Đó là câu hỏi của mọi học sinh ham học ở mọi lứa tuổi. Học thì phải thử thách bằng các kỳ thi trong năm học, giữa học kỳ, và cuối học kỳ. Đã có nhiều học sinh đã biểu lộ những buồn vui trên nét mặt sau những kỳ thi. Có những vui mừng thì cũng có những lo lắng và hồi hộp. Có những em vững tin vào khả năng của mình thì cũng có những em thất vọng về sự học của mình. Để tránh những lo lắng thái quá. Người viết xin mời mọi người cùng tham khảo về cách học hành của con em mình trong suốt thời gian còn cắp sách đến trường.
Trước hết khi các em còn nhỏ. Chúng ta là những bậc phụ huynh hãy giúp các em có những ước mơ về tương lai của mình. Tạo ra những khái niệm về cuộc sống hiện tại và sự thay đổi trong tương lai. Mục đích và ý nghĩa về sự đi học của các em, sự hy sinh về công sức cùng tiền bạc của mẹ cha, hầu có thể cho các em có được điều kiện cắp sách đến trường. Trong trường hợp cùa các gia đình nghèo. Các bậc cha mẹ đã cố gắng làm lụng, vất vả kiếm tiền, để cho các em được cắp sách đến trường với mục đích chính là họ mong con cái của mình thóat khỏi cảnh nghèo như họ. Nếu không có sự cải tiến ấy thì con em của họ ngày nay vẫn đang sống trong cảnh “con bác sãi chùa lại quét lá đa” mà thôi. Hay tệ hơn nữa là: “con gái thì học làm chi cho lắm, học để mà viết thư cho giai à”.

Trong một đất nước tân tiến. Việc đi học của các em không còn chỉ là những ước mơ riêng của mẹ cha, của các gia đình nữa. Mà nó còn là ước mơ chung của chính phủ, của mọi người. Ước mơ có được nhiều nhân tài cho đất nước mình, và không phải thuê mướn chuyên viên từ các nước ngoại quốc khác nữa. Từ những ước mơ về tương lai của quốc gia có được những nhân tài. Các bậc cha mẹ nên giải thích cho các em hiểu về ước mơ làm vẻ vang dân tộc Việt Nam. Chính những ước mơ của cha mẹ và của các em học trò, ngay từ lúc còn học ở bậc tiểu học. Các em sẽ thấy việc đi học của mình có mục đích,và sẽ cố gắng học hành.

Qua đến tuổi học sinh. Mục đích của việc học càng ngày phải xác định rõ ràng hơn cho các em, tuỳ theo năng khiếu của chúng. Không phải ai cũng có thể đi tu làm cha, làm thày. Không phải em học sinh nào sau này cũng có thể là ông kia, bà nọ, có một chỗ đứng vững chắc về nghề nghiệp trong xã hội, theo như mọi người đoán trước. Thế nhưng, nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ càng về khả năng của con em mình, biến đổi theo từng thời gian. Tương lai con em của chúng ta sẽ bị thiệt thòi. Đã có nhiều ông bố, bà mẹ chửi con, khi thấy điểm thi của con mình thấp, đã lớn tiếng chửi nó: “Học với hành, cái thứ học như mày, sau này chỉ đáng đi sách dép cho thiên hạ”. Hay tệ hơn nữa như câu chửi: “…sau này mày chỉ đáng đi bưng bô, rửa đít cho thiên hạ”. Có nhiều người mê tín dị đoan đi coi bói đoán vận mạng cho con mình, rồi về khoe với bạn bè rằng: “Ông thày bảo tôi, số cái con nhỏ nhà tôi, về sau sẽ làm bà lớn, khỏi cần phải học”.

Trong khi thực tế thì khác xa. Để có được những thành công trong tương lai, đạt được những gì mà các em mong ước. Các em phải cố gắng hết sức mình, phải học với mọi khả năng về trí tuệ, sức khỏe cho phép, và phải hy sinh thời gian cho việc  tập trung vào sự học. Nói một cách ngắn gọn hơn, các em cần phải yêu quí sự học. Học vì yêu, và vì yêu mà học. Từ cái yêu học đó mà các em có thể chuyên cần, chăm chỉ học hành.

