“Đứng”. Tiếng hô to và dõng dạc của người trưởng lớp.

Cả lớp chúng tôi vội vàng đứng lên, làm dấu trước giờ học. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hát kinh Lạy Cha như qui định của nhà trường. Hát xong, thầy giáo chào tất cả học sinh và thầy giới thiệu đề tài bài học.
 - Hôm nay chúng ta sẽ học về. Thầy ngưng đôi chút, rồi cầm cục phấn trắng viết lên bảng của lớp: “Hãy học cùng cha

Cả lớp chúng tôi nhốn nháo hẳn lên. Quái lạ cái ông thầy dậy môn Việt văn, hôm nay lại dở chứng, cho chúng tôi học về thánh kinh. Câu phúc âm theo thánh Matthêu chương 11, câu 29 này chúng tôi thuộc từ lâu rồi. Đó là câu: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”.

Chờ cả lớp chúng tôi im lặng. Thầy giáo viết tiếp chữ mẹ theo sau chữ cha. Cả lớp lại ồ lên như chợt hiểu đây mới chính là đề tài thầy muốn dậy ngày hôm nay. Thầy nhìn chúng tôi rồi chậm rãi nói.

-  Hôm nay thầy miễn cho các em chép bài, chỉ cần lắng nghe những câu hỏi, những câu chuyện mà thầy sẽ kể cho các em. Sau đó chúng ta sẽ thảo luận đề tài: “Hãy học cùng cha mẹ”.

Thầy giáo bắt đầu vào đề bằng câu hỏi.

-   Có em nào biết tên cái, tên gọi của mẹ mình là gì không?

Bọn trẻ đệ thất (bằng lớp sáu bây giờ), chúng tôi nhìn nhau im lặng. Từ trước đến giờ chưa có bao giờ chúng tôi nghe thấy ai gọi tên của mẹ chúng tôi bao giờ cả. Trong gia đình, làng xóm, những người thân quen, họ chỉ gọi tên bố của chúng tôi mà thôi. Dân chúng theo tập quán của làng thì thường lấy tên con trai đầu lòng ra mà gọi thay cho người cha, người mẹ, thí dụ như Bố thằng Tí, mẹ thằng Tèo.

Thầy nói tiếp.

- Các em hãy tìm hiểu về bản thân, cuộc đời của cha mẹ mình, những việc làm âm thầm, những ước muốn, những lo lắng của cha mẹ về tương lai con cái, những hy sinh mà cha mẹ các em chưa bao giờ thố lộ cho các em biết.

Thầy cũng gợi ý cho chúng tôi rằng người cha là người hiểu biết về người mẹ nhiều và ngược lại người mẹ cũng thế. Các em hãy học cùng mẹ cha để biết và yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Các em hãy viết thành bài luận văn nộp cho thầy vào tuần tới.

Cái thời học sinh của tôi ngày ấy, mới đây mà đã gần năm mươi năm trôi qua. Cái dĩ vãng ấy, tự nhiên hôm nay lai hiện ra trong tâm trí tôi. Chủ nhật đầu tháng chín là ngày mà dân Úc chọn là ngày Father’s Day, ngày nhớ ơn cha. Con cái nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục. Tôi nghĩ cả năm người dân Úc mới có được một ngày nhớ ơn cha, thì chắc hẳn thua xa dân Việt Nam chúng ta. Người Việt Nam luôn nhớ ơn cha mẹ mọi giây, mọi phút, mọi ngày trong đời sống của mình. Ông bà chúng ta đã dậy, làm con thì phải hiếu thảo với mẹ cha suốt đời, khi sống cũng như lúc đã qua đời thì mới tròn đạo làm con.

Cha mẹ học cùng con

Thời bây giờ, những ai có con đang ở tuổi học sinh và nhất là đang học lớp 11 hay lớp 12, thì đều hiểu rõ câu nói: “Cha mẹ học cùng con”. 

Tôi có người bạn, chị ta đi lễ sáng ngày Chúa Nhật, lễ gần xong thì chị ta đã vội vã làm dấu ra về cùng đứa con. Tôi hỏi thăm.

-  Đi đâu mà vội vậy.

-  Dạ! em đi học. Hôm nay cha giảng hơi dài, nên sợ trễ lớp.

Tôi trợn mắt như không hiểu. Chị ta chợt nhớ ra là đã trả lời tôi không rõ, chị nói vội thêm.

