Có con đi học xa, kẻ làm cha mẹ, ai lại chẳng mong có ngày đi thăm con. Chúng tôi đã gặp những người khách từ phương trời xa lạ đến Hobart, để thăm con của họ đang học tại đây. Chúng tôi cũng thế, mặc dù mua nhà ở Hobart, nhưng nay đứa con gái út lại đi về thành phố Launceston, thành phố lớn thứ hai của tiểu bang Tasmania để thực tập hai năm cuối. Vợ chồng tôi suy nghĩ mãi rồi chúng tôi quyết định đi thăm  đứa con gái vào ngày thứ năm 21/3/12. Chỉ mới hơn 2 tháng, thế mà vợ chồng tôi tưởng như cả năm dài cách xa.
 Từ Hobart đến Launceston chỉ cách nhau khoảng 198 cây số, nhưng tôi bị đau thần kinh tọa, và sức khỏe, cũng như ý chí của tôi đã lụt dần, nên tôi ít khi dám mơ ước lái xe đi thăm con. Bệnh viện Launceston General Hospital này có khoảng 300 giường, nó nằm về phía Nam của trung tâm thành phố. Mỗi năm bệnh viện Launceston nhận nhập viện hơn 24 ngàn bệnh nhân. Khám bệnh và điều trị cho hơn 225 ngàn bệnh nhân. Sở dĩ con gái út của chúng tôi, đã chọn bệnh viện này làm nơi học và thực tập, vì nó nghe các thầy cô nói rằng, nơi đây có nhiều bác sĩ tận tâm, yêu nghề, và nhất là có thì giờ để hướng dẫn cho các sinh viên. Cho nên dù phải đi xa nhà, cháu cũng muốn xin đi để hy vọng học được nhiều, và mở mang kiến thức hơn là thực tập ở bệnh viện Royal Hobart.

Xa cha mẹ nên cháu đành phải tự túc mọi thứ, từ nấu ăn, giặt quần áo, học hành, ngủ nghỉ. Nhà tôi thấy tội nghiệp con quá, nên cứ giục tôi đi thăm con một chuyến cho đỡ nhớ. Nhân tiện ngày mai cháu thi lấy bằng lái xe, cần cái xe của tôi vì khi cháu tập lái đã quen chiếc xe này, và nhân tiện nhà tôi mang cho nó ít thức ăn Việt Nam như: Trái bầu, trái bí, rau tía tô, rau húng quế, mắm thịt, giò thủ, nước phở, bún, bánh phở. Một phần là do nhà trồng được mà có, một phần là vì sợ con đi học, và đi thực tập cả ngày, nên nó không có giờ nấu ăn. Cứ nghĩ những lúc còn bé nó thích ăn mì gói lắm, nên nhà tôi càng lo lắng nhiều, sợ nó quên đồ ăn Việt Nam. Tôi sửa soạn một số đĩa nhạc của cha Tiến Linh để nghe trong lúc lái xe vui tai, và cho đỡ mỏi mệt. Chúng tôi rời nhà ở Hobart vào lúc 4 giờ chiều, vì đường đi chỉ mất độ hơn 2 tiếng lái xe, và cũng vì cháu cho biết sẽ từ bệnh viện trở về nhà trọ vào lúc 6 giờ rưỡi chiều.

Từ Hobart chúng tôi theo xa lộ Brooke Highway, rồi chuyển sang Midland Highway đi lên phía Bắc của Tasmania. Con đường nối liền hai thành phố Hobart và Launceston, rộng và rất tốt. Có lẽ vì ít xe chạy và đượ chăm sóc tốt, nên đường không có ổ gà. Xe chạy với sự giới hạn tốc độ là 110 cây số/ giờ. Thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy một vài chiếc xe đi ngược chiều. Trên tuyến đường này, chúng tôi gặp cả xe buýt chở hành khách từ phía Launceston xuống Hobart nữa. Chúng tôi lái xe khoảng 90 - 100 cây số/giờ, để có thể ngắm được quang cảnh chung quanh. Đồi núi, và đồng cỏ bạt ngàn, thỉnh thoảng tôi phải cho xe chạy chậm lại  60 cây số/giờ, vì đi qua một thị trấn nhỏ nằm dọc theo hai bên vệ đường. Tôi thầm nghĩ, với con đường tráng nhựa nhẵn thín như thế này, thì xe chạy biết đến bao giờ mới mòn bánh xe nhỉ. Chẳng giống như tuyến đường từ Nha Trang đi Đà Lạt, đường đèo mà đầy ổ gà, cứ nghĩ đến mà khen cho các ông tài xế nước Việt Nam.