Yêu việc học hành thì kết quả sẽ đạt được khác xa với người không thích học, hay không biết qúi việc đi học. Ngày xưa. Các triều đại vua chúa đã có nhiều hòang tử chỉ thích rong chơi, sắn bắn, và có người thì lớn lên chỉ thích ăn chơi đàng điếm. Chính vì thế mà vua cha đành nhường ngôi cho người em có tài đức vẹn tòan hơn. Thế mới hay con vua đâu hẳn sau này sẽ được làm vua. Thời nay cũng thế, nếu chỉ học để có tấm bằng treo tường mà thôi, thì chưa đủ để có được công ăn việc làm trong tương lai. Học hành phải chuyên cần, chăm chỉ, mê say thì sau này mới mong đem cái học của mình ra mà tranh đua được với đời. Chính khi các em ý thức được điều này, cho nên các em sẽ biết tổ chức việc học của mình một cách chu đáo hơn. Từ giờ giấc ăn ngủ, học hành, và nghỉ ngơi. Từ những bài tập của nhà trường và những sách cần đọc thêm để tham khảo. Siêng năng đi dự lớp học, không bỏ xót một ngày nào trong năm. Năng gặp gỡ thày cô để hỏi thêm bài, hay xin ý kiến về việc học của mình, và về những ước mơ, mục đích học của mình mà các em cần đạt được. Tôi đoan chắc là các em sẽ được giúp đỡ một cách tận tình, vì không có thày cô nào mà chẳng mong cho học trò mình giỏi, nổi tiếng về sau này.

Mục đích của việc học và ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai. Càng ngày càng lộ ra rõ rệt từ năm các em học lớp 10. Các phải chọn những môn học cần thiết để các em có thể nộp đơn xin vào các ngành nghề của bậc Cao đẳng, hay Đại học. Lại một lần nữa các em cần được cha mẹ hướng dẫn, giúp đỡ để chọn lựa các môn học. Các em thường lẫn lộn là chọn các môn học nào dễ học và các môn học để có thể vào được các ngành học mà các em thích hay ước muốn trong tương lai đời sinh viên. Thật ra thì chẳng có môn học nào dễ cả. Môn học nào cũng đòi hỏi sự chuyên cần, chăm chỉ học hành. Vì nếu chưa học mà biết là dễ hay khó rồi thì các em ấy đúng là thiên tài. Trong việc học, thày cô sẽ hướng dẫn các em đi lần từng bước. Từ những cái nguyên tắc căn bản, những công thức dễ nhớ cho đến những vấn đề khó giải đáp, đòi hỏi sự suy nghĩ chín chắn và cẩn thận. Học có nhức đầu thì sau này ra đời, các em mới biết cách ứng sử hơn người.

Khi các em bước vào bậc Đại học. Các vẫn còn phải được tiếp tục nhắc nhở về mục đích học của mình. Ngoài ra, còn cần phải được tiếp tục hỗ trợ từ các bậc phụ huynh, để các em đi đúng đường, không bị nản chí bởi những cám dỗ từ bạn bè như nghiện hút, cờ bạc, uống rượu, thường hay xảy ra nhiều trong các em trai. Hoặc xa lánh mọi người, buồn tủi, cô đơn, tình trạng này thường xảy ra ở các em gái. Việc học giỏi của các em trong tuổi sinh viên này, rất cần sự hỗ trợ của mẹ cha hơn lúc nào hết trong cuộc đời đi học của các em. Có người cho rằng, các em đã đến tuổi tự học được rồi, “học đại” cũng đậu. Thật ra không phải vậy. Nếu ngày  xưa người ta chỉ biết có câu: “Ăn cùng, ở cùng” mà thôi, thì đời học sinh rất cần có cha mẹ “Học cùng” nữa mới mong thành đạt như ý muốn được.

