Các em học sinh thân mến. Đầu năm nói chuyện học hành thì sợ cả năm các em cứ phải loay hoay nghĩ đến chuyện học với hành. Còn nói chuyện về nghỉ hè, thì lại sợ cả năm đi chơi không chịu học hành. Đời học sinh, chúng ta nên bắt chước các cụ nói chuyện lễ nghĩa cho phải đạo. Tiên học lễ, hậu học văn cơ mà, phải vậy không các em.
 Trước khi nói chuyện năm mới. Chúng ta cùng nhau ôn lại một chút chuyện năm cũ cho phải đạo làm người, kẻo các cụ cho rằng chúng ta có năm mới thì quên năm cũ, hay  tệ hơn nữa là qua sông thì quên con đò, quên cả người lái đò.

 Đã có em nào để dành đôi phút trong ngày, để nghĩ về công ơn của mẹ cha hay chưa?

Ồ có chứ! Hàng ngày thì nhiều quá, một tháng một lần, hay một năm một lần như người Úc vào các ngày của cha mẹ. Các em nên nhớ, sự thành tựu trong việc học hành của các em ngày nay có được, phần lớn là do sự tận tâm lo lắng, chăm sóc của các bậc phụ huynh. Chính vì thế mà chúng ta có bổn phận đáp đền những công lao to lớn ấy.

Làm thế nào để có thể đáp đền?

Là học sinh các em cần phải có mục tiêu rõ rệt, định chí kiên cố, phải có lòng kiên nhẫn, chẳng hề bị lay chuyển, dù gặp nhiều gian nan thử thách các em cũng không thối lui. Lúc học hành thì phải dụng công đọc sách, không đùa giỡn phá phách mất thì giờ, mà phải chăm chỉ học hỏi mọi điều cần thiết, như vậy mới không phụ lòng thầy cô, không phụ lòng cha mẹ. Các em hãy tiếp tục học cho giỏi. Lúc đi học ở trường thì phải nghe lời thầy, cô giáo, chuyên tâm chăm chú nghe giảng bài, tập trung vào việc học, không lãng phí thời gian. Mỗi một ngày các em phải học thêm được một chữ, một câu, một điều gì đó mới lạ, có ích cho việc học hành, đó là các em biểu hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ rồi đấy.

Về đến nhà, các em phải làm người con tốt. Các em cần biết cung kính và nghe lời mẹ cha, bởi vì cha mẹ là người có nhiều kinh nghiệm sống, và có học vấn phong phú hơn các em. Chính vì thế, các em hãy noi gương của cha mẹ thì tương lai của các em sau này mới mong thành công. Các em có thể phụ giúp việc nhà, tuy thời gian chẳng là bao, thế nhưng qua những việc làm nhỏ nhặt ấy, các em đã thể hiện được tấm lòng biết ơn của con cái đối với mẹ cha.

Trong trường hợp các em có ông bà, cha mẹ lớn tuổi, hay sức khỏe của họ đã yếu kém vì bệnh tật. Sự quan tâm và chăm sóc cho họ là điều cần thiết để tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ.

Tuổi già là tuổi cô đơn, dễ buồn, dễ tủi thân. Chính vì thế mà các em cần phải hiểu được nỗi tâm tư của cha mẹ mình. Các em hãy dành thì giờ trong ngày để hàn huyên, trò chuyện, và lắng nghe tâm sự của mẹ cha. Chính những lời nói dạ vâng, ngọt ngào, thái độ yêu thương, cung kính và đầy thông cảm ấy đã làm ấm lòng cha mẹ. Họ sẽ được an ủi và lòng thấy nhẹ nhàng vui vẻ.

Các em hãy biết tạ ơn Chúa vì các em được sống với mẹ cha. Có nhiều em trong thời chinh chiến đã chẳng bao giờ thấy được mặt cha, vì cha em đã chết ngoài chiến trường, từ thủa em hãy còn nằm trong bụng mẹ. Hay có những em bây giờ cha mẹ đã mất, hoặc ở xa không gần gũi được cha mẹ để báo hiếu. Trong khi đó chúng ta có cơ hội ở gần cha mẹ, để đền đáp phần nào công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đó là một ơn phúc Chúa ban cho chúng ta. Các em hãy dành nhiều thì giờ hơn, để quan tâm chăm sóc sức khỏe cho mẹ cha, vì đời người qúa ngắn. Nó được ví giống như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay, hay như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió nhẹ cũng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng chẳng còn mang vết tích.

Chính vì thế mà các em hãy biết dành thì giờ để nghe mẹ cha kể những chuyện xưa trong qúa khứ. Người lớn thích kể cho con cháu nghe những chuyện buồn vui, huy hoàng oanh liệt của mình trong thời thanh xuân. Các em nên biết hỏi cha mẹ kể lại cho các em nghe về đời của các em, của anh chị em, hay về những chuyện xưa mà cha mẹ gặp gỡ nhau. Khi các em biết dành thì giờ để lắng nghe tâm sự, những ước nguyện của mẹ cha, đó chính là món qúa quý giá nhất mà các em đã làm cho lòng mẹ cha được vui vẻ, tinh thần sung sướng, và ăn uống ngon miệng, ngủ nghỉ được ngon giấc. Còn đau khổ nào hơn khi chính con cái của mình không biết về tiểu sử, quá khứ của mình.

Các em đừng bao giờ loại bỏ cha mẹ ra khỏi đời sống của mình. Theo kiểu Úc, Mỹ thì con cái mới 16 tuổi được nhà nước khuyến khích sống tự lập, bỏ nhà đi biệt xứ. Đây chính là một lầm lỗi lớn, đã khiến biết bao nhiêu em lâm vào cảnh vô gia cư, vô nghề nghiệp, hay suốt đời ăn bám vào sự trợ cấp nghèo nàn, thiếu thốn của chính phủ. Các em đó, sau bao niêu năm sống bờ bụi, nay đã trở thành những ông già nằm ngủ ngòai vệ đường, và chờ một đêm giá lạnh để chết cóng bên vỉa hè đường phố, không thân nhân.

Các em sẽ chẳng tìm đâu ra được người bạn tốt nào tốt hơn là cha mẹ của các em. Cha mẹ của các em chính là người đã sinh thành ra các em, họ sẵn sàng chịu đói khổ, đau ốm, và ngay cả chịu chết để các em được sống. Gương của các bậc cha mẹ đã liều chết vượt biên để tìm sự ấm no, hạnh phúc tương lai cho con cái của mình. Nếu các em đang có những lo lắng, toan tính, suy tư, hãy tìm đến cha mẹ của các em để tìm sự giúp đỡ. Cha mẹ chính là những người đầu tiên mà các em cần tìm đến, để có sự chia sẻ và giúp đỡ. Thương con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh, cho dù chồn hoang hay chó sói thì gà mẹ cũng liều chết để bảo vệ đàn con cho khỏi nanh vuốt của con chồn, con sói hay của con diều hâu, huống chi là con người. Có cha mẹ nào đành nhắm mắt để con mình rơi vào cạm bẫy mà không cứu giúp. Có chăng chỉ vì các em không dám hay không muốn giải bầy tâm sự của mình với mẹ cha mà thôi. 

Các em đừng bao giờ chê cha mẹ mình là lẩm cẩm, không biết gì. Các em chớ ỷ nại vào mớ chữ học được ở nhà trường, tiếng Anh sổ như gió mà cho rằng cha mẹ của các em lạc hậu. Cha mẹ của các em đã có nhiều kinh nghiệm trong đời sống lắm rồi. Nào có cần phải học gì cho khó mới biết nấu ăn cho mình được. Có chăng là vì tuổi già sức khỏe kém, mắt mờ lòa, trí nhớ hay quên cho nên nhiều khi quên tắt bếp gas sau khi nấu ăn, hay vì tay yếu nên bưng tô canh nóng bị rớt bể bị phỏng cả người. Các em hãy biết thông cảm cho mẹ cha như họ đã trăm ngàn lần thông cảm và tha thứ cho các em khi các em còn ấu thơ.

Để tỏ lòng hiếu thảo, các em có thể giúp mẹ cha trong các việc nhỏ nhặt như: Giúp rửa chén bát, quét nhà, hút bụi. Giúp các cụ tránh quên, các em như ghi các số điện thoại người thân quen của cha mẹ bằng chữ thật to, treo ở chỗ dễ thấy, để các cụ dễ nhìn. Có nhiều cha mẹ già, đau yếu, các cụ cần uống thuốc hàng ngày, các em có thể giúp đỡ cha mẹ bằng cách chúng ta để thuốc ở những chỗ dễ lấy, dễ nhớ. Hay các em tình nguyện đưa cha mẹ đi chơi, đi nhà thờ, hay thăm bạn bè. Những việc kể trên cũng là dịp để các em tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn cha mẹ đã lo lắng chăm sóc cho các em khi còn bé.

Một cách để tỏ lòng hiếu thảo đối với mẹ cha nữa, đó là anh chị em trong gia đình biết sống thuận hòa với nhau, kính trên nhường dưới. Đây chính là điều cha mẹ rất hãnh diện về sự giáo dục con cái của mình. Chị ngã em nâng, anh em đùm bọc nhau để sống, cùng nhau thảo luận trong công việc làm ăn. Những bữa cơm họp mặt gia đình, để cha mẹ có dịp gặp gỡ các con các cháu, đã mang lại niềm vui cho cha mẹ rất lớn.

Tặng mẹ cha những món qùa có ý nghĩa. Cũng là cách chúng ta tỏ lòng hiếu thảo. Thường thì khi chúng ta ra chợ trời, sẽ thấy có các cụ già đem bán những món quà mà con cái đã biếu cho họ nhân dịp Birth Day, hay ngày Father day, Mother day. Tuổi già thường không có nhiều nhu cầu như tưổi trẻ về giày dép, quần áo mặc, vật dụng cá nhân hay đồ dùng trong nhà. Đa số là vì sức khỏe nên ăn uống phải kiêng cữ nhiều thứ, nên họ cũng không cần các món ăn cầu kỳ, cao lương mỹ vị. Chính vì thế khi có dịp biếu quà cho cha mẹ, các em nên mua những băng nhạc đạo, những đĩa CD giảng thuyết của các cha, hay những loại thể phim ảnh du lịch thế giới. Đó là những món qùa tinh thần tốt nhất.

Những bức thư, cánh thiệp trong những dịp đi xa, chúc mừng tuổi thọ cũng là những món quà đã làm cho cha mẹ vui lòng rất nhiều. Đan cử một thí dụ như chúng tôi cũng vừa nhận được tấm thiệp của đứa con gái út viết cho chúng tôi trước khi chúng tôi đi Holiday, để cám ơn và từ giã vì năm tới 2012, cháu sẽ đi xa nhà, về miền thành phố Launceston, phía Bắc của Tasmania để thực tập 2 năm cuối ở bệnh viện Launceston. Nó sinh ra và lớn lên ở Úc, ấy thế mà viết thư tiếng Việt, với tình cảm người Việt rất ư đậm đà như sau:

“Trước khi năm 2011 kết thúc, con muốn cám ơn ba mẹ đã thương yêu và quan tâm đến con 20 năm nay.

Có thể con không nói ra, nhưng nghĩ đến những ngày con còn ở gần gũi với ba mẹ còn ít, con rất đau lòng. Con biết trước là năm sau con đi học xa, rồi ra trường, con sẽ nhớ mong ba mẹ và nghĩ lại về những ngày quí báu này.

Ba mẹ đừng lo lắng về con! Chúa lúc nào cũng sẽ lo cho mình, và cho dù con bị vấp té, con biết ba mẹ lúc nào cũng sẽ ủng hộ con đứng lên trong tâm hồn. Con cần một điều này từ ba mẹ… Con xin ba mẹ tiếp tục lo lắng cho nhau về sức khỏe, để con và các cháu có thể cùng vui với ba mẹ trong tương lai.

Chúc ba mẹ đi chơi và Giáng Sinh vui vẻ!

Happy Christmas with love to both of you!

                                  Con yêu, Hồng”.

Tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần mà lòng cảm thấy vui vui, vì các anh chị lớn của nó dù được sinh đẻ ở bên Việt Nam, cũng chưa có đứa nào lại biết viết thiệp gởi cho chúng tôi như đứa con gái út sinh ra tại nước Úc này.

Nhân tiện, tôi cũng xin cám ơn tất cả các thày cô giáo dạy tiếng Việt tại nước Úc, đã bỏ biết bao công sức dạy dỗ cho các con trẻ Việt Nam, để giờ đây cháu còn biết dùng tiếng mẹ đẻ để viết lên những lời tâm sự, lòng biết ơn đối với mẹ cha.

Cầu chúc cho các em học sinh Việt Nam Công Giáo tại nước  Úc, luôn luôn là những học sinh giỏi của quốc gia, tràn đầy lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ.  Xin Chúa chúc lành cho mọi gia đình.

Thày giáo trường Dòng.




Leave a Reply.