhà trường tự ý thay đổi điểm lên cao hay xuống thấp. Như trường hợp con gái của chúng tôi chỉ đạt được 91 điển UMAT nên không được báo cho phỏng vấn ở Đại học Monash tại

Melbourne. Chúng tôi đành cho cháu tiền để nộp đơn đi các tiểu bang khác như: Adelaile, New South Wale, Perth, Queensland, Tasmania và tại New Zealand. Thời gian ghi danh là vào khỏang tháng 8 hàng năm, có nghĩa là sau khi biết được điểm thi UMAT. Còn điểm thi cuối năm, không cần đạt được mức điểm tối đa như người ta thường đồn đãi là 99.95. Thật ra có trường chỉ cần điểm thi cuối năm là 93.5 là đủ rồi. Vì sau khi đã được cho phỏng vấn, họ sẽ cộng điểm UMAT, với điểm phỏng vấn, và điểm thi cuối năm để xếp hạng cho các thí sinh. Các em học sinh nếu học thêm môn Toán Specialist thì sẽ được cộng thêm 2 điểm vào điểm thi cuối năm tại các tiểu bang Adelaide, Queensland. Thí dụ các em được điểm cuối năm là 92 điểm, thì sẽ được cộng thêm 2 thành 94 điểm. Điểm số cần phải có là 93.5, có nghĩa là các em có rất nhiều hy vọng được nhận vào học ngành Y. Tôi nói thế vì phần đông các cha mẹ Việt Nam đâu có chịu tìm tòi đâu mà biết. Chỉ mong cho con mình đậu điểm cuối năm cao mà thôi, còn dưới 99.00 điểm thì cho là con mình thiếu cố gắng. Và hơn nữa họ không biết là điểm thi UMAT, ở giữa năm thì còn quan trọng hơn, vì các em chỉ cần đạt được 93 điểm thì cho dù cuối năm các em thi chỉ đạt được 93.5 là có thể đễ dàng được nhận vào học tại Đại Học Monash ở Melbourne rồi.

Cũng có trường không cần phỏng vấn, như University ở Queensland và Tasmania. Họ chỉ cần coi điểm UMAT và điểm cuối năm mà thôi. Thật là mỗi ngày mỗi khác, người khôn thì đông và của thì hiếm, vì trước đây 12 năm, chúng tôi đâu thấy có thi cử UMAT và phỏng vấn gì đâu, vì con trai của chúng tôi thi cuối năm xong là được nhận ngay đợt đầu vào học Y Khoa tại đại học Melbourne. Sau này chúng tôi đưa con gái đi phỏng vấn các nơi như University Adelaide; University New England, vùng Amadale thuộc New South Wale; University New South Wale tại Sydney; University Jame Cook thuộc North Queensland. Chúng tôi gặp rất nhiều người Tàu, người Ấn Độ đưa con đi phỏng vấn. Thế nhưng chúng tôi chưa gặp được ai là cha mẹ người Việt Nam đưa con đi phỏng vấn cả. Phải chăng là cha mẹ Việt nam nghèo, không có đủ tiền cho con nộp đơn xin học tại các tiểu bang khác, để con em mình đạt được ý nguyện về các ngành nghề chúng muốn học. Hay phải chăng họ đã vội quên một trong những lý do chính đáng khi vượt biển, ra đi là để tìm tương lai cho con cái qua sự học hành tại các nơi đất nước văn minh. Tôi nhìn những du học sinh Tàu, Đại hàn, Nhật, Singapore, Mã Lai, Phi luật Tân trong khuôn viên trường Đại Học của Thành Phố Tasmania mà lòng chua xót cho dân tộc ta, cho người Việt tại nước Úc này. Họ không còn trọng chữ nghĩa nữa hay sao mà không chịu đầu tư cho con cái ăn học. Tôi đoán là họ chưa biết, vì có ai nói cho mà biết, hay có ai đã sống ở lâu tại Tasmania nói cho mà biết. Hoặc giả sử có nói thì cũng như vị Tuyên Uý Cộng Đoàn của tôi nói: “Rồi cũng lại trở về Melbourne cả”.

Tôi xin nói thật về cuộc sống của những người Việt nam đang sinh sống ở đây. Cuộc sống của họ an nhàn và sung túc. Họ giàu có lắm, phải nói những người thương gia Việt đều là dân triệu phú của Úc. Thế nhưng họ sống rất trầm lặng và khiêm nhường. Họ siêng năng làm việc cần mẫn và chăm lo cho gia đình, vì gia đình là nền tảng và con cái là tài sản của họ.

Cuộc sống ở nơi đây thích hợp cho con cái học hành. Thư viện của nhà trường mở cửa 7 ngày cho học sinh đến tham khảo, nghiên cứu các tài liệu, dùng internet miễn phí. Nhiệt độ trong thư viện và phòng học ấm áp và đủ mọi tiện nghi như các trường đại học trên thế giới. Học sinh với điều kiện như thế, thì làm sao mà không học giỏi được, phải không quí vị. Cũng có người còn ngại vì đường xá xa xôi, ngăn sông cách núi, nên không cho con đi học xa. Họ đã khuyên con bỏ môn này mà chọn môn khác, hay còn tệ hơn nữa là họ đã không giúp đỡ cho con trẻ có điều kiện tiến thân khi chúng đề nghị xin đi học xa. Ôi chua xót thay, con là của mà có người không biết đầu tư cho con trong việc học hành.

Trong số báo Dân Chúa tháng 4 vừa qua có đăng bản tin Cộng Đoàn Công Giáo Nam Úc phát động phong trào: “Sống lành mạnh & năng động”. Tôi thầm ước mơ có được nhiều sinh viên sang đây học y khoa, để sau này phục vụ cho bệnh nhân, vì người già ngày càng gia tăng, già thì đủ thứ bệnh, và biết đâu ước mơ của tôi 3 năm trước đây khi còn làm việc trong ban mục vụ Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Vinh Sơn Liêm được hình thành. Ước mơ ấy là có được sự cộng tác của các bác sĩ xuất thân từ các em trong Cộng Đoàn,  các em xuất thân từ trong Thiếu Nhi Thánh Thể. Các em sẽ hy sinh đến Trung Tâm, để khám bệnh vào ngày Chúa Nhật, cho các bà con sau khi dự lễ muốn được khám bệnh. Tiếc thay Bác sĩ Linh là một trong những em Thiếu Nhi Thánh Thể ngày xưa của Cộng Đoàn đã mất quá sớm. Cộng đoàn, phòng ốc thì có, và nhiều việc thiện cần làm nhưng người có khả năng chuyên môn còn qúa ít. Hỡi ôi, biết bao giờ cộng đoàn của tôi mới phát triển được. Xin mọi người cầu nguyện nhiều thêm nữa nhé! Biết đâu có ngày.

Nay kính. Hẹn tái ngộ.

Thầy Giáo trường Dòng.




Leave a Reply.