Lúc 1200 giờ trưa

Ngắm thứ nhất: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu.

Trích Phúc Âm theo thánh Luca

“Đoạn Người ra đi lên núi Cây Dầu như thường lệ.  Các môn đệ cùng đi theo Người. Khi đến nơi, Người bảo các ông: “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”. Rồi Người đi xa các ông bằng quãng ném một hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha”. Bây giờ có thiên thần từ trời hiện ra an ủi Người. Và lâm cơn hấp hối, Người cầu nguyện thiết tha hơn, mồ hôi Người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Người đứng dậy, trở lại cho các môn đệ, và thấy các ông còn đang ngủ vì buồn sầu. Người liền bảo: “Các con ngủ ư?  Hãy chỗi dậy và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Luca 22: 39-46).
Suy niệm 

Chúng ta thấy Chúa Giêsu hai lần nhắc bảo các môn đệ hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Điều này nhắc nhở chúng ta hãy cầu nguyện cùng với Đức Chúa Cha, hãy cầu nguyện cùng với Đức Chúa Giêsu, hãy cầu nguyện cùng với Đức Chúa Thánh Thần, hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ, và hãy cầu nguyện cùng các thánh trên trời, để chúng ta được tránh khỏi những cám dỗ của thân xác ươn hèn, lười biếng và yếu đuối,  của sự quyến rũ tiền tài, danh vọng của sự tức giận, ganh tị quyền lực, và kiêu ngạo cùa kẻ có quyền.

Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa, và chúng ta sẽ được thiên thần từ trời hiện ra an ủi trong những lúc chúng ta lo sợ, đau khổ, buồn tủi và cô đơn.

Chúng ta hãy cầu nguyện để biết trò chuyện, tâm sự cùng Thiên Chúa là đấng thấu hiểu biết mọi sự cần thiết của chúng ta và nhất là để được nghe tiếng Thiên Chúa dậy bảo chúng ta trong những khi chúng ta cảm thấy như tuyệt vọng, vì loài người không thể giúp ích gì cho chúng ta được. 

Vâng việc cầu nguyện cần thiết để biết được ý Thiên Chúa muốn chúng ta phải làm gì, thế nào, và bằng cách nào để được đẹp lòng Chúa và theo ý của Chúa.

Sự cầu nguyện trong khi đau buồn, thất vọng của chúng ta, chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Vì sự cầu nguyện đã nói lên lòng tin tưởng tuyệt đối của chúng ta vào Thiên Chúa là đấng có quyền trên hết mọi sự, Đấng có quyền trên cả kẻ sống lẫn người chết.

Đúng vậy, vì tại sao chúng ta đã không chạy đến cầu xin cùng người này, kẻ nọ hay cậy nhờ vào quyền lực của thế gian, ma quỷ? Hẳn vì chúng ta đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, đấng đầy quyền năng, Đấng có thể thấu suốt mọi sự, dù ẩn kín bên trong tâm tư của chúng ta, và là Đấng có sự sống đời đời.

Nhưng để lời cầu nguyện của chúng được Chúa nhận lởi. Chúng ta cần phải có sự thật lòng ăn năn, thống hối về các lỗi lầm đã phạm làm mất lòng Chúa. Chúng ta cũng cần có sự quyết tâm sửa chữa và can đảm. Chúng ta cũng cần chấp mọi sự để vâng theo ý Chúa, và để ý Chúa được thực hiện ở nơi trần gian này.

Theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu đem ba tông dồ là Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo Người đến chỗ cầu nguyện.  Người đã bảo cho các ông biết rằng: “Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được, các con hãy ở lại đây và thức với Thầy” (Mt. 26: 38).

