Hạnh phúc thay cho nó có được đôi mắt qúy hóa. Mắt là cửa ngõ của tâm hồn, và mắt là đèn soi cho thân xác (Mt. 6, 22-23). Vâng cặp mắt của nó, đã từng được nó sử dụng suốt cả cuộc đời, từ khi nó được sinh ra chào đời cho đến nay. Nó đã dùng cặp mắt của nó vào nhiều việc. Từ việc đọc kinh cầu nguyện, cho đến việc học hành. Những công việc làm nhỏ, to, và tốt hay xấu. Những tham khảo về sách vở hay tài liệu về phim ảnh. Đủ mọi thứ, mọi loại, và mọi hình thức. Thế nhưng, nó ít khi nhìn vào cặp mắt của chính nó, trừ ra khi mắt của nó bị đau, hay bị bụi bậm, gai, rác làm đau. Nó thường nhìn vào mắt của người khác, của vợ, con của nó hay của bạn bè, để tìm giùm những bụi bậm hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng như thánh Matthêu đã thuật lại về lời khuyên: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt. 7, 3-5). Còn chính nó thì chẳng bao giờ nó rỗi hơi, để đứng trước gương nhìn vào cặp mắt già nua của nó. Màng trắng đục đã kéo che gẩn nửa tròng con mắt. Mặc dù nó thay đổi độ kính hàng năm, nhưng chẳng thấy khấm khá gì hơn được.
 Thủa xưa, lúc còn nhỏ. Nó cũng chẳng bao giờ dám nhìn vào đôi mắt của cha nó. Đôi mắt oai nghiêm và lạnh lùng đến độ hung dữ. Mỗi lần nó phải đối diện với cha của nó, thì mặt nó tái xanh, mắt không dám mở to, vì nó biết mình sẽ bị đánh đòn, mỗi khi nó sai lỗi.

Thế rồi nó lớn lên theo năm tháng. Những biến cố của đất nước, khiến cho nhiều người như nó đành gạt lệ chia ly, vì lý tưởng tự do, tín ngưỡng và vì tương lai của con cháu. Nó đã viết lên lời hát chia tay:

“ Rồi ngày anh đi, khi chia tay, anh để lại linh hồn.

Sống trong lòng em, trong trí nhớ của em.

Dù cho xa cách muôn trùng.

Hồn anh vẫn sống cùng em trọn đời”.

Vâng! Bảy năm trời, nó sống xa cách gia đình vợ con của nó. Ngày nó ra đi, khi chia tay nó đã để lại linh hồn. Linh hồn của nó sống trong lòng, trong trí nhớ của vợ con nó. Nó đã nguyện rằng dù cho xa cách muôn trùng, hồn nó sẽ sống mãi cùng vợ và con của nó mọi ngày cho đến trọn đời. Cảnh chia ly nào chẳng chất chứa đầy thương nhớ, đợi chờ. Biết bao nhiêu khổ cực phải chịu đựng, gánh vác một mình đã làm cho đôi mắt của nó già yếu đi vì thương nhớ đợi chờ, vì nó phải bươn chải vất vả làm ăn, và nhất là cô đơn nơi xứ lạ quê người. Có thể nguyên nhân chính là vì nó thương nhớ và xót thương cho số phận của vợ con nó, còn phải kẹt lại ở quê nhà mà đôi mắt nó, đã hóa ra mờ lòa vì những giọt lệ nhớ nhung. Như nó đã viết trong bản nhạc kỷ niệm 38 năm ngày cưới của vợ chồng nó:

“Rồi ngày đoàn viên, bao yêu thương xúc cảm dạt dào.

Kết thành suối lệ, tràn đầy trong trái tim ta.

Giờ đây giây phút tao phùng.

Cùng nhau trao đổi, chút lệ mừng yêu thương.

Tình ta như nước biển hồ.

Không bao giờ cạn hết nguồn tình yêu”.

