“Cũng có người bảo tôi, chuyện đã xưa quá rồi, chuyện đã trải qua mấy thế kỷ rồi, còn nhắc lại làm chi. Vâng chuyện đã xưa, nhưng nếu không ôn cố tri tân, thì làm sao biết để mà đi cho đúng đường lối của Chúa. Nếu không có gương sống đạo của các bậc tiền nhân, thì lấy gì để mà răn con khuyên cháu sống đạo.”
 Hàng năm cứ vào tháng mười một. Người tín hữu Công Giáo đều nhớ ngày mùng một là lễ các thánh, mùng hai là lễ cầu cho các linh hồn, và ngày 24 tháng 11 là ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đặc biệt vào ngày mùng hai. Bố mẹ thúc giục con cái đi dự lễ tại nghĩa trang. Các phần mộ của thân nhân trong gia đình đã được sửa sang, dọn dẹp sạch sẽ từ vài ngày trước. Những kỷ niệm xa xưa ấy vẫn còn đọng lại mãi trong ký ức của mọi người.

Kể từ ngày 19/6/1988. Người Công Giáo Việt Nam chúng ta, đã vui mừng khi Đức Thánh Cha Phaolô II tuyên phong thánh cho 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, và ngày nay chúng ta mừng kính vào ngày 24/11 hàng năm.

Ngược dòng lịch sử của giáo hội Công Giáo Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1533 theo như cuốn Khâm Định Việt Sử ghi chép đã có giáo sĩ Inikhu đặt chân đến Việt Nam. Tiếp theo sau là những bước chân của các nhà truyền giáo từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và các giáo sĩ người Pháp thuộc các dòng: Dòng Tên, Hội Thừa Sai Paris, Dòng Anh Em Thuyết Giáo, Dòng Anh Em Thánh Augustinô, và Dòng Phanxicô khó nghèo. Người dân Việt Nam chúng ta bắt đầu được thừa hưởng di sản Đức Tin Công Giáo. Hạt giống Đức Tin đã như ánh sáng mặt trời, theo thời gian chiếu rọi khắp mọi nơi, đến tận hang cùng ngõ hẻm của mọi miền Bắc, Trung, Nam.

Ngày 9/7/1659. Đức Thánh Cha Alexandre VII, ban sắc bổ nhiệm hai vị linh mục Francois Pallu và linh mục Lambert de la Motte làm Giám mục tiên khởi hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam:

Giáo phận Đàng Ngoài: Từ sông Gianh trở ra Bắc và miền Nam Trung Hoa, do Đức Cha Lambert de la Motte chăm sóc, cai quản.

Giáo phận Đàng Trong: Từ sông Gianh trở vào Nam, bao gồm cả Cao Miên, và Chiêm Thành, được giao phó cho Đức Cha Pallu.

Thế nhưng, hạt giống Đức tin ấy, đã không hẳn được thuận tiện mọc lên một cách dễ dàng tại Việt Nam như tại các nước Tây phương vào những thời gian ấy. Những người tín hữu Việt Nam đã phải chịu biết bao thử thách, bách hại, và hàng trăm ngàn người đã chịu chết để làm chứng nhân cho Thiên Chúa.

Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Các sắc lệnh cấm đạo đã được các vua chúa ban hành, ở miền Bắc cũng như trong miền Nam. Bắt đầu từ năm 1625 ở trong miền Nam dưới thời chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên), và ở miền Bắc, năm 1629, dưới thời chúa Trịnh Tráng.

Qua đến đời Tây Sơn (1775-1800). Các sắc lệnh cấm đạo ở miền Nam được ban hành dưới thời các vua Thái Đức, vua Cảnh Thịnh, vào những năm 1779, 1785, và năm 1798. Miền Bắc cũng có 3 sắc chỉ cấm đạo được ban hành vào năm 1795, và 1799. Tổng số tín hữu bị giết ở các thời Trịnh Nguyễn, và Tây Sơn ước lượng chừng 30 ngàn người.

Qua đến thời vua Minh Mạng (1820-1840). Có 7 sắc lệnh cấm đạo được ban hành vào các năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836, và 1838.

Qua đến đời vua Thiệu Trị (1840-1847). Có 2 sắc lệnh cấm đạo được ban hành trong thời gian trị vì từ năm 1840 đến 1847.

Qua đến đời vua Tự Đức (1847-1883). Có tất cả 13 sắc lệnh cấm đạo được ban hành vào những năm 1848, 1851, 1855, 1857, 1859, và 1860. Tổng số giáo dân bị giết trong ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức khoảng chừng 40 ngàn người.

