Đầu năm mới, niên học mới. Thầy Giáo Trường Dòng xin được gởi đến quý vị phụ huynh, các em, các cháu tuổi học trò, học sinh, và các anh chị sinh viên. Lời chào cùng lời cầu chúc một năm mới sức khoẻ dồi dào, hồn an xác mạnh, và một niên học đạt được nhiều kết qủa tốt đẹp nhất.

Trước hết, xin chúc mừng quý vị phụ huynh có con em đến tuổi đi học, nhờ có sự trợ giúp, khuyến khích, và đóng góp tích cực trong việc khai hóa cho các em, mà sau này giáo hội, xã hội và quốc gia có được những nhân tài hữu dụng. Kế đến, xin chúc mừng đến các gia đình, các cô cậu tú vừa mới tốt nghiệp bậc trung học năm vừa qua, để bước vào các trường Cao Đẳng hoặc Đại Học.

Từ ngày bước đến trường Tiểu học với mẹ cha, cho đến khi bước vào cổng trường Đại học với đầy vẻ bỡ ngỡ. Thời gian theo con số tuy ngắn mà dài, 12 năm mài đít trên ghế nhà trường, nếu nhân lên với 365 ngày thì thật là dài lê thê. Nếu các em biết được rằng, các em được đi học, và học cho chính các em chứ không phải là học cho, hay học vì cha mẹ, hay gia đình, thì công lao của các bậc cha mẹ to lớn biết chừng nào.

Chưa kể đến ở Úc, chính phủ trợ cấp cho các em khi còn đi học, hàng năm số tiền ấy không nhiều, nhưng ít ra cũng nói lên sự quan tâm của chính phủ và sự trông đợi vào tương lai của các em.

Cả Giáo hội Công giáo cũng dâng lời cầu nguyện, và đang trông chờ vào sự học tiến bộ hàng ngày của các em, về các nhân đức, tài năng, khả năng phục vụ tha nhân của các em trong tương lai.

Chính vì tầm quan trọng của việc học ấy, mà chúng tôi là những bậc cha mẹ, thầy giáo, cô giáo, đặc biệt hơn nữa là trong tình trạng ly hương nơi đất khách quê người. Chúng tôi luôn cầu nguyện cho các em học trò, học sinh và sinh viên. Cầu xin cho các em học được nhiều điều hay lẽ phải, học được nhiều kinh nghiệm, gương sáng từ cha mẹ, các thầy cô, những đấng bậc lãnh đạo tinh thần. Từ những cuốn sách hay về học vấn, cũng như sách đạo đức.

Thời gian qua đi, không bao giờ trở lại. tôi chợt nhớ đến câu ca dao.

- “Thời giờ như thể thoi đưa, nó đi, đi mãi, chẳng chờ đợi ai”.

Nếu chúng ta là những bậc cha mẹ, có một đàn con kháu khỉnh, dễ thương và đến tuổi đi học. Chắc hẳn, chúng ta không thể để chúng lớn lên với những tháng ngày dong chơi vô ích. Lẽ dĩ nhiên phải có chương trình, hoạch định dạy dỗ, giờ giấc từng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, giải trí…Tôi ít khi gặp được gia đình, mà cha mẹ có viết chương trình giáo huấn trong ngày cho con của mình. Có lẽ vì thế mà chúng khi lớn lên, học hành, nghi ngơi chẳng có nề nếp gì cả.

Nghĩ lại ngày xưa, tại các trường nội trú, học sinh học rất siêng vì bị các thầy dòng, các sơ theo dõi giờ giấc rất nghiêm ngặt. Thế nhưng cũng có gia đình thì các bà mẹ, các người bố lại ép con học kèm nhiều các môn qúa sức của tuổi trẻ thơ, khiến sau này các em trở nên sợ học. Hoặc trở thành con mọt sách, và không còn biết gì đến mọi sự chung quanh, từ việc nhà đến việc giao tiếp ngoài xã hội. Đào tạo nhân tài kiểu ấy, thì theo cụ Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều.

“ Có tài mà cậy chi tài.

 Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Vì những đứa trẻ ấy, chỉ học cho bố mẹ nó vui lòng, hay nó tưởng mình đã trở thành cái rốn của vũ trụ và không biết mục đích của sự học là để giúp mình, giúp đời như câu: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”.

