Trong đời sống của học sinh. Các bậc phụ huynh, ai lại chẳng muốn cho con cái của mình học hành thật giỏi. Chính vì thế mà quí vị đã chẳng ngại tốn kém, đi tìm trường học, tìm thầy cô giáo giỏi, tìm bạn bè tốt, và học giỏi cho con của mình. Hầu mong sau này con mình cũng học giỏi, thành đạt trong vấn đề học vấn, và hy vọng con của mình có một tương lai sáng lạng về sau.
 Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta đều thuộc lòng câu Phúc âm: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Matthêu 11, 29).

Chúa Giêsu đang đi tìm học trò. Người mời gọi tất cả mọi người chúng ta, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, ở mọi lứa tuổi đang còn đi học. Tất cả những ai, dù là học ở trường học hay trường đời. Chúng ta hãy thử tìm hiểu về các môn học mà Chúa Giêsu đang mời gọi mọi người đến trường dạy của Người, để mà học.

 Gương khiêm nhường

Ai lại chẳng biết hai chữ: “Khiêm nhường” nghĩa là gì. Thế nhưng, hiểu hết được ý nghĩa của nó thì cũng còn quá ít người, và áp dụng được ý nghĩa của nó vào trong đời sống đạo của mình thì con số người ấy lại còn ít hơn. Trong trách nhiệm làm cha mẹ. Chúng ta trước hết cần tìm hiểu và hướng dẫn, để giải thích cho con cái của chúng ta một cách rõ rảng. Chúa Giêsu muốn cho chúng ta có được sự khiêm nhường thực sự, và nó phát xuất từ trong tâm khảm và  bộc phát ra bên ngoài. Sự khiêm nhường ấy phải được thể hiện qua nét mặt hiền lành, thánh thiện, và đầy nhân ái. Qua giọng nói khoan dung, chậm rãi, và rõ ràng. Sự khiêm nhường giả tạo sẽ dẫn người ta đến kiêu ngạo, đầy mưu toan tính toán. Thí dụ khi ta được ai khen về một thành công nào đó, thì ta làm bộ như không xứng đáng với lời khen ấy, nhưng lại không dám nói ra đó cũng là công lao của nhiều người khác đóng góp vào sự thành công ấy. Sự khiêm nhường thật giúp chúng ta nhìn thấy rõ sự yếu đuối của thân phận con người, giúp chúng ta biết lắng nghe sự góp ý của anh em, và nhất là giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa nhiều hơn

Gương vâng lời

Chúa Giêsu là Con một của Đức Chúa Cha, Vì vâng lời Người đã xuống thế, để mang thân phận con người như chúng ta. Người sống cùng chúng ta để dạy dỗ, hướng dẫn chúng ta quay trở về đường ngay nẻo chính. Cùng với sự kiện toàn về lề luật, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến hai điều luật quan trọng về sự kính thờ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Chúa Giêu cũng dạy cho các con trẻ bài học về đức vâng lời tuyệt  đối dù biết mình phải chịu khổ cực, chịu chết, để ý Cha trên trời được thực hiện. Qua câu chuyện tiệc cưới Cana. Chúng ta thấy dù là giờ chưa đến, nhưng vì Đức Mẹ đã ngỏ lời, nên Chúa đã làm phép lạ hóa nước thành rượu cho chủ gia. Câu chuyện Chúa Giêsu lúc 12 tuổi, theo cha mẹ Người đi lên thành Giêrusalem dự lễ, và đã ở lại một mình. Sau khi hai ông bà tìm gặp lại được Chúa Giêsu, “Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và vâng phục hai ông bà” (Luca 2, 51). Ngày nay nhiều trẻ em chỉ vâng phục bằng lời nói: “Dạ, vâng”, nhưng chúng không bao giờ làm theo lời khuyên của cha mẹ. Chúng vẫn làm và sống theo ý riêng của chúng nó. Hãy nghe Chúa Giêsu với các môn đệ của Người: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới vào được nước trời”(Mt.7, 21)

Gương can đảm

Chúa Giêsu đã can đảm rao giảng Tin Mừng tại các hội đường, nói thẳng những sự giả tạo của bọn tư tế, bè phái Pharisiêu. Chúa cũng can đảm đuổi những kẻ dùng đền thời làm nơi buôn bán. Chúa Giêsu can đảm đi về thành Giêrusalem để dự lễ, mặc dù Người đã nói tiên tri cho các môn đệ biết cuộc tử nạn của Người sẽ xảy ra tại thành này. Ngày nay, nhiều người đã chối bỏ đạo không dám làm dấu thánh giá trước mặt nhiều người khác đạo, hoặc công khai chối đạo trước mặt thiên hạ vì địa vị, chức tước, và quyền lực thế gian..

Gương tha thứ

Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ về bài học tha thứ. Các con nên tha thứ cho nhau không phải chi 7 lần thôi mà dù cho có đến 70 lần 7, các con cũng nên tha thứ cho nhau, như Cha ở trên trời đã tha thứ cho các con. Người cũng đã kể nhiều thí dụ về sự tha thứ. Nếu có ai tát má trái, thì các con hãy cho nó tát luôn má phải của các con. Người còn dạy các môn đệ. Hãy yêu thương và cầu nguyện cho cả kẻ thù của mình. Qua câu chuyện về  vụ xử người đàn bà ngoại tình bị ném đá. Chúa Giêsu đã làm cho dân chúng kinh ngạc và thấu hiểu, khi viết trên cát về ý nghĩ của Người: “Ai vô tội, thì hãy ném đá người này trước”. Và họ đã bỏ đi hết. Cuối cùng chỉ còn có Chúa Giêsu, Người cũng nhẹ nhàng nói với người phụ nữ ấy: “Còn Ta, Ta cũng không kết tội con. Con hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.

 

Gương nhân ái

Qua dụ ngôn về: Con chiên lạc. Chúa Giêsu như người chủ chăn đã bỏ lại 99 con chiên, để đi tìm con chiên bị lạc, và khi tìm được, Người đã vui mừng, vác nó trên vai để trở về cùng đàn chiên.

Hoặc qua dụ ngôn về đồng tiền bị đánh mất. Người chủ đã đốt đèn đi tìm cả đêm, và khi tìm được. Người đã nói cho mọi người biết để chia vui với mình.

Qua dụ ngôn về người chăn chiên và người chủ chiên. Người cũng đã cho chúng ta thấy được tấm gương nhân hậu, hy sinh hết lòng vì đoàn chiên, để bảo vệ chúng khỏi bị chó sói đến giết hại.

 

Gương yêu thương tha nhân

Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy được nhiều lần Chúa đã động lòng trắc ẩn và Người đã làm phép lạ, như trong đám tang con trai bà goá thành Cain, trong cái chết của ông Lagiarô. Trong phép lạ chữa cho con gái viên sĩ quan bị đau ốm gần chết. Hay chữa cho những người mù loà, câm điếc, quỉ ám. Tất cả những lời van xin, những giọt nước mắt đã làm Chúa động lòng trắc ẩn, thương người , và Chúa đã làm phép lạ. Chúa Giêsu dạy các môn đệ về cách thế yêu thương tha nhân: “Các con hãy yêu thương kẻ thù của các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì ? nào những người thu thuế không làm như vậy ư ? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn ? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt. 5, 44 – 48).

Gương cầu nguyện

Chúa Giêsu đã cầu nguyện một cách liên lỉ cùng với Đức Chúa Cha, trong sa mạc, trong những lúc buồn sầu, đau khổ, trước khi làm phép lạ, và ngay trước khi chết Chúa Giêsu đều cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha, Người cũng khuyên các môn đệ, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi phải sa chước cám dỗ. Người cũng dạy các môn đệ về cách cầu nguyện: “Hãy vào phòng  đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẻ trả công cho con. Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là  phải nói nhiều lời mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết  rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ . Amen” (Mt.6, 6 – 14).

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

Nếu chúng ta là những bậc phụ huynh của các con trẻ: ấu nhi, thiếu niên, và thanh niên. Xin hãy bắt tay ngay vào công việc học cùng con trong công việc học cùng Chúa Giêsu, ngay từ khi các con của chúng ta còn thơ bé. Trí óc của chúng hãy còn như tờ giấy trắng, còn nhiều chỗ trống để ghi nhớ tất cả những điều mà chúng ta muốn giáo huấn. Hãy tập cho chúng thành thói quen căn bản biết noi gương Chúa Giêsu là Chúa mà mọi người chúng ta tôn thờ. Xin hãy tạo ra thời gian, không gian, và môi trường tốt lành để cả gia đình chúng ta ngồi lại với nhau trong nhũng giây phút cầu nguyện trước bàn thờ Thiên Chúa, tổ tiên.

Ngày nay, người ta hay than vì cách sống đạo khô khan của các thanh thiếu niên. Cái than ấy là đúng. Nhưng làm các nào để sửa chữa hay để các thế hệ kế tiếp có được cuộc sống đạo tốt lành hơn. Trong khi các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo tinh thần không cùng bắt tay, đóng góp vào công việc giáo huấn chính các con em của mình, hay con chiên xứ đạo của mình. Có người cho rằng chúng không thèm nghe theo lời chỉ dẫn, không đến tham dự các buổi tĩnh tâm. Chúng ta hãy nên xét lại những phương pháp giảng dạy, cách xử thế, dạy dỗ, huấn luyện của chúng ta xem có phù hợp với môi trường của con trẻ sống hay chưa ? Trong gia đình đã có những sách về gương sống đạo của các thánh, có những đĩa nhạc về các bài hát đạo, các phim về gương các thánh hay về cuộc đời của Chúa Giêsu, và nhất là trong gia đình đã có một nơi tôn nghiêm, thinh lặng dành dùng làm nơi cầu nguyện hay chưa ?

Vì nếu lòng trí chúng ta chỉ biết hướng về công việc làm ăn cho cuộc sống hàng ngày, thì sự bận rộn ấy chỉ làm gánh của chúng ta thêm nặng và ách của chúng ta thêm khổ mà thôi. Hơn thế nữa ngày nay, người ta hình như quên lãng đến vai trò của Đức Chúa Thánh Thần. Người là nguồn tình yêu và lửa mến giúp mọi người chúng ta có thêm sức mạnh để học, để yêu mến Chúa cùng tha nhân một cách hòan hảo nhiều hơn.

Nếu như mọi người đều ước muốn và cùng nhau đóng góp vào công việc hướng dẫn cách học theo gương Chúa Giêsu. Chắc hẳn Cha của chúng ta ở trên trời sẽ chúc lành cho công việc truyền giáo của chúng ta ngay tại trong gia đình, trong xứ đạo, và trong xã hội ngày nay.

Cầu chúc các em học sinh biết noi gương Chúa Giêsu, và có được những đức tính của Người, nhất là hai nhân đức hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng.

Thầy giáo trường Dòng.




Leave a Reply.