-   Em đưa cháu đi học thêm, cháu có lớp lúc 10 giờ sáng.

Cha mẹ học cùng con là thế đấy. Khi chở con đi học kèm, thì ngồi ngoài xe chờ đợi khoảng từ một đến hai giờ, chờ đến khi tan lớp học rồi chở chúng về nhà. Những đêm con thức để học khuya, cha mẹ cùng thức với con. Cha thì kiếm tờ báo đọc, còn mẹ thì nấu nước pha trà sâm cho con uống, có khi nấu cháo, nấu mì cho con ăn để có sức tỉnh táo mà học bài. Chờ đến khi con tắt đèn đi ngủ thì cha mẹ mới về phòng đi ngủ. Con cái là tài sản của mẹ cha, nên họ muôn thức cùng con để khích lệ tinh thần. Họ thầm thĩ cầu xin cho con họ làm bài thi đạt được điểm cao, vào được ngành nghề như ý muốn.

Chính vì thế mà nhiều học sinh ngày nay chỉ biết ăn và học chữ mà thôi. Có những em sau khi học xong Đại Học vẫn chưa biết nấu ăn, chưa biết đi chợ mua thịt, cá, rau về làm cơm cho gia đình. Có khi chúng nấu nồi cơm còn bị khô, bị nhão, thì làm sao chúng biết làm các món ngon cho mẹ hoặc làm món nhậu cho cha. Cái quần, cái áo còn chưa biết ủi thì nói chi đến chuyện thêu thùa, may vá như các cụ ngày xưa dậy cho con gái phải có Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Con trai bây giờ cũng thế. Chúng chưa biết cầm cái búa đóng  đinh để sửa lại mái tôn nhà, chưa biết thay cầu chì điện, chưa biết sửa cái bàn, cái ghế bị long đinh thì còn nói chi đến truyện lớn lao ngoài xã hội.

Các cô cậu Tú Tài ngày nay là thế đấy. Đã có cha mẹ hầu hạ, lo lắng cho đủ điều. Cha mẹ là đầy tớ không công, là những kẻ có bổn phận phải nuôi dưỡng con cái, nhưng có đứa con ngỗ nghịch đã nói rằng: khi ông bà sinh tôi ra đời, ông bà đâu có hỏi ý kiến tôi. Đau lòng qúa, phải không quí vị phụ huynh. Nó đã không biết rằng cha mẹ phải có bổn phận nuôi dưỡng theo kiểu nó hiểu, thì khác xa với cách nuôi dưỡng đầy tình thương mà cha mẹ của nó đã dành cho nó. Nuôi theo kiểu nó hiểu, thì người ta nuôi cho nó đủ ăn để mà sống và dưỡng cho nó khỏi chết như kiểu trong ngục tù là đủ rồi.

Gương hy sinh của cha mẹ

Cha tôi đi lính, đóng ở đơn vị xa nhà. Thế nhưng tôi đã học được rất nhiều gương từ những người làm cha trong xứ đạo của tôi thời bấy giờ. Những người giàu có, người nghèo khổ, người đạo đức, người chăm chỉ làm việc, người hiền lành, người dân quê chất phát, người học thức.

Người mà tôi sống gần gũi nhiều nhất và học biết được nhiều điều nhất là mẹ tôi. Mẹ tôi đã kể cho tôi nghe chuyện bát cháo chữa cho tôi khỏi đói lả ở trên tàu từ Hải phòng vào miền nam, hồi năm 1954. Tôi lúc đó chỉ độ bốn tuổi, trên tàu không được phát lương thực, nên tôi bị đói, khóc gào lên: “Mẹ ơi! Con lả rồi mẹ ơi”. Lả, theo tiếng miền bắc là đói muốn xỉu rồi. Mẹ tôi xin những người chung quanh, cùng cảnh di cư mãi mới được chén nước cháo cho tôi húp đỡ đói. Mẹ tôi cũng kể cho tôi nghe về chuyện mẹ chịu tanh hôi, kiêng gió, đóng cửa và ở trong nhà khi tôi bị bệnh đậu mùa lúc tôi được một tuổi, vì sợ cơn bệnh sẽ có biến chứng. Tôi lớn lên trong cảnh con nhà nghèo. Tôi là con đầu lòng, nên mọi việc lớn nhỏ, từ nấu ăn trong nhà đến vào rừng kiếm củi về đun, ra ngoài ruộng để mót rau, kín nước giặt giũ, tắm heo, bồng em, đút cơm cho các em… Tôi kiêm đủ mọi việc thế mà ngày ấy tôi vẫn học được.