Người đã ví sự khổ nạn của Người như sự phải uống chén đắng, và chắc chắn phải là rất đắng, rất đau đớn khi phải uống nó. Đến nơi, Người bảo các ông rằng: “Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết được và chỉ nghĩ đến “sự phải uống” để ý Cha trên trời được thực hiện và để cứu rỗi linh hồn của chúng ta, thì mồ hôi của Người đã chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất. Mồ hôi chảy ra như những giọt máu. Thông thường thì mồ hôi màu trong như nước mắt, thế mà lúc đó, bởi sự buồn sầu, đau khổ mà mồ hôi của Chúa Giêsu đã đỏ như máu. Theo một số nhà khoa học chứng minh được rằng có một số người tử tù, trước khi bị đem ra xử tử hình, họ lo sợ đến nỗi mạch máu nhỏ ở dưới da đã bị bể ra và lẫn với mồ hôi toát ra ngoài nên có màu đỏ của máu.

Chắc chắn tội lỗi của thế gian phải nhiều và khủng khiếp đến nỗi chính Con một của Chúa Cha phải lấy cái chết của chính mình ra để cứu chuộc cho nhân loại. Cái chết được diễn ra trong một bi kịck, chính những kẻ thờ phượng Thiên Chúa lại đem Con một của người đi đóng đinh như quân trộm cướp trên cây thập giá và treo cho đến chết.

Trong lúc lo buồn nhất của đời mình

Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho mình như sau: “Giờ đây, lạy Cha xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha, với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian” (Gioan 17: 5).

Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho các môn đệ.  “Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha. Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha ban cho Con, để chúng được nên một như chúng ta” (Gioan 17: 11).

Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho mọi tín hữu nên một.  “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Gioan 17: 20- 21).

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

 

Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên. 

Lạy Chúa!  Đã nhiều lần con lầm lỗi, phạm tội với Chúa, với anh em của con. Nhưng con đã không biết ăn năn thống hối, để quyết tâm hoán cải. Con đã chẳng lo buồn như Chúa Giêsu đến nỗi mồ hôi chảy ra như những giọt máu chảy xuống đất. Vì con đã không thể tưởng tượng nổi những tội con đã phạm, lại làm anh em con phải chịu đau đớn, thiệt thòi lớn lao đến thế. Họ có khi bị mất nhà, mất của, mất danh tiếng và có khi bị mất tính mạng nữa. Chính những điều mà chúng con tưởng như không có gì thì đã làm cho biết bao nhiêu người khổ sở và làm cho Chúa lại phải xuống thế để chịu nạn, chịu chết để cứu chuộc chúng con. Xin Chúa cho chúng con đuợc lòng biết ăn năn, thống hối và quyết tâm chừa cải và đền tội cho xứng với ơn cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa! Trên trần gian ngày nay còn biết bao người đang sống trong tội lỗi. Có thể vì hoàn cảnh đẩy đưa; vì ham danh vọng, tiền tài; vì bản tính lợi ích cá nhân mà họ đã mù quáng đi theo con đường của thù hận, ghen ghét, chém giết tha nhân để mưu cầu lợi ích cho riêng họ, cho quốc gia của họ.

Xin Chúa mở rộng lòng thương xót và tha thứ cho họ là những kẻ đang sống trong đam mê của họ. Xin Chúa sai thiên thần đến, để giúp họ thức tỉnh biết ăn năn trở về đường ngay nẻo chính. Con xin được làm các việc đền tội với sức con có thể để đáp lại lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại. Amen.


Lúc 1300 giờ trưa

Ngắm thứ hai: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. 

 

Trích Phúc âm thánh Gioan

“Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi: “Ông có phải là Vua người Do Thái không?”. Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế hay là có người khác nói với quan về tôi?”. Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do Thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã nộp ông cho ta, ông đã làm gì?”. Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này thì những người của tôi sẽ chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”. Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân Lý. Ai thuộc về Chân Lý thì nghe tiếng tôi”. Philatô hỏi người: “Chân Lý là cái gì?”. Nói lời này xong, ông lại ra gặp các người Do Thái và bảo họ: “Ta không thấy nơi người này có lý do gì để khép án” (Gioan 18: 38).  “Nhưng theo tục lệ các ngươi, Ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn Ta phóng thích Vua người Do Thái cho các ngươi chăng?”. Họ liền la lên: “Không phải tên đó, nhưng là Baraba”. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn” (Gioan 18: 40).

