Giáo Hội luôn luôn lo lắng cho những người trẻ, như trích trong sách “Đường hy vọng” của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

“Trước hết cần phải tổ chức việc giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và nữ không những tài giỏi về văn hóa mà còn có một tâm hồn cao thượng, bởi vì thời đại chúng ta đang khẩn thiết đòi phải có những người như vậy”.  (trang 222).
  Tháng  hai là tháng mà các học sinh vừa bắt đầu tựu trường, sau thời kỳ nghỉ học cuối năm. (Úc)  Hầu hết các bậc cha mẹ Việt Nam đã nhịn ăn, nhịn uống để có thể lo cho con cái của mình có được một chỗ học tại các trường tư thục hay ít ra là được học kèm thêm với các thầy cô giỏi hằng tuần. Họ cầu mong cho con cái của họ được học giỏi, hy vọng sau này chúng đỗ đạt và thành công trong công việc, để khỏi vất vả như họ bây giờ.

Về phần Giáo Hội, cũng nguyện chúc cho các em học sinh, một năm học đạt đựợc nhiều thành qủa tốt đẹp về học vấn cũng như nhân đức và đạo đức.

Về phần cộng đồng người Việt Nam, đã có nhiều nơi tổ chức các lớp học Việt ngữ. Thế nhưng phần chính là học để phát triển tiếng Việt mà thôi. Ngay cả  chính phủ cũng chưa quan tâm gì đến tình trang trẻ em Úc phạm pháp, bỏ học, bỏ nhà để kết bè đi hoang. Sự dễ dãi này khiến tôi lo ngại cho thế hệ con cháu chúng ta là những người Việt sống ở xứ người cũng sẽ bị ảnh hưởng lây, mặc dù cha mẹ đã cố gắng hết sức để giữ gìn truyền thống của cha ông ta.

Học nghiã là gì, Học những gì? Học để làm gì? Học cách nào để có điểm tốt? Học như thế nào có thể  biết và đem ra truyền đạt lại cho người khác? Học đến bao giờ? Với mong ước thế hệ con cháu của chúng ta được trở thành những người tài giỏi va đức hạnh làm vẻ vang Dân Tộc Việt Nam nơi xứ người.

Tôi xin lần lượt viết để mời gọi mọi người, các bậc nhân tài, các vị đã thành công trong việc học vấn, trong việc buôn bán, ngoại giao, trong xã hội góp ý và giúp cách cho con cháu của chúng ta đang vất vả bước vào năm học mới 2008 này.  Đáng chú ý đến các em đang cần thi tuyển vào các trường tuyển, hay thi VCE. Để con cháu chúng ta vừa giỏi về văn hóa, nhân đức, và đạo đức.

Trước hết tôi xin mời mọi người định nghĩa về chữ Học

Học là để có được sự hiểu biết từ những sự hướng dẫn hay do những sự thực tập.

Học là những phương cách bao gồm: đọc, lắng nghe, quan sát, bắt chước làm theo kiểu mẫu, làm việc theo sự hướng dẫn để có thể hiểu biết được về những gì mình chưa biết.

Học là để khám phá ra những điều mình chưa biết, hay chỉ biết lờ mờ, chưa rõ.

Ông bà ta đã nói: “Muốn biết thì phải học”.

Từ khi còn bé, các trẻ đã được dạy cho tập bú sữa, tập ăn từ bột sang cháo đến cơm. Các em bé được tập nói từ một tiếng “ba”, “mẹ” đến các câu nói ngắn. Các em được tập lẫy, tập bò rồi tập đứng, tập đi. Trường hợp của các trẻ nhỏ, chúng ta thấy các em cần được dậy dỗ, uốn nắn và cần có một thời gian để đạt được kết qủa.

Có em học rất nhanh, có em đòi hỏi thời gian lâu hơn những em khác. Sự khác biệt này được tùy thuộc vào khả năng nhạy bén, sự tập trung và sự chứa đựng của các em. Ngoài ra còn ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh, tình cảm của bạn bè và người dạy dỗ.

Có em, người dạy chỉ cần nêu nên vấn đề là em học sinh ấy có thể tự tìm ra câu giải đáp. Cũng có em thì cần được giúp đỡ để biết tìm ra vấn đề. Cũng có em phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn không thể nhớ được. Thế mới biết công lao của các thầy cô to lớn biết bao để gíúp cho học sinh biết cách học thích hợp với mình.