Rút từ những kinh nghiệm của chính bản thân nó về đôi mắt của người cha. Mỗi lần gặp các con. Nó thường bảo chúng hãy nhìn thẳng vào mắt của nó trong ít phút. Rồi nó hỏi các con của nó rằng: “Các con thấy gì trong đôi mắt của cha”. Hầu hết các con của nó đều trả lời na ná giống nhau. Chúng trả lời những câu tương tự về bề ngoài như:

-         Cặp mắt kính của ba ngày càng dầy, chắc là đã tăng độ nhiều hơn trước.

-         Mắt ba dạo này sao có màng mây kéo dài gần nửa con mắt của cả hai bên.

-         Có nhiều tia máu đỏ nổi lên. Và lòng trắng  hơi ngả màu vàng.

Chẳng có đứa nào nói đúng ý nghĩ của nó cả. Mặc dù chúng là bác sĩ hay dược sĩ.

Nó mỉm cười im lặng, nhưng lòng nó muốn trả lời cho các con của nó hiểu. Trong đôi mắt của nó, và của những người làm cha như nó chứa đầy hình ảnh của vợ, các con, và những người họ yêu thương. Nếu không tin, chúng cứ đứng trước mặt của nó mà nhìn ngắm cho kỹ. Chúng sẽ thấy được trong đáy mắt của người cha hiện lên hình ảnh của chúng. Đôi mắt chan chứa tình phụ tử, đầy ắp những yêu thương. Từ ngày đi lập gia đình. Nó đã nguyện hy sinh tấm thân để suốt đời lo miếng ăn, sức khoẻ, và tương lai hạnh phúc cho vợ con. Nó bật lên tiếng cười, nhớ lại ngày xưa khi vợ chồng nó mới có đứa con trai đầu lòng. Nó đã khấn nài xin Chúa, ban sức khoẻ tốt cho vợ con của nó, và nó nguyện sẽ chịu đau ốm, bệnh tật giùm cho vợ con của nó. Thật là liều lĩnh hay can đảm thì nó không biết, nhưng đúng là nó đã sống cho, và tất cả vì vợ con của nó.

Trong quãng đời làm y tá, chăm sóc cho bệnh nhân. Đôi mắt của nó cũng đã nhiều lần nhỏ lệ, vì chứng kiến cảnh chia ly, khóc lóc thảm thương của thân nhân người bệnh. Trước  cảnh chia lìa cõi đời của người chết, ai lại chẳng mủi lòng, vì nó biết rằng nay người mai ta. Chúa Giêsu ngày xưa cũng đã động lòng trắc ẩn trước tiếng khóc thảm thiết của người mẹ, và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa” và Người đã cho con trai bà goá thành Naim được sống lại (Luca 7. 13-15).

Những giọt lệ sầu rơi trên những khuôn mặt của những người cha, khi chứng kiến cảnh bất công của xã hội mà con cái họ đang gặp phải. Hay những giọt lệ sầu đã âm thầm chảy dài trên khuôn mặt của họ, khi họ có những đứa con ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi, như trong dụ ngôn đứa con trai hoang đàng. Và trong những đôi mắt ấy có những cái nhìn tha thứ của người cha. “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương, ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu (Luca 15. 11- 32). Nó lại nhớ đến chuyện ngày xưa. Hôm ấy trời mưa to, thằng lớn của nó lúc ấy đã được 7 tuổi. Tới giờ cơm, vợ nó sai thằng con xuống bếp bê nồi đậu hũ dim cà chua lên nhà để cả nhà ăn cơm chiều. Bếp của nhà nó là cái chuồng nuôi heo ngày xưa biến đổi thành cái bếp, cách nhà nó là cái vườn trồng cây ăn trái, đợi lâu qúa không thấy thằng bé lên nhà. Nó mặc áo mưa chạy xuống bếp, thì hỡi ôi, nồi đậu hũ dim cà chua đã bị ụp xuống bếp tro. Con nó nó nhìn nó một cách hết sức sợ hãi, và thằng bé tin tưởng thế nào cũng bị nó cho vài cái bạt tai. Thế nhưng hôm ấy nó tự nhiên thấy thương con nhiều hơn khi nìn thấy con đang sợ hãi. Nó nghĩ chắc tại thằng bé không cầm dẻ để bắt nồi đậu hũ dim ra khỏi bếp, cho nên bị phỏng và sẩt tay ụp cả nồi đậu hũ kho xuống bêp tro. Nó bảo con nó im lặng chờ nó. Nếu mẹ có gọi thì nói là chưa chin vì bếp tắt lửa. Nó nhanh chân chạy theo lối hông nhà, xuống cổng nhà thờ nơi có bà bán hàng đậu hũ chiên sẵn. Nó mua thêm vài qủa chà chua. Rồi chạy nhanh về bếp, bằm cà chua song rồi thái đậu hũ, dốc đại chai nước mắm vào nồi, thêm tí bột ngọt rồi đảo đều. Chỉ tích tắc là xong. Chắc hôm ấy thằng con của nó ngạc nhiên lắm, khi thằng bé chỉ nghe nó nói: “Lần sau con phải cận thận hơn, kẻo bị phỏng thì khốn khổ cái thân”.  Về sau này thằng con đầu lòng của nó là đứa cẩn thận nhất nhà.