Cuộc bách hại người Công Giáo Việt Nam, tưởng chừng như chấm dứt, từ khi có hiệp ước ký giữa Việt Nam và Pháp vào ngày 15/03/1874. Vua Tự Đức đã ký nhận cho người Công Giáo được quyền tự do theo đạo và hành đạo. Thế nhưng vào những năm của nhóm phong trào Văn Thân nổi dậy năm 1885-1886. Trên toàn lãnh thổ, ba miền Bắc, Trung, Nam. Con số người Công Giáo bị sát hại vào thời kỳ này lên tới 60 ngàn người. Tổng số người bị bách hại độ 100 ngàn người, trích theo con số thống kê của tập sách Vụ án phong thánh của tác giả Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xuất bản năm 1987, tại Hoa kỳ.

 

Các hình thức tiêu diệt người Công Giáo

Những sắc lệnh đã được ban ra bao gồm: Mọi người Công Giáo từ trẻ em đến người già đều bị khắc hai chữ “Tả Đạo” vào má bên trái, và má bên phải khắc tên tổng, huyện, nơi bị giam giữ. Rồi phân tán tín hữu vào các làng bên lương, nam giới đi một tỉnh, và nữ giới đi một tỉnh khác, Tất cả các làng bên lương có trách nhiệm canh gác những tín hữu Công Giáo, cứ 5 người lương canh gác một người Công Giáo. Các cơ sở Công Giáo bị phá hủy bình địa. Ruộng đất, vườn cây, nhà cửa bị chia cho các làng bên lương lân cận. Các hình thức giết hại bao gồm xử chém đầu, cắt từng phần chi thể, voi dầy, ngựa kéo phanh thây, thiêu sống, giam tù, bỏ đói, đánh đập cho đến chết. Tất cả những áp bức, cấm cách, và tiêu diệt ấy đã không thể nào dập tắt được ngọn lửa mến yêu, phụng thờ Thiên Chúa trong tâm hồn của người tín hữu vào thời ấy, và ngược lại nó đã trở thành giòng nước mát tưới dội cho cây Đức Tin ngày càng phát triển thêm hơn.

Chúng ta là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hãy thử tìm hiểu về gương sống đạo của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các vị là những Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ. Các giáo dân, tín hữu nam nữ, từ trẻ em, thanh thiếu niên, bô lão. Các binh lính, quan chức, công chức. Từ  thợ thuyền, nông dân cho đến những người học thức như quan án, bác sĩ. Họ được mời gọi gia nhập vào cộng đoàn Dân Chúa bằng nhiều hoàn cảnh khác nhau. Họ đã sống và tin tưởng vào Thánh danh Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và tuân giữ các giới răn của Người, thương yêu tha nhân, cầu nguyện cho kẻ thù,và họ hằng làm những việc đẹp lòng Chúa.

 

Niềm tin vững vàng tựa núi đá vào Lời Chúa

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã học và sống Lời Chúa trong suốt cuộc đời của các ngài. Các Thánh đã tin vào lời Chúa sẽ xảy đến với mình, như Chúa Giêsu đã yên ủi và loan báo cho các thánh tông đồ biết, các ông sẽ bị bắt bớ ki đi thi hành nhiệm vụ làm nhân chứng cho Chúa.

 “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”. (Gioan 15, 18)

“Phúc cho các con, khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy”. (Mt. 5,12)

 “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”. (Mt.10, 18).

“Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn; Hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục”. (Mt. 10, 28)

“Các con đừng sợ, vì lý do các con qúy trọng hơn chim sẻ nhiều. Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự, Ngài chăm lo cho chim sẻ ngoài đồng thì huống hồ là con người cao trọng hơn mà không được Thiên Chúa chăm sóc cho hay sao”. (Mt. 10, 29-31)

“Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy ở trên trời”. (Mt. 10, 32)

Các bậc tiền nhân, cha ông của chúng ta học hỏi Lời Chúa, và được Lời Chúa đã thấm nhuần vào trong tư tưởng, tâm hồn, nên họ yêu mến Thiên Chúa không phải chỉ bằng lời nói, nhưng còn sống và thực hiện bằng việc làm. Dù phải chịu biết bao nhiêu cực hình, các Thánh Tử Đạo vẫn không oán than, không căm thù, và vẫn cầu nguyện cho những kẻ hành hạ mình. Các Thánh đã thực hiện di chúc của Chúa Giêsu qua cách rao giảng Lời Chúa cho muôn dân, và thực hiện hai giới răn của Chúa truyền dạy:

“Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình”. (Gioan 15, 12)

Chính những can đảm kiên cường, và lòng đầy yêu thương, bao dung, và tha thứ này đã làm cho nhiều quan quân lính, những người thi hành án lệnh, đã trở lại đạo.

