Sống trên đất Úc này càng lâu thì càng thấy vấn đề ăn cái gì cho ngon, nhậu món gì cho khoái khẩu trở thành một vấn nạn cho các bà nội trợ của gia đình. Hễ gặp nhau là các bà bàn tán về các món ăn vừa tìm ra của mình như: nộm gỏi cây dọc mùng, gỏi thịt bò, gỏi chân gà với hành tây, bún giò huế, bún mắm, bún chả cá Lã Vọng, bún chân giò heo nướng giả cầy.
 Đặc biệt là những món ăn chế biến kể trên phải đạt được mục đích là ăn vừa ngon miệng mà không bị cao mỡ trong máu hay không bị cao huyết áp, cao lượng đường trong mỡ thế mới đạt tiêu chuẩn nấu ăn ngày nay. Các nhà hàng như Nam Hải, Hạ Long, Thuận An đã thi nhau quảng cáo các món ăn tuyệt hảo và các món nhậu khoái khẩu để phục vụ khách hàng với giá rẻ, vừa túi tiền cho mọi tầng lớp và có giá đặc biệt cho các tiệc sinh nhật, đám giỗ, đám hấp hôn và cho các hội đoàn. Chỉ mới viết ra như vậy thôi mà tôi đã thèm chảy nước miếng rồi. Cứ tưởng tượng mùi vị của đĩa mì xào hay hơi nóng của tô phở Thể, phở Tân Định, phở Thuận An, phở Thanh (Nam Úc), thử hỏi ai chẳng cảm thấy không đói bụng và muốn ăn. Cuối tuần các gia đình đóng cửa nhà bếp, rủ nhau đi ăn tiệm để thưởng thức các món ăn khoái khẩu của các nhà hàng mới khai trương. Chẳng bù cho ngày xưa, cách đây vài chục năm về trước, khi còn ở quê nhà. Nhiều gia đình, trong đó có chúng tôi đã phải chạy ngược xuôi buôn bán, mới đủ gạo lo cho lũ con nhỏ, chúng đòi ăn tối ngày. Cả tuần may ra mới có tiền mua vài lạng thịt heo, thế mà khi ăn cơm cứ phải đóng cửa vì sợ có người nhìn thấy, báo cáo cho rằng nhà mình là đại tư sản, chưa tẩy rửa sạch đời quan liêu, bị đưa đi vùng kinh tế mới thì khốn cả đời. Khi có tiệc tùng như đám cưới, đám ma, giỗ kỵ thì cũng được thưởng thức vài ly rượu nấu bằng nước tráng chảo đường mật, hay sang lắm là rượu nấu bằng bắp nếp. Bây giờ các ông dân nhậu khi gặp nhau thì thường chọn rượu có mùi vị thơm ngon, hiệu có tiếng như Hennessy, Remy Martin, Camus, hay Courvoisier ít nhất cũng phải loại VSOP thì uống mới ngon, đỡ nhức đầu và không bị khát nước. Các ông bố  thường cho rằng đời mình vất vả đã nhiều, cho nên khi chập chững bước vào tuổi lục thập thì dại gì không tìm những món ăn khoái khẩu để mà nhậu, hay tìm rượu ngon để mà uống thưởng thức cho đời thơm râu. May mắn nếu họ có được bà vợ biết chăm lo cho chồng, và nhất là có được vài cô con gái hay con dâu thích nấu ăn và biết làm món nhậu đủ ba miền cho bố nữa thì tránh sao ăn không khoái khẩu. Ăn đã khoái khẩu mà nói cũng sảng khoái, thế mới gọi là một bữa tiệc vui, phải không qúi vị con của “Ông Trời”.

Có người bảo tôi rằng, tục ngữ có câu: “Ăn để mà sống và sống để mà ăn”. Vì không ăn thì làm sao sống như đứa bé  mới sinh không chịu bú sữa, hay chim con không chịu để mẹ nó đút miếng mồi cho nó thì làm sao nó có thể sống và lớn lên được. Và sống mà không ăn để thưởng thức mùi vị của món ăn của cuộc đời theo từng thời gian, thì sống để làm chi. Các quán thịt cầy ở Việt Nam hay quảng cáo câu: “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không”. Còn ở Úc này mà không biết ăn miếng thịt cừu, thịt bò lúc lắc của Úc thì đâu phải là dân Úc. Món ăn của dân tộc Việt Nam thật là phong phú, chả thế mà dạo này dân Úc thường thích đến nhà hàng Việt để được thưởng thức món ăn Việt Nam.