Suy niệm 

Qua ngắm thứ hai mùa thương này, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã bị Giuđa dẫn một toán quân cùng với vệ binh những binh lính này là do các thượng tế và biệt phái cấp cho nó. Trước khi bị bắt Người đã nói: “Ta bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi” (Gioan 18: 8).

Sau khi đã trói Chúa Giêsu lại, chúng dẫn người đến nhà ông Anna. Ông này là bố vợ của thượng tế Caipha, chính ông này đã giúp ý kiến cho người Do thái: “để một người chết thay cho toàn dân thì lợi hơn” (Gioan 18: 14).

Tại nhà ông Anna. Ông Phêrô khi đứng ngoài cửa đã bị một người nữ tì gác cửa nhận biết ông là môn đệ Chúa Giêsu, và ông đã chối lần thứ nhất: “Tôi không phải đâu (Gioan 18: 17). Cũng tại nhà của ông Anna, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy về giáo lý của Người, thay vì ông chất vấn Chúa Giêsu. Người đã bị một vệ binh của ông Anna vả mặt, vì người vệ binh cho là Chúa Giêsu dám trả lời vì thượng tế một cách không khuất phục. Anh ta đã bị Chúa Giêsu hỏi lại: “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó, còn nếu Ta nói phải thì tại sao anh lại đánh Ta?” (Gioan 18: 23).

Sau đó Chúa Giêsu bị dẫn điệu tới cùng vị thượng tế Cai pha. Tại đây ông Phêrô một lần nữa đã bị bọn thủ hạ của vị thượng tế Caipha phát giác khi ông đứng sưởi chung với chúng. Ông lại chối: “Tôi không phải đâu”. Nhưng một tên thủ hạ có họ với người bị Phêrô chém đứt tai xác nhận, thì Phêrô lại chối nữa và ngay lúc đó gà liền gáy.

Sau khi đã kết án tội Chúa Giêsu là tay gian ác. Chúng lại điệu Người đến pháp đình, nơi quan Philatô làm tổng trấn. Bọn bè lũ thượng tế, biệt phái đã bị quan Philatô hỏi: “Các ngươi tố cáo người này về điều gì?”. Họ đáp: “Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan”. Philatô sau khi thẩm vấn Chúa Giêsu về tước vị, ông hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là Vua người Do Thái không?” (Gioan 18:33), và ông hỏi lại Chúa Giêsu: “Vậy ông là Vua ư?”. Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi” (Gioan 18: 37).

Sau khi đã không tìm thấy lý do để khép án Chúa Giêsu, ông liền hỏi bọn họ một lần nữa, vì theo tục lệ của người Do Thái thì các quan tổng trấn có quyền phóng thích một tội phạm theo lời dân chúng yêu cầu. “Vậy các ngươi có muốn Ta phóng thích Vua người Do Thái cho các ngươi chăng?” (Gioan 18: 39). Nhưng bọn họ đã la lên và đòi phóng thích Baraba là một tên cướp.

Thật đau đớn thay cho Chúa Giêsu sinh ra trong thời đó, một vị quan tổng trấn mà không có quyền quyết định cho lương tâmcủa mình, chỉ vì danh lợi, quyền hành thế gian mà đành chiều theo sự đòi hỏi của dân Do Thái, một số người đã bị bọn thượng tế, biệt phái và kỳ lão mua chuộc. Mặc dù ông đã không tìm thấy một tội nào nơi Chúa Giêsu để khép án Người. Và thế rồi Philatô đã truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

 

Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng

Lạy Chúa Giêsu! Qua ngắm thứ hai suy về việc Người bị bọn lính đánh đòn, chúng con thấy thật oan cho Người. Quan tổng trấn Philatô không tìm thấy tội trạng để khép án Người, vậy mà còn đem Người đi đánh đòn. Thật là bất công, thật là vô lý hết sức và thật là oan ức cho Chúa. Nhục nhã hơn nữa là khi một tên vệ binh của thượng tế Anna đã vả vào mặt Người, khi Người đối đáp với ông Anna. Chúa Giêsu đã từng làm nhiều phép lạ, chữa nhiều người bệnh tật, chữa nhiều người bị quy ám và nhất là cho kẻ chết sống lại. Thế mà những kẻ chẳng làm được gì cho thế gian, lại dám khinh thường Người. Trong đời sống của chúng con cũng có lúc chúng con bị hàng xóm ghen ghét, lời ra tiếng vào, họ chà đạp cuộc sống của của chúng con xuống tận bùn đen, để chúng con sống trong tủi nhục, lầm than.

Còn về phần Chúa Giêsu. Phải chăng vì Người đã giảng dạy dân chúng khác với thượng tế vì Người đã kiện toàn lề luật cũ như các luật dạy về sự trả thù, về tội ngoại tình, về cách cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Hay về lòng bác ái, yêu thương kẻ thù, làm phúc cho kẻ ghét mình. Cũng có thể vì các  thượng tế ghen tức vì Chúa Giêsu đã chữa nhiều kẻ yếu đau, bệnh tật và quỷ ám. Hoặc họ ghen tức vì Chúa Giêsu đã làm các phép lạ như nước hoá ra rượu tại tiệc cưới Canna, hoá bánh ra nhiều và nhất là làm cho kẻ chết sống lại.

Cuối cùng, bọn biệt phái và thượng tế viện cớ là Người dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, tội ngạo phạm đến Thiên Chúa của họ nên đã lập mưu tìm cách bắt Người. Chúng dùng những nhục hình như vả mặt, khạc nhổ vào Người và đánh đòn Người. Bọn lính chế diễu Người bằng cách cho mặc áo đỏ, đầu đội mạo gai, đặt cây sậy vào tay mặt của Người và vờ quì gối chúc tụng Người là Vua. Cuối cùng, chúng bắt Người vác thập giá đi lên Đồi Sọ, đóng đanh Người treo thân trên thập giá cho đến chết.

Lạy Chúa Giêsu! Phần chúng con phải chịu những sự khốn khó của thế gian dành cho chúng con cùng đành vì các tội lỗi chúng con đã phạm ở nơi trần thế. Xin Chúa cho chúng con biết dâng những sự khổ đau ấy để chúng con được hiệp thông với Chúa, mong ngày sau chúng con được Chúa cho ở cùng Người trên nước Thiên Đàng. Amen.

Lúc 1400 giờ trưa

Ngắm thứ ba: Đức Chúa Giêsu chịu đội mạo gai.  

Trích phúc âm theo thánh Matthêu

“Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập hợp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ qùi gối trước mặt Người nhạo báng rằng: “Tâu vua dân Do Thái!”. Đoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập lên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đanh vào thập giá” (Mt. 27: 28-29).

Suy niệm 

Sau khi bị một số lính đánh đòn, Chúa Giêsu đã bị điệu vào trong công đường, bị lột áo và chúng mặc áo choàng đỏ, bị chúng đặt trên đầu người một vòng gai tượng trưng cho vương miện của nhà vua, chúng đã trao vào tay mặt của Người một cây sậy thay thế cho cây trượng vương quyền của vị vua chúa và chúng đã qùi gối trước mặt Người và nhạo báng: “Tâu vua dân Do Thái”. Bọn lính chỉ là những kẻ quê mùa mà còn dám chế nhạo Người giống như một kẻ điên dại.

