Theo các cụ cho biết thì ngày xưa, học trò chỉ được học toàn chữ với nghĩa mà thôi, chứ nào có biết chi đến cái thế giới bên ngoài. Trước khi đi học thì ở nhà đã dạy cho biết lễ nghĩa. Đến nhà trường thì học chữ, về nhà thì học nghĩa. Đời cứ như thế cho đến khi đi làm việc thì mới thôi học chữ . Bởi thế mới có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chỉ có bọn trẻ trường làng thì được nô đùa giữa những cánh đồng lúa sau mùa gặt, hay lội suối bắt cá và trèo lên cây cao để nhảy ùm xuống sông mà tắm. Còn trẻ con trên thành thì cứ bị cha mẹ cho nô bộc đi theo hầu cả ngày, và khi tan trường là chúng bị đưa ngay về nhà.
 Trẻ con cần được hướng dẫn, giáo dục về mọi mặt. Từ trí khôn, tình cảm, đức dục đến sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vượt ra khỏi 4 bức tường của cái nhà nhỏ bé của cha mẹ chúng. Để các em có thể hiểu biết hơn về môi trường sống chung quanh, và thiên nhiên, vạn vật; Để các em có thể hiểu về sự phát triển của tình cảm giữa con người với nhau,về tình yêu quê hương, và về tình yêu với trời và đất; Để các em có thể hiểu được tình yêu giữa con người và Đấng Tạo Hóa. Chính vì thế mà đời của con trẻ, không phải chỉ có học một mớ chữ ở nhà trường là đã đủ trở thành người tài giỏi. Chỉ khi nào cha mẹ của các em mang chuông đi đánh xứ người thì mới thấy rõ được con em của mình đã đủ khôn và trưởng thành hay chưa.

Có nhiều cha mẹ không dám đem con mình đi theo, khi họ có việc phải đi thăm hay đi dự tiệc ở nhà bạn bè, vì sợ chúng phá phách, không nghe lời, làm họ mất mặt với bè bạn. Họ nhốt con ở nhà, cho đến khi họ phát hiện ra con của mình ít nói, nhát, và  sợ tiếp xúc với mọi người, và chúng cứ lầm lì trong phòng, quanh quẩn bên bàn trò chơi máy một mình. Chúng ăn nói thì cộc lốc, hay giận hờn, và đòi cha mẹ chăm sóc chiều chuộng mọi thứ.

Dạy con từ thủa còn thơ thì ai chẳng biết, nhưng dạy cách nào, dạy những gì để sau này chúng trở nên người hữu dụng, tài giỏi về mọi phương diện trí thức, tài năng, tình cảm, dũng mạnh, đức hạnh, và giáo dục. Đây mới chính là vấn đề, mà chúng ta là những bậc cha mẹ cần phải bàn. Chúng ta đã không qủan ngại tiền bạc, cho con đi học ở trương nổi tiếng, để có thể đạt được điểm cao nhất về mọi môn học, thế nhưng vẫn còn thiếu một môn chưa học. Nếu chúng ta không cho con em của mình đi du ngoạn, du lịch, và sinh hoạt trong các đoàn thể đạo đức. Chính vì thế chúng ta hãy tập cho con trẻ học sống cùng thiên nhiên, để hiểu biết về sông, núi, biển, rừng, muông thú và con người của mọi sắc tộc.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn 

Sau một năm dài mệt nhọc với công việc học hành. Cuối tháng 12 thì các em học sinh được nghỉ hè. Có nhiều bậc phụ huynh đã cho con đi du lịch ngoại quốc. Cũng có nhiều cha mẹ cho con đi sang tiểu bang khác để đổi gió. Các hội đòan tổ chức các cuộc du ngoạn, trại hè. Tuy thế, vẫn còn rất nhiều phụ huynh lại gởi con đi học kèm  thêm 3 tháng hè, và cũng có vị khuyến khích con em của mình đi làm để kiếm tiền mua sách vở cho niên học năm tới. Đời học trò, dù ở nước Úc giàu có thế mà vẫn còn qúa nhiều cái lận đận, phải không các em.

Các em học sinh không phải chỉ cần có học chữ không mà thôi,  nhưng các em còn cần phải có thêm kiến thức phổ thông nữa, mới được coi như là trọn vẹn. Ngày nay phần đông các em sinh viên đều mơ ước sau khi học xong, đi làm kiếm tiền để đi du lịch đây đó trước khi lập gia đình. Các em cho rằng khi đã chôn chân trong cuộc sống gia đình, thì đành phải hy sinh thời giờ để chăm sóc cho gia đình, cho con cái, nên số tiền dành giụm rất ư là hạn hẹp. Khi gặp gỡ bạn bè, nghe họ nói chuyện về những cuộc đi du lịch các nước, thấy mà bắt ham, thèm chảy cả nước miếng, và cảm thấy mình bị thua kém bạn bè. Tức ơi là tức.

Du lịch sẽ giúp cho các em có cái nhìn tổng quát về các địa điểm đến viếng thăm, am hiểu cuộc sống của người dân, cách sinh hoạt, các vẻ đẹp cấu trúc về nhà cửa, đô thị của thành phố, xóm làng. Các em sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên của núi sông, những cánh đồng phì nhiêu, bát ngát. Thưởng thức các món ăn ngon lạ miệng của nơi du lịch, và gặp gỡ, tiếp xúc với người dân địa phương.

Du lịch cũng là dịp giúp các em biết sắp xếp thời gian. Biết lo liệu tổ chức cho chính mình về những hành lý cần thiết phải mang theo như quần áo, giầy dép, mũ nón, bút, giấy, điện thoại, đồng hồ, và thuốc men cần cho cá nhân. Những địa chỉ cần phải có để liên lạc như: chỗ ở trọ, y tế, khu giải trí sinh hoạt, và các số điện thoại khẩn cấp của từng địa phương.

Sau mỗi một cuộc du lịch, các em sẽ rút tỉa ra được một số kinh nghiệm về những vấn đề xảy ra trong khi đi du lịch. Thí dụ về thời gian bị chậm trễ với những lý do ngoài ý muốn, vì thời tiết, và vì sự mệt mỏi hay đau ốm bất thần của một số người trong đoàn du lịch. Các em cũng sẽ có được một số nhận xét về tình cảm của một số người quen biết trong cùng một chuyến đi. Sau cùng, các em có thể chụp được một số tấm hình đẹp, viết về chuyến đi du lịch của mình, để làm kỷ niệm cho riêng mình.

Lợi ích của những cuộc đi du lịch, du ngoạn hay cắm trại

Có người thắc mắc cho rằng đi du lịch, du ngoạn hay cắm trại thì có học được cái gì ích lợi đâu? Xin thưa rằng có, và đây cũng là những điều mà người viết muốn bàn đến trong bài viết hôm nay. Có rất nhiều sự thay đổi sau mỗi lần chúng ta cho phép con em chúng ta đi du ngoạn, du lịch hay đi cắm trại xa nhà. Sự thay đổi tâm tư của các em, lối suy nghĩ, cách tính toán và nhất là cái nhìn đời đầy ý nghĩa của con em mình. Sự phát triển về kiến thức phổ thông mà các em trước đây chỉ được biết qua sách vở mà thôi. Chúng ta hãy lắng nghe tâm sự của các em, khi chúng kể cho nhau nghe về những cảm nghĩ của mình sau chuyến đi du lịch, đi cắm trại, thì sẽ thấy được tầm quan trọng của việc đi du lịch.

Đứa con gái út của chúng tôi đã kể lại cho chúng tôi nghe về người bạn gái của nó như sau: Bạn của con vừa đi Mỹ về. Chị ấy rất vui khi đã được làm việc với phái đoàn từ thiện đi Phi Châu để giúp đỡ những người nghèo đói, bệnh tật. Trong suốt thời gian một tháng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn và làm việc hăng say với các bạn đồng nghiệp. Chị ấy nay đã thay đổi nếp sống của mình. Chị ấy là con một trong gia đình giàu có. Cuộc sống của chị ấy sung túc, muốn gì thì có nấy. Sau khi chị ấy đã nhìn thấy và được tiếp xúc với những người dân phải sống trong cảnh khốn cùng, và nhất là gương hy sinh, làm việc hết mình của những người làm việc từ thiện ấy. Chị ấy nay đã tự động tiết kiệm, để dành tiền gởi cho hội từ thiện để giúp cho các người nghèo trên thế giới.

Xin kể một câu chuyện khác về gương học hành. Năm 1990 gia đình tôi được đoàn tụ. Lúc ấy thằng con thứ tư của tôi đã được 10 tuổi. Tôi gởi nó vào học ở trường công lập tiểu học ở Footscray. Cuối năm ấy, nó được nhà trường cho đi cắm trại 3 ngày. Khi tôi đi đón cháu về, nó nói với tôi là trong lúc đi cắm trại, nó có quen với một đứa bạn, mà chị của nó làm Bác sĩ. Hai đứa nó lúc ấy cùng học lớp 6. Nó muốn cố gắng học, để sau này có thể trở thành bác sĩ như chị của thằng bạn. Tôi nhìn thằng con mà lòng nghĩ thầm: “Đồ con nít, con có biết vào được ngành y thật là khó lắm thay, tiếng Anh người ta học từ lớp 1 mà còn chưa hy vọng, chứ con mới sang Úc mà phải theo học lớp 6 ngay, làm sao có thể được, mà mơ với ước”. Thời gian trôi qua, tôi cũng chẳng buồn để ý đến ước mơ của nó. Thế mà 6 năm sau, giấc mơ của nó trở thành sự thật, nó đã vào được ngành y và nay đã có phòng mạch và phòng mạch của nó đã được Đại học Y Khoa Melbourne chọn và ký hợp đồng để dạy cho các sinh viên Y năm cuối, và huấn luyện cho các bác sĩ muốn học, để trở thành bác sĩ gia đình. Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Nó đã gặp được bạn tốt qua kỳ đi cắm trại của nhà trường.

Đi du lịch, du ngoạn hay đi cắm trại là những dịp cho chúng ta quen biết được nhiều người tốt, và con cái của chúng ta có cơ hội quen biết nhiều bạn bè tốt, và biết đâu đó sau này chúng trở nên thành bạn đời trăm năm. Đi thăm viếng gia đình người thân cũng là dịp cho con cái chúng ta biết cách giao tế, giúp đỡ mọi người và nhất là có dịp để các em thể hiện các đức tính tốt của mình như ăn nói lễ phép, vui vẻ. Những cuộc cắm trại giúp cho các em thêm hăng say tham gia vào các sinh hoạt thi đua như nấu cơm, bổ củi, tìm mật thư, đóng kịch, ca hát, kể chuyện vui, đi bộ, bắt ốc, câu cá… Các em sau này sẽ không qủan ngại mệt nhọc để tổ chức các trò chơi, sinh hoạt chung cho mọi người. Có nhiều em ở nhà thì lười, cái việc gì dù lớn hay nhỏ thì bố mẹ cũng phải làm cho, thế mà sau một cuộc đi du lịch, du ngoạn hay đi cắm trại về, các em tự nhiên ngoan hẳn ra, siêng năng giúp đỡ cha mẹ, anh chị em trong công việc gia đình. Đi du lịch như thế thì cũng đáng đồng tiền, bát gạo đấy chứ, phải không qúi vị phụ huynh.

Một lợi ích khác nữa, đó là các em sẽ khám phá được tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và muôn loài. Khi nhìn những chim muông thú, cây cao, to lớn ở giữa rừng già; Hay các em được đứng trên đỉnh ngọn núi cao, nhìn xuống phía dưới thấy nhiều nóc nhà của thành phố, sông ngòi, biển cả; Hoặc ngước mắt lên nhìn thấy mây trắng bay trên bầu trời xanh biếc. Các em sẽ nhận biết có Đấng Tạo Hóa dựng lên muôn loài, muôn vật trong thế giới này. Các em sẽ thấy con người thật là quá bé nhỏ so với các tạo vật khác. Vậy mà Thiên Chúa đã cho làm chủ mọi tạo vật nơi trần gian. Nếu các em không đi ra khỏi nhà thì thật đúng là không biết trời cao đất rộng, hay nói khác đi là ếch ngồi dưới đáy giếng, coi trời bằng vung.

Tôi cũng vừa được đi nghỉ ở vùng Bicheno, bờ biển phía Đông của Tasmania về, xin được viết lại để làm quà cho quí vị nào không có giờ đi nghỉ hè. Cô con gái út của chúng tôi vừa đi hội thảo y khoa ở vùng này về, thấy phong cảnh hữu tình nên rủ chúng tôi đi chơi cho biết với người ta, kẻo chúng tôi quanh năm cứ quanh quẩn ở nhà, từ đằng trước về đằng sau, thì đời còn có gì sướng. Vùng biển Bicheno  cách Hobart 179 km về hướng Đông Bắc, nó nhìn ra biển Tasman Sea. Từ Hobart chúng tôi lái xe hết độ 2 giờ 25 phút, thì đến khách sạn. Trên đường đi chúng tôi dọc theo Tasman high way, đi qua các thị trấn như Sorell, Orford, Triabunna, Little Swanport, Rockyhills, Swansea và hướng tới Bicheno. Từ thị trấn Orford đến Triabunna thì bờ biển nằm dọc theo xa lộ Tasman(A3). Những bãi cát trắng mịn nối dài, tạo nên vẻ đẹp của vùng đất hiền hòa, và còn ít người sinh sống của dân Úc.

Dân số của thị trấn Sorell khoảng gần 5000 người. Cách Hobart 30 phút lái xe, 26 km về phía Đông Bắc của thành phố Hobart. Cách phi trường Hobart khoảng 10 phút lái xe. Sorell là một trong nhưng thị trấn cổ nhất của Hobart, được khám phá ra từ năm 1805, bởi trung úy Collins, nơi đây bạn có thể thăm viếng các nông trại trồng cây Berry, Cherry. Vào thời điểm tháng 9 và tháng 10 có lễ hội hàng năm gọi là Cherry Blossom Festival. Từ Sorell bạn có thể lái xe theo xa lộ Arthur, để đi Port Arthur, dân số ở đây khoảng 500 người, để thăm nhà tù mà nay biến thành khu du lịch đông khách của Tasmania. Nó nằm cách  thị trấn Sorell vào khoảng 63 km, mất độ 53 phút lái xe.

Nhắc đến Port Arthur, chúng ta không thể quên vào ngày 28 tháng 4 năm 1996, đã xảy ra một biến cố giết người lớn nhất ở nước Úc do một thanh niên tên Martin Bryant đã nổ súng giết chết 35 người và làm bị thương 21 người trước khi anh ta bị bắt bởi lực lượng đặc biệt của Cảnh sát Tasmania. Chính vì thế mà từ đó quốc gia đã ban hành lệnh cấm tàng trữ vũ khí súng bán tự động và dao găm. Ngày nay, Porth Arthur biến thành địa điểm du lịch đông khách với con số 25 ngàn du khách mỗi năm. Từ Sorell đi Orford mất 40 phút lái xe với đoạn đường dài 52 km trong nội địa, đi qua làng nhỏ Orielton, Buckland rồi đến Orford.

Dân số của thị trấn Orford gồm 500 người. nó nằm ở miệng của sông Prosser, đối diện với đảo Maria. Từ Orford đi đến Triabunna khoảng 8.2km, mất độ 11 phút lái xe.

Dân số của thị trấn Triabunna khoảng hơn 700 người. nằm cách Hobart 88km về phía Đông Bắc. nơi đây có rừng cây Eucalypt, có bờ biển nhìn về đảo Maria. Ban có thể đi bộ trong rừng, đi câu cá và đi thuyền buồm, hoặc lặn xuống tìm san hô. Từ đây bạn có thể đón phà đi qua đảo Maria. Hôm nay 12/11/11. Dân địa phương tổ chức lễ hội Sea Fest. Các gian hàng bày bán rượu do các nông gia trồng nho của thị trấn, tấp nập người đến uống thử rượu, các quầy hàng trò chơi, các hàng bán thức ăn. Ngoài bờ sông, đám trẻ con thi nhau nhẩy tắm sông. Người lớn thi nhau đua thuyền buồm chạy bằng máy điểu khiển từ xa. Các thuyền đánh cá ra vào tấp nập. Không khí vui nhộn qúa làm nó quên hết mệt nhọc.  

Từ Triabunna đi Little Swanport hết khoảng 16 phút với đoạn đường dài 22.8km. Từ Little Swanport đi qua làng Lisdilon, Rockyhills, hết 19 phút là đến Swansea với đoạn đường dài 27.4km. Chúng ta sẽ được ngắm nhìn vịnh Great Oyster Bay tuyệt đẹp, và nhìn qua công viên quốc gia Freycinet tại địa điểm Duncombes Lookout. Swansea lúc ban đầu được gọi là Great Swanport phát hiện bở Đại úy Cox vào năm 1798 và thiết lập địa điểm quân sự và nhà tù (Rocky Hills Probation station), vào năm 1827. Dân số của thị trấn Swansea khoảng 841 người. Swansea có bãi cát dài, trắng mịn. Nơi đây người dân sinh sống bằng các nghề thu hoạch như: Oysters, hạt walnuts, trái olives, trái dâu, rượu nho và cá. Từ Hobart đi Swansea với đoạn đường dài 124km, dài cũng gần bằng đoạn đường đi từ Swansea đến Launceston 135 km.

Đoạn đường cuối cùng chúng tôi đi tới Bicheno, tính từ Swansea dài 43km.1, mất khoảng 35 phút lái xe. Dân số khoảng 650 người đa số sống bằng nghề cho khách du lịch thuê mướn phòng trọ , nhà hàng, buôn bán tạp hóa. Tại đây chúng tôi ghé thăm quầy bán Oyster, mua vài lố để ăn sống cho khoái khẩu, nhưng thú thật thì các con Oyster ở đây nhỏ và thua con Oyster mà chúng tôi đi nhặt ở vùng Police Point, thuộc vùng biển phía Nam của Hobart. Chúng tôi đi bộ dọc theo bờ cát trắng mịn với đôi chân đất, để có thể cảm thấy sự mịn màng của cát. Chúng tôi đến địa điểm Blow Hole, để nhìn những đợt nước được thổi tung lên từ khe đá với những tiếng kêu ồm ộp giống như tiếng của con hải cẩu. Ban tối, chúng tôi đi xem Fairy Penguin. Chúng tập họp từng đoàn đi lên bờ tìm tổ để ngủ đêm. Chim cánh cụt này thường từng cặp ngủ trong tổ mà chúng đào sẵn. Ở đây đa số các tổ chim được đúc bằng xi măng, để tránh các chú mèo và chó đến hành hung. Theo người hướng dẫn viên cho biết là có đêm hơn 100 con chim cánh cụt bị giết do 2 con chó của dân giết hại. Người hướng dẫn viên cho biết lý do: chó giết chim cánh cụt là để dỡn chơi mà thôi, còn mèo thì giết vì muốn ăn thịt.

Trên đường trở về lại Hobart chúng tôi có ghé thăm bãi biển Friendly Beaches của Freycinet National Park, vùng Coles Bay. Bãi cát dài, nằm lượn cong theo bờ biển, cát trắng mịn như bột, nước biển trong xanh tuyệt đẹp. Cuộc du ngoạn này, đã đem lại cho chúng tôi những giây phút nghỉ ngơi, thoải mái sau những ngày tháng làm việc mệt nhọc. Khi về đến nhà, tôi cảm thấy như trẻ lại, sau khi tự cắt cho mình cái đầu giống như tân binh. Chúc mọi người tìm được cho mình một cuộc du lịch, du ngoạn hay một cuộc cắm trại hè đầy thích thú trong kỳ nghỉ hè năm nay. Chúc cho tuổi trẻ khám phá ra sự huyền nhiệm của Thiên Chúa, và chúc cho người già gần đất xa trời thấy được Tình yêu của Thiên Chúa ấp ủ chúng ta ngày đêm.

 Thầy Giáo trường Dòng.




Leave a Reply.