Ngoài việc sống với Lời Chúa. Các bậc tiền nhân của chúng ta còn sống với lời kinh Mân Côi. Họ hết lòng cậy trông vào Đức Mẹ, như con chiên lạc giữa đàn sói. Họ ngước mắt lên trời cầu cùng Thiên Chúa, Mẹ Maria, các thánh, cùng các thánh thiên thần bản mệnh gìn giữ họ. Chính vì thế mà ngày nay, không một gia đình Công giáo nào mà lại không có ảnh, tượng của Mẹ Maria trong gia đình. Vì Mẹ là nguồn cậy trông, Mẹ hằng cứu giúp. Tại Việt Nam chúng ta có trung tâm Đức Mẹ La-Vang, là chứng tích cụ thể sự cứu giúp của Mẹ trong thời các tín hữu Công Giáo ở miền Trung bị bách hại.

Nhân ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm nay, chúng ta hãy cùng nhau dành ít phút trong tháng, để suy xét lại đời sống Đức Tin của chúng ta, trong hành trình lữ thứ nơi trần gian này.

Cũng có người bảo tôi, chuyện đã xưa quá rồi, chuyện đã trải qua mấy thế kỷ rồi, còn nhắc lại làm chi. Vâng chuyện đã xưa, nhưng nếu không ôn cố tri tân, thì làm sao biết để mà đi cho đúng đường lối của Chúa. Nếu không có gương sống đạo của các bậc tiền nhân, thì lấy gì để mà răn con khuyên cháu sống đạo. Nhất là chúng ta lại là con cháu của các vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhờ máu đào của các Thánh đã đổ ra để làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Đấng hằng sống, hằng hữu. Đấng toàn thiện, toàn ái, toàn mỹ. Đấng đầy lòng yêu thương, đã sai Con một của mình xuống trần gian làm người, để sống cùng, ở cùng chúng ta, và để cứu chuộc chúng ta. Người đã chịu nạn, chịu chết và đã sống lại. Người đã chiến thắng sự chết, chiến thắng thế gian.

Tôi chợt nhớ lại, cũng có người đã bảo tôi, tại sao tôi cứ thích sưu tầm những đĩa DVD, sách báo, tài liệu, ca nhạc về đời lính. Chuyện cũ đã hơn 34 năm qua. Vâng chuyện đã cũ, nhưng những thước phim tài liệu, sách báo, hay những đĩa nhạc tình ca thời chiến ấy, chúng đã đem lại cho tôi một sức mạnh hào hùng của thời tuổi trẻ, mà nay tôi không còn có được nữa. Lính đã tôi tôi thế ấy, kỷ luật sắt đã trui rèn tôi, để tôi có thể đứng vững ở khắp mọi nơi trên mặt đất, dù trong lao tù, trong công xưởng, hay ngoài cánh đồng dâu, nho, cà rốt, khoai tây có đầy đủ mưa nắng, tuyết rơi xuống trên thân thể của tôi. Tôi vẫn là tôi sống giữa đời, vì đời lính đã tôi tôi thế ấy. Chính vì những kỷ niệm, đã mang đến cho chúng ta những lợi ích trong cuộc sống, giúp chúng ta vượt thoát những thiếu sót trong tương lai, thăng tiến trong cuộc sống hiện tại, nên chúng ta cần ôn cố tri tân.

Có một lần tôi gặp được một tín hữu Công Giáo, người miền Quảng Ninh. Qua câu chuyện trao đổi về sinh hoạt sống đạo của họ sau thời 1954. Sống trong chế độ vô thần, thì người Công giáo phải chịu nhiều đắng cay khó nói hay không dám nói. Chỉ biết trong lặng câm vì mình là người Công Giáo. Nếu có ai tham gia làm việc trong họ đạo, như ông trùm, ông chánh, thì ngoài xã hội suốt đời chỉ được làm những công việc mà chẳng ai thèm mơ ước, để kiếm tiền sinh nhai hằng ngày. Tuy thế mà mỗi lần họ nghe tiếng chuông nhà thờ, thì tất cả đều ngừng công việc đồng áng, đứng dậy đọc kinh. Sống đạo thì phải tử vì đạo, để làm chứng nhân cho Thiên Chúa, chứ thiệt thòi về địa vị, quyền lợi, công ăn việc làm, thì nào có nhằm nhò gì. Họ đã sống như thế và vẫn sống đạo và giữ đạo được. Thật đáng kính phục thay.