Di chuyển công cộng tại thành phố Lauceston là xe buýt của chính phủ: Metro Tasmania. Nó bao gồm các tuyến đường trong thành phố, các tuyến đường đi về các vùng thôn quê. Tổng số các tuyến đường được xe buýt chuyên chở hành khách dài đến 721 cây số. Đường trong thành phố phần nhiều là đường một chiều giống như ở dưới thành phố Hobart. Thành phố này là trung tâm của 5 xa lộ chính như: The Midland Highway là xa lộ đi về Hobart. The Bass Highway là xa lộ đi về Devenport, và Burnie. The Tasman Highway là một xa lộ dẫn về Hobart qua ngõ thị trấn Scottdale ở phía bờ biền phía Đông. Ngoài ra còn có hai xa lộ nữa, đó là West Tamar Highway và East Tasmar Highway. Launceston có một phi trường nằm cách thành phố 15 cây số, về phía Đông Nam của thành phố. Phi trường này phục vụ chuyên chở hơn một triệu hành khách mỗi năm đi tới Melbourne, Sydney, và Brisbrane. Các hãng máy bay như: Quantas, Jestar, Virgin Australia, Sharp Airlines.

Lauceston còn có hệ thống đường rầy xe lửa chở hàng hóa nối liền với Hobart và Burnie. Trước đây thành phố có cả Xe lửa chở hành khách đi các thành phố như Deloraine, Devenport, Burnie, và đi Hobart qua ngã Evandale từ năm 1876 cho đến năm 1978. Nhưng từ tháng 7 năm 1978 đã bị ngưng hoạt động. Ngoài ra thành phố này còn có đường xe Tram, cho 29 xe Tram hoạt động từ năm  1911 và hệ thống này đã bị hủy bỏ vào năm 1952.

Nói về nước uống của Launceston. Nước được cung cấp từ Launceston Water Catchment, mà nguồn cung cấp chính là dòng sông St Patricks,  một phụ lưu của sông North Esk River, nó chảy xuyên qua Lauceston. Nước uống cung cấp cho dân chúng uống rất ngon ngọt, không khác gì ở Hobart hay ở Melbourne.

Chúng tôi đến được nhà trọ của cháu, thì mặt trời đang lặn.Sáu giờ rưỡi chiều rồi còn gì nữa để đi ngắm thành phố. Hơn nữa cái lưng của tôi đình công, và chỉ muốn tìm chỗ nằm. Con gái tôi muốn trổ tài nấu bếp nên nó đã dọn sẵn 3 tô phở do chính tay nó nấu nước lèo, và những miếng thịt bò thái thật mỏng. Đúng là bàn tay con gái có khác. Tôi ngạc nhiên vì chỉ mới hơn 2 tháng mà con bé đâm ra giỏi giang hẳn ra. Có lẽ một phần tự học nấu ăn qua máy vi tính, qua bạn bè, và một phần được nhà tôi hướng dẫn nên các món ăn tự chế, có thêm mùi vị đậm đà. Căn nhà trọ gồm 5 phòng ngủ, 2 phòng ở dưới và 3 phòng trên lầu. Cháu và 4 người bạn cùng lớp, năm thứ tư y khoa chung nhau mướn, căn nhà cách bệnh viện Launceston General Hospital, khoảng 10 phút đi bộ dọc theo con đường Wellington Street. Căn nhà được sơn sửa mới, và rất ấm cúng. Thời tiết ở Launceston hơi khác với Hobart. Ban đêm thì xuống độ và lạnh hơn Hobart khoảng 2 độ, và ban ngày thì ấm hơn Hobart khoảng  1 đến 2 độ. Nhiệt độ trung bình vào khoảng 23 độ C vào tháng giêng và 11.5 độ C vào tháng 6. Căn phòng ngủ của cháu thuộc loại lớn nên ba người chúng tôi ở rất thoải mái, cứ nghĩ đến cái nhà đầu tiên của chúng tôi ngày xưa, khi còn ở Việt Nam, cả nhà ngủ chung trong một chiếc giường, thì phòng ngủ này to hơn nhiều. Có lẽ vì đường xa, lái xe mệt nên chúng tôi ngủ rất ngon. Khi tôi nghe tiếng động giật mình thức giấc. Mở cửa phòng ra thì các trẻ vẫn còn đang học bài, đứa thì ở ngoài phòng khách, đứa thì học ở ngoài bàn của nhà bếp. Nhìn các trẻ chăm chú, yên lặng học, mà tôi phải thán phục. Trời đã hơn 2 giờ khuya rồi, thế mà bọn trẻ vẫn vui vẻ ngồi học, viết lách qua bàn phiếm của máy vi tính. Có đứa phải nộp bài trong tuần tới, con gái tôi vì ngày mai xin nghỉ buổi sáng để thi lái xe nên đêm nay phải học và soạn bài thay cho ngày mai. Có thể nói được rằng, các sinh viên ở trong nhà này thay phiên nhau học 24 trên 24 giờ một ngày, đứa đi ngủ sớm thì thức dạy sớm, và đứa học trễ thì dạy trễ. Tôi đoán đây cũng là một trong những lý do, mà con gái của chúng tôi thích đi xa, để tự do học, mà nó không còn bị chúng tôi bắt nó ngưng học, để đi ngủ nữa. Chính vì thế, mà cách sắp xếp giờ giấc của nó rất ư là đúng giờ một cách khít khao, giống hệt như người Úc vậy.