Làm bậc phụ huynh. Các ông bà sẽ nhìn thấy những trở ngại trong việc học hành của các em. Có nhiều em khi điểm thi cuối năm lớp 12 đạt được trên 95 điểm, thế mà khi vào học ở bậc đại học rồi, mà  có em đã 3 năm trôi qua, cứ vẫn ở năm thứ nhất. Các em lúc đầu tưởng mình chọn sai ngành, đổi ngành học rồi mà vẫn cứ thấy mình sai đường đi. Có nhiều người thắc mắc lý do. Họ đổ thừa tại bạn bè, tại các thói hư tật xấu cám dỗ. Thật ra vì phần đông các bậc cha mẹ không học cùng nên không biết đến các yếu tố ngoại cảnh hoặc trong nội tâm đang xoáy mòn ý chí theo đuổi việc học của các em. Thế rồi có nhiều người chép miệng than: “Con bác sãi chùa, lại quét lá đa”.

Những yếu tố ảnh hưởng đến việc học hành của các em trong đời học sinh, sinh viên như: sức khoẻ, cách ăn uống, nghỉ ngơi, và giờ giấc học hành.

Khoẻ vì nước kiến thiết quốc gia. Bài hát tôi đã hát khi đi thi bậc Tiểu Học ngày xưa, đã làm tôi nhớ lại những lời mẹ tôi thường nói: “cố mà ăn đi con, ăn cho có sức mà học”. Ngày nay đa số các em đi học xa nhà, nên đành thuê nhà riêng gần trường, trọ học cho đỡ tốn thời gian đi lại. Giờ học trong lớp thì đã được chia theo thời khóa biểu. Có ngày thì học 3 giờ buổi sáng, 2 giờ buổi chiều. Lại có ngày học dồn vào buổi sáng nên đành ăn trưa trễ. Đa số các em gái sợ mập nên kiêng ăn, cộng thêm việc tập trung nghe giảng, bao tử tiết ra nhiều dịch vị làm cho bụng kêu ầm ĩ như sấm động trời Nam, và cứ thế lâu ngày các em bị đau bao tử, đau ruột. Ấy là chưa kể, đến chiều về nấu đại tô mì ăn cho xong, lâu ngày cách ăn uống như thế thì lấy sức đâu mà học cho được. Bài làm thì càng ngày càng nhiều, ngủ đã ít, ăn lại càng ít hơn thì trí óc nào có sức để chứa bài vở cho nổi. Ấy là chưa kể đến sự ảnh hưởng của thời tiết. Trời mùa đông lạnh lẽo đã làm ảnh hưởng đến sự học không ít. Cái lạnh làm cho các em thích co ro ở trong phòng. Bật lò sưởi cho ấm, đóng kín cửa cho khỏi gió lùa hơi lạnh vào, và kết qủa hơi nóng ấm ấy làm cho các em buồn ngủ, thế là thay vì bật lò sưởi cho ấm để học, thì cái ấm áp ấy, đã cám dỗ các em thích vào giường, ngủ một giấc cho đã, rồi mai sẽ học. Công việc học cứ tái diễn như thế cho hết mùa Đông. Ngòai ra còn những cám dỗ khác như các em thấy trời mưa, hay lạnh quá nên ở nhà không đến tham dự lớp học, và cứ tái diễn như thế cho đến khi thấy việc học của mình bị kém hẳn đi.

Đời sinh viên cần có tiền cho nhiều chi phí khác nữa, ngoài việc chi cho ăn ở. Nếu gia đình không trợ giúp thêm, thì tiền Austudy do chính phủ tài trợ làm sao mà đủ sở hội chi tiêu.

Các em đành kiếm việc làm thêm cuối tuần, để có tiền mà chi tiêu. Giờ học còn chưa đủ, lại phải bớt giờ để đi làm, thì sự học chắc chắn bị chi phối rất nhiều. Cũng đậu các môn học, nhưng chỉ đủ điểm đậu thì với tờ điểm như thế, trong thời buổi cạnh tranh người tài giỏi, thì làm sao các em có thể tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp cho được.

