“Quê hương tôi nghèo lắm! Nhưng Chúa thương, chưa ai chết vì đói bao giờ cả. Trước đây cũng thế mà bây giờ cũng thế”.
 Chỉ cách vài giờ bay từ Melbourne, thế mà hai phương trời hoàn toàn khác biệt. Một nơi thuộc về đất nước văn minh, đã phát triển và một nước vẫn còn chậm tiến, kém mở mang.  Khí hậu của nước Vanuatu thuộc vùng nhiệt đới, bán nhiệt đới giống Việt nam, độ nóng và độ ẩm rất cao. Cây trái xanh tươi, đủ loại trái cây giống ở Việt nam. Nhân tiện có lời mời của gia đình người cháu chúng tôi là anh chị Kông- Trang. Anh Kông đang là nhân viên của ngân hàng ANZ tại Melbourne, được tuyển sang làm việc ở thành phố Port Vila, thủ đô của nước Cộng Hòa Vanuatu. Đó là ý tưởng, đã thúc đẩy chúng tôi gồm bảy người quyết định làm một chuyến viếng thăm đảo quốc Vanuatu vào cuối tháng 11/2008 này.

Sau khi đứa con gái út của chúng tôi đã thi xong lớp mười hai và biết được ngày phỏng vấn tại các trường Đại Học ở các tiểu bang khác vào đầu tháng 12. Tôi lên mạng lưới Internet mua vé ngay. Chúng tôi mua được vé đi từ Melbourne vào ngày 20/11 và ngày về lại Melbourne là 30/11. Để con gái út của chúng tôi kịp đi phỏng vấn khóa học vào ngày 3/12/08 tại đại học Adelaide.

Những trắc trở gặp phải khi đi du lịch

Qua những trắc trở mà chúng tôi gặp phải vào ngày khởi hành, xin được kể lại, để nhắc nhở mọi người chưa có kinh nghiệm du lịch nước ngoài như chúng tôi. Vợ chồng chúng tôi đã phải thức dậy từ 0400 giờ sáng, để rửa mặt, đánh răng và kịp giờ uống một ly cà phê trước khi đi đón vợ chồng một người bạn, cùng đi du lịch với chúng tôi. Vì chuyến bay như trong giấy báo cho biết máy bay sẽ khởi hành vào lúc 0630 sáng, để có thể đến Sydney vào lúc 07 giờ 45. Thế nhưng khi ra đến sân bay Melbourne, chúng tôi nhìn lên bảng ghi các chuyến bay, thì mới biết là chuyến bay ấy bị huỷ bỏ. Chúng tôi bụng bảo dạ, biết hỏi ai đây. Vì còn quá sớm nên nhân viên của hãng máy bay Virgin Blue chưa đến làm việc. đành trách mình và đấm ngực lỗi tại tôi, rằng sao không chịu gọi điện thoại hỏi thăm từ tối hôm qua.

Cũng may thay, sau đó ít phút thì người đi du lịch đến phi trường ngày càng đông, và trong số đó có nhiều người cùng chuyến bay đi Sydney như chúng tôi. Thế rồi mọi người đành chờ nhân viên hàng không đến để hỏi. Đúng 0530 sáng, các nhân viên kiểm soát hàng hoá đến làm việc tại quầy kiểm soát, tôi chạy vội đến để hỏi lý do chuyến bay của chúng tôi tại sao bị hủy bỏ. Chỉ một nụ cười và câu trả lời ngắn gọn của cô nhân viên phát vé, đã giải tỏa được hết mọi âu lo của chúng tôi.

- Không sao, chúng tôi đã sắp xếp, để quí vị có thể đi chuyến bay lúc 0600 giờ sáng.

- Cám ơn cô. Tôi vội trả lời.

