Cứ mỗi năm vào tháng 12. Các em học sinh lớp 12 tại Úc, lại được sống trong mùa đợi chờ và hy vọng. Mùa đợi chờ vì các em đang chờ kết qủa điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học, mà các em vừa thi xong vào tháng 11. Trồng cây ai lại chẳng mong tới ngày được ăn trái. Học sinh nào chẳng mong biết được điểm các bài thi của mình, nhất là tùy thuộc vào các điểm thi ấy mà các em biết mình có thể vào được các ngành học mà các em ưa thích trong tương lai hay không. Không hẳn chỉ có riêng các em học lớp 12 mà thôi. Gia đình bao gồm cha mẹ, anh chị em cùng mọi thân nhân cũng đang náo nức chờ mong ngày công bố kết qủa điểm thi mau tới, và ngay cả các thày cô giáo của các em cũng đang đợi chờ, để có thể thở phào nhẹ nhõm, như là vừa trút được gánh nặng trách nhiệm trên đôi vai bé nhỏ của mình.
 Có sống trong sự chờ đợi, người ta mới thân phận con người sao quá nhỏ bé đối với vũ trụ và thiên nhiên. Mọi tạo vật được dựng nên bởi bàn tay của Thiên Chúa, trải qua bao ngàn năm vẫn tồn tại. Sự tiến bộ về văn minh của con người, càng ngày dẫn đưa chúng ta đi từ khám phá này đến khám phá khác của vũ trụ. Những khám phá trên mặt đất, dưới lòng đất, và những khám phá ngoài không gian. Tất cả những khám phá ấy dẫn đưa chúng ta đến những kỳ công của Thiên Chúa đã tạo dựng cho chúng ta. Các em là người học sinh cần phải kiên nhẫn học tập và cần phải cố gắng đợi chờ những kết qủa khám phá mới, để giúp cho cuộc sống của chính mình và của mọi người ngày được thăng tiến hơn.

Trong khi chờ đợi kết quả của điểm thi. Có nhiều ý kiến khác nhau giữa các em, có em cho rằng thời gian chờ đợi thật là dài và buồn chán. Một tháng đợi chờ thật là chán, tối ngày ăn rồi ngủ, ngủ rồi lại ăn. Cha mẹ các em đều giục các em, ăn nhiều cho lấy lại sức, để mà còn có sức tiếp tục học ở bậc đại học nữa. Cũng có em, vì hoàn cảnh gia đình nghèo, và muốn tự lập, nên các em đã đi tìm việc làm, để kiếm tiền mua sách cho năm sau. Cũng có em thuộc gia đình khá giả, các em được bố mẹ cho đi du lịch trong kỳ chờ đợi kết quả này. Lại cũng có em giúp đỡ mẹ cha tu bổ, sửa chữa các chỗ hư hỏng thiếu thốn trong nhà, để thời gian trôi qua không bị uổng phí.

Các em đã dùng thời gian chờ đợi kết qủa để tiêu khiển, khám phá những điều thích thú mới cho cuộc sống của riêng mình trong thời gian chờ đợi chuyển tiếp từ bậc trung học nên bậc đại học. Sách vở đã được tạm thời bỏ vào tủ hay có em đã đem ra tiệm mua sách cũ để bán lại, hoặc cho bạn bè học ở lớp dưới.

Cũng có em đợi chờ ngày công bố kết qủa điểm thi, một cách vô tư. Việc thi cử đã xong, kết qủa không thể sửa chữa, và không thể thay đổi thêm hay bớt điểm được nữa. Vậy dại gì phải lo cho mệt xác, cho ốm o gầy mòn thân xác, vốn dĩ đã xác sơ vì kỳ thi vừa rồi.

Cứ vui lên, việc ngày nào lo đủ cho ngày ấy mà thôi.