Cám ơn Chúa, sáng hôm sau con gái tôi thi đậu được lái xe bằng P. Trong lúc chờ đợi đến lượt nó thi lái, vợ tôi đi dạo quanh trước con đường ở trường thi. Con gái tôi thì thầm nói với tôi: “Ba gọi mẹ vào ngồi ở trong nhà đi, không nên đi bộ một mình như thế. Dân ở đây không giống như ở Hobart đâu. Họ kỳ lắm, hôm nọ bạn con đi bộ một mình bị ném trứng vào người. Dân ở đây nổi tiếng là nhiều người thất nghiệp, trộm cắp, hút sách, và có con ở lứa tuổi dưới vị thành niên nhiều nhất nước Úc. Cho nên đi đâu tụi con cũng phải đi với vài đứa bạn, hoặc là phải lái xe, chứ không dám đi bộ một mình như mẹ đâu”. À, thì ra thế. Từ khi nó rời khỏi vòng tay chăm sóc của mẹ cha, nó đã khôn hẳn ra. Trước đây, chúng tôi có dặn con là đừng đi khuya một mình, thì nó cười cho là chúng tôi qúa lo xa, ở cái nước đầy đủ luật pháp và văn minh thế này cơ mà, ba mẹ cần gì phải lo, và bây giờ thấy rồi nó mới tin.

Sau khi cháu đã đến lượt thi lái xe. Vì thời gian thi lái là 45 phút, nên chúng tôi đi bộ dạo quanh các đường phố dẫn đến bệnh viện Launceston. Nhà ở của dân chúng vùng South Launceston này đa số là nhà cây, thỉnh thoảng mới có một căn nhà gạch. Đường đi thì dốc đồi, vườn tược ít có bông hoa như ở Hobart. Nó tạo ra vẻ thuần túy thiên nhiên cổ xưa. Các bảng bán nhà nhiều hơn, cứ một con đường thì có vài căn treo bảng bán nhà. Tôi lần mò đến chỗ agent bán nhà để lấy một tờ quảng cáo, xem giá cả như thế nào. Thì ra giá nhà ở đây rẻ hơn Hobart nhiều, có thể là kém hơn hẳn 100 ngàn một căn, tính theo độ gần trung tâm như ở Hobart.

Thành phố Launceston được thành lập từ năm 1806, sau khi cảng Port Dalrymple (nay gọi là thị trấn George Town) bị sụp ở cửa miệng sông Tamar. Thành phố này là nơi căn cứ của quân sự trú đóng về phía bắc của đảo, nó cũng là trung tâm thương mại buôn bán lúa mì, và là nơi có nhiều nông trại nuôi cừu lấy lông bán. Nó nằm ở chỗ tiếp giáp giữa miền Bắc và miền Nam của con sông Esk. Cũng từ thành phố này con sông Tamar nối dài 58 cây số về phía Bắc đến vùng biển Bass Strait. Với dân số khoảng 68 ngàn dân, Launceston được xếp vào hàng thành phố lớn thứ nhì của tiểu bang Tasmania.

Các vùng phụ cận của Launceston bao gồm:

-         East Launceston/Elphinwood, cách trung tâm 1.7 cây số, dân số 2250 người.