Lớn lên tôi lập gia đình, sinh con và gặp phải lúc đổi thời thế, bao nhiêu tiền bạc để dành, chơi hội đã theo chân những người di tản đi tứ phương, nên gặp cảnh nghèo. Nhà nghèo mà con cái đông và trẻ dại, chúng tôi xoay đủ thứ nghề để kiếm được miếng cơm nuôi con, cho chúng khỏi phải ăn bo-bo. Từ nghề vào rừng tre đi kiếm măng tre về luộc đem ra chợ bán, vắt cắn máu chảy dài dọc theo ống quần mỗi ngày, thế mà tôi chẳng sợ chỉ quệt tí nước thuốc lào là con vắt nhả ra, vết cắn lành chẳng hề gì cả. Hết măng, tôi lại đi vào rừng già từ 3 giờ sáng để cưa cây, chẻ củi đem ra chợ đổi gạo. Hết củi, tôi xoay nghề mua than. Đạp xe than, bao than nặng 100 kí lô, thêm 20 kí lô cột dằn trên tay lái cho nó cân xe, từ xứ Bùi Chu, Hố Nai về Ngã Bảy, Sài Gòn để bán. Hết than lại xoay qua nghề buôn thùng thiếc theo xe lửa ra ngoài Phan Thiết để bán. Buôn bán ế ẩm và vì đường xa, tôi lại xoay nghề đi bán kẹo kéo, rồi vào tổ hợp đan võng, bán vé số. Sau này, tôi được người tốt bụng khuyến khích, trở lại cái nghề mà tôi đã học được ở trường Quân Y trước năm 1975.

Những năm tháng ấy, chúng tôi chẳng nề lao nhọc, lòng chỉ mong kiếm được miếng cơm nuôi các con khỏi đói lả như tôi ngày xưa là được rồi.

Giọt nước mắt cho con

Tôi đã khóc thật nhiều khi nhìn hai đứa con đang bị cơn bệnh sốt xuất huyết hành hạ và như muốn cướp đi mạng sống của chúng nó. Bệnh sốt xuất hiện tại vùng Tam Hiệp vào năm 1977 đã cướp đi nhiều sự sống của trẻ em dưới 5 tuổi vào thời gian ấy. Nước mắt tôi tuôn tràn khi nhìn con ói mửa và đái ra máu. Những mụn đỏ nổi lên khắp người như ban sởi, thế nhưng khác một điều là sau khi tôi cột sợi giây thung vào cổ tay của chúng, chừng vài phút thì các mụn đỏ bầm mọc lên chung quanh chỗ sợi dây thung ấy ngay lập tức. Thầy thuốc mà không có thuốc thì cũng đành bó tay. Tôi đành phải bế con đi nhà thương, dốc hết tiền bạc để mua thuốc, mua các chai nước để chữa trị cho con. Ít ngày sau khi tôi đem thằng lớn đi nhà thương, thì lại đến con em của nó cũng bị sốt xuất huyết. Tôi một mình nuôi hai đứa tại nhà thương vì nhà tôi vừa mới sinh thằng thứ ba được hơn một tháng. Nhà thương Biên Hòa, ngày xưa có tên là nhà thương Phạm Hữu Trí, tên của một vị Bác sĩ nổi tiếng của Biên Hòa ngày xưa. Về sau này khi sang Úc và làm việc tại Bệnh viện Western Hospital , tôi mới biết là ngày xưa, trước năm 1975 nhà thương Biên Hoà được bảo trợ bởi Bệnh viện Western Hospital . Trong lúc nuôi on tại nhà thương này, tôi đã nhiều lần cầu xin Chúa cho tôi được chịu thay sự đau đớn cho các con tôi, để chúng được thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo này. Chúa đã nhận lời, sau hơn một tháng tại nhà thương, cha con tôi đã trở về nhà bình yên. Không biết bây giờ các con của tôi, có còn nhớ về những ngày tháng ấy để mà tạ ơn Chúa bằng những việc lành làm phúc cho các trẻ em bệnh tật, nghèo đói, thiếu may mắn hay không. Đúng như các cụ đã nói: “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ”.