Cũng có em chờ đợi kết qủa với sự chấp nhận. Các em sống và phó thác cho Chúa. Các em cầu xin Chúa sử dụng các em tuỳ theo khả năng mà các em có được, để các em trở thành một công dân tốt, một người tín hữu tốt lành trong tương lai. Sự chờ đợi chỉ là một thử thách về thời gian, tập cho các em tính kiên trì, bền đỗ tới cùng đích. Các em này đã đợi chờ trong tin tưởng vào chính mình và ơn Chúa. Chính vì thế mà các em có được một sự bình an khác thường.

Cũng có em lại chờ đợi kết quả trong thất vọng và tự trách mình về những điều thiếu xót trong mùa thi. Đôi khi còn trách lây sang cả những người khác nữa.

Về phía các bậc phụ huynh của các em thì thế nào. Họ cũng đang chờ đợi kết quả của kỳ thi, với những suy tư, lo âu, và có thể nói là nó còn to lớn và nhiều hơn các em học sinh nữa. Con cái là gia sản của gia đình, là bổn phận trách nhiệm của mẹ cha. Tương lai, sự nghiệp của con cái, tuỳ thuộc vào số điểm của kỳ thi cuối nạm lớp 12 này, thì thử hỏi ai mà chẳng chờ đợi với sự lo lắng và sốt ruột cho được. Họ cầu nguyện ngày đêm, ngay từ khi con cái được cắp sách đến trường, đi học lớp mẫu giáo. Họ cầu mong cho con họ học hành thành tài, thành ông kia bà nọ, có địa vị trong xã hội. Hay ít ra nó có tí chữ để có công ăn việc làm đỡ phải vất vả như bản thân của họ. Đa số những người tỵ nạn như họ, đã phải chịu nhiều đắng cay, vất vả vào những ngày mới đặt chân đến quê hương thứ ba này. Họ cầu mong cho con cái họ biết cố gắng trong việc học hành, để tương lai của con cái họ không còn bị chê bai là nói không rành tiếng Anh, không viết được tờ đơn xin việc như họ cách đây mấy chục năm về trước. Họ kỳ vọng thật lớn lao về điểm thi của con cái họ, điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng đã có mấy ai đem chuyện ấy, chuyện về những vất vả, khổ cực, chuyện mà họ ước mong từ thủa mới đặt chân đến Úc, khi họ bị từ chối việc làm tại các hãng xưởng vì không có tay nghề. Chuyện đi hái dâu, cà rốt, nho, bắp cải giữa thời tiết lạnh rét của mùa Đông, hay giữa cái  nóng bức của mùa Hè, để kiếm được tiền nuôi con cái ăn học. Chính vì bổn phận làm cha, làm mẹ nên chẳng mấy ai đem cái chuyện ấy ra mà kể cho các con cái của họ nghe, nên chúng không biết quí thời giờ, không biết qúy cái học, và nhất là không hiểu được lòng mong ước của các bậc làm cha mẹ. Ấy là chưa kể về danh dự dân tộc Việt Nam. Câu truyện một ngàn năm nô lệ giặc Trung quốc, một trăm năm bị đô hộ bởi người Pháp. Đã có biết bao nhiêu người chết trên đường vượt biên, vượt biển. Còn biết bao nhiêu người phụ nữ đã bị hãm hiếp, và đang bị cầm giữ bởi bọn hải tặc Thái Lan, trên đất Thái hay ngoài hải đảo xa xôi nào đó.

Ôi đau thương thay, nếu chúng ta không biết nói cho con cháu chúng ta cần cố gắng học hành với hy vọng sau này trở thành bậc thày của các dân tộc khác, đem lại vẻ vang cho dân tộc Việt.

Chỉ mới kể sơ sơ cho các em học sinh nghe thôi, về chuyện qúa khứ của các bậc làm cha mẹ, những người tỵ nạn Việt Nam, thì các em cũng hiểu nỗi chờ mong ngày công bố kết qủa điểm thi của các em. Họ hồi hộp đợi chờ còn nhiều hơn các em nhiều lần. Vâng! cha mẹ của các em đang mong chờ ngày công bố kết quả với tất cả niềm hy vọng của chính họ. Quá khứ khổ nghèo, đau thương của họ càng nhiều thì hy vọng của họ càng lớn. Các em là con cái trong gia đình, có thể nào các em lại không thể hiểu được nỗi khát vọng của cha mẹ các em. Hy vọng càng nhiều thì đôi khi thất vọng càng lớn. Nếu như chính bản thân các em đã không chịu tập trung, và cố gắng hết sức mình trong việc học hành suốt năm học. Thời gian đợi chờ này cũng là chính thời gian để các em xét mình và đưa ra những quyết tâm cho năm mới trong việc học hành. Các em chuẩn bị để trở thành những sinh viên trên ngưỡng cửa đại học. Các em sẽ trở thành một con người mới, một người mà gia đỉnh, đất nước, và giáo hội đang mong chờ. Hãy phát triển những khả năng, đức tính tốt của mình. Hãy nhìn nhận những khuyết điểm mà các em đang có và cố gắng sửa chữa. Hãy nhìn lại chính mình, chấp nhận và cố gắng sống vươn lên đừng để thua bạn bè. Hãy có những mơ ước tốt đẹp, và có thật nhiều hy vọng.

Trong thời gian chờ đợi kết quả điểm thi. Xin được gởi đến các em câu chuyện: “Áo mới của Đức Hoàng Thượng” của Andersen, trong cuốn sách Cái cười của Thánh Nhân, tác giả Nguyễn Duy Cần.

“ Ngày xưa, có một vị vua thích ăn mặc đồ mới và thật đẹp. Ngài đã tiêu phí gần hết tiền kho, mà cũng chưa thỏa lòng. Bất cứ việc gì, đi săn hay đi hội, đi xem hát, thảy đều là cơ hội để nhà vua khoe áo mới. Mỗi lần đi ra ngoài là đã mặc một bộ đồ mới và trong một ngày không biết mấy lần nhà Vua đổi áo…

Ngày kia, có hai tên “bợm”, xưng mình là tay thợ dệt tài hoa nhất trên thế gian, dệt được một thứ lụa đã chẳng những tuyệt đẹp lại còn có cái đặc tính này là kẻ những kẻ “ngu” cũng như những người “ không làm tròn bổn phận” sẽ không bao giờ nhìn thấy nó. nhà Vua nghe nói rất mừng: Hay lắm! Có thứ áo lạ lùng ấy, ta sẽ có thể phân biệt được ai là người trí, ai lả kẻ ngu, ai là người làm tròn bổn phận, ai là người trốn phận sự của  mình!

Liền đó nhà Vua truyền gọi hai tên “bợm” ấy vào đền, ban cho số bạc lớn, bảo phải khởi công lập tức. Về nhà hai tên “bợm” cho giàn hai khung dệt, rồi giả bộ làm không nghỉ, nhưng nào có một sợi tơ chỉ gì trong ống chỉ đâu. Lụa thật nhuyễn, chỉ bằng vàng y của nhà Vua ban, chúng đều dồn hết vào bao cất kín…

Nhà Vua nóng lòng, muốn xem thử công việc dệt lụa đã đến đâu… Nhưng nhớ lại rằng thứ lụa thần bí ấy sẽ biến mất trước con mắt của bọn ngu, nhà Vua hơi lo ngại. Dù nhà Vua vẫn tin mình là bậc thông minh hơn hết trên đời, cũng lo ngại… Tốt hơn là sai kẻ khác đến xem thế cho Ngài có phải tiện không. Trong nước ai ai cũng trông cho mau rồi bộ áo huyền bí ấy, để thử xem chung quanh mình ai là thằng ngu…

Nhà Vua nghĩ nên sai vị lão thần thông minh nhất trong quần thần đến xem lụa ấy là phải nhất, vì ngoài sự thông minh của ông, ông ấy lại là người rất lo tròn bổn phận của mình hơn ai hết. Vị lão thần này, từ trên xuống dưới cũng như từ trong ra ngoài lê- thứ là bậc người quân tử hết sức chân thật.

Tin nơi óc thông minh, nơi đức hạnh của mình, vị lão thần lãnh mạng ra đi, vào thẳng tận phòng riêng các anh thợ dệt. “Ôi! Đại từ bi ôi! Sao mà ta chả thấy gì cả kìa!” Ông nghĩ như vậy, nhưng không tiện nói ra. Ông cố gắng mở rộng đôi mắt, nhưng rồi cũng chả nhìn thấy gì cả. Ông lại tự hỏi: trời ôi! Lẽ nào tôi là một đứa ngu.. tôi đã trốn tránh đánh lừa phận sự hay sao?

Hai tên”bợm” thấy vị lão thần đến nhìn mà không nghe nói gì cả, bèn mời ông đến gần hơn để nhìn cho tận tường khúc lụa đang dệt. Nhưng vị lão thần vẫn không thấy gì cả. Ông đã bắt đầu nghi ngờ nơi sự phán đoán của mình và tưởng mình là thông minh mà sự thật mình ngu. Có thể lắm. Ông đang suy nghĩ miên man, thì tên”bợm” hỏi dồn:

-         Thưa Ngài, Ngài nghĩ sao về tấm lụa này?

-         Đẹp lắm! đẹp lắm. Tôi sẽ về tâu lại với Hoàng Thượng!

Lão thần vừa nói vừa sửa gọng kiến mắt lại, và lóng tai nghe hai tên”bợm” cắt nghĩa chỗ nào đẹp, chỗ nào khéo để về thuật lại cho Vua nghe.

Vua nghe phúc trình vị lão thần bèn sai thêm một vi quan cật thần khác cũng có tiếng là thông minh liêm chính, ông này cũng chả nhận thấy gì cả. Hai tên”bợm” cũng lăn- xăn chỉ chỏ chỗ này chỗ kia và cắt nghĩa lung tung. Vị quan này ngẫm- nghĩ: Hay là ta ngu không biết. Có lẽ lắm vì nhiều khi ta giả vờ thông minh mà kỳ thật ta có hiểu có biết gì đâu. Thiên hạ cho ta là trí thì ta cứ nhận bừa đi, chả lẽ lại cãi lại, trong thâm tâm dù biết mình không thông minh vẫn muốn thiên hạ đừng chê mình là ngu, có khi lại muốn lòe thiên hạ là khác. Đích thị là mình ngu, nên không làm sao nhận thấy được bức lụa huyền bí này. Thôi bây giờ cứ giả vờ là thấy, kẻo chung quanh họ biết mình là ngu mà khốn. Rồi quan khen đáo khen để, trở về tâu với Vua rằng không còn vật nào trong đời sánh kịp.

Vua bấy giờ, yên lòng. Muốn thân hành đến xem tấm lụa. Vua ra đi với các cận thần.

Hai tên “bợm” thấy Vua đến.. bèn ra tận bên ngoài đón rước… Quái lạ thay! Hai tên thợ tay làm không nghỉ, vậy mà tấm lụa mầu sao chẳng thấy hiện lên. Đức Vua cùng quần thần đều ngạc nhiên hết sức, nhưng rồi ai ai cũng nghĩ: Phải chăng mình chưa phải là người thông minh và xét cho kỹ hằng ngày mình vẫn nhiều khi không lo tròn bổn phận, lười biếng, bê tha… Nguy rồi! nhưng nên cố gắng trấn tĩnh tinh thần, kẻo chung quanh thiên hạ họ biết mình là ngu. Vua gật đầu khen và hứa với hai tên “bợm” sẽ gia ân trọng thưởng. Cả triều thần, cùng một cảm nghĩ, sầm sì bàn tán với nhau và khen tặng bức lụa “vô hình” không hết lời…

Đến ngày đại lễ; Vua cùng quần thần đến. Hai tên “bợm” qùy dâng lên nhà Vua áo quần mới vừa may xong. Hai tên “bợm” ta nói: Lụa này rất nhẹ như hơi gió, mặc nó vào mình nhẹ nhàng đến đỗi mình tưởng chừng như không có mặc áo mặc quần gì cả. Các quan đều rập tâu: Thật chí lý! Thật chí lý! Lụa này nhẹ làm sao! Rồi cùng nhìn nhau, bỡ ngỡ… nhưng ai ai cũng vẫn làm ra vẻ mình không phải là đồ ngu!

Hai “bợm” bước đến tâu Vua, tâu:

-         Xin thánh thượng cho phép hạ thần thay áo thay quần mới vào.

Vua để hai tên “bợm” cởi hết y phục chỉ còn giữ cái áo lót mồ hôi và cái quần lồng mà thôi. Chúng khéo làm cách điệu như thật, ai cũng tưởng có thật bộ đồ mới mà chúng trân trọng mặc cho Vua. Vua tỏ vẻ đắc ý, ngắm nghía một hồi trước một tấm gương lớn. Các quan rập nhau khen tặng không ngớt lời.

Quan hành lễ bước vào tâu Vua rằng đài kiệu đã sẵn sàng đang chờ trước cửa. Trước khi bước ra, Vua còn ngó lại trong gương và làm bộ săm soi mình trong bộ quần áo đẹp qúy nhất trần gian. Các quan hầu, nâng vạt áo “vô hình” theo sau, còn Vua thì bệ vệ oai nghi đi dưới đài… Hai bên đường thiên hạ chen nhau trùng trùng điệp điệp để xem nhà Vua trong bộ quần áo mà họ đã nghe đồn từ lâu. Nhưng lạ thay, nào có ai nhìn thấy gì… chỉ thấy Vua trong bộ áo lót mồ hôi với một cái quần lồng… rất dị hợm. không ai dám cười dám nói lên sự thật, người này nhìn người kia không dám hở môi, rủi ra người chung quanh biết mình là ngu thì sao! Rồi không hẹn mà người nào cũng như người nào đều xầm xì với nhau: Chà! Áo đẹp quá cỡ! Thật, từ trước đến giờ chưa từng có lúc nào áo mới đức Hoàng thượng được người dân ca ngợi đến thế!

Nhưng hình như không hẹn mà nên, tất cả đều lặng lẽ, không ai nói gì với ai nữa, có lẽ họ đã bắt đầu suy nghĩ.., thì bỗng một tiếng con trẻ vang lên với một tiếng cười giòn giã… Vua đâu có mặc áo tốt gì đâu!”

Người cha đứa trẻ, thở ra cái phào: “thánh Thần Tiên Phật ôi! Hãy nghe đây, cái tiếng nói của sự ngây thơ thành thật!”. Khác nào tiếng sấm đêm đông, tất cả đều như tỉnh mộng…Già trẻ bé lớn thảy đều lặp lại lời nói của đứa trẻ: Vua đâu có mặc quần áo mới gì đâu!

Nhà Vua nghe nói, giựt nẩy người… mồ hôi ướt dầm, tự nhủ: Có lẽ đúng như vậy! Nhưng mà phải cố trấn tĩnh, đừng để ai thấy sự lúng túng của ta. Vua làm ra vẻ bệ vệ oai nghi, trang trọng hơn trước, đi thật mau trở về đền, theo sau một đám quan hầu cung kỉnh nâng vạt áo “vô hình” …

Các em học sinh thân mến. Hy vọng câu chuyện kể trên sẽ đem lại cho các em một sự chờ đợi kết quả trong sự chấp nhận sự thật, chấp nhận khả năng mà chúng ta đang có, chứ không phải vì tiếng khen chê của dư luận của thiên hạ mà các em phải chờ đợi kết qủa trong sự thất vọng. Hãy can đảm dâng mọi ước mong cho Thiên Chúa và hy vọng tràn trề vào tương lai tươi sáng.

Thày giáo trường Dòng.




Leave a Reply.