Hơn thế nữa là người tín hữu Công Giáo, con cái chúng ta được sinh ra và phải được nuôi dưỡng, học hành, để càng học, chúng càng nhận ra được Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vũ Trụ, Đấng cần phải được mọi loài tạ ơn và tán tụng. Loài người chì là vật thụ tạo, đã và đang cố gắng khám phá những gì đã được Thiên Chúa dựng sẵn từ thửa ban sơ. Càng học, con em chúng ta càng phải thú nhận rằng những gì chúng đã biết quá ít ỏi, so với những điều chúng chưa biết. Càng học chúng càng phải biết thực thi lời chúc ngôn của Chúa. Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân, làm chứng cho Chúa về chân lý, khuyên bảo kẻ lỗi lầm hãy ăn năn, thống hối, dạy dỗ họ kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như yêu chính mình.

Tôi nhớ lại việc trồng cây của nhà tôi cũng thế, vợ tôi thích có được ít bụi xả, ở vườn đằng sau của nhà mình. Vợ tôi đã xin nhiều người, nhiều lần, thế nhưng khó lòng có được một bụi xả, vì không biết cách chăm sóc tưới bón. Có lần thì tưới nước nhiều qúa, nên gốc xả bị úng nước, thối gốc mà chết. Cũng có lần vì bón đất, bón phân nhiều quá làm gốc cây bị nóng qúa mà chết, và cũng có lần vì quên tưới mà nó chết. Ôi! Việc trồng cây mà còn khó như thế nữa, huống chi là việc dạy con ở cái xứ Úc này. Cái xứ mà người Việt Nam chúng ta phải kết hợp giữa hai nền văn hóa Úc Việt để mà sống.

Một trong những môn học khó nhất mà có ít phụ huynh để ý tới, đó là môn Anh văn. Có lẽ vì thấy con cái mình nói tiếng Anh nhanh như gió, giọng giống tụi trẻ Úc y hệt, và có nhiều bạn Úc hơn là có bạn người Việt. Chính vì thế mà họ sao lãng trong việc kiểm soát các em hay giúp đỡ các em trong việc học môn Anh văn. Họ quên một điều là văn nói và văn viết thì khác xa nhau. Nói thì nói thế nào cũng có người hiểu, nhất là bạn bè quen biết. Còn viết văn thì cần đúng văn phạm, cần đúng chính tả từ dấu chấm than, chấm phẩy, dấu chấm hết câu, dấu ngoặc kép, dấu ngoặc đơn. Hầu hết các em sinh ra ở Úc, khi đi thi lớp 12, đều bị điểm thấp về môn Anh văn hơn là các môn học khác. Đó là điều làm các bậc cha mẹ ngạc nhiên, và buồn lòng nhất. Tại sao vậy, tại vì các em đã mất căn bản văn phạm ngay từ lúc bắt đầu từ khi đi học. Có lẽ nhà trường và chúng ta đã không theo dõi đủ về khả năng viết chính tả, và cách sử dụng từ ngữ của con em mình. Tôi xin gióng lên tiếng chuông này để mọi người thức tỉnh về khả năng nói và viết văn bằng tiếng Anh của con em mình. Cũng xin nhắc lại với quý vị là con trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi, khả năng học sinh ngữ của chúng rất cao, chớ nên bỏ lỡ cơ hội này để rèn luyện cho các em.

Ông bà chúng ta cũng có câu nói: “Dạy con từ thửa còn thơ”. Dạy con ở đây là dạy về cách học ăn, học nói, học gói học mở. Câu nói này đã nói lên sự cần thiết của cái học cách ăn để sống còn và khoẻ mạnh. Học cách nói chuyện niềm nở, dễ thương, và lễ phép. Học biết tính toán, cách gói cho gọn gàng, ngăn nắp. Học cách mở gói, cách tháo gỡ những nút thắt, giải quyết những khó khăn, biết gỡ rối vấn nạn của cuộc đời mình. Tuy chỉ một câu nói ngắn gọn, đơn giản nhưng nó bao gồm tất cả những môn học như văn chương, toán, khoa học, mà chúng cần phải học trong tương lai. Học tập viết chữ, học cách diễn tả tư tưởng qua lời nói ngắn gọn và rõ ý. Học cách suy nghĩ, cách bộc lộ, phơi bày cảm tưởng của mình. Học tính toán nhanh nhẹn, để có thể trả lời nhanh chóng và chính xác. Sự học thật bao la, càng học, càng thấy thích thú và đam mê. Học suốt cả đời còn chưa hết một chữ Yêu, như có người đã nói qua câu thơ: “Làm sao định nghĩa được chữ yêu. Nó đến trong ta một buổi chiều”.