Bịch máu cho con

Hôm ấy, trời đã khuya và có lẽ đã 2 giờ sáng. Tôi nghe tiếng người gọi tên tôi ở ngoài cổng hàng rào. Tôi bật đèn thức dậy, ra mở cổng. Hai người đàn ông bế hai đứa trẻ, chúng độ dưới 5 tuổi và một người đàn bà vội bước vào trong cổng, nói với giọng cầu giúp.

-   Anh làm ơn, làm phước cứu con chúng tôi với. Chúng nó sốt, ói mửa từ chiều đến giờ và mới đây chúng nó ói ra máu tươi.

-   Đặt chúng nó nằm xuống giường mau.

Tôi nói nhanh vì linh tính biết chúng bị bệnh sốt xuất huyết. Họ là hai anh em ruột, nhà ở sát vách dưới xóm ruộng. Chiếc giường gỗ đủ cho hai đứa nằm xoay ngược đầu nhau. Tôi chích thuốc cầm ói cho cả hai đứa. Nhìn nước ra xanh mét tôi biết là chúng bị mất máu nhiều, nhà tôi không còn một chai nước nào để truyền cho chúng. Trời đã hơn 2 giờ khuya, tìm đâu ra xe Lambrô để mướn họ chở đi nhà thương Biên Hòa vào lúc này vì giới nghiêm. Tôi bảo hai vợ chồng người em lấy một chiếc xe đạp của tôi chở thằng bé, còn tôi đèo người anh bế đứa con ở phía sau. Chúng tôi cố gắng đạp thật nhanh trên quãng đường dài năm cây số của quốc lộ 15, để tới nhà thương Biên Hòa. Tới nơi, tôi vào phòng cấp cứu nói rõ tình trạng của hai cháu thật khẩn cấp lắm rồi. Tôi xin họ truyền nước và máu gấp, nhất là đứa con của người em vì dọc đường nó lại ói ra máu. Nhưng máu ở đâu ra bây giờ, vào lúc giữa đêm thế này. Người cha của đứa bé nài nỉ nhân viên lấy máu của mình mà truyền cho con. Trong khi bịch máu còn chưa đầy , thì tiếng khóc của vợ anh ta đã gào thét lên vì không còn kịp nữa và đứa bé đã chết. Rốt cuộc chỉ còn đứa con của người anh được cứu sống vào thời gian ấy.

Nhờ con ai nuôi

Đời làm cha mẹ lắm nhiều vất vả, nhưng mấy ai đã được con cái yêu thương, đền đáp cho đúng nghĩa đâu. Sống ở xứ Úc này, chúng chỉ biết khi còn trẻ thì cậy vào cha mẹ. Còn khi cha mẹ già thì để cha mẹ cậy nhờ vào ai tuỳ ý. Có lẽ họ đành nhờ vào viện Dưỡng Lão hay nhờ vào con bà hàng xóm nuôi vậy.

Chuyện kể thế này. Có hai ông già gặp nhau ngoài công viên, họ hỏi thăm về gia cảnh của nhau.

-   Ông được mấy người con.

-   Được 5 đứa, hai trai, ba gái. Còn ông thì sao.

-   Tôi cũng được 6 đứa, nhưng chúng nó đi lấy vợ, lấy chồng hết trơn rồi, chẳng có đứa nào về thăm. Tôi bây giờ phải nhờ con bà hàng xóm nuôi.

-   Ủa! Bộ bà nhà mất rồi hay sao mà ông phải nhờ tới con bà hàng xóm.

-   Không. Nhà tôi vẫn còn sống đấy chứ.

-   Vậy bà nhà cũng bị đau yếu hay sao, mà ông nói vậy.

-   Không. Tôi nói là nhờ con bà hàng xóm nuôi mà không đúng ư. Vợ tôi là con bà hàng xóm ngày xưa, ở gần nhà tôi bên Việt Nam đấy mà.

-   À! À! Tôi bây giờ mới hiểu. Ông được con bà hàng xóm nuôi. Tôi đây cũng vậy. Chúng mình chúc mừng nhau.

Một câu truyện khác, xảy ra tại bệnh viện ở Úc. Có người bệnh nặng, gần chết vì suy tim vào lúc 0100 giờ sáng. Nhân viên gọi điện thoại báo tin cho người con gái duy nhất của ông ta.

-  Xin lỗi chị, tôi đã gọi vào giờ này. Tôi là nhân viên y tế của trại mà bố chị đang nằm điều tri. Ông cụ rất yếu, tình trạng nguy kịch. Xin báo để chị vào thăm ông ngay.