Trên thân thể của Chúa Giêsu lúc đó đã đau đớn vì những ngọn roi đã làm rách nát da thịt của Người. Thế nhưng tâm hồn của Người còn đau đớn hơn nữa vì sự khinh chê, nhạo báng của đám lính và dân chúng theo bọn biệt phái và thượng tế. Lạy Chúa thật uổng công Chúa đã làm biết bao nhiêu điều tốt lành cho dân Do Thái, Người đã giảng dạy điều công chính, cắt nghĩa những lề luật của Thiên Chúa, khuyên bảo họ ăn năn, sám hối. Người đã làm phép lạ cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, và kẻ chết được sống lại. Thế mà giờ đây, không một lời thương tiếc của dân chúng, không một lời bênh vực cho Người, và Người còn bị bọn lính đánh đòn, bắt đội mạo gai, khạc nhổ và bị chế nhiễu.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

 

Xin cho con được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng

Lạy Chúa! Đời sống chúng con cũng có lúc phải chịu cảnh khốn cùng đến cực độ như của mất, nhà tan và tay trắng. Chúng con bị qủan thúc cả ngày lẫn đêm về lời nói, sự đi lại và ngay cả sự ăn uống vì những người hàng xóm nay biến thành kẻ dòm ngó, báo cáo sai lạc, hoặc tệ hơn nữa họ còn nói lời dèm pha để chúng con bị dồn vào đường cùng. Con nhìn vào gương của Chúa Giêsu, Người cũng đã từng bị bỏ rơi một mình trong tình huồng dở sống, dở chết.

Lạy Chúa Giêsu! Người là Thiên Chúa mặc lấy thân xác loài người để đem Tin Mừng đến cho nhân loại, Người đã chữa lành bao nhiêu người bệnh tật, và đả từng làm nhiều phép lạ. Thế mà Người còn bị đối xử như kẻ điên dại. Còn chúng con, chỉ là kẻ tầm thường nên đâu có gì đáng để là khổ, là nhục. Hay có đi chăng nữa chỉ là đền vì những tội chúng con đã vấp phạm mà thôi. Xin Chúa cho chúng con biết chấp nhận mọi sự sỉ nhục bằng lòng, để chúng con được thông phần vác thập giá của chúng con để bước đi theo Chúa. Amen. 

Lúc 1500 giờ.

Ngắm thứ bốn: Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá.

Trích Phúc Âm theo thánh Gioan

“Vậy họ, điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Đồi Sọ, tiếng Hipri gọi là Golgotha . Ở đó họ đóng đinh Người, và cùng với Người, hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa” (Gioan 19: 17-18).

 

Suy niệm 

Chúa Giêsu sau khi đã phải chịu mọi cực hình, đau khổ về thân xác cũng như tâm hồn. Bọn lính bắt Người vác thập giá đến đồi sọ hay còn gọi là đồi Golgotha , tiếng La Tinh gọi là Calvario. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng Chúa Giêsu vác thập giá  nặng để đi lên đồi là một vùng cao, đường đi gập ghềnh không dễ đi như ở đường nhựa. Người đã ngã xuống đất ba lần. Vậy mà Người còn đứng lại yên ủi dân thành Giêrusalem. Người cảm thương cho họ, từ nay sẽ phải bơ vơ, sợ hãi vì không còn Người ở bên cạnh nữa. Người thương xót cho thành Giêrusalem sau này sẽ bị đổ nát đến nỗi không còn hòn đá nào trên hòn đá nào nữa.

Người đã cố gắng bước đi từng bước bởi sự thúc giục, đánh đập của bọn lính điệu Người. Cho đến khi đuối sức, bọn lính sợ Người chết dọc đường, nên khi gặp ông Simon là thân phụ của Alexandrô và Rôphô, người xứ Xyrênê, vừa ở ngòai đồng về ngang, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Chúa Giêsu. (Macrô 15:21).

Áp dụng vào đời sống hàng ngày.