Khi chúng tôi vào đến cổng chờ máy bay đi Sydney, chúng tôi kiểm soát lại vé thì mới biết có hai vé trùng một tên của anh Trường, còn chị Huyền thì không có vé. Tôi và anh Huyền phải đi ngược trở ra để khiếu nại. Cũng may còn kịp giờ và mọi người đều có mặt trên chiếc máy bay đi Sydney. Chúng tôi đến phi trường Sydney sớm hơn 30 phút như giờ đã ấn định. Tại đây, chúng tôi được xe buýt chuyên chở từ sân bay quốc nội đến sân bay quốc tế, để đợi máy bay đi Vanuatu vào lúc 0930. Thấy thời gian còn dài, hơn nữa vì thức dậy sớm, bụng đói, nên chúng tôi rủ nhau tìm quán cà phê và chỗ ăn điểm tâm, để vừa ăn vừa trò chuyện cùng ngắm ông đi qua, bà đi lại cho mau hết giờ đợi chờ. Đứa con gái của chúng tôi, lần đầu tiên được đi nước ngoài, sau nhiều năm dài học tập ở bậc Trung- Học, nó đã len lén chạy đi xem các tiệm bán hàng mà chẳng ai hay. Chúng tôi mải mê nói chuyện và quên bẵng thời gian. Khi có người nghe thấy tiếng loa gọi tên, thì mọi người vội vàng hấp tấp chạy vào cửa. Chúng tôi nhìn quanh, tìm mãi mà không thấy đứa con gái của mình đâu cả. Trong khi đó, nhân viên hàng không hối chúng tôi như hối tà, nào là phải điền đơn nhanh lên, vì đây là lần gọi cuối cùng đến lần thứ ba rồi. Nhưng rồi có lẽ con gái của chúng tôi nghe tiếng loa phóng thanh gọi tên nó nên cũng chạy kịp vào trong cổng. Tôi bực mình lắm, nhưng cũng cố vội điền đơn cho vợ tôi vào trước, rồi mới điền đơn cho tôi. Thế nhưng chuyện rắc rối khác lại xảy ra, khi nhân viên cầm tờ giấy và sổ thông hành của tôi, ông ta nhìn tôi, rồi nói tôi có vấn đề an ninh cần phải khám xét lại giấy tờ. Lòng tôi tức giận nhưng cũng lo sợ. Không biết chuyện gì đây, chẳng lẽ để mọi người đi còn tôi đành ở lại, chẳng lẽ nhân viên an ninh cho tôi là tội phạm trốn thoát khỏi Úc. Thế nhưng cũng may, họ lầm tôi với một ai đó, nên sau khi tra tìm trong máy vi tính, người nhân viên khác trả lại tôi sổ thông hành và ngỏ lời xin lỗi. Lỗi nghĩa gì, tôi vội cầm giấy thông hành chạy vào phía trong cổng để xuống cầu thang, lên xe buýt. Chiếc xe buýt đang chờ và người tài xế như có vẻ mừng rỡ khi nhìn thấy tôi.

Ngồi trên máy bay, sau khi cài dây an toàn, lúc ấy tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm, và mặc kệ cho đứa con gái tôi ngồi cạnh tôi, đang lí nhí nói lời xin lỗi.

- Con xin lỗi ba.

Lâu lắm rồi, bây giờ tôi mới được đi máy bay, ngồi trong máy bay, đi trên mây, vượt trời biển, ở độ cao 12,000 mét với vận tốc của chiếc máy bay Boeing 737 trên 800km/ giờ. Cái cảm giác mà từ lâu tôi đã lo sợ đủ thứ, chuyện không tặc, chuyện trục trặc máy móc, chuyện say chóng mặt, ói mửa vì huyết áp máu thay đổi đột ngột. chuyện máu đông vì ngồi lâu làm tắc nghẽn các động mạch nhỏ. Bao nhiêu chuyện mà tôi lo sợ lúc chưa đi, giờ đây đã theo mây, tan biến hết. Qua khung cửa sổ của máy bay, cảnh đẹp của trời mây làm tôi quên hết mệt nhọc. Kìa quang cảnh của nhiều từng mây chồng chất lên nhau, tạo thành những khối bông trắng như tuyết bao phủ bầu trời. Ánh nắng mặt trời rực rỡ chiếu rọi xuyên qua những làn mây, giúp cho tôi nhìn rõ cảnh vật phía bên dưới mặt đất. Nhà cửa, đường xá, sông biển dưới đất như những bức tranh tuyệt đẹp in vào trí óc tôi. Khiến bao nhiêu mệt nhọc như tan biến trong thân xác tôi và cảm giác ấy cho tôi có được sự thanh thản, gần trời xa đất một cách thú vị.

 

Đến phi trường Bauerfied của Vanuatu

Đúng 1300 giờ trưa, thứ năm, ngày 20/11/08. Máy bay đã hạ cánh xuống phi trường Bauerfied của Vanuatu một cách an toàn. Chúng tôi lần lượt bước ra khỏi máy bay, lúc này tôi mới có dịp nhìn chiếc máy bay, trông có vẻ cũ kỹ, với hàng chữ Airline Vanuatu. Sân bay có vài chiếc máy bay nhỏ hơn đang đậu trên bãi đáp. Nhìn sân bay quốc tế Vanuatu sao mà giống sân bay Phú Quốc của Việt Nam đến thế, chỉ có một chiếc máy bay đáp xuống và rối lại chở khách mới bay đi, để lại sân bay trống không. Nhà chờ đợi của phi trường là một dãy nhà dài, hai tầng, tầng trên có một số người bản xứ đang đứng vẫy tay chờ đón người thân. Chúng tôi theo nhau, đi vào hàng một để vào trong cửa khẩu để trình vé và nhận hành lý. Tại đây đã có sẵn một ban nhạc của người bản xứ khoảng sáu, bảy người đang hát bài nhạc chào mừng khách đến Vanuatu, bản nhạc nghe vui tươi, tiếng đàn nhộn nhịp, nên khi ban nhạc vừa chấm dứt bài hát, mọi đã tặng lại cho ban nhạc một tràng pháo tay theo phép lịch sự của dân Úc, mặc dù chúng tôi chẳng hiểu họ hát cái gì.

