Học với hành tuy hai mà một, nhưng nó tuy một mà hai. Thật là khó tách rời được hai chữ học và hành ấy. Khi bài này được gởi đến tay của qúi vị phụ huynh học sinh, thì các em đã học xong được một học kỳ nửa năm rồi. Tháng 6 là tháng thi cử đã làm các em mệt nhừ với chồng sách vở, với những đêm không ngủ, những ly nước trà, những tô cháo, và những đĩa trái cây luôn luôn được đầy tràn, hầu các em có đủ sức để mà học thi giữa năm. Chính vì những công sức mà qúi vị cùng các em đã bỏ ra nên sự học trở nên vô cùng qúi giá, vì học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
 Các em có 2 tuần lễ nghỉ để xả hơi, trước khi bước vào học kỳ thứ hai. Nhân vì sự ấy, xin mời các em học sinh ôn lại những gì đã học được trong học kỳ vừa qua. Ôn lại bài vở, có nghĩa là kiểm điểm lại mình đã học được những gì từ bắt đầu niên học cho đến nay. Đã hiểu và nhớ được bao nhiêu phần trăm các môn học ấy. Đã quên và chưa đạt sự hiểu biết về các môn học nào. Đã áp dụng được vào đời sống của mình những gì về các môn học ấy. Đã truyền đạt tư tưởng hay chỉ lại cho bạn bè về các điều mình hiểu biết được bao nhiêu lần rồi.

Trong cuộc sống làm con người, và nhất là người công giáo. Các em học sinh không những chỉ phát triển về mặt học thức không mà thôi, vì nếu như thế các em sẽ biến thành con mọt sách lúc nào không hay. Các em còn cần được phát triển về kiến thức phổ thông về mọi sinh hoạt khác nữa, như khoa học, y tế, xã hội, đức dục, thể thao, và tín ngưỡng. Sự học rộng như đại dương, như sóng dưới biển nên thay đổi không ngừng. Cho nên nếu chúng ta ngừng lại, có nghĩa là chúng ta đã tự giới hạn sự hiểu biết của chúng ta.

Làm thế nào để đo lường sự hiểu biết của chúng ta. Đó là khi chúng ta đem áp dụng vào việc làm, hay qua lời nói, và bằng cách diễn tả những suy nghĩ của chúng ta qua những quyết định hàng ngày. Chính vì thế khi các cha mẹ có dịp gặp gỡ nhau, đều thường hỏi nhau về con cái của họ: “Dạo này cháu học hành thế nào rồi?”. Câu nói ấy hình như muốn người ta trả lời thật nhiều về đứa bé được hỏi thăm.

Câu hỏi ấy, nó có thể, là đứa bé ấy học có giỏi không, có được điểm khá về các bài tập, bài thi trong lớp không, hay nó có bị yếu kém môn học nào không.

Nó cũng có thể, là đứa bé ấy có ngoan hiền hay không, có bị thầy cô phiền hà gì về một lỗi lầm nào không, thí dụ như đi học trễ, vắng mặt trong lớp hay không chú tâm nghe thày, cô giáo giảng bài.

Nó cũng có thể, là đứa bé ấy về nhà có chịu làm các bài tập mà các thày cô cho đem về nhà hay không, có đọc sách thêm, hay chỉ thích coi truyền hình, nghe nhạc, chơi trò chơi điện tử qua máy vi tính.

Nó cũng có thể, là đứa bé ấy có chịu giúp đỡ bố mẹ trong công việc nhà như quét dọn nhà cửa, giữ phòng ốc cho ngăn nắp, quần áo sạch sẽ…

Chẳng phải là người hỏi có ý tò mò. Nhưng là họ muốn biết đứa bé ấy có biết áp dụng những gì mình đã học được từ nhà trường, từ bạn bè, từ những đoàn thể mà nó tham gia, từ những người tốt, từ các đấng bậc bề trên hay không. Nói khác đi người hỏi muốn biết, chúng có biết hành xử với những cái gì chúng đã học được để áp dụng vào đời sống hàng ngày hay không.

Các em học sinh cũng nên chú ý. Học mà chẳng thực hành thì các em khó mà nhận thức được sự hiểu biết của mình đã đạt đến trình độ nào. Vì khi không thực hành thì các em cứ tưởng mình biết và hiểu rất nhiều, thế nhưng khi đem ra thực hành, như qua kỳ thi giữa năm vừa rồi thì mới biết mình còn chưa biết nhiều điều lắm. Các bài thi thử ở nhà trường với thời gian nhất định, đã làm cho các em bị lúng túng, lo lắng về thời gian trả lời cho kịp giờ. Đấy chính là nguyên nhân làm cho các em khó tập trung được, khi các em chỉ biết học bằng cách thuộc lòng, hay ỷ vào tài nhớ dai của các em và không chịu làm các bài thi mẫu trong cùng một thời gian mà nhà trường ra hạn định là 2 hay 3 giờ thi. Đấy cũng là kinh nghiệm cho học kỳ tới.

Các em có khi nào nghĩ rằng vì thương và lo lắng cho sự học hành của các em, mà cha mẹ đã không quản ngại nhọc nhằn làm thêm giờ, để có thể có tiền cho các em theo thày học thêm, môn này hay môn nọ như ý các em muốn hay không. Mẹ và các anh chị cũng hy sinh làm việc gia đình để các em có giờ mà học. Tuy nhiên không phải vì học mà các em trở nên lười biếng và trốn tránh các việc của chính mình.

Có nhiều người khi được hỏi thăm đến sự học hành của con cái thì chép miệng than rằng: “Học với hành gì nó, suốt ngày cứ đóng cửa lại, ở lì trong phòng với các máy computer, lúc thì nhạc mở inh ỏi, lúc thì cười hô hố. gọi ra mà ăn cơm nó còn không muốn ra ăn cho đúng giờ, đúng bữa. Cái mã ngữ ấy có mà đi gánh phân cũng chẳng ai mướn”. Cũng có người than rằng: “ Con với cái, học với hành gì mà tới giờ đi học rồi, nâng đầu nó dậy mà còn nó chưa thèm dậy, thì làm sao đến trường mà học được”. Phải chăng là các em không biết cách học hay vì học mà không biết thực hành.

Thôi nhé! Nếu có em nào bị cha mẹ mắng yêu như vậy. Hãy cố gắng sửa lại cách ăn nết ở của mình, hầu cho việc học được tiến bộ hơn học kỳ trước. Hoặc giả như em nào đó thấy mình còn thua kém về phương diện nào đó, thì hãy bày tỏ cùng mẹ cha, thày cô để xin được giúp đỡ. Hãy xét mình thật kỹ và nếu có gì lỗi lầm thì hãy thật lòng ăn năn và cải chừa, cùng cầu xin ơn Chúa giúp sức, cho mình thắng mình và thoát khỏi những thói hư, tật xấu.

Cầu chúc các em có được một học kỳ đạt được nhiều điểm tốt của nhà trường cùng của gia đình mình. Chúc các em cố gắng nhiều hơn.

Thày giáo Trường Dòng.




Leave a Reply.