 

Ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã phải vác thập giá vì lòng thương yêu loài người chúng con. Người đã gánh lấy tội tình của chúng con, để chúng con được cứu rỗi. Chúng con ước ao được bước đi theo Người. Người chỉ đòi buộc chúng con biết sống quên mình, vác thập giá của chính chúng con và đi theo Người mà thôi. Thế mà sao chúng con cảm thấy nặng nề qúa sức. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng con, để chúng con có thể vác thánh giá của cuộc sống hàng ngày, và đi theo Chúa đến hết cuộc đời của chúng con. Amen.

Lúc 1600 giờ.

Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá.  

Trích Phúc Âm theo thánh Luca

“Lúc đó vào khỏang giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”. Nói đoạn, Người trút hơi thở. Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng: “Ông này qủa thật là người công chính”. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về. Đứng tự đằng xa có tất cả những  kẻ quen biết Người, cùng những phụ nữ đi theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến các điều ấy” (Luca 23: 44- 49).

Suy niệm  

Thời gian lúc ấy vào khoảng từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Thời gian này, thường là thời gian mà mặt trời chiếu sáng nhất trong ngày, nhưng lúc ấy mặt trời tối sầm lại và tối tăm đã bao trùm cả mặt đất và thời gian kéo dài từ giữa trưa cho đến 3 giờ chiều. Hiện tượng này, ngày nay chúng ta gọi là nhật thực, nghĩa là mặt trời bị che lấp hoàn toàn. Một hiện tượng lạ nữa đã xẩy ra là màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi ở ngay chính giữa. Chắc phải giông to, gió lớn lắm mới đủ sức xé rách chiếc màn đó, vì đây là tấm màn treo trước “nơi cực thánh”, nó ngăn chia giữa “nơi thánh” và “nơi cực thánh”.

Trước khi trút hơi thở cuối đời, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng. Người đã cố gắng hết sức để nói lên lời phó thác trọn vẹn nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, Con ký thác hồn Con trong tay Cha”. Chúa Giêsu đã chết. Bọn lính La Mã và thượng tế đã giết được thân xác của Người qua hình thức khổ nhục như một tên tội phạm tử hình. Còn phần linh hồn, Chúa Giêsu đã phó thác nơi tay của Chúa Cha, lúc mà thân xác của Người đã kiệt quệ, không còn đủ sức sống nữa. Cũng chính vào lời cuối cùng này của Chúa Giêsu đã làm cho vị sị sĩ quan lúc ấy đã tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, ông đã kinh ngạc và thốt lên: “ông này qủa thật là người công chính”. Ông đã tuyên xưng đức tin của mình sau khi thấy Người nói lên lời cuối cùng này. Chính ít phút trước đây, ông là người chỉ huy đám lính điệu Người đi để đóng đinh. Và giờ đây, ông đã thốt lên lời xác tín vào Chúa Giêsu.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

 

 Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá Chúa. 

Chúng ta đã vác thập giá của chính mình, cùng đi với Chúa Giêsu nên đồi Golgotha . Thập giá của chúng ta là những tội lỗi của chính thân xác yếu hèn của mình đã vấp phạm, làm chúng ta trở nên con cái của tội lỗi.

Hai tên trộm cùng bị đóng đinh với Người, một tên ở bên trái và một tên bên phải của Người. Chúng cũng bị đóng đinh và treo trên thập giá cho đến chết, nhưng chỉ có một kẻ được Chúa Giêsu hứa cho anh ta được ở cùng trên nước của Người, vì anh ta biết mình bị xử chết vì tội lỗi của mình đã phạm. Anh ta đã tin tưởng vào quyền năng của Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa, Người đã chết vì sự công chính, chết vì sự ghen ghét và ganh tỵ của bọn biệt phái, thượng tế, và luật sĩ thời ấy. 

Lúc 1700 giờ.

Tổng kết về sự cầu nguyện năm ngắm mùa Thương

Từ lúc Chúa Giêsu đi lên núi Cây Dầu, vào vườn Giệtsimani để cầu nguyện, chịu đánh đòn, đội mạo gai và bị chế nhạo, bị bắt vác thập gía lên Đồi Sọ, bị đóng đinh vào thập giá và trút hơi thở cuối cùng.

Qua các thánh sử, chúng ta biết được tâm trạng của Chúa Giêsu trước khi bị bắt. Người đã buồn rầu, đau khổ vì biết mình sẽ bị phản bội, bị sỉ nhục, đánh đòn và chế nhạo như một kẻ điên. Người còn nhìn thấy sự thay đổi của lòng dạ con người thế gian chỉ vì ham lợi danh, sợ chết mà không dám làm chứng nhân cho Chúa là vô tội. Người đã đặt hết tin tưởng vào ba tông đồ là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Thế mà vào giây phút cô đơn nhất các ông cũng không thể thức để cùng cầu nguyện với Người.

Người đã trao phó hoàn toàn tính mạng của Người cho Chúa Cha qua lời cầu nguyện tại vườn Giệtsimani: “Abba. Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin mang chén này xa Con! Tuy nhiên, đừng theo ý con muốn, nhưng theo ý Cha” (Marcô 14: 36). Và trên thập gía, trước khi chết Người đã kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha” (Luca 23:46).

Người đã xin tha cho các môn đệ của Người, “Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi” (Gioan 18: 8).

Người thương xót cho dân chúng thành Giêrusalem, những kẻ đã tin, xót thương và đi theo Người tên suốt hành trình vác thập giá của Người. Người đã đứng lại yên ủi họ trong khi quân lính quật roi vào mình Người. Chứng tỏ tình yêu cao qúy của Người đã dành cho chúng ta, đến nỗi chịu roi vọt để có thể đứng lại yên ủi chúng ta.

Người đã rộng lượng tha thứ cho những kẻ đánh đập, phỉ nhổ, nhạo báng Người. Chúng ta thấy qua lời cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Luca 23:34).

Người đã trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan, và trao phó ông Gioan cho Đức Mẹ. “Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu liền thưa cùng Mẹ rằng: “Hỡi Bà, này là Con Bà”. Rồi người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó, môn đệ đã lãnh nhận bà về nhà mình (Gioan 19: 26-27).

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

Sự khổ nạn của Chúa Giêsu qua năm ngắm sự Thương. Chúng ta thấy Người đã trở nên của lễ hiến tế, để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại, để đất trời được giao hòa, để một giao ước mới được cam kết giữa Thiên Chúa với loài người, đó là “sự sống đời đời” mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Chúa Giêsu, Con một của Thiên Chúa đã chịu chết và đã chiến thắng sự chết. Vì người là Chúa của sự sống, trong Người không có sự chết, để ai tin vào Người sẽ được sống đời đời.

Chúng ta cũng học được bài học về sự vâng phục thiên ý của Chúa Giêsu, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng.

Chúng ta cũng học được từ nơi Chúa Giêsu về lòng thương người. Người đã thương xót cho các phụ nữ đi theo Người, họ đang khóc, xót thương cho Người phải chịu án tử hình. Người cũng thương, tha thứ và cầu nguyện cùng Chúa Cha cho những kẻ đang tra tấn và điệu Người đem đi đóng đinh vào thập giá.

Chúng ta cũng học được gương can đảm của Chúa Giêsu, Người không hề hé miệng than van, hoặc cầu xin cho khỏi bị hành hạ, đánh đập, hay xin thoát án tử hình.

Lạy Chúa! Xin giúp chúng con khỏi phải sa chước cám dỗ, xin cho chúng con biết vâng phục theo thánh ý của Chúa  và nhất là xin Chúa giúp chúng con can đảm biết chấp nhận mọi gian khổ để cùng vác thập giá đi với Người, cho đến hết cuộc đời trần gian, cùng mong ngày sau chúng con được hưởng phúc cùng Chúa Giêsu trên nước Thiên đàng. Amen.




Leave a Reply.