Trong đôi mắt của nó chứa nhiều giọt nước mắt, dành cho những cảm xúc vui buồn của đời mình và chia sẻ với mọi người. Và từ trong đôi mắt ấy của nó, cũng có những lúc phát ra những ánh mắt dịu hiền, khiến nó được vợ nó khen rằng sao trông dễ thương qúa. Ấy vậy, mà cũng có lúc nó bị vợ con nó chê rằng đôi mắt của nó trông hung dữ đến dễ sợ, giống như cọp đang muốn ăn thịt người ta.

Đời là thế vì “ người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất điều thiện, và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác. Vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra” (Luca 6, 45). Đã là con người sống ở thế gian, chứ nào có thế ngay bao giờ, cho nên người xưa đã nói: “Đi với bụt, mặc áo cà sa. Đi với ma thì mặc áo giấy”. Cứ thử nghĩ mà xem khi nó phải đấu tranh, để bảo vệ sự sống của nó và gia đình của nó trước sự tấn công của diều hâu, thì dù là gà mái như vợ của nó cũng còn biết xoè cánh, giơ chân đá lại chứ huống hồ chi là nó.

Đôi khi nó đã được xem những bức vẽ hoạ chân dung tuyệt đẹp. Nó nhìn thấy đôi mắt của bức hình như có hồn, sống động, nó phải tắc lưỡi khen thầm tài nghệ của người hoạ sĩ. Bức ảnh của Chúa Giêsu mà phong trào Cursillo hay Đoàn Liên minh Thánh Tâm hay dùng để nhóm họp, cầu nguyện là bức ảnh nó yêu qúi nhất. Thế nhưng cũng có những đôi mắt lạc thần mất hồn, như nó thường gặp ở người bệnh nhân đang trong giờ chết, mắt họ hé mở với đồng tử nở to, không còn phản ứng gì đối với chiếc đèn pin mà nó đang dọi vào mắt của họ nữa.