Thế nhưng, Phúc Âm theo thánh Matthêu có câu: “ Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt. 4: 4). Câu Phúc Âm này đã làm tôi thức tỉnh và tự hỏi thế thì món ăn thiêng liêng, tinh thần nào đã  được mọi người Công Giáo cho là khoái khẩu nhỉ! Ngoài phép Bí Tích Thánh Thể là của ăn nuôi linh hồn các tín hữu đã do chính Chúa Giêsu lập ra trong bữa tiệc ly. Phải kể tới một món ăn thiêng liêng được mọi người ưa thích đó là Kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi được mọi người Công Giáo ưa chuộng nhất, đặc biệt là người Việt Nam. Các tín hữu đọc kinh Mân Côi khi vừa thức dậy, trước khi đi ngủ, đọc trong nhà thờ, đọc trước khi chầu Mình Thánh, trước thánh lễ. đọc trong giờ nghỉ, đọc khi nguy nan, đọc trong giờ lâm tử. Người ta đọc kinh chung hay riêng tùy theo hoàn cảnh thuận tiện, đọc để cầu nguyện cho chính mình, cho gia đình, cho thân nhân, cho kẻ ốm đau cho các linh hồn đã qua đời như: ông bà, tổ tiên, hay cho các linh hồn mồ côi. Khi tôi còn bé, tôi thường được tham dự những buổi đọc kinh tối chung với gia đình. Hồi ấy cách đọc kinh Mân Côi của gia đình bố mẹ tôi chia ra tùy theo tối. Tối thứ hai và tối thứ năm đọc ngắm năm Sự Vui. Tối thứ ba và tối thứ sáu thì đọc năm ngắm mùa Thương. Tối thứ tư, thứ bảy và tối chủ nhật thì đọc năm ngắm mùa Mừng. Khi có người chết hay đọc kinh giỗ thì đọc năm ngắm mùa Thương.

Tôi lớn lên vẫn giữ thói quen đọc kinh như thế. Cho đến một hôm gần đây, khi tôi tham dự đọc kinh Tôn Vương Đức Mẹ ở một gia đình trong xóm giáo. Hôm ấy là Chúa nhật và đọc kinh cầu bình an cho gia đình ấy nên mọi người lần chuỗi Mân Côi với năm ngắm mùa Mừng. Khi buổi đọc kinh vừa chấn dứt thì có một chị nói với tôi rằng: “Hôm nay đọc kinh lần chuỗi năm sự Mừng, thế mà giọng ông đọc lại sầu khổ như mùa Thương”. Sau khi nghe chị ta giải thích, tôi mới chợt hiểu ra cách đọc và giọng đọc của ba mùa Vui, Thương và Mừng cũng phải khác nhau nữa. Mùa Vui thì giọng đọc với tinh thần vui tươi. Mùa Thương thì giọng đọc phải chậm và sầu khổ. Mùa Mừng thì giọng đọc cũng phải thể hiện sự mừng vui. Bởi vì các cụ cho rằng có đọc đúng như thế thì ta mới hòa mình vào sự đọc kinh cầu nguyện được. Hay nói cách khác đi là chúng ta mới thấu hiểu được cuộc đời của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Chúng mới hiểu được sự khiêm nhường, cảnh khó nghèo, sự vâng lời, lòng nhẫn nhục và hy sinh của Đức Mẹ. Sự lo buồn, sầu khổ của Chúa Giêsu, cảnh chịu bị đánh đòn, đầu đội mạo gai nhọn đâm vào đầu. Nỗi nhục nhã, ê chề khi Chúa Giêsu bị lột áo và đóng đinh trên cây thập giá cùng hai kẻ trộm cướp. Sự sống lại hiển vinh và lên trời. Sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần. Sự lên trời cả hồn xác của Đức Mẹ và phần thưởng mà Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ ở trên trời.

Lần chuỗi Mân Côi là cách giúp chúng ta tìm hiểu và suy niệm về sự Giáng Sinh, về cuộc đời rao giảng Tin Mừng, về sự khổ nạn của Chúa Giêsu và sự đồng công cứu chuộc của Mẹ Maria. Cũng là cách chúng ta học hỏi và áp dụng nhân đức của Mẹ Maria và của Chúa Giêsu vào đời sông hàng ngày của chúng ta. Sau cùng, cầu nguyện với Chúa qua việc lần chuỗi Mân Côi cũng là lúc chúng ta lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta và dạy dỗ chúng ta.