Cũng có lần tôi tiếp chuyện với người ở miệt dưới, tận Cà Mâu. Nơi vùng xa xôi, hẻo lánh, phương tiện giao thông bằng đường đò. Người tín hữu Công Giáo này cho biết tổ tiên của họ, ngày xưa đã được một Ông Cố Tây (Linh mục người Tây) giúp đỡ, dậy kinh bổn và rửa tội cho cả làng. Ông Cố tạo công ăn việc làm và giúp đỡ cho ông bà của họ có cơ hội học hành. Ngày nay, họ tiếp tục làm các việc thiện, truyền giáo bằng cách sống giữa đời, vào đời và giúp đời, để ghi ơn Ông Cố. Họ nhận nuôi những trẻ ốm đau của các gia đình nghèo khó, không đủ cơm ăn áo mặc. Họ tìm kiếm hay giới thiệu việc làm cho những người không có công ăn việc làm. Gia đình họ sống với cảnh nghèo nhưng hạnh phúc, vì họ đã  được làm chứng nhân cho Chúa, ngay trên mảnh đất họ đang sống. Họ suốt đời nhớ  đến ơn các Cố đạo thời xa xưa, đã giúp giòng tộc của họ, và họ tiếp tục noi gương các ngài. Thật quí hóa thay.

Ngoài ra còn biết bao tu sĩ, linh mục và các nhà truyền giáo đang bị tù đầy trong các lao tù vì Đức Tin trên khắp thế giới. Còn chúng ta thì sao? Tôi hỏi chính tôi. Hỏi là để trả lời giùm cho các bạn thanh niên. Các bạn đã mạnh dạn tuyên xưng danh Chúa trước mặt thiên hạ hay chưa? Bằng cách thật đơn giản, như khi bắt đầu ăn bữa tiệc, giữa đám dông bạn bè không cùng tôn giáo. Bạn cũng như tôi, đã dám mạnh dạn dơ tay lên làm dấu Thánh Giá, và đọc lời chúc tụng Chúa trước bữa ăn, hay bạn lại cho rằng đi với ma thì đành mặc áo giấy cho giống với người ta. Không phải dễ tập đâu nhé. Tôi phải cố gắng tập mãi, để trở thành thói quen làm dấu, đọc kinh tạ ơn trước khi đi ngủ và trước khi ăn. Giờ đây, khi có người quen bên lương mời tôi dùng bữa cơm, họ biết cả thói quen làm dấu, đọc kinh trước bữa ăn của tôi, và họ thường hay nhắc tôi: “Xin mời ông đọc kinh, để bắt đầu bữa ăn”.

Ấy các bạn đừng khen tôi vội, vì mới chỉ dám tuyên xưng danh Chúa trước mặt thiên hạ, thì hãy còn chưa đủ để vào nước trời. Vì có biết bao nhiêu người chỉ biết yêu Chúa bằng miệng lưỡi và lời nói suông mà thôi.

Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hãy anh dũng tuyên xưng Đức Tin, dù chết cũng không sờn lòng. Hãy kiên trì chịu đựng mọi gian khổ, thử thách cho đến hơi thở cuối cùng, để làm chứng nhân tình yêu nhân hậu của Chúa. Hãy kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua từng hơi thở, qua từng giây phút của cuộc sống, như chính Chúa đang sống trong ta và như ta đang sống trong Chúa.

Hãy dâng hiến toàn thân, đời sống của chúng ta cho Mẹ Maria, để xin Người bảo vệ hồn xác chúng ta sạch mọi tội lỗi. Ngày nay, chúng ta không còn bị cảnh cấm đạo như thời chúa Trịnh, Tây Sơn, và thời vua chúa Nguyễn nữa. Không còn những sắc lệnh cấm đạo ban hành. Thế nhưng, việc bách hại tín hữu, và cấm đạo vẫn xảy ra, tùy theo hoàn cảnh của từng người. Nó có thể bằng những cám dỗ ngọt ngào về  thức ăn, vật chất, tiền bạc, địa vị, và quyền lực, như khi xưa Chúa Giêsu đã  chịu cám dỗ trong sa mạc. Nó có thể là những cám dỗ về sự tự do và an bình tạm bợ của loài người. Nó có thể là tất cả những gì khiến chúng ta trở thành nô lệ của nó, và khiến chúng ta đổi chủ, không còn chọn Chúa là gia nghiệp đời của mình nữa. Có người tôi gặp, đã chép miệng than rằng: “Qua đây người ta bỏ đạo hết trơn rồi! Nhà thờ được đăng báo bán vì không còn ai đến nữa”.

Mỗi người chúng ta tùy hoàn cảnh mà chịu những thử thách riêng của đời sống đạo của mình chính, vì thế mà lời Chúa Giêsu đã nhắn nhủ các thánh tông đồ thủa xưa: “Này Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng: Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu”. (Mt. 10, 16)

Sống khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như con bồ câu, để có thể sống và làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con mến yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, nhưng con rất yếu đuối và dễ sa ngã. Xin Chúa Thánh Thần cho ngọn lửa mến yêu Chúa luôn luôn cháy sáng trong con. Xin Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, cùng các Thánh Tử Đạo Việt Nam hộ giúp con sống đạo cách sốt mến, trong cuộc sống lữ thứ nơi trần gian này. Amen.

Thụy Miên.




Leave a Reply.