Lại có những trường hợp trái ngược. Các em được cha mẹ giám sát kỹ lưỡng thái quá. Họ chỉ mong con cái của họ tập trung vào công việc đọc sách, làm bài mà thôi. Tránh ồn ào, bật máy lớn nghe nhạc, hay đi shopping, cắm trại vào các dịp nghỉ hè. Khiến các em bị tách rời khỏi xã hội đang sống. Nếu qúy vị còn áp đặt câu nói: “Cha mẹ đặt ở đâu thì con ngồi ở đó, hay cha mẹ bảo sao thì con phải nghe làm vậy” cho các em học sinh, thì thật tội nghiệp cho các em. Tương lai của con cái mình là của chúng nó, chứ nào phải vì danh dự của mình hay theo cái suy nghĩ của mình đâu mà ép buộc chúng học như ý mình muốn. Tối ngày chỉ có học, mở mắt ra là học và khi nhắm mắt đi ngủ rồi vẫn còn phải học. Học kiểu như thế đã chẳng giỏi, mà ngược lại nhà thương tâm thần có thêm nhiều bệnh nhân.

Tóm lại, muốn cho các em học giỏi. Các bậc phụ huynh nên giúp cho con em chúng ta hiểu biết về: Sự lợi ích của việc học cho đời sống của chúng, và của mọi người.

Việc học thì rất rộng rãi, bao la vô bờ bến, cho nên chúng cần có hướng đi rõ ràng, để đi cho đúng đường. Vì chạy nhanh, chạy giỏi mà chạy trật đường thì uổng phí công sức và thời gian.

Qúi vị cũng cần nói cho các em biết những yếu tố cần thiết cho việc học được tốt đẹp như: Chuyên cần ôn bài, đọc sách tham khảo thêm, đi dự lớp đúng giờ, làm các bài kiểm mà thày cô cho thời hạn làm ở nhà. Về sức khỏe phải giữ gìn, năng luyện tập thể dục, nghỉ ngơi và ăn uống điều độ. Ngoài ra, xin các bậc phụ huynh giúp đỡ các em tránh những yếu tố khác làm các em chán nản, bê trễ trong việc học hành do thời tiết, sự xa cách, nhớ nhung gia đình.

Xin qúi vị an ủi, nói chuyện hỏi thăm, và thường xuyên khích lệ con em đem áp dụng những gì mình đã học biết vào cuộc sống thực tế, từ cách ăn nói xã giao với người ở trong gia đình cho đến người ngoài.

Hơn thế nữa, chúng ta là người Công Giáo, con cái của Thiên Chúa. Xin quý vị phụ huynh rèn luyện cho các em thêm về các nhân đức Tin, Cậy, Mến. Nhắc nhở các em biết dâng cuộc sống hàng ngày lên cho Chúa. Xin Chúa quan phòng, gìn giữ các em khỏi mọi sự dữ. Xin Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria ban cho các em, biết yêu và phụng sự Chúa qua tha nhân càng ngày càng nhiều hơn. Đó chính là cùng đích của sự học. Tôi chắc chắn là các em sẽ vừa thành công và thành nhân trong tương lai.

Giáo hội đang trông chờ vào tương của các em học sinh Công Giáo tốt lành ấy. Biết đâu trong số con em của chúng ta, có nhiều em muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ cho tha nhân sau khi tốt nghiệp bậc Đại học. Và biết đâu lời tiên đoán của Đức Hồng Y George Pell sẽ trở thành hiện thực: “Các người cháu của thế hệ hôm nay sẽ có thể thấy vị Tổng Giám Mục người Úc gốc Việt đầu tiên của Melbourne và trước đó sẽ có nhiều giám mục gốc sắc tộc này”. Nếu quý vị nhận thấy con em của mình ngay từ thủa thiếu thời, đã và đang muốn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, để sống trong bậc tu trì. Xin liên lạc với cha Gioan- Baotixia Lê Trọng Bình. Giám Đốc Ơn Kêu Gọi của tổng Giáo phận Melbourne, để được cố vấn và hướng dẫn thêm.

Chúc các em học sinh có được những tuần lễ nghỉ khoẻ mạnh giữa hai học kỳ, chúc các em đạt được kết qủa tốt của kỳ thi cuối năm. Cầu chúc quý vị phụ huynh học sinh có được những người con học giỏi như ý muốn.

Thày giáo trường Dòng.




Leave a Reply.