Tôi chợt nhận ra được rằng, có nhiều khi tôi đọc kinh chỉ vì thói quen hơn là để trò chuyện cùng Chúa. Cách đọc kinh của tôi như thế có nghĩa lá đối thoại một chiều. Tôi chỉ nói cho Chúa nghe những gì tôi muốn mà thôi, tôi nào để Chúa có thì giờ nó cho tôi nghe đâu. Cách cầu nguyện như thế, thật là một sự cầu nguyện thiếu sót, chưa trọn vẹn. Tôi quyết tâm suy nghĩ và tìm cách thay đổi. Kể từ ngày 16 tháng 10 năm 2002. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhân ngày kỷ niệm 24 năn triều đại, ngài đã đề xướng và ban hành cho giáo dân đọc thêm năm Sự Sáng khi lần chuỗi Mân Côi, để mọi tín hữu đọc và suy niệm về cuộc đời ba năm giảng đạo của Chúa Giêsu Chúa Giêsu là sự sáng của nhân loại.

Cách thức lần chuỗi Mân Côi của tôi được thay đổi từ dạo ấy. Tôi đem chia hai mươi bốn giờ của một ngày ra làm bốn phần theo thứ tự cho bốn mùa Vui, Sáng, Thương và Mừng. Từ 0000 giờ nửa đêm, tôi bắt đầu mùa Vui. Từ 0600 giờ sáng, tôi bắt đầu mùa Sáng. Từ 1200 giờ trưa, tôi bắt đầu mùa Thương. Từ 1800 giờ chiều, tôi bắt đầu mùa Mừng.

Kính mời các cụ và những người yêu mến việc lần chuỗi Mân Côi xin thực hiện thử theo cách nảy để có thể nếm được huơng vị  ngọt ngào của chuỗi Mân Côi, một món ăn thiêng liêng tuyệt hảo và khoái khẩu biết chừng nào. Bảo đảm với mọi người sẽ không bao giờ thiếu món ăn thiêng liêng.

Nhân dịp báo Dân Chúa Úc Châu tháng mười năm nay với chù đề: năm Sự Sáng, Vì là đàn ông, dân nhậu chúng tôi rất thích lần chuỗi năm Sự Sáng. Trong năm ngắm Sự Sáng có ngắm thứ hai, Chúa Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cước ở Cana. Cũng như các nhà dạy nấu ăn, các món ăn vật chất đòi hỏi các vật liệu cần thiết để thực hiện.

Khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cũng cần có các vật liệu:

-         Một chuỗi tràng hạt.

-         Một cuốn Phúc Âm.

-         Nơi trang nghiêm như nhà nguyện, nhà thờ, hay phòng đọc kinh chung gia đình.

-         Bàn thờ có ảnh tượng Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

-         Bông hoa, đèn.

-         Tinh thần ước muốn cầu nguyện, vì lòng tôn thờ Thiên Chúa và lòng tôn kính Đức Mẹ.

Tuy nhiên với tinh thần ước muốn cầu nguyện để yêu mến Chúa và Mẹ Maria, tuỳ theo hoàn cảnh, thời gian, không gian của từng người mà chúng ta sửa soạn để có được các vật liệu kể trên bằng cách nào đó, được bao nhiêu có thể tùy ý.

Cách thực hiện món ăn thiêng liêng

Sau mỗi ngắm tôi đọc một đoạn Phúc Âm liên hệ đến ngắm ấy, tôi suy niệm về Lời Chúa, phần suy niệm này tôi thường dẫn đến việc tâm nguyện. Sau đó đến phần khẩu nguyện, tôi đọc kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, và kinh Sáng Danh. Tôi dâng lời nguyện tự phát và cuối cùng, tôi quyết tâm áp dụng Lời của Chúa vào đời sống hàng ngày của tôi.

Năm sự Sáng

 

Ngắm thứ nhất: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Lời Chúa theo thánh Matthêu: “Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?”. Chúa Giêsu liến đáp lại: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”. Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và người thấy thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng tự trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta” (Mt. 3: 13-17).