Có những đôi mắt giả của người bị mù, có những đôi mắt bị che mờ bởi những màng trắng che phủ ngoài hay bên trong con ngươi, và chúng đã làm cho người ta không còn nhìn thấy rõ sự vật hay tệ hơn là chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Theo các nhà y học thì cho rằng, mắt và óc được liên hệ với nhau bằng các giây thần kinh thị giác. Mắt tiếp nhận và truyền những hình ảnh đã ghi nhận được đến bộ óc, để rồi lại nhận những chỉ thị từ óc phát ra. Chính vì thế, trong nghệ thuật quảng cáo, khi người ta xem những hình ảnh và tùy theo hình ảnh mà đâm ra ghiền, nảy sinh ra ước muốn, thèm thuồng , và phát sinh ra những ý nghĩ, những lời nói, và những hành động tốt xấu tùy theo cá tính của mỗi người. Chính vì vậy, đôi mắt của người cha có khi trở nên cớ vấp phạm tội lỗi cho chính họ. Chúa Giêsu đã khuyên bảo các môn đệ của Người phải xa lánh gương xấu như sau: “Nếu mắt con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó đi và ném xa con, vì thà rằng con chột mắt mà được vào nơi hằng sống, còn hơn là có đủ cả hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục” (Mt. 18, 9).  Mỗi khi Người cầu nguyện, làm phép lạ, Chúa Giêsu thường ngước mắt lên trời chúc tụng và tạ ơn Đức Chúa Cha, thí dụ như khi làm phép hoá bánh ra nhiều cho 5000 người ăn. “Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông nầy phân phát cho dân chúng” (Mt. 14, 19). Nó đã tự hỏi chính nó rằng. Trong đời sống của nó, nó đã biết dùng cặp mắt của chính nó để nhìn ngắm Chúa trong nhà tạm, trong cảnh vật thiên nhiên, và trong tha nhân được bao nhiêu lần rồi.

Đôi mắt cũng giúp cho những người cha nhận biết được giá trị thật của các việc làm đạo đức, như việc Chúa Giêsu ca tụng bà góa dâng cúng tiền. “Người nhìn lên, thấy những người giầu có bỏ tiền vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà góa  nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: “Thầy bảo thật các con: bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cúng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Luca 21, 1 – 4).

Đôi mắt quí hóa ấy cũng có lúc người đời diễn tả trong tình huống của người gian dối, trộm cắp là con mắt láo liên. Con mắt của người dân Do Thái ngày xưa, thường được Chúa Giêsu nhắc nhở nhiều lần trong kinh thánh. Chúa Giêsu đã nhắc họ phải xem cho kỹ những gì mà bọn biệt phái làm, vì chúng dạy và nói một đàng, mà chúng lại làm một nẻo khác. Cuộc sống của nó suốt đời hy sinh tận tụy cho gia đình, nhưng nếu so sánh với các tu sĩ, các linh mục, các bà sơ thì nào có thấm gì đâu. Chính họ là gương sống cho nó. Nó có quen biết một cha xứ, thuộc giáo xứ Hòn Chông. Ở nơi đây chỉ có trời, biển, và núi đá, để khai thác xi măng Hà Tiên. Dân ở đây được ông Cố đạo chăm sóc cho đời sống, từ công ăn việc làm, đến việc học hành cho con trẻ trong xứ đạo. Cha Nguyễn Minh Chu, thuộc địa phận Long Xuyên, đuợc cử về đây coi sóc xứ đạo Hòn Chông, địa điểm truyền giáo này có một nhà thờ bị bom đạn chiến tranh làm đổ nát. Cha đã sống hòa nhập vào cuộc sống khó nghèo của dân bản xứ, và cha đã tiến hành lo cho cuộc sống của người dân có được công ăn việc làm, và lo cho con cái của họ được đi học, từ trường làng đến trường tỉnh. Còn việc tu bổ nhà thờ, thì cứ còn chờ đợi các tấm lòng hảo của mọi người trong và ngoài nước, từ năm này sang tháng khác. Những gian nhà gỗ lẹp xẹp, nhưng không thiếu tiện nghi, được dựng lên làm nơi thờ phượng và dạy giáo lý, dạy chữ tiếng Việt, tiếng Anh cho con trẻ. Trong một lần được tiếp xúc với cha. Dù là qua bộ áo chùng thâm, nó cũng thấy được tấm thân gầy gò của cha, gương mặt đen xạm, nhưng cặp mắt đầy tin tưởng của cha. Câu nói của cha làm cho nó nhớ mãi: “Mình đã hiến thân cho đời sống làm Linh mục của Chúa, thì có gì đâu mà phải lo cho tuổi già nữa. Cứ làm việc hết mình, lo cho con chiên bổn đạo, đến khi về già thì ngại gì chẳng được giúp đỡ cho miếng cơm manh áo, mà khi đã già rồi thì cần gì nữa đâu, cơm ngày 2 bữa, sớm tối đọc kinh. Chẳng lẽ địa phận nuôi không nổi hay sao mà phải sợ”. Thật vậy, nó cũng lấy câu nói của cha Chu làm gương cho cuộc sống làm cha gia đình của nó. Nó cứ sống hết mình cho gia đình, cho con cái, thì đâu còn sợ gì lúc bệnh hoạn, đau ốm hay khi túng nghèo. Có nhiều lần nó mỉm cười, tự nghĩ. Nếu nó về già và nghèo đến độ phải đi ăn xin, thì nơi lý tưởng nhất là hai vợ chồng nó sẽ ngồi ở trước các phòng mạch của các con của nó, tiệm thuốc tây, hay shop thịt của con nó là chắc ăn nhất. Nó mới nghĩ xa vậy thôi, chứ cuộc sống của nó nào đã tệ đến thế.

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người về việc phó thác cho Chúa quan phòng: “Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình, lấy gì mà ăn, mà uống, mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn của mặc hay sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, chúng không gặt, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng hay sao? (Mt. 6, 25 – 26). Nó là con cái của Chúa mà còn sợ gì nữa. Nó lại bật cười nhớ lại bài hát mẹ nó dạy nó khi còn nhỏ. Tính nó sợ ma nhát khi đi lễ sớm ban sáng mọi ngày, đường nhà quê nhiều bụi tre, cây cối âm u, và nhiều miếu cúng. Nó vừa đi vừa hát : “Ma mả mà ma, tao là con Đức Bà. Tao chẳng sợ mày đâu”. Nó cứ hát như thế cho đến khi tới được sân nhà thờ, và chẳng thấy có con ma nào hết.

 Bây giờ nó nghĩ lại. Mình là con cái của Chúa, nó chỉ nên làm tôi tớ cho Thiên Chúa mà thôi. Vì không ai có thể làm tôi hai chủ được, vì nó sẽ ghét chủ này và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này và khinh chủ nọ. Nó không thể vừa làm tôi tớ Thiên Chúa, và làm tôi tớ cho tiền của cùng một lúc được. Chính vì thế mà nó phải sáng suốt để chọn lựa vì Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ về con mắt như sau: “Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng thì toàn thân con trong sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm sẽ ra tối tăm biết chừng nào? (Mt. 6, 22 – 23). Nếu ngày nào đó con mắt linh hồn của nó bị mờ lòa, và không còn nhìn thấy được ánh sáng Phúc Âm, thì nó phải sống trong tối tăm của quyền lực ma qủy.

Nó qúy đôi mắt linh hồn của nó nhiều lắm, vì từ đôi mắt ấy nó mới được nhìn ngắm được sự vinh quang của Thiên Chúa. Sự vinh quang qua cái chết trên cây thập giá mà Chúa Giêsu. Người đã chết vì yêu nó và tất cả mọi người, thế mà con mắt linh hồn của nó mù lòa nên không hay biết gì cả.

Nó vội vàng kêu lên cùng Chúa: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Con tin rằng Thầy có thể chữa lành cho cặp mắt linh hồn của con được sáng. Nó giục lòng ăn năn thống hối, đi đến tòa giải tội, và dùng chính những giọt nước mắt của sự thống hối để rửa sạch mọi bụi bậm cho con mắt linh hồn của nó. Đôi mắt linh hồn của nó lại được nhìn thấy.

Ước gì nó và mọi người cha sống trên trần thế này biết chăm sóc cho con mắt của thể xác và con mắt linh hồn. Để những ánh sáng từ các con mắt ấy, sẽ là đèn soi, chiếu sáng cho chính bản thân và cho gia đình, để mọi người được thấy rõ nẻo thật, trên hành trình chúng ta đi về nhà Cha, sau cuộc sống tạm bợ ở nơi trần gian này.

Thụy Miên.




Leave a Reply.