-   Ông ấy chết chưa? Nếu chết rồi thì cứ việc đưa xuống nhà xác. Tôi có con nhỏ, và còn phải đi làm sáng nay, nên không thể đến được. Ngày mai tôi sẽ liên lạc với bệnh viện sau.

Tiếng cúp máy điện thoại của người nhà bệnh nhân vang lên bên tai, như chiếc búa bổ mạnh vào những người làm cha mẹ ở xứ Úc này. Cả cuộc đời hy sinh cho con, mà đến lúc gần tắt thở cũng chẳng được nhìn mặt con lần cuối.

Ngày xưa khi tôi còn ở quê nhà. Tôi đã từng được nghe những câu nói như thế của người con gái nuôi đối với bố nuôi. Ông ta đã cho người con nuôi này căn nhà để nuôi ông khi về già. Thế nhưng, tôi đã nghe thấy tiếng của người con nuôi ấy như sau.

-   Ăn gì mà ỉa đái lắm thế.

-   Dạng chân ra, chổng đít lên.

-   Từ nay, ăn ít đi, chứ không có ai ở không đâu mà hầu mãi.

Được ít lâu sau thì ông cụ ấy qua đời.

Cha mẹ già mà vẫn làm việc

Ngày xưa, khi tôi còn là một thanh niên mới lớn. Tôi có dịp được tiếp xúc với một ông giàu có sống trong xứ đạo của tôi. Gia đình ông ta rất giàu so sánh với dân trong giáo xứ. Nhà to cửa rộng, cơ sở làm ăn người ra vào tấp nập, kẻ ăn người ở rất đông, ruộng vườn nhiều vô kể. Thế mà ông bà vẫn thức khuya dậy sớm, bà thì ra ruộng hái rau muống đem ra chợ bán. Còn ông thì cùng làm việc với công nhân và con cái. Tôi tò mò hỏi chuyện.

-   Sao bác vất vả quá vậy, cháu nghĩ với tuổi của bác đã gần 60 tuổi rồi, mà còn làm việc từ sáng đến tối, tuần đủ bẩy ngày.

-   Nói thật với cậu, nhà tôi con thì đông, mà đứa con trai út của tôi mới có 14 tuổi. Ông im lặng đôi chút, rồi nói tiếp.

-   Tôi làm đây không phải vì tham tiền cho tôi, nhưng tôi làm để cho con tôi noi gương chịu khó, chứ đừng ỷ lại. Tôi đợi đến khi nó đủ tuổi trưởng thành, thì tôi nghỉ vẫn chưa muộn. Ông thong thả cắt nghĩa thêm cho tôi.

-    Cậu thử nghĩ coi, phải khó khăn lắm mới tạo được công ăn việc làm. Nếu mình không chịu khó thì chẳng mấy chốc là mất khách hàng. Hơn thế nữa, khi có được đồng tiền, mình có thể giúp đỡ người nghèo được nhiều hơn. Thí dụ như cậu làm một ngày chỉ đủ tiền chợ thì lấy đâu có dư mà giúp đỡ kẻ khác. Đằng này Chúa ban cho tôi có công ăn việc làm, đó là Chúa cho tôi có cơ hội để chia sẻ công sức của tôi cho người khác bằng nhũng lợi nhuận mà tôi kiếm được.

-  À! Thì ra là thế. Tôi gật đầu hiểu ra cái chân lý sống của ông ta và từ dạo ấy tôi đã noi gương ông.

Xin cho con có, để có mà cho đi.

Chị họ của tôi ngày xưa đã dạy tôi cách ứng xử về tiền bạc bằng câu nói như sau.

-         Tiền bạc là của Chúa ban cho chú qua công ăn việc làm và qua sự chịu khó. Chú hãy sử dụng nó để sinh lời thêm và nhất là sinh ích lợi về phần phúc. Khi Chúa ban cho thì chú vui mừng, thì khi Chúa đòi lại chú cũng phải vui vẻ mà dâng lại cho Chúa cả vốn lẫn lời.