Vâng đúng như vậy, vì yêu mà phải học, yêu chính mình, yêu danh dự, yêu đều hay lẽ phải, yêu gia đình, yêu tổ quốc và yêu tha nhân. Trong tình yêu lứa đôi cũng có câu hát. Chẳng tham ao sâu hay nhà cao, mà chỉ mơ anh có chút công danh về sau. Hay theo kiểu nói của các bậc cha mẹ thường nói, nhà nghèo chẳng có của lả gì dể lại cho con, chỉ đủ tiền cho con cái ăn học thành tài mà thôi, còn sau này thì chúng nó mài cái bằng cấp ấy ra để mà sống.

Hy vọng trong năm 2009. Xin được cống hiến quý vị cùng các em, các câu chuyện xoay quanh những chủ đề:

- Dạy học cho con từ khi bắt đầu vào học Tiểu Học.

- Tìm hiểu lý do tại sao con trẻ chán học và bỏ học.

- Tìm hiểu cách dạy học của các trường nội trú ngày xưa.

- Tìm hiểu cách dậy học của các trường tư thục và công lập tại Úc.

- Những điều cần biết khi con vào bậc Trung Học.

- Học thêm, để con em có thể lấy lại căn bản những môn bị yếu kém.

- Những phương pháp căn bản mà cha mẹ có thể giúp cho con chịu khó học.

- Cách học thi và luyện thi tốt nhất để đạt được điểm cao.

- Những nguyên tắc cần biết khi đi phỏng vấn.

- Dạy con sống đạo giữa đời.

- Dạy con chọn bạn mà quen.

Các cụ ngày xưa vẫn thường nói rằng, không ai hiểu con bằng mẹ cha. Thế nhưng thực tế  ngày nay lại khác nhiều lắm lắm, vì thực tế thì không ai hiểu nó bằng chính nó. Cũng như không có bác sĩ nào hiểu bệnh nhân bằng chính bệnh nhân cả. Cho nên, chúng ta cần phải tìm hiểu về con cái chúng ta, nhiều hơn nữa bằng cách trò chuyện, học cùng, làm việc cùng và lắng nghe tâm sự của chúng, mỗi khi chúng cần có người chia sẻ.

Dụng nhân như dụng mộc, chớ vì một thành kiến hay vì một lỗi lầm nhỏ nào của con cái mà chúng ta xử phạt nó như kẻ thù, người lạ. Hãy cùng tôi khám phá ra các tài năng về trí thông minh, về cảm xúc và về mặt tâm linh của chúng, để chúng ta có thể giúp con cái chúng ta nên người hữu dụng. Quý vị hãy nhớ lại lời Chúa nói: Có tiên tri nào mà được vinh hiển ở quê nhà mình đâu. Cái mà chúng ta tưởng rằng phải vất đi, lại là cái mà Thiên Chúa dùng để phú cho sự khôn ngoan nước trời.

Sau hết, trước khi chấm dứt bài viết chúc mừng năm mới, niên học mới đến toàn thể quý vị phụ huynh cùng các em học sinh. Xin mượn câu nói của người xưa, để thay lời kết.

Ngọc kia chẳng dũa, chẳng mài. Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Tái bút:

Thầy giáo Trường Dòng, xin được hân hoan thông báo. Thầy giáo có một học trò lớp 12 năm nay, vừa biết tin, đã được Trường Đại Học Queenland, Adelaide, và Tasmania và tuyển và nhận vào theo học ngành Y- Khoa, năm 2009. Xin tạ ơn Chúa, và xin mọi người cùng cầu nguyện cho cháu học hành tốt, và sau này tốt nghiệp biết phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Nay kính.

Thầy giáo Trường Dòng.




Leave a Reply.