Suy niệm

Qua đoạn Phúc Âm trên có ba sự việc mà tôi cần suy niệm:

Sự khiêm hạ trong câu nói của thánh Gioan và câu trả lời của Chúa Giêsu.

Các tầng trời mở ra, Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu trên Chúa Giêsu.

Tiếng tự trời phán: “Này là Con yêu dâu của Ta, Con dẹp lòng Ta”.

Cầu nguyện

“Ta hãy xin cho được sống đẹp lòng Đức Chúa Trời”.

Lạy Chúa thánh Thần xin ngự vào nhà linh hồn con, xin tẩy rửa lòng trí con bằng ơn thánh của người, để con được trở nên trong sạch, thân xác con khoẻ mạnh, thần tri khôn ngoan và sáng suốt, để con biết sống khiêm nhu, xa lánh trước những cám dỗ của thế tục, để con đủ sức chiến đấu với tội lỗi, để con can đảm đi truyền bá Tin Mừng và đem bình an, ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với mọi người. Amen.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

Hàng năm chúng tôi, những nhân viên y tế có bằng huấn luyện về cách cứu người trong trường hợp họ bị ngừng thở vì các bệnh liên quan đến tim mạch và đường hô hấp, chúng tôi đều phải thi lại tay nghề cứu người. Người ra đề thi là người đàn em khóa sau tôi nhiều năm. Cô ta nói: “Đáng lẽ ra, cô ta phải là người được tôi xét hạch tay nghề thì mới phải”, vì kinh nghiệm của tôi lâu năm hơn. Tôi chợt nghĩ đến câu trả lời khôn ngoan và đầy khiên nhường của Chúa Giêsu. Tôi mỉm cười, nói với cô ta: “Cô cứ ra đề thi và để tôi cũng như cô, cả hai chúng ta làm tròn bổn phận của người nhân viên bệnh viện.

Ngắm thứ hai: Đức Chúa Giêsu tỏ mình ra tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng Đức Chúa Trời.

Phúc Âm theo thánh Gioan: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana, xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Va vì thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc rằng: “Hễ Người bảo gì thì hãy làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái, mỗi chum đựng được hai hay ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ đầy nước vào các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc” và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, ông không biết từ đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông ta mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu  ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông đã giữ rượu ngon cho tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người đã tin Người” (Gioan 2:1-11).

Suy niệm

Và vì tiệc cưới hết rượu, mẹ Người đến nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Tại sao lại là mẹ người mà không phải người quản tiệc? Phải chăng mẹ Maria vì lòng thương xót cho Tân Lang, vì danh dự của Tân Lang trong tiệc cưới, và vì mẹ Maria đã tin tưởng tuyệt đối vào lời Thiên Thần truyền tin là Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đấng quyên phép vô cùng, Người có thể làm phép lạ để cứu giúp nhân loại cho nên mẹ đã nói với các người giúp việc: Hễ Người bảo gì thì hãy làm theo”.

Mặc dù giờ chưa đến nhưng Chúa Giêsu đã vâng lời mẹ Maria để thực hiện phép lạ để biến nước thành rượu như lời mẹ Maria yêu cầu.

Những người giúp việc đã không hỏi Chúa Giêsu tại sao phải gánh nước đổ vào chum đá. Họ đã vâng lời làm theo lời Người, rồi sau đó họ vâng lời múc đem cho người quản tiệc nếm thử. Điều này giúp chúng ta hiểu được rằng phép lạ của Chúa Giêsu, đòi hỏi người đến xin phải có lòng tin và vâng phục làm theo lời Người phán dạy.

Cầu nguyện

“Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng Đức Chúa Trời”.

Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con lòng tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa và vâng phục theo thánh ý của Người, mặc dù có nhiều sự việc mà trí thông minh, hiểu biết của chúng con không thể nào giải thích được. Vì phúc cho chúng con là kẻ đã tin rằng lời Chúa nói cùng chúng con sẽ được thực hiện. Amen.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

Nghĩ đến việc Đức Mẹ xin Chúa Giêsu làm phép lạ hóa rượu cho tiệc cưới ở Cana. Cầu mong các bà mẹ biết bắt chước Đức Mẹ, để ý đến tủ rượu của chồng mình, khi thấy nó gần hết thì dục con cái đi mua thêm về cho chồng của mình thì hay biết mấy. Hoặc khi con cái có dịp đi chơi ở nước ngoài, các bà  nhớ dặn con khi trở về Úc, mua cho bố vài chai rượu ngon với giá ‘duty- free’, để gọi là nhớ ơn bố thì sung sướng cho các ông bố thích nhậu biết chừng nào.