Anh em chúng tôi thuộc loại “con trời”, và như đã tìm hiểu trước khi đi, thì bia ở đây bán giá rất mắc. Chúng tôi được quyền mua giá “duty free” mỗi người một thùng bia. Tôi cầm 6 cuốn sổ thông hành, mua ngay 6 thùng bia duty free. Hôm ấy chỉ có một loại bia của Nước Vanuatu. Chẳng thấy bia Úc đâu cả, đành phải nhắm mắt gật đầu mua bia Vanuatu, với lý do để uống thử xem mùi vị của nó ra sao.

Một trắc trở  khác nữa lại xảy ra ngay tại phi trường Vanuatu. Anh Huyền bạn tôi tìm mãi chiếc Va-li đựng quần áo, thuốc men mà không thấy, và đành phải khai báo thất lạc. Khi nhân viên hỏi địa chỉ, thì tôi không có địa chỉ nhà của người cháu để mà khai. Tôi chỉ biết khai tên của người cháu và số điện thoại, thế mà họ cũng vui vẻ, không hỏi thêm gì nữa. Mãi về sau này, tôi mới khám phá ra ở Vanuatu, cái xứ thiên đàng này thì đường phố mớ hầu hết không có tên, nhà không cần số (ngoại trừ khu phố cổ, do người Pháp và người Anh thiết lập từ xưa thì có tên đường). Dân chúng cư ngụ tại đây chỉ có số hộp thư, tên vùng, và điện thoại mà thôi.

Còn về phần ẩm thực, xin qúy vị nhớ nếu muốn mang theo thịt heo, thịt Kangaroo thì cần phải đem theo tờ biên lai tính giá tiền, để phòng khi quan thuế bắt đóng thuế, họ sẽ tính theo giá tiền ấy mà họ bắt mình đóng thuế. Hôm ấy chúng tôi mang theo 10 kí lô thịt heo và vài ki-lô thịt Kangaroo. Nên bị giữ lại và cũng may, người cháu của chúng tôi đến kịp thời để đóng tiền nhập khẩu cho số thịt ấy.

Thật là đúng lẩm cẩm cho tuổi già, đi chơi mà nhà tôi đòi mang đủ các thức gia vị, gạo, mắm muối, vì nghe đồn rằng bên Vanuatu rất khan hiếm. Hơn nữa chúng tôi lại thích tự túc nấu ăn hơn là rủ nhau đi ăn tiệm. Càng già thì khẩu vị của mọi người đều trở nên khó khăn hơn, tránh mỡ, kiêng mặn và nhất là sợ bột ngọt. Phải không qúy vị. Chính nhờ vậy mà chúng tôi đã có những bữa ăn tuyệt ngon, đầy hương vị quê hương Úc-Việt trong 10 ngày sống tại đảo quốc Vanuatu này.

Trên đường từ phi trường Bauerfield về nhà người cháu ở vùng Second Lagoon. Hai bên vệ đường tráng nhựa có nhiều chỗ bị sạc lở vì nước mưa từ lâu, như không được sửa chữa, khiến con đường trở nên nham nhở như chuột gặm. Những cây soài, chuối, và bờ dậu trồng bằng cây Đinh Lăng, cảnh dân bản xứ đi bộ thành từng nhóm dọc theo vệ đường, thời tiết nóng oi ả, đã làm tôi chợt có cảm nghĩ, tôi đã được trở về quê hương Việt nam, trở về thời ấu thơ của thập niên 1955-1960. Xe chạy độ hơn 10 phút là đã vào trung tâm thành phố, và đi qua thành phố độ 5 phút nữa là tới nhà. Ngôi nhà được kiến trúc theo lối tây phương, nhà xây bằng gạch đúc, bê tông. Hai tầng lầu, mặt trước nhìn ra con đường chính, bên kia đường là ngọn đồi cao, có nhiều cây chuối, đu dủ mọc hoang. Ngay trước sân có một khúc thân gỗ cao khoảng 2 mét, được khắc 3 hình mặt người, ở đây người bản xứ cho rằng đó là những vị thần như thần Namagi, thần Tamtam. Càng nhiều mặt thần thì giá tiền càng mắc, họ tin rằng các vị thần này phù trợ cho công việc làm ăn phát tài. Mặt sau nhà là lan can giáp với biển, mắt nước yên tịnh khi không có mưa gió, trong veo có thể nhìn thấy từng đàn cá nhỏ bơi lội dưới nước, và ban đêm những con cá to, khoảng 2 kílô trở nên nhảy vọt lên trên mặt nước như chào mừng khách đến từ châu Úc, và cũng như thách thức chúng tôi, “đố mày bắt được tao”. Thật vậy, anh Huyền, anh Trường và tôi đã chịu thua sau khi câu cả tuần mà không bắt được một con cá lớn nào cả. Gió mát trăng thanh, cá nhảy lượn khỏi mặt nước cả đêm mà chúng không chịu cắn câu. Chúng tôi nhiều lần hỏi nhau, chúng ăn mồi gì nhỉ? Phải chăng cá sống ở vùng nhiệt đới ăn mồi khác với cá sống ở Úc.

 

Thành phố Port Vila và chợ bán trái cây

Ngày hôm sau, thứ sáu 21/11/08. Chúng tôi ra phố để quan sát sinh hoạt của thành phố. Trước hết chúng tôi đi thăm quan một vài dãy phố, người du khách đông nghẹt, chen lẫn với người dân bản xứ. Cách dáng đi đứng của khách bộ hành thong thả. Các tòa nhà cao vài ba tầng, Các ngân hàng như ANZ, Westpac, chiếm vị trí ở trung tâm thành phố, các tiệm bán quần áo, shopping giống như ở nước Úc, bót cảnh sát, tòa Đại xứ Úc nằm phía trên đồi với lá cờ Úc đang vẫy bay trong gió như chào đón chúng tôi, người dân Úc đến du lịch nơi đây. Các tiệm Tàu bán thực phẩm Á châu, quần áo, và đồ gia dụng rất lớn. Chen lẫn với các nhà hàng nằm dọc theo các phố chính. Thỉnh thoảng chúng tôi có trông thấy người nói tiếng Việt, giọng miền bắc đi ngang qua, nhìn chúng tôi thân thiện như muốn nói rằng chúng ta là người đồng hương phải không. Thành phố tuy đẹp và đầy nét tây phương nhưng đi chẳng mấy chốc là hết phố chính. Thành phố Port Vila thuộc đảo Êfatê, nó nằm trong vịnh Mele Bay. Dân số khoảng 40,000 người, với diện tích của đảo rộng khoảng 900km2. Êfatê là hải đảo lớn thứ nhì, sau hải đảo Espiritu Santo.

Thủ tướng là ông Ham Lini và Tổng thống là ông Kalkot Mataskelekele được dân bầu lên từ năm 2004. Nước Vanuatu được trao trả độc lập từ ngày 30/7/1980, là một nước theo thể chế Cộng Hòa nằm trong khối Thịnh Vượng Chung Các Quốc Gia. Với 83 đảo và dân số hiện nay khỏang 220,000 người. Các hải đảo của Vanuatu nằm giữa New Caledonia và Fiji ở nam Thái bình Dương.

Sau khi dạo quanh một vòng các đường phố chính. Chúng tôi đi đến chợ bán trái cây, nằm ngay trung tâm của thành phố Port vila này. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là tại chợ này có thật nhiều loại rau, củ, trái cây giống như ở Việt nam ta ngày xưa. Các củ sắn mì to được đựng trong giỏ đan bằng lá dừa, giỏ củ mì có thể cân nặng cả chục kílô, bán với giá 300 tiền Vatu (Vanuatu). Hôm ấy là ngày 21/11/08. Tôi đổi 100$ đô Úc được 7300$ Vatu. Như thế 1$ đô Úc = 73$ Vatu. Đầu óc tôi hôm ấy phải làm việc qúa mức vì giá tiền, thì mới biết được giá bán các loại rau qủa, trái cây ở đây thật là qúa rẻ so với giá cả ở bên Úc. Những bó rau muống, rau mùng tơi to, xanh tươi. Những trái dừa non đầy ắp nước ngọt, cùi ăn rất mềm. Từng xâu cua đá bán với giá 100$ Vatu, Những con cua dừa to với giá bán 3000$ Vatu. Đu đủ, soài, những loại chuối to nhỏ bán từng quầy, được bày bán ngay đầu chợ. Phía trong chợ có vài quán bán cơm với thịt gà, thịt heo, cá. Giữa chợ có hai, ba hàng bán phần ăn trưa, món ăn thật đặc biệt khiến tôi chú ý vì đông khách. Chỗ bán phần ăn trưa này đặc biệt vì các phần ăn được gói bằng lá chuối, thức ăn là 1/2 củ khoai môn, một củ sắn mì, một con cá nhỏ hấp, hay một cái cánh gà, một vài cành lá rau cải luộc. Chúng được gói lại và giao cho người mua. Tôi thấy người mua phần ăn ấy, một tay họ đã cầm sẵn một quả dừa gọt vỏ hay một qủa soài chín. Người bản xứ ở đây ăn uống qúa dễ dãi, không cầu kỳ. Chủ yếu họ ăn và uống nước dừa là chính, nếu có thêm miếng khoai môn, củ sắn mì là đủ phần ăn trưa. Một điều lạ nữa là người bán hàng ngoài chợ toàn là đàn bà, họ bế cả con ra ngồi ngoài chợ để bán hàng cả ngày cả đêm. Họ thật thà, viết giá tiền đặt ở trên những hàng hóa muốn bán, không trả giá kỳ kèo như ở Úc. Ai thích thì mua, không thì thôi. Người bản xứ ở đây có màu da đen sậm, tóc quăn, to lớn và khoẻ mạnh, họ thuộc gốc người Melanesian. Tôi đi quan sát một vòng chợ, chỗ giáp với công viên, thấy có một bến tàu chở du khách đi qua đảo Iririki, trên bờ có chỗ bán vé để du khách mua vé, đi dạo chơi bằng máy bay trực thăng. Phía bên kia chợ là bến xe buýt và bãi đậu của taxi. Nói đến xe buýt, tôi cứ tưởng nó phải to lớn như ở Úc, nhưng thật ra nó chỉ là loại xe Van, của hãng Toyota gắn thêm ghế, như hồi chúng tôi chở người đi hái trái cây vào những năm  1984- 1987. Các chiếc xe bus này mang bảng số bắt đầu bằng chữ B rồi đến con số, thí dụ như: B2450. Khác với xe taxi, mang bảng số bắt đầu bằng chữ T. Hầu hết những người lái xe là đàn ông. Các tài xế chào nhau và trao đổi chuyện trò với nhau bằng cách giơ bàn tay và ra hiệu bằng ngón tay, khi họ gặp nhau theo hướng ngược chiều. Trên đường phố, ngoài số khách du lịch, tôi còn thấy nhiều thanh niên bản xứ ngồi ở các công viên, tay cầm trái dừa để uống nước và khi uống hết nước thì họ đập vỡ trái dừa để ăn cùi dừa. Có khi gặp họ ngồi trên các vỉa hè để nhìn ngắm người đi phố, họ không có vẻ gì là thành phần công dân xấu hay dân trộm cắp và có lẽ họ giống như trong câu chuyện Phúc âm nói về những người thợ làm vườn. Họ ngồi chơi giữa phố chợ, giữa đường vì không có ai mướn họ, hoặc có thể vì họ chẳng muốn làm. Ăn là bao nhiêu mà làm chi cho mệt, chết có mang theo được đâu mà phải vất vả quá sức như vậy, củ khoai môn, qủa dừa cũng thành bữa cơm. Họ có thể ăn sống chứ chẳng cần luộc chín, với tay hái một trái soài mọc sẵn bên vệ đường, bẻ một vài trái dứa, thế là no bụng. Tối đến muốn thư giãn, thì tìm đến quán “đèn vàng” để uống một vài chén Kava, loại nước biến chế từ một loại rễ cây, lá nó giống như lá tiêu, lá ăn trầu, lá trầu ông, trầu bà. Nước đục như nước bùn, uống vào thấy vị gần giống cây sắn dây, nhưng chỉ trong giây lát, ta sẽ cảm thấy tê môi, tê lưỡi. Anh em chúng tôi cũng mua về 1 lít Kava  gía 1000$ Vatu, để uống cho gọi là giao hữu với dân Vanuatu. Kava uống có cái hay của nó là làm con người cảm thấy thoải mái, bắp thịt thư giãn, nhưng chưa đủ mạnh để làm anh em chúng tôi say, nên chúng tôi đành mượn thêm chai rượu Cognac, để ru mình vào giấc ngủ say đêm hôm ấy.

Thời tiết ở bên Port Vila này, gần giống như Sài Gòn, độ ẩm rất cao, trung bình từ 43 đến

65%. Trong phòng ngủ phải mở máy lạnh thì mới thấy dễ chịu giống như ở Melbourne.

Thế nhưng, chúng tôi đâu có ngờ vì mở máy lạnh cả đêm, nên độ ẩm cũng bị tụt xuống thấp, nên máy làm nước lạnh không có đủ độ ẩm để làm đầy bình nước lạnh cho ngày hôm sau. Cái máy làm nước lạnh và nóng này giống như cái máy lọc nước, làm thành nước lạnh và nóng như ở bên Úc, chỉ khác một điều là nó tự hút không khí có sẵn độ ẩm của hơi nước rồi từ đó ép hơi nước thành nước, lọc qua bộ phận lọc nước rồi chuyển qua hệ thống làm lạnh hoặc chuyển qua bộ phận đun nóng nước, chứ không phải bắt ống nước hay chứa nước từ trong bình đựng nước như ở bên Úc. Cái máy lọc nước này được chế tạo từ một công ty bên Úc, để cho các nước vùng nhiệt đới xử dụng. Theo tôi thì ta cứ việc đun nước sôi mà dùng nếu cần nước nóng, hay để lạnh rồi lọc nước để uống là xong. Hệ thống nước uống được cung cấp tận nhà. Nhưng hệ thống gas thì vẫn còn xài bình gas. Hệ thống rác, nói chung thì người dân tập chung rác lại một địa điểm của từng khu và xe rác sẽ đến hốt rác hàng tuần, vì khí hậu nóng nên ruồi bu, kiến đỗ, tạo mùi hôi tanh khó có thể tránh được.

Nghĩa trang của thành phố Port Vila

Chúng tôi đến thăm Vanuatu vào tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn. Chính vì thế mà chúng tôi quyết định đi thăm viếng nghĩa trang của thành phố Vanuatu, nơi chôn cất những bậc tiền nhân Việt Nam đã đến Vanuatu vào thời người Pháp mộ phu, năm 1920. Trước hết là để tỏ lòng ngưỡng phục các đấng bậc tiền nhân đã hy sinh vì tương lai con cháu, có nhiều người đã nằm xuống vì kiệt sức, hay bị đánh đập tàn nhẫn bởi bọn cai người Pháp, hoặc bị xử tử vì dám chống lại bất công, đòi quyền tự do và công lý cho dân ta thời ấy. Sau nữa để đọc kinh và thắp nén nhang cho những ngôi mộ mà giờ đây con cháu không còn ở dây nữa để chăm sóc mộ phần. Chúng tôi có hỏi thăm người cháu, nhưng vì bận rộn công việc nên anh ta cũng không biết nơi chôn cất những người Việt thời Pháp mộ phu từ miền bắc đến làm việc tại Vanuatu. Cũng may, người cháu của chúng tôi có quen với con của một gia đinh, mà ông bà ta đã được sinh ra và lớn lên tại thành phố này. Ông bà Nguyễn văn Đại rất vui mừng và ông ta đã nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi, sáng ngày hôm sau đến nghĩa trang, nơi chôn cất những người Việt Nam đã đến làm việc và bỏ mình tại xứ Vanuatu này.

Nghĩa trang nằm trong một khu đất rộng rãi, yên tịnh, cây cối chung quanh nghĩa trang xanh tươi. Giữa nghĩa trang có một cây đa cổ thụ và gần đó có một ngôi nhà dành cho nhân viên chăm sóc nghĩa trang. Nghĩa trang chia thành từng khu, khu dành cho người Pháp, và khu dành chôn người Việt Nam được vây quanh bằng hàng rào gỗ, để ngăn cản súc vật vào ăn cỏ và làm hư hại mộ phần. Tại nơi này, chúng tôi tập họp tại khán đài, đọc kinh, thắp nhang và dâng phó các linh hồn đã yên nghỉ nơi đây trong tay Chúa. Chúng tôi được bác Đại hướng dẫn đến mộ phần của ông cụ thân sinh ra bác, đến thăm viếng các mộ phần của gia tộc họ Đinh, được chôn cất theo một dãy dài dọc theo hàng rào của phía sau khán đài. Nghĩa trang tuy nhỏ nhưng được chăm sóc rất kỹ lưỡng và được chọn trên một khoảng đất trống tuyệt đẹp, đầy tiện lợi về phong thủy, có lẽ vì thế mà con cháu của các cụ, bây giờ làm ăn trở nên phát đạt, giàu có. Chúng tôi được bác Đại hướng dẫn qua phía đối diện khu nghĩa trang của người Việt Nam. Nằm ngay cạnh đường đi chính giữa của nghĩa trang có một ngôi mộ chôn tập thể của sáu người Việt Nam, đã anh dũng chết vì dám đứng lên đòi lại tự do và công lý cho người phu mộ thời ấy. Chúng tôi thấy trên bảng mộ bia có ghi dấu thánh giá, tò mò nhưng chưa kịp hỏi, thì chúng tôi đã được bác Đại giải thích lý do, vì trước khi chết 6 người này đã theo đạo Công giáo và được một cha người Pháp rửa tội trước khi bị hành hình. Không khi của nghĩa trang buồn, lòng chúng tôi như se lại, chợt thương cho thân phận của chính mình, một mai rồi cũng được chôn cất tại xứ lạ quê người trên đất Úc.

Bãi biển Eton

Sau khi đã thăm viếng nghĩa trang vào buổi sáng. Chúng tôi đi tắm biển Eton và buổi trưa ngày hôm thứ bảy 22/11/08 . Bãi biển Eton nằm về phía bắc của đảo Êfatê. Cách độ 1 giờ lái xe. Con đường tráng nhựa từ nhà của người cháu chúng tôi chẳng bao lâu đã được nối tiếp bằng con đường đất chạy kéo dài đến tận bãi biển. Nó chạy băng qua những khu rừng, những cánh đồng cỏ xanh tươi, những đồn điền trồng dừa bát ngát, những khu làng mạc của người bản xứ. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp một vài chiếc xe của người bản xứ đi ngược chiều, họ vẫy tay chào chúng tôi một cách thân thiện.

Bãi biển thiên nhiên và hoang sơ như chưa được khai thác đúng mức cho du khách giống như kiểu ở Việt Nam. Cũng có những băng ghế bằng gỗ, nhà lợp lá dùng để trú mưa, nhà tắm, nhà vệ sinh, và những bóng cây rợp mát. Những bãi cát mịn, đủ chỗ làm sân cho người ưa thích môn bóng đá làm nơi đá banh. Mọi người đều xuống tắm vì nước rất ấm, chỉ trừ mình tôi, ngồi trên bờ trông giữ đồ đạc. Bãi biển này, có suối nước ngọt chảy từ trong đất liền chảy ra biển. Nó tạo thành những vùng nước rộng to, đủ để cho người ta tắm nước suối sau khi tắm biển. Người dân trong làng, cắt cử người giữ vệ sinh bãi biển này rất sạch sẽ. Họ hiền hòa, trò chuyện vui vẻ với chúng tôi như người bạn thân quen từ lâu, làm chúng tôi rất thán phục. Sau một buổi tắm biển và hưởng gió trong sạch, chúng tôi lên xe ra về để kịp giờ đi lễ chiều thứ bảy lúc sáu giờ chiều. Nhà thờ nằm gần khu phố. Thánh lễ do cha người bản xứ dâng lễ bằng tiếng Anh. Nhà thờ thô sơ mái lợp bằng tôn, đang được sơn lại phía bên trong. Tôi tò mò đếm cả trẻ em lẫn người lớn, tính cả Cha xứ và 2 bà sơ được gần 50 người. Nghe người cháu tôi nói lễ ngày Chúa nhật thì đông lắm nhưng cha làm một lễ bằng tiếng Pháp và một lễ bằng tiếng Bislama, là thứ tiếng trộn lẫn giữa tiếng của người bản xứ và tiếng Anh. Theo số thông kê của web site: Infoplease.com thì Công giáo chiếm 13% dân số, khoảng gần 20,000 tín hữu. và vị Giám mục bản xứ đầu tiên là Giám mục Visi-Michel. Ngài chết ngày 20/5/2007, đúng vào ngày lễ Chúa lên trời. Tại đây tôi gặp sơ Xinh, người sinh đẻ tại Noumea và đi tu năm 1965, nhà dòng chính của sơ tại  thành phố Port Vila, xứ Vanuatu này. Hình như, sơ sợ chúng tôi chê nhà thờ thô sơ, trông có vẻ như ở vùng kinh tế mới, hay ở vùng sâu xa tại Việt Nam, hay vì người dân bản xứ sống đơn sơ, gần gũi thiên nhiên, sống thanh bình trong một đất nước chậm phát triển, giống như dân ta hồi xa xưa. Sơ Xinh đã vội nói với chúng tôi rằng:

- Quê hương tôi nghèo lắm! Nhưng Chúa thương, chưa ai chết vì đói bao giờ cả. Trước đây cũng thế mà bây giờ cũng thế.

Tôi tự hỏi câu nói này mang ý nghĩa gì, khi sơ nói với chúng tôi như thế? Phải chăng vi ngôi thánh đường cũ kỹ, vì chúng tôi là người đi du lịch đến từ nước Úc, hay đó chỉ là một câu than thở của một bà sơ, nhìn con chiên bản xứ sống trong cảnh nghèo nàn, không có việc làm. Tôi vội cười hòa, đáp lại bằng lời nói chân tình.

- Dù nghèo mà vui, hỏi ai không muốn yêu đời, phải không sơ.

Chúng tôi chào sơ Xinh và ra về sau thánh lễ, ăn cơm chiều, uống bia ngồi câu cá ngay đằng sau nhà cho đến khuya, nhưng chẳng bắt được con cá nào, mặc dù cá to nhảy lên khỏi mặt nước, trước mặt chúng tôi.

Chúa nhật 23/11/08

Gỏi cá, gà luộc. Anh em chúng tôi bàn tính với nhau là hôm nay chúng tôi sẽ nghỉ ngơi ở nhà, tiện thể người cháu của chúng tôi có nhờ người lái xe buýt mua giùm cho ba con cá biển và hai con gà chân vàng nuôi trong vườn. Chúng tôi quyết định làm món gỏi cá và gà luộc cho thức ăn ngày Chú nhật. Món gỏi cá tươi ngon tuyệt, nhân tiện có hai vợ chồng bác Đại đến thăm chúng tôi, nên mọi người được thưởng thức món gỏi do anh em chúng tôi đảm trách. Dân nhậu làm đồ nhậu thì còn chê vào đâu được nữa, thịt cá đã tươi ngon lại thêm đủ loại là như đọt xoài, lá đinh lăng, khế chua, rau thơm cộng với nước sốt chấm cá rất ngon khiến mọi người được bữa ăn ngon miệng và chúng tôi uống rượu Cognac đến mềm môi.

Thứ Hai 24/11/08

Thác nước nhiều tầng. Hôm nay, chúng tôi lại thuê người lái xe buýt chở chúng tôi về phía Tây Bắc của Port Vila, để đi thăm thác nước nhiều tầng (Cascades Waterfalls), gần làng Mele của núi Mt MacDonald. Ngọn núi này cao 647m, nằm ở giữa hòn đảo Êfatê. Vé vào cổng là 20 đô Úc cho  một du khách. Người kiểm soát dùng mộc để đóng dấu vào cánh tay chúng tôi, sau khi đã nhận được tiền vào cổng. Đường đi lên thác cheo leo, những cây cóc, cây xoài, cây chuối mọc hai bên đường đi. Chúng tôi lội băng qua những con suối, nước trong veo, vượt qua nhiều nơi bằng phẳng với rau lang mọc hoang, lá to và xanh tươi. Khoảng 20 phút leo dốc chúng tôi đã đến chân thác nước. Cảnh người nối tiếp theo nhau, nắm dây đi ngược lên thác nước. Hôm nay rất đông người đến thác nước này, vì có thuyền du lịch chở người từ Sydney đến thăm đảo quốc này. Tôi nhìn thác nước lòng thấy thèm muốn đi ngược lên đỉnh thác, nhưng lại một lần nữa đôi chân của tôi lại đình công vì đầu gối của tôi đau nhức. Tôi xin đành làm người giữ dép cho mọi người, và đứng nhìn lũ trẻ thay phiên nhau nhảy xuống nước, tắm trong các vũng nước do thác nước tạo thành. Gió mát, cảnh ve kêu trên các cây phượng mọc  hoang trên sườn núi, khiến hồn tôi trở về quá khứ, đi dong chơi trên con đường làng đầy hoa phượng của những tháng ngày thanh bình, trên quê hương Việt Nam thửa xa xưa. Chiều hôm nay, chúng tôi mua  năm xâu cua, độ hơn ba chục con, để nấu bún riêu cua. Nhưng vì người cháu chúng tôi đã nhờ bạn bè mua tôm hùm, cua dừa, nên chúng tôi đành cho cua vào bao gạo, cột miệng bao lại và thả xuống biển. Chính vì thế mà ngày hôm sau khi kéo bao cua lên, thì hỡi ôi chúng nó đã chết tự lâu rồi. thế là hụt ăn món bún riêu cua.

Thứ ba 25/11/08

Tái dê.  Chúng tôi đã dặn người tài xế xe buýt từ hôm qua, mua giùm chúng tôi một con dê đực độ một năm tuổi, với giá 5000 tiền Vatu. Sáng nay, anh ta đã mang con dê đến cho chúng tôi từ sáng sớm. Tôi và anh Trường, tắm rửa cho nó sạch sẽ trước khi đem đi hiến tế ngay phía bên kia vệ đường. Việc cắt tiết dê thì đó là nghề giải phẫu của tôi, tôi cột hai chân sau nó lại, treo nó lên cao, cắt sạch lông cổ phía bên trái. Tôi cẩn thận cắt da ngang cổ, vết cắt dài độ 5 centimét, dọc xuống theo chiều dài của cổ con dê 5 centimét. Dây động mạch cổ được nhìn thấy nằm song song với dây tĩnh mạch. Tôi  lấy chiếc đũa tre đã được vót nhọn, xuyên qua và khều sợi động mạch ra phía bên ngoài. Một tay tôi nắm lấy nó và một tay cầm dao nhỏ để cắt đứt sợi động mạch. Trong khi đó anh Trường tay đã cầm sẵn ca đựng rượu mạnh để hứng lấy máu dê hòa lẫn với rượu, theo các cụ nói thì uống vào sẽ bổ khí huyết. Chả biết có đúng không, nhưng dân nhậu chúng tôi cứ thi nhau uống ừng - ực, mà chẳng thấy có phản ứng gì cả. Phần máu còn lại, được hứng vào tô đã có pha sẵn muối để hãm cho khỏi bị đông, dành để đánh tiết canh.  Anh Huyền và anh Trường chịu trách nhiệm kiếm rơm cỏ, giấy về thui. Chỉ độ nửa tiếng sau thì con dê đã được thui vàng toàn thân. Chúng tôi đem về đằng sau nhà, tắm rửa và ra thịt.  Thái tái là nghề của anh Trường, nhìn miếng thịt tái chưa được rắc thính, mà tôi đã thấy muốn rón ăn ngay, thì cũng biết nó tươi ngon cỡ nào rồi. Tôi bấm bụng, điệu này anh em tôi lại có dịp cưa đứt một chai Cognac XO. Ấy là chưa kể đến hai viên ngọc của nó, được hấp chưng cách thuỷ với hành nữa. Ngon ơi là ngon, tuyệt ơi là tuyệt. Về phía các bà thì làