Nếu chúng ta không trở về từ khởi điểm của đời mình, thì làm sao có thể lần bước để tìm về cội nguồn. Từ lúc chúng ta được cất tiếng khóc chào đời cho đến khi đôi mắt ứa lệ giã từ cõi đời. Đã tốn biết bao nhiêu công lao của các đấng bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ để chúng ta được khôn lớn trong một gia đình, trong một tổ quốc. Biết bao công lao của các bậc tiền nhân đã anh dũng dựng nước và giữ nước, để chúng ta có được một mái nhà chung mang tên riêng của dân tộc Việt Nam. Khi lớn lên chúng ta cũng lập nghiệp, lập gia đình, với bao nhiêu vất vả, tiết kiệm để mua được một căn nhà riêng cho con cái trú ẩn, khỏi phải đi ở nhà thuê, nhà mướn. Khi tuổi về già, chúng ta lại cần đến một cái nhà khác nữa mà người ta thường gọi là nhà thương, và khi không còn cứu chữa được nữa thì chết. Thân xác được đưa tạm xuống nhà xác, và rồi thân xác ấy được chôn trong mồ, hay nhà mồ. Còn linh hồn chúng ta về nhà Cha để chịu phát xét riêng.
Nhà chung

Người Việt Nam chúng ta, được sinh ra trong cùng một tổ quốc Việt Nam. Một quốc gia đã phải chịu ngàn năm nô lệ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây và hơn hai mươi năm nội chiến từng ngày. Cha ông ta cùng các bậc tiền nhân, biết bao nhiêu người đã hy sinh thân xác, bị bách hại, chịu tù đầy để bảo vệ tổ quốc này. Tổ quốc Việt Nam còn gọi là ngôi nhà chung của dân tộc Việt. Bài ca đồng dao mà chúng ta thường hát ngày xưa, nhắc nhở về ngôi nhà chung này:

“Cái nhà là nhà của ta.

Ông cố, ông cha lập ra.

Chúng ta phải gìn giữ lấy.

Muôn năm giữ nước non nhà”.

Cái nhà chung của chúng ta bao gồm đất, nước, sông ngòi, núi rừng, biển cả, trời mây bao la của người Việt Nam. Cái nhà tổ quốc mà tổ tiên chúng ta đã cố gắng gìn giữ, tô đắp cho vẻ đẹp của nó. Từ sông ngòi, kinh đào cho đến rừng cây đã được trồng và chăm sóc. Núi cao đã được đục đẽo thành những con đường xuyên vượt núi cao chót vót. Các bờ biển, đê điều được xây đắp để ngăn chặn những cơn nước lũ, hay sóng to. Các thành phố, làng xã, chợ, trường học, nhà thờ, chùa, nhà thương, viện dưỡng lão, đường xá được khai mở. Công lao ấy do ông cố, ông cha đã lập ra, chúng ta phải gìn giữ lấy. Những người tỵ nạn chúng ta đã phải rời bỏ nhà đi sống nơi xứ người. Bây giờ nghĩ tưởng về quê nhà, chúng ta thấy tội nghiệp cho con cháu còn đang sống ở quê nhà. Chúng không còn tha thiết gìn giữ nước, non, nhà nữa. Có lẽ chúng không có quyền để làm việc ấy.

Trong gia đình đông con, các anh em được cha mẹ sinh thành dưỡng dục, và cùng nhau lớn lên trong một mái nhà. Ngôi nhà tổ ấy cũng được gọi là nhà chung. Ngôi nhà của ông bà, cha mẹ, con cái, anh em chung sống trong một đại gia đình. Ngôi nhà tổ của một đại gia đình, ngày nay cũng bị anh em trong nhà, chia rào, ngăn vách đem bán đi cho người ngoài.

Ngoài ra còn một ngôi nhà chung nữa đó là nhà thờ, người tín hữu Công Giáo đến ngôi nhà chung này, để thờ phượng Thiên Chúa, để cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện, tham dự thánh lễ, viếng chầu Thánh Thể, và để được chịu các phép Bí Tích.

Tại Việt Nam. Chỉ còn lại nhà thờ là ngôi nhà chung mà biết bao nhiêu tín hữu, biết bao nhiêu Linh mục, tu sĩ vẫn đang cố gắng gìn giữ. Còn ở xứ Úc này, các ngôi nhà chung của các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, cũng đang dần bị giới trẻ bỏ quên trong sự đóng góp để xây dựng và bảo trì. Đáng buồn thay.

 

Nhà riêng

Sống ở xứ người. Người Việt Nam chúng ta, ai lại chẳng nhớ câu ông bà đã nói: “ Có an cư thì mới lạc nghiệp”. Nên hầu hết những người tỵ nạn đến định cư đầu tiên tại nước Úc này, đều cố gắng làm đầu tắt, mặt tối. Họ làm không có giờ ăn, không đủ giờ nghỉ. Họ ăn vội vàng, vừa ăn vừa đi. Đi ra ngoài đường là chạy vội vàng cho kịp chuyến xe buýt, xe điện. Có người, ngày nào cũng đi ngang qua City, nhưng chưa bao giờ có thì giờ để dắt vợ con đi dạo phố City , để ngắm nhìn và mua sắm. Tất cả là vì họ đã không có dư giờ nhàn rỗi. Họ muốn có việc làm, tuần bảy ngày, dành dụm để có đủ tiền đặt cọc, mua được một căn nhà trả góp, cho con cái được ổn định nơi ăn chốn ở, tiện việc học hành, tiện việc đi làm. Khi mua được rồi thì cố gắng làm thêm giờ, thêm công việc khác, để mau trả hết nợ ngân hàng. Họ làm ngày không đủ, giờ ngủ cũng chẳng màng. Họ chạy đua với thời gian, để kiếm tiền trả nợ. Họ tự nghĩ. Còn sức thì còn làm, đến khi kiệt sức, ốm đau thì nghỉ ngơi, hay khi đến tuổi về hưu thì nghỉ cũng đâu đã muộn. Tất cả là vì con cháu cơ mà. Thật cũng đúng với cái câu: “Cái nhà là nhà của ta, ông cố, ông cha lập ra”. Có người khi đã mua được căn nhà gỗ. Sau một thời gian ở trong căn nhà gỗ, thấy con cái bi bọ chét cắn đầy người, cứt chuột, cứt dán đầy tủ chén bát. Họ xót thương cho lũ con còn nhỏ dại nên đành liều thân bán căn nhà gỗ, cố gắng làm thêm để mượn tiền ngân hàng mua căn nhà gạch. Cứ thế mà tiếp tục làm việc cho đủ 365 ngày một năm. Nhiều người Công Giáo cũng đành giơ tay làm dấu, xin Chúa tha tội cho con làm thêm ngày Chúa Nhật, để mau thoát kiếp nợ ngân hàng, nợ nần khổ lắm Chúa ơi!

Đời sống của những người ly hương, tỵ nạn ở thế hệ đầu tiên thật là vất vả và hy sinh đáng kính phục. Tất cả vì con, vì cháu và cho con cháu. Thoáng một cái là hết tuổi thanh xuân, thoáng một cái mà thời gian trôi qua hơn 30 năm phải bỏ cái nhà chung, để đi ở cái nhà riêng nơi xứ người.

Các người làm cha mẹ, khi có thì giờ để nhìn lại chính mình, thì có người tóc đã bạc trắng như vôi. Chân tay, lưng đau nhức. Mắt mờ, đeo kính thay hàng năm mà vẫn không nhìn thấy được rõ nữa. Hàm răng cái rụng, cái thì lung lay, đã khiến cho nhiều người khi ăn cơm, đành bỏ quên chữ “nhai” để nuốt vô cho đầy bụng mà thôi.

Các bà mẹ cũng nào được nghỉ ngơi gì, họ bận rộn với đống chén bát của đại gia đình, nấu ăn sáng, trưa chiều cho chồng con, giặt ủi quần áo cho con trẻ. Việc không tên và không lương thì bao giờ mà chẳng lắm việc. Nhiều bà cụ đã phải vào nằm bệnh viện vì làm việc nhà quá sức, từ sáng sớm lúc chồng con còn chưa thức giấc, cho đến khi các con đã ngủ yên giấc mới thu dọn dẹp xong đống nồi, chảo. Ấy vậy mà lũ con trẻ còn chê bai đủ thứ. Có bà buồn tức quá nên bị nhồi máu cơ tim, phải gọi xe cấp cứu chở vào nhà thương.

Tuổi già đến làm tan đi những ham muốn, ước vọng về của cải vật chất, về nhà to, đất rộng. Nhà càng to, đất càng rộng chỉ tốn thêm công sức để chăm sóc nó. Con cái trưởng thành, lập gia đình, bỏ lại ngôi nhà chung của gia đình với hai ông bà già gầy yếu, nay ốm mai đau. Đâu mất rồi cái mơ mộng khi còn trẻ tuổi, mơ có được một nông trại rộng lớn hay có được một biệt thự sang trọng.

Tuổi già đã cướp đi sức khoẻ của con người, hay nói đúng hơn là của các cụ già tới tuổi về hưu. Không bệnh này thì bệnh nọ, hết đau nhức do phong thấp thì đau bao tử. Hết nhiễm trùng phổi thì lại bệnh gan, bệnh thận. Chính vì thế mà khi tuổi già đến, họ cần đến một ngôi nhà khác nữa, đó là nhà thương.

Nhà thương

Nhà thương hay còn gọi là bệnh viện, nơi mà những người bị đau ốm được đưa đến để được thương, được điều trị, cứu chữa với hy vọng được khỏi bệnh. Tùy theo loại bệnh mà người ta được đưa vào các loại nhà thương khác nhau. Các loại nhà thương mà chúng ta thường nghe nói tới như: Nhà thương nhi đồng, nhà thương của sản phụ, nhà thương toàn khoa, nhà thương tai, mũi và họng, nhà thương tâm thần, nhà thương của người già.

Các loại bệnh của người già thì nhiều vô số kể. Từ đầu đến chân. Từ óc đến tim, gan, phổi ruột, thận. Từ thần kinh, xương sống đến thịt, da. Có người già bị hai, ba thứ bệnh cùng một lúc. Có người bị bệnh đã lâu mà bây giờ mới phát hiện ra. Có người mới vào nhà thương được ít tuần thì phải chuyển sang nhà thương khác, lớn hơn và đầy đủ về chuyên khoa hơn. Có người được trở về nhà, ít hôm lại phải nhập bệnh viện trở lại. Có người mới vào nhà thương ban sáng thì ban đêm đã phải đem xuống nhà xác. Con số người già chết vì bệnh suy tim, vì bệnh tắc nghẽn mạch máu tim cũng không ít ở cái xứ Úc này. Đứng trước cái chết, có rất nhiều bệnh nhân can đảm chịu đựng những sự việc xảy ra, vui lòng đón nhận. Họ cố gắng an ủi người thân bằng nét mặt bình thản, và tươi tỉnh cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Cũng có nhiều người lại sợ hãi cái chết, khi thấy mình gần đất, xa trời. Họ van nài, họ năn nỉ các nhân viên y-tế cố gắng tìm cách kéo dài sự sống cho họ.

Đứng trước cảnh sống chết như thế này, chúng ta mới nhận thức được cuộc sống của con người có giới hạn, và sự sống đáng yêu quí biết bao. Nó chính là quà tặng của Thiên Chúa ban cho loài người.

Biết bao nhiêu người trong những năm đầu đến định cư tại Úc, đã dồn hết thì giờ vào công việc để ổn định gia cư. Họ may ngày, may đêm, để kiếm tiền sinh nhai, nuôi dưỡng và cho con cái ăn học. Đến khi thành công, khá giả, thì bỗng biết tin chồng hay vợ mình bị ung thư. Có gia đình bị cả hai vợ chồng, và ít năm sau thì họ đã rủ nhau trở thành người thiên cổ.

Một người tâm sự với tôi rằng, anh ta định cuối năm thì nghỉ, không làm nghề may tại nhà nữa. Hai vợ chồng anh ta sẽ đi du lịch Âu Châu cho biết với người ta, vì con cái của anh ta nay đã lớn, tốt nghiệp đại học, chúng có nhà, có việc làm cả rồi. Thế nhưng, đùng một cái, bác sĩ báo cho anh ta biết tin, vợ anh ta bị chứng bệnh ung thư đã đến thời kỳ nặng. Thế rồi chỉ vài tháng sau đó, chị ấy đã ngủ yên trong lòng đất, khi tuổi đời mới hơn năm mươi. Cái nhà của anh ta trở nên hoang lạnh vì vắng bóng người bạn đời. Cả cuộc đời anh chị đã làm việc vất vả, mong cho con cái được ăn học nên người. Anh chị quên cả giờ giấc nghỉ ngơi, đến khi thấy yếu sức, định nghỉ không làm may nữa thì biết mình bị bệnh và chị đã giã từ cõi thế, bỏ lại tất cả. Thương tiếc thay.

Có một lần, trại bệnh của tôi có một bệnh, người Úc gốc Ý, đạo Công giáo, tuổi 85. Ông ta bị suy tim, suy thận, và nhiễm trùng phổi. Ông đã nằm tại trại tim này, được hơn ba tuần lễ. Sau khi đã thay đổi các thứ thuốc trị liệu cho cụ nhưng vì bệnh nhân tuổi già và tim, thận, phổi trong tình trạng không còn hy vọng chữa được. Các bác sĩ đã bàn thảo với gia đình để đồng ý, sẽ không gọi đội cấp cứu để làm hô hấp nhân tạo trong trường hợp ông ta bị ngưng thở và tim ngừng đập, tiếng Anh gọi là: “Not for Resuscitation”. Tôi bước vào phòng bệnh thăm ông ta đêm ấy, lúc khoảng 0200 giờ sáng. Ánh sáng của chiếc đèn pin giúp tôi thấy sắc mắt của ông tái nhợt, đôi mắt lờ đờ, nhưng ông vẫn còn nhận biết ra tôi. Ông ta thều thào nói với tôi.

- Hãy cho tôi thêm sự sống.

Màu đen của bóng tối trong căn phòng bệnh, cùng với câu nói của ông làm tôi liên tưởng tới thần chết đang lẩn quẩn trong phòng, và đang chờ đợi giây phút cuối đời của ông. Tôi cảm thấy ớn lạnh, nhưng tôi cố gắng nói với ông ta.

- Chúa ở cùng ông.

Tôi giơ tay làm dấu đơn rồi hỏi ông ta có đau chỗ nào không. Ông ta lắc đầu.

Trong căn phòng bệnh đêm ấy chỉ có tôi và ông. Vợ ông đã mệt mỏi cả ngày ở trong bệnh viện với ông, nên con cái đã chở bà về nhà ngủ. Có lẽ vì cô độc trong phòng bệnh, ánh đèn ngủ lờ mờ khiến ông càng lo sợ cái chết sẽ đến bất ngờ khi ông ngủ. Tôi khuyên ông cầu nguyện cùng tôi bằng kinh lạy Cha, và dâng cho Chúa tất cả mọi ước muốn, vì Chúa mới là Đấng có quyền ban sự sống đời đời. Còn tôi, tôi không thể và không có quyền phép gì để kéo dài sự sống của ông được. Tôi chỉ có món quà thiêng liêng, mà tôi có thể tặng được cho ông, đó là lời kinh cầu nguyện cho ông, tôi hứa sẽ làm một việc tốt lành có ý chỉ cho ông. Tôi đọc kinh, và nguyện xin Chúa ban cho ông ta được thêm sức chịu đựng cho nên. Nước mắt ông chảy dài trên khuôn mặt. Tay ông cầm cây thánh giá của chuỗi Mân Côi như có muốn đưa lên môi hôn mà không đủ sức. Tôi giúp ông ta hôn thánh giá, và khích lệ ông ta bằng lời nói chân tình.

- Khi việc chữa trị không còn hiệu quả nữa, đó cũng là lúc Chúa đang giơ tay vẫy gọi ông tới cùng Chúa. Hãy can đảm lên ông nhé!

Hồn tôi đắm chìm trong suy tư về cùng đích của thân phận con người. Tôi thấy như đau xót cho thân phận của bệnh nhân và của chính mình. Tuổi già đến mau quá, như mới hôm qua còn là một thanh niên mà nay đã là ông của lũ cháu nội rồi. Ai mà lại không phải chết, thế nhưng trách nhiệm còn nhiều, gánh nặng vẫn còn đang mang, và tình thương còn lai láng thì ai mà muốn chết cho đành lòng. Cả đời các đấng bậc làm cha mẹ chỉ nghĩ đến con, đến cháu chứ nào họ nghĩ gì đến thân phận của mình. Nhiều người đã đọc kinh, cầu xin cùng Chúa cho họ chết sớm hơn, tránh khỏi những ốm đau lâu dài, để khỏi phải khổ cực cho con cái.

Cái chết đến nhiều khi rất đột ngột. Có những bệnh nhân vừa cười nói với thân nhân trước đó, thế mà sau khi thân nhân ra về được ít phút, thì họ đã ở trong tình trạng hấp hối. Nhiều trường hợp có thể cứu sống lại được, nhưng không ít trường hợp chúng tôi đành bó tay sau hơn 30 phút cấp cứu. Thế rồi giờ chết đã đến, và họ ngưng thở, tim ngừng đập. Họ nhắm mắt, xuôi tay. Thân thể từ từ trở nên lạnh như đá, da xanh mét. Có người mắt ứa lệ như tiếc thương, như chờ mong người thân mà không gặp. Chúng tôi thường tắm xác cho bệnh nhân, thay miếng vải lót giường và dọn dẹp đồ đạc, rác trong phòng cho gọn ghẽ và chờ đợi người thân của bệnh nhân đến viếng xác, trước khi gọi y-công đem xác xuống nhà xác. Đời sống của con người ngắn ngủi quá phải không quí vị. Từ nhà thương đến nhà xác chỉ có một bước mà thôi. Giờ chết đến không ai biết trước được, thế mà nhiều người vẫn còn cố gắng làm việc cả đêm lẫn ngày cho hài lòng vợ con hay cho hài lòng với cái gia nghiệp trần thế của mình, họ muốn phá cái kho lẫm nhỏ bé này đi dể xây cái kho lớn hơn. Họ tiếp tục tự hứa với lòng mình là sẽ nghỉ ngơi khi về già, sẽ đi du lịch đây đó cho bõ công sức làm việc vất vả của tuổi trẻ và họ đã không biết cách để ngừng lại đôi phút trong đời sống của họ, để thưởng thức mùi thơm của hoa cỏ đồng nội, để tự thưởng mình một ly rượu, một ly cà phê với bạn bè, và cùng cất tiếng cười vui trong những buổi cắm trại, hay buổi babercue trong lúc họ còn đang khoẻ mạnh, khi đang còn trẻ trung. Tuổi già đến, đã cướp đi tất cả, từ sức khỏe thể xác đến tinh thần và chỉ còn chừa lại cho họ những bệnh tật với những viên thuốc to nhỏ mà họ phải uống nhiều hơn là ăn cơm hàng ngày.

Nhà xác

Trong bệnh viện. Sau khi bệnh nhân chết, chúng tôi thường để xác tại phòng bệnh và chờ gia đình đến gặp xác người quá cố. Sau khi họ ra về, chúng tôi mới gọi cho tổng đài, và nói cho người trực biết rằng trại của chúng tôi cần một cái trolley màu xanh lá cây (green trolley) là họ hiểu ngay. Cần một trolley màu xanh có nghĩa là trại tôi có một xác người chết cần đem xuống nhà xác bỏ vào phòng lạnh. Nơi đây chỉ là nhà chứa xác tạm thời, để cho gia đình liên lạc với nhân viên nhà hòm, đến lĩnh xác đem về để tắm rửa lại và làm đẹp cho xác người chết, trước ngày đem chôn. Thông thường nhà hòm sẽ giữ xác tại đây vài ba hôm, để chờ cho thân nhân các nơi về thăm viếng, trước khi đem đi chôn tại một nghĩa trang do gia đình chọn lựa. Theo nghi thức người Công Giáo, các thánh lễ đưa chân, phát tang và an táng được tổ chức tại nhà thờ, trước khi đưa xác người quá cố ra nghĩa địa để chôn.

Chôn trong huyệt mộ đã được đào hay chôn trong nhà mồ, đã được xây cất sẵn sàng, tùy theo hoàn cảnh tài chính và sở thích của gia đình. Trong thời gian xác còn quàng tại nhà hòm, gia đình và các người thân quen đến đọc kinh, viếng xác, và cầu nguyện cho người quá cố. Những vòng hoa tươi to, nhỏ đủ loại được mang đến với những dòng chữ thương tiếc người quá cố. Những giọt nước mắt của người trong gia đình, người thân quen, và bạn bè được chảy ra vì lòng thương xót, và tiếc nhớ. Những kỷ niệm đẹp được bạn bè và người thân kể lại để tưởng nhớ người đã nằm xuống, vĩnh viễn ra đi.

Giờ chia ly đã đến và phải đến. Chiếc quan tài đựng thân xác người quá cố được những người thân trong gia đình, những bạn bè tốt bụng tiễn đưa ra nghĩa trang để chôn trong huyệt mộ, trong nhà mồ hay để được hỏa táng. Số người tiễn đưa nhiều hay ít tùy theo hoàn cảnh của từng người như câu hát của cố nhạc sĩ trịnh Công Sơn: “Vạn người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa”.

Nhà mồ

Ngày xưa theo kiểu chôn cất của các vị vua chúa, người ta xây lăng tẩm để chôn cất xác các vị vua chúa, quan quyền. Ngày nay theo kiểu của những nhà giàu sang người Ý, họ cũng làm như vậy như ở nghĩa trang vùng East Keilor . Trong nhà mồ, người ta xây từng ngăn chồng lên nhau, để đút chiếc quan tài vào bên trong. Gía cả tuỳ theo ngăn trên hay ngăn dưới, chỗ bên trong hay bên ngoài. Thường thì dân lao động đều chọn lỗ chôn ngoài trời, vì nó rẻ tiền hơn nhiều. Xác người qúa cố theo năm tháng sẽ biến thành cát bụi, chỉ còn lại nắm xương tàn mà thôi. Ngày xưa, các vua chúa khi chết thường được các thân nhân bỏ vào trong quan tài một số vàng bạc châu báu để chôn theo, có lẽ vì người thời ấy, họ tin rằng làm như thế người chết xuống dưới âm phủ còn có chút của để mà tiêu dùng. Lính gác canh giữ lăng tẩm ngày đêm cho khỏi bị trộm cướp. Thế nhưng vẫn có cảnh bị đào mồ lấy của, hoặc bị các phe đối nghịch trả thù đào mồ lấy xương cốt trộn với thuốc đạn để bắn cho tan nát xương khô. Hồi còn chiến tranh, cha ông chúng ta cũng có người đã bị bom đạn làm thịt da nát tan, vì người chết hai lần như một trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhà Cha

Có phải chăng chết là sự chấm hết của thân phận làm người nơi trần gian này chăng? Vâng đúng thế, vì con người gồm cả hồn lẫn xác. Chết là sự chết của riêng thân xác chúng ta mà thôi. Như con ốc lột bỏ cái vỏ ốc của mình để trở thành con sên, hay như con sâu đục bỏ cái tổ kén của mình để biến thành con bướm. Con người khi chết thì linh hồn lìa khỏi xác. Theo sách bổn đồng ấu dạy giáo lý cho các em nhỏ ngày xưa có câu:

Hỏi: Khi ta chết thì linh hồn đi đâu?

Thưa: Khi ta chết thì linh hồn đến trước tòa phán xét của Đức Chúa Trời, để chịu phán xét riêng.

Như vậy có nghĩa là khi ta chết, thì chỉ có xác chết mà thôi. Còn linh hồn của chúng ta thì đi về nhà Cha, để chịu phán xét riêng. Tùy theo công đức mà chúng ta lập được khi còn sống ở dưới thế gian, mà chúng ta được xét cho vào sống trong nhà Chúa hay bị giam hãm trong chốn luyện ngục, hoặc bi phạt trong hỏa ngục.

Chết chỉ là sự biến đổi của cuộc sống của chúng ta. Chết là hành trình đi về nhà Cha. Cuộc sống nơi nhà Cha thì khác với cuộc sống nơi trần gian, vì con cái trên trời không còn cưới vợ, gả chồng nữa. Hạnh phúc của chúng ta khi ấy không phải là sự giàu sang về tiền bạc, châu báu. Cũng không phải là được ăn mặc gấm vóc, lụa là sang trọng hay ăn uống những món ăn ngon tuyệt hảo. Cũng không phải là ở nhà cao, cửa rộng, hay có những chiếc xe hơi lộng lẫy, mắc tiền. Nhưng hạnh phúc nơi nhà Cha là có được tình yêu của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, là được ngắm nhìn Thiên Chúa thoả lòng ước mong, được gọi là con của Thiên Chúa, được gia nhập vào hàng ngũ các thiên thần, các thánh nam nữ ở trên trời, được ở cùng Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong nhà Thiên Chúa đến muôn đời.

Thế nhưng hành trang về nhà Cha của chúng ta bao gồm những gì? Đó chính là sự tôn thờ, yêu mến Thiên chúa, tuân giữ và sống thực hành Lời Ngài truyền ban. Đó là tình thương, lòng yêu tha nhân, và việc làm chứng nhân cho Chúa. Rao giảng Tin Mừng cho muôn dân bằng chính cuộc sống đạo của mình, chứ không phải chỉ bằng lời nói suông ngoài miệng mà thôi.

Đã có nhiều con cái trong gia đình, khi đến ngày nhớ ơn cha, nhớ ơn mẹ đã không biết mua gì biếu bố mẹ. Ngày nay cũng rất nhiều người đã tự hỏi: Tôi phải làm gì để báo hiếu tổ tiên, những người đã chết từ lâu mà tôi không hề biết họ.

Tại xứ Úc này, rất hiếm khi người ta tìm thấy trong gia đình  trẻ có bàn thờ tổ tiên, hay hình ảnh của ông bà để con cháu tưởng nhớ. Các ngày giỗ kỵ của ông bà cũng dần dần bị lãng quên, và thay thế bằng các tiệc mừng sinh nhật của con cái.

Hãy nghĩ về hành trang về nhà Cha của chính mình, hành trang đó chính là những công đức do sự hy sinh, hãm mình, làm điều lành, giúp đỡ cho kẻ cơ hàn, cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù đầy. Cộng với sự thánh hóa bản thân của chúng ta bằng những lời cầu nguyện, đọc Lời Chúa, tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, viếng đàng Thánh Giá.

Tất cả những việc tốt lành ấy là những thứ mà các linh hồn đang cần, và mọi người có thể làm, để chia cho những linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những linh hồn đã qua đời.

Hỡi những người con, người cháu đang tràn đầy sức sống, đang vui chơi giữa đời, hãy nhớ về cội nguồn. Sông có nguồn, chim có tổ và con người có tổ tiên.

Hãy nhớ đến công lao của tổ tiên, mỗi ngày trong cuộc sống của mình. Đặc biệt trong tháng mười một này, tháng mà Giáo hội đã dành để chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người đã qua đời. Để góp phần vào hành trang về nhà Cha của ông bà, tổ tiên cho được phong phú hơn. Chúng ta hãy dâng những lời kinh nguyện cầu, những việc lành, phúc đức, những hãm mình, hy sinh, những thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ, ông bà, tổ tiên, các linh hồn mồ côi và mọi tín hữu đã ly trần. Cậy nhờ vào lòng Chúa thương xót. Xin cho các linh hồn ấy sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Cầu chúc mọi người, mọi linh hồn được hưởng tràn đầy tình yêu vô biên của Thiên Chúa trong tháng cầu cho các linh hồn này. Amen.

Thụy Miên.




Leave a Reply.