-         Invermay với dân số 3000 dân,cách trung tâm 3.1 cây số , nó trở thành trung tâm văn hóa của Launceston: the University of Tasmania, bảo tàng viện, nhà trưng bày hội họa. Công viên Park, và có sân AFL football.

-         Kings Meadows độ 3750 dân, cách trung tâm 4.1 cây số về phía Nam. Chỉ mất độ 5 phút bằng xe buýt là tới trung tâm thành phố. Vùng này là nơi trộn lẫn nhà cũ, nhà mới ở vùng đất cao so với thành phố.

-         Mayfield với dân số độ 1450 dân, cách trung tâm Launceston 6.5cây số, về phía Bắc. Những học sinh học về hàng hải thường thuê nhà ở đây vì gần trường Australian Maritime College, và vì giá nhà rẻ.

-         Mowbay cách trung tâm Launceston về phía bắc, độ 7.8 cây số, với dân số độ 3250 người. Vùng này cũng rất gần với trung tâm shopping lón, và trường đại học UTAS. Giá nhà cũng không đến nỗi mắc đối với những người mới mua nhà lần đầu.

-         Newham nằm cách trung tâm Launceston độ 5.7 cây số, di chuyển theo xa lộ East Tamar Highway. Với dân số 5400 người sống chen lẫn giữa những căn nhà kiến trúc kiểu mới và những căn nhà cũ nhà gạch đúc thủa xưa.

-         Newstead. Vùng này cách trung tâm city độ 2.4 cây số, với dân số 4370 người. nhà cửa ở đây bán chạy nhất, vì gần trung tâm và có đủ mọi dịch vụ như hồ bơi, các cửa tiệm, dich vụ y tế, và các trường học công hay tư thục.

-         Norwood. Cách trung tâm độ 5.4 cây số về phía Nam của Launceston, có , là nơi rất thích hợp cho các gia đình hay các người già về hưu, hay các công chức.

-         Prospect/ Prospect Vale. Vùng này cách trung tâm độ 5 cây số, với dân số là 5800 người. Đây là một nơi phát triển nhanh nhất của Launceston.

-         Ravenswood. Vùng này cách trung tâm city Lauceston độ 4.7 cây số, với dân số 4100 người. Các nhà được xây dựng bởi chính phủ và nay co khuynh hướng bán lại cho dân với giá phải chăng, chính vì thế mà vùng này càng ngày càng phát triển.

-         Riverside. Vùng này cách Launceston khoảng 5.3 cây số, với dân số là 5450 người. Nó được xây cất trên một ngọn đồi của phía Tây giòng sông Tamar. Chỉ tốn độ 5 phút lái xe theo xa lộ West Tamar Highway là bạn có thể đến được trung tâm city của Lauceston.

-         Rocherlea. Vùng này cách city khoảng 8 cây số. Dân số 1150 người. Nó nằm ở phía Bắc của vùng Newham, và trên đường đi đến Lilydale. Nơi đây có nhiều nhà gạch và chỉ tốn độ 10 phút lái xe là bạn có thể đến được trung tâm của city Launceston.

-         Sandhill. Nằm cách trung tâm độ 3.6 cây số về phía Nam. Nó nằm ở giữa vùng Nam Lauceston, Kings Meadows và vùng Summerhill.

-         South Lauceston cách trung tâm độ 0.8 cây số, với dân số khoảng 3750 người. Rất tiện cho người ta đi bộ đến trung tâm của city mua bán và làm việc.

-         Summerhill. Vùng này cách trung tâm độ 4.5 cây số, với dân số là 2900 người. Ơ nơi đây có nhiều nhà mớ và tân thời. Bạn chỉ tốn độ 10 phút lái xe là có thể đến được trung tâm thành phố.

-         St Leonards. Nằm cách trung tâm độ 7.8 cây số, với dân số là 1600 người. Nó thuộc phía Đông của vùng Newstead. Nơi đây thường dược gọi là vùng trộn lẫn giữa các khu dân cư và nông trại.

-         Trevallyn. Cách trung tâm city đô 2.2 cây số, với dân số khoảng 4350 người. Nơi đây có thể ngắm nhìn quang cảnh của thành phố và giòng sông tuyệt đẹp.