Ngày nay. Các cha hay giảng ở nhà thờ về thế giới văn minh, người ta chạy theo chủ nghĩa vật chất, chạy đua với thời gian để kiếm tiền, làm tôi đồng tiền và hưởng thụ cá nhân và tiêu phí tiền bạc vào những đam mê tội lỗi. Lời giảng ấy có lẽ đúng với đa số người Tây phương, những người chưa biết đạo Chúa hay những người không sống Lời của Chúa dậy. Còn đối với các tín hữu Công Giáo, những người đang sống đạo, và nhất là những tín hữu Việt Nam đang sống ở xứ Tây phương này thì không hẳn là thế cả. Vì cũng còn có người giàu đã biết dùng những thì giờ của riêng mình, để sinh lợi và dùng những tiền bạc ấy để mà lo cho việc bác ái xã hội, giúp đỡ cho những người nghèo đói, bệnh tật, kém may mắn.

Chị K. người tôi quen trong Cộng đoàn. Tôi gặp chị đang bán bánh ở chợ Footscray.

-         Khiếp! Cái nhà chị này giàu mà tham việc quá vậy, làm hết mọi thứ. Còn việc đâu để chừa cho người khác làm. Tôi vồn vã chào và nói với chị.

-         Chú biết chị mà. Cái này là bán thêm kiếm chút đỉnh cho các em mồ côi, các cha già hưu dưỡng. Ngày xưa chị cũng mồ côi mẹ, nên hiểu cành túng nghèo, cành sống cô đơn , thiếu tình thương của các em.

Dịp khác , tôi gặp anh B. đang bán rau cải, bầu, bí. Tôi cũng chào hỏi, khen anh chịu khó, và hỏi chuyện anh trồng rau cách nào mà xanh tươi tốt.

- Chẳng dấu gì anh, nhà tụi em đất đằng sau dài và rộng, để không cũng uổng. Tụi em tích trữ nước mưa, trồng rau cho đỡ buồn và có tí tiền để giúp đỡ cho trại cô nhi ở xứ em, ngoài miền trung. Ngừng đôi chút, anh kể tiếp.

- Chúa ban cho mình đi sang được đất nước này bằng an. Bây giờ cuộc sống mình đã ổn định thì cũng nên làm một việc gì đó để đáp đền ơn Chúa.

Trong dịp lễ cầu nguyện và tạ ơn cho người cùi năm nay. Tôi có người bạn vì bận công việc làm ăn, nên không thể đến tham dự  thánh lễ được. Họ nhờ tôi chuyển dùm phong bì tiền ủng hộ. Tôi cẩn thận đếm số tiền trước khi dán phong bì lại. Đếm số tiền mà tôi giật mình khâm phục họ, vì số tiền lớn đối với tôi.

-         Có gì đâu anh. Cứ coi như là một ngày bán phở để được chia sẻ công sức của mình cho bà con bệnh tật, thiếu may mắn ở quê nhà.

Tôi đã gặp nhiều người giàu như thế trong các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở xứ Úc này. Họ giàu có tiền bạc và giàu lòng nhân ái. Họ làm việc không phải là tham việc nhưng là để chia sẻ ơn Chúa ban cho những người kém may mắn bằng chính công sức, nghề nghiệp và tài năng của họ. Họ là những người già mà còn làm, chỉ vì muốn tha nhân được hưởng tình yêu của Thiên Chúa qua tình người. Lạy Chúa! Xin ban cho cộng đoàn chúng con, thế giới chúng con được có thêm  nhiều người giàu có tiền bạc và giàu lòng nhân ái để con số người nghèo trên thế  giới ngày càng ít đi.

Tuy nhiên, tôi cũng xin mọi người nhớ câu: “Làm phúc nơi nao, đừng để cầu ao nhà mình rách nát”. Xin hãy rộng tay đóng góp cho chính Cộng đoàn Công giáo tại nơi mình đang sinh sống. Còn rất nhiều nhu cầu cần thiết về đời sống tinh thần, đức tin và văn hóa Việt Nam cho con cháu chúng ta, đang chờ lòng hảo tâm, giúp đỡ của tất cả mọi người và để Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại quê hương mới này, ngày càng  được phát triển.

Các em học sinh thân mến. Hy vọng với những câu chuyện kể trên sẽ giúp các em biết cách học cùng cha mẹ mình, để hiểu được những tâm tình, những hy sinh mà cha mẹ các em đã dấu kín trong lòng, để các em hiểu được các việc mà cha mẹ đang làm. Hầu các em biết và yêu mến cha mẹ mình nhiều hơn và nhất sống thảo hiếu với cha mẹ mọi ngày suốt đời của các em.

Hẹn tái ngộ các em trên Trang Học Sinh vào tháng tới.

Thầy Giáo Trường Dòng.




Leave a Reply.