Ngắm thứ ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và ơn thống hối. Ta hãy xin cho được ơn cải sửa tâm hồn.

Phúc Âm theo thánh Marcô. Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu đến xứ Galilêa rao giảng Tin Mừng về nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời gian đã đầy đủ, và nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc. 1: 14-15). Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng hiến chương Nước trời bằng Tám mối phúc thật như thánh Mátthêu đã ghi chép: “ Khi ấy Chúa Giêsu thấy đòan lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước trời là của họ. Phúc cho các con, khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trong đại ở trên trời. Người ta cũng từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy” (Mt. 5: 1-12).

Suy niệm

Trong hoàn cảnh sống của dân Do Thái ngày ấy, thật là hỗn loạn. kẻ nghèo thì nghèo quá, kẻ giàu thì quá giàu. Binh lính thì dùng quyền lực hà hiếp dân chúng, Người thu thuế lợi dụng chức quyền để thu thuế cao hơn mức ấn định, người già vô gia cư nằm ngủ ngoài đường, ngủ ở chợ, đi ăn xin cả ngày mà ít ai cho. Hội đường, đền thánh biến thành chợ búa nơi buôn bán đổi tiền. Kẻ giàu có, chức tước được trọng dụng, người nghèo hèn, thất nghiệp bị khinh rẻ. Đúng là cảnh kẻ ăn không hết, người lần không ra của cuộc sống dân Do Thái thời bấy giờ. Trước những cảnh bất công ấy, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Người biết đâu mới chính là phúc thật, đâu mới chính là cùng đích của đời người qua Tám mối phúc thật. Và phần thưởng cho những ai có được những phúc thật ấy là phần thưởng trọng đại, lớn lao ở trên trời.

Cầu nguyện

“Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận tin mừng”.

Lạy Chúa! Xin cho chúng có đủ can đảm và nghị lực để hoán cải đời sống của chúng con , để chúng con biết yêu thương và đem công bình và bác ái đến cho mọi người và thực hiện Lời Chúa từng giây, từng phút suốt đời chúng con. Amen.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

Tám mối phúc thật của Chúa đã giúp chúng con biết được bổn phận của người tín hữu là chúng con cần phải sống và thực hành tinh thần khó nghèo, lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa, tính tình hiền lành, biết dâng những đau buồn, những sự bắt hại vì lẽ công chính, để chúng con xứng đáng được gọi là con của Thiên Chúa, để được no thỏa chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và để được Nước Trời là cơ nghiệp. Chúng con quyết tâm thay đổi cách sống để thực hiện Lời Chúa đã truyền ban.

 

Ngắm thứ bốn: Đức chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Phúc Âm theo thánh Matthêu. “Sáu ngày sau, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt  các ông, mặt Người sáng  láng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môisen và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bây giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, may qúa có chúng con ở đây! Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho thầy, một cho Môisen, và một cho Elia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các ngài, và có tiếng từ trong đám mây  phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mt. 17: 1-19).

Suy niệm

Đang lúc Chúa Giêsu cầu nguyện thì diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng như tuyết. Sự biến dạng này đã xảy ra nói lên sự hiệp thông, hiệp nhất của Chúa Giêsu với Chúa Cha trên trời trong lời cầu nguyện. Sự biến dạng về diện mạo trở nên uy nghi, sáng láng đã phát tỏa ra sự uy quyền của Đấng Tối cao. Vua trên hết các vua. Tiếng phán từ trong đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Tiếng phán lần này giống như lần Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan. Tiếng phán đã làm ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan sợ hãi hết sức đến nỗi ngã sấp mình xuống đất.

Cầu nguyện

“Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.