-         Waverley. Vùng này cách city khoảng 6.8 cây số, Dân số độ 1570. Waverley là khu vực nằm phía Đông và cách 10 phút lái xe đến trung tâm của thành phố Launceston.Ở đây hầu hết các ngôi nhà được xây cất bằng gạch. Waverley có đầy đủ mọi dich vụ tiện nghi cho dân cư.

-         West Launceston. Nằm cách trung tâm độ 1.8 cây số, với khoảng 3990 dân. Người ta có thể thấy được một quang cảnh tuyệt đẹp của trung tâm thành phố Launceston tại Cataract Gorge. Nếu bạn đi bộ từ trung tâm city thì chỉ mất độ 15 phút là có thể đến được chiếc cầu mang tên Kings Bridge, nơi mà dòng sông South Esk River nối liền với sông Tamar River  và nó là điểm bắt đầu của Cataract Gorge. Hai bên bờ của Cataract Gorge là rừng cây chồi thiên nhiên xanh mướt.Nếu bạn muốn đi xa hơn nữa, bạn sẽ đến được trạm phát điện cho Launceston từ hơn 100 năm trước, có tên gọi là Duck Reach Power Station.

-         Young town. Cách thành phố 5.8, với dân số độ khoảng 2950 dân, lái xe chỉ tốn mất từ 5 đến 10 phút. Vùng này là nơi đang phát triển mạnh về dân số, nó gần với Kings Meadows là nơi có đầu đủ các phương tiện dịch vụ, shopping và trường học.

Chúng tôi đã ấn định thời gian là sáng ngày hôm sau thứ bảy sẽ trở về Hobart, vì tôi có cái hẹn với một gia đình vào lúc 12 giờ trưa, nên chưa kịp đi khám phá các quang cảnh đẹp của Launceston như: đi thăm bảo tang: The Queen Victoria Museum at Inversk, hay đi thử rượu vang ở Tamar Valley, và đi tàu trên dòng sông Tamar River. Còn rất nhiều nơi khác đáng đến viếng thăm như: các ngôi làng lịch sử của vùng Evandale và vùng Longford. Hoặc đi thăm công viên Ben Lomond National Park cách Launceston 55 cây số lái xe. Đành hẹn lần sau, chúng tôi sẽ dành nhiều thì giờ để đi chơi hơn.

Sau bữa ăn trưa tại Hungry Jack’s. Chúng tôi lái xe chạy chung quanh đường xá ở trung tâm thành phố Launceston, rồi trở về nhà trọ để nghỉ trưa. Đến khoảng 5 giờ 30 phút chiều.  Gia đình chúng tôi lái xe đến trường UTAS. Để dự ngày lễ hội đa văn hóa “Harmony Day’, do các sinh viên thuộc các sắc tộc tổ chức văn nghệ, và bán các món thức ăn của dân tộc của mình. Ấy thế mà tìm hoài không ra gian hàng của các sinh viên Việt Nam. Có lẽ vì bán ế ẩm qúa, hay ít người quá nên không thấy tổ chức. Chúng tôi đành ở lại xem văn nghệ tới 10 giờ tối mới trở về nhà trọ của con gái. Cháu gái lăng xăng công việc nấu ăn cho chúng tôi, như để khoe tài tự lập. Tôi thầm nghĩ rằng, chuyến đi thăm này là để con nuôi mình chứ không phải là mình nuôi con. Sỡ dĩ tôi không muốn ở lại lâu hơn, vì thấy con gái của mình mất nhiều thì giờ cho việc nấu ăn, trò chuyện với chúng tôi. Trong khi đó các bạn của nó thì đang cắm đầu vào học liên tục cả ngày lẫn đêm. Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm, để đi bộ dạo quanh vài con đường của vùng South Lauceston. Trời hôm nay sương mù, và xuống độ rất lạnh, khoảng 4 độ Census. Chúng tôi đi được hơn nửa tiếng thì đành phải quay về nhà, chấp nhận rằng thời tiết ở Launceston lạnh hơn Hobart về buổi sáng.

Sau hơn 2 tiếng lái xe, vợ chồng chúng tôi đã có mặt tại nhà bình an, để kịp giữ đúng hẹn 12 giờ trưa với một gia đình trẻ mà chúng tôi đã hứa với họ từ tuần trước. Trong tâm hồn của tôi vẫn còn dư âm của những lời thánh ca đã nghe được trong lúc lái xe. Tạ ơn Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đến muôn ngàn đời.  

Thày Giáo trường Dòng.




Leave a Reply.