Khi các em còn nhỏ, chưa tới tuổi đi học. Tại gia đình, các bậc cha mẹ đã được nhắc nhở câu nói cổ xưa: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Câu nói trên đã nhắc nhở mọi người rằng, chúng ta nên dạy cho các con trẻ về lễ phép như: Kính trên nhường dưới, biết chị ngã em nâng. Biết thảo kính cha mẹ. Biết yêu thương tha nhân. Biết giúp kẻ sa cơ thất thế, giúp kẻ yếu đuối như câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.  Biết sống hòa thuận như câu “anh em như thể tay chân, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.  Biết tôn trọng luật lệ của gia đình, xã hội và của quốc gia. Biết không tham lam của người khác, không trộm cắp. Biết phân biệt điều tốt, điều trái.

Tất cả những điều kể trên, trẻ em cần được gia đình dạy dỗ trước khi các em đến tuổi đi học và còn được tiếp tục dạy dỗ qua các môn “Đức Dục” của nhà trường. (ở Úc chưa có môn đức dục)

Vì nếu các trẻ em không được dạy cho biết lễ phép, thì các em dễ sinh ra kiêu ngạo về các điều mà các em đã học về văn hóa. Chúng sẽ tự cho mình là  giỏi hơn thiên hạ. Với những cái biết nhỏ nhoi ấy, các em dễ nẩy sinh ra ích kỷ, chúng sẽ dùng những học thức ấy để phục vụ cho bản thân của riêng nó, và rất dễ đi vào con đường xấu vì chỉ muốn chiếm đoạt tất cả làm của riêng mình mà thôi. Chính vì thế mà thánh Matthêu đã thuật lai Lời Chúa Giêsu phán như sau:

“Hãy mang lấy ách của Ta và học cùng ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ được bình an”. (Mt.11, 29).

Việc đầu tiên mà các cha mẹ, các nhà giáo dục cần dạy cho các học sinh là hiền lành và khiêm nhường. Vì hiền lành thì các em mới biết yêu thương tha nhân và biết học để có thể giúp đỡ chính bản thân các em, giúp đỡ gia dình, xã hội và tổ quốc. 

Vì khiêm nhường trong lòng, nên các em biết rằng mọi điều các em đã biết chỉ là nhỏ, chỉ là điều mà các nhà khoa học đã phát minh ra từ lâu, đã được ghi chép lại trong sách để cho các em học mà thôi.

Sau khi đã định nghiã chữ học, tôi xin được đề cập đến cách học.

Cách Học

Có nhìều cách. Học để hiểu biết, học để thuộc lòng, học để có thể đem ra áp dụng vào đời sống của mình qua các việc làm, và học để có thể truyền đạt cho kẻ khác hiểu và biết được như mình.

Muốn biết thì phải đọc sách, đọc báo chí, đọc truyện, đọc bản tin tức. Khi cầm một cuốn sách để đọc. Ta cần phải đọc tựa đề cuốn sách xem tác giả viết về vấn đề gì, liên quan tới cái gì. Tiếp đến ta cần đọc tới phần: “Mục lục”, xem trong mục lục gồm những chương gì, những chương ấy có liên quan đến những vấn đề ta cần biết hay không. Khi đọc từng chương của sách, ta cần để ý đến những ý chính của tác giả thường nhấn mạnh ở đầu chương hay ở cuối của chương.  Cuối cùng ta cũng cần tóm lược được ý chính của chương sách mà tác gỉa đã khai triển của chương này để nối kết sang chương kế đến. Đọc mà không nhớ thì chưa phải là học!

Muốn biết thì phải lắng nghe, nghe lời giảng, nghe người khác nói chuyện, nghe tin tức qua máy phát thanh, truyền hình.  Khi nghe chúng ta cần phải tập trung, lắng nghe cho rõ câu chuyện và biết phân tích cái đúng sai của câu chuyện.  Thời gian xảy ra: ngày hay đêm, thời gian kéo dài của sự việc, cảnh vật chung quanh, số nhân sự liên quan đến câu chuyện. Sau cùng là kết qủa của câu chuyện đưa đến hậu qủa như thế nào. Nghe mà không nhớ rõ thì chưa phải là học!

Muốn biết rõ thì cần phải tra tay vào mà làm thí nghiệm xem sự việc kết qủa như thế nào. Thật vậy, khi nghe lời giảng dậy, nếu không biết đem ra thực hành thì hay dễ quên, nên cần phải đem ra thực hành bằng cách giảng dạy lại cho người khác hay là thực hành theo lời chỉ dẫn thì mới có thể hiểu và nhớ được lâu. Học mà không thực hành được thì chưa phải là học!

Muốn biết rõ thì cần phải suy xét, so sánh xem điều mình nghe biết ấy là đúng hay sai. Nếu đọc, nghe và làm mà thiếu suy xét thì có khác gì con vẹt chỉ biết lập đi lập lại những điều của kẻ khác, chứ không phải là học!

Để việc học đạt được nhiều kết quả tốt đẹp

Các học sinh cần có hai đức tính: Hiền lành và Khiêm nhường, để giúp cho mình biết:

Tiên liệu, sắp xếp và hoạch định chương trình học.

Cần mẫn, chăm chỉ và quyết tâm chu toàn bổn phận hằng ngày.

Xét mình, tổng kết ghi chép những việc đã và chưa thực hiện xong để rút ra ưu và khuyết điểm trong ngày.

Tìm những nguồn trợ giúp như sách báo, các tài liệu, các thầy cô và bạn bè hiểu biết, có kinh nghiệm hơn mình.

Sắp xếp và chuẩn bị lại chương trình mới cho ngày kế tiếp.

Thực hành và quyết tâm đạt được mục đính chính từng ngày của mình.

Học đến bao giờ?

Sự học không bao giờ chấm dứt, vì có nhiều cái học như: Học trò khi học ở bậc tiểu học, học sinh khi ở bậc trung học, và sinh viên khi ở vào bậc Đại học. Khi ra đời thì học ở trường đời, học tại công sở, học tu nghiệp, học lên bậc cao học, bậc tiến sĩ. Học có nhiều ngành nghề khác nhau như về xã hội, tâm lý, y tế, tôn giáo, tâm linh, thương mại, kiến trúc, luật, tội phạm, nông lâm súc, kinh tế, thương mại... Về nghề nghiệp như xây cất, công chánh, điện nước, hàn xì, mỹ thuật, thời trang… người viết chịu thua không thể nào kể cho hết đưọc những nghề nghiệp, mà nếu như có thể thì cần phải được sống ngàn tuổi mới dám nghĩ đến học cho hết được những cái cần học.

Sự học giống như bơi trên giòng nước ngược

Ngày nay ở các nước văn minh, tiền tiến thì bằng cấp tối thiểu cho các thanh niên nam nữ là  những chứng chỉ của trường huấn luyện tay nghề (TAPE), hay cao hơn tí nữa là cấp bằng Đại Học.

Các mảnh bằng ấy chỉ là ghi nhận vào thời điểm ấy, các học viên đã học được một số kiến thức về nghề nghiệp của mình, đủ khả năng để xin việc làm mà thôi.  Cho nên các công sở đều khuyến khích các nhân viên của mình tiếp tục theo học các khóa hậu Đại học.

Bạn đừng tự hào về những bằng cấp bạn đã có mà dừng bước, dậm chân tại chỗ mà không chịu tiếp tục học nữa nhé.  Cho dù bạn là thầy giáo, giảng sư, cha cụ, những nhà thông thái, bác sĩ, kỹ sư. Tất cả những gì bạn đã học năm nay, ngay bây giờ đang theo giòng nước ngược chảy vào vị trí thấp dần. Những khảo cứu mới, phát minh mới càng ngày càng được tìm thấy để thay thế vào chỗ của những điều bạn đã học được. Nếu bạn không chịu tiếp tục học thì bạn chỉ đem cái cũ rich ấy để truyền đạt lại cho người hậu thế mà thôi.

Để kết bài viết, xin mượn lời của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong sách Đường Hy Vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công Đồng. câu 579, trang 223 :

“Văn bằng chứng tỏ con đã thông minh trong một giai đoạn nào đó, đặc biệt lúc đi thi. Nếu sự học hỏi của con đứng ngang đó, dù một đống văn bằng cũng không bảo đảm sự thông minh của con”.

Cầu chúc cho các em học sinh, sinh viên có một sức khỏe trong một thân xác tráng kiện. Một tinh thần minh mẫn, trong một quyết tâm học về mọi phương diện: văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, đức dục, luật pháp tùy theo tuổi tác của các em trong năm học mới 2008.  Xin hẹn gặp lại.

2/08.

Thụy Miên.




Leave a Reply.