Lạy Chúa Giêsu. Người đã biến hình trong lúc cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng được biến đổi diện mạo, tâm tính khi chúng con biết nâng hồn nên cầu nguyện cùng Chúa. Xin cho chúng con được nghe thấy tiếng Chúa trong lúc chúng con cầu nguyện với Người, để chúng con biết và thực hành theo ý của Chúa hơn là làm theo ý của chúng con. Amen.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

Qua cuộc sống đầy gian khổ này, chúng ta đã biến đổi khuôn mặt nhiều lần mà không ai để ý, vì chúng ta chỉ để ý đến khuôn mặt của người khác. Có khi nó biến thành khuôn mặt đầy hung ác, dữ tợn trong những khi giận dữ, hay bị ma qủy chiếm ngự tâm hồn của chúng ta. Cũng có lúc lúc nó trở nên yếu hèn của kẻ van xin, lạy lục người khác. Cũng có lúc khuôn mặt trở nên chán chường khi gặp thất bại chua cay trên đường làm ăn, hay tình ái. Cũng có những lúc nó làm cho anh em, bạn bè xa lánh ví nó trông thật dễ ghét, đểu giả và bần tiện. Lạy Chúa! Có lẽ chúng con đã quên đi sức mạnh của lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Chúng con quyết tâm từ nay sẽ tìm đến Chúa Giêsu nơi nhà tạm, qua phép Bí Tích Thánh Thể, để Người cất gánh nặng hồn xác của chúng con khỏi những lo âu vất vả, và để thân xác, tâm hồn của chúng con được biến dạng cùng Chúa trong sự thảnh thơi, an bình.

Ngắm thứ năm: Đức Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được siêng năng rước lễ.

Phúc Âm theo thánh Luca: “Đoạn Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Giao ước mới trong máu Ta, phải đổ ra vì các con” (Luca 22: 19-20).

Suy niệm

Thật là một điều vượt hẳn con mắt khoa học của loài người, vượt hẳn mọi triết lý của nhân loại như thánh Gioan đã viết. Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha thì kẻ ăn Ta, chính kẻ ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn bánh Manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (Gioan 6: 54-59). Đoạn Phúc âm trên đã giải thích cho chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã ví mình là bánh có sự sống đời đời, và ngày nay qua tấm bánh trong nhà tạm mà Chúa Giêsu đã hiện diện để làm của nuôi linh hồn cho mọi tín hữu, để họ như cành nho dính liền với thân cây nho, sinh nhiều hoa trái và để họ có được sự sống đời đời.

Cầu nguyện

“Ta hãy xin cho được siêng năng rước lễ”.

Lạy Chúa! Qua mầu nhiệm của Bí Tích Thánh Thể. Xin cho chúng con hiểu biết được tình yêu và sự hy sinh vô biên của Chúa, để chúng con siêng năng rước lễ, đón Chúa vào ngự nhà linh hồn của chúng con, để chúng con trở nên làm một chi thể của Chúa Giêsu. Lạy Chúa! Ước gì chúng con sống nhưng không là con sống, nhưng là chính Chúa sống trong chúng con và  chúng con có được sự sống đời đời trong Chúa. Amen.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

Đời sống tâm linh của người tín hữu cũng cần có những bữa ăn cho linh hồn, để đức tin chúng ta được lớn mạnh. Thức ăn đó là lời của Chúa và là thịt cùng máu của chính Con Thiên Chúa. Nêu chúng ta không đọc, tìm hiểu, và lắng nghe Lời Chúa thì chúng ta sẽ không hiểu biết rõ về Người. Vô chi bất mộ mến, làm sao chúng ta có thể hiệp thông vớ Người. Nếu chúng ta không ăn và uống máu của Người thì làm sao chúng ta có thê biến thành chi thể của Người và thông phần vào sự sống đời đời của Người. Lạy Chúa ! chúng con quyết tâm đọc và lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày của chúng con.

Xin cầu chúc mọi người biết dùng năm Sự Sáng như món ăn thiêng liêng ưng ý nhất, để thông hiểu về cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho nhân loại, để hiểu biết về tinh yêu của Thiên Chúa, Người đã ban cho chúng ta Con Một của Người, là Ngôi Hai Thiên Chúa như áng sáng bởi trời xuống thế gian, để chiếu sáng đời sống tâm linh của chúng ta. Ánh sáng Chúa Kitô làm tan đi bóng tối của tội lỗi và quyền lực của ma quỷ đang rình mò xâm chiếm tâm hồn của chúng ta. Cầu mong ánh sáng Chúa Kitô đem lại niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người và nhờ ơn của Chúa thánh Thần cùng lời cầu bầu của Đức Mẹ, chúng ta chắc chắn sẽ được Nước Trời làm cơ nghiệp và xứng đáng được gọi là con cái của Sự sáng. Amen.

Thụy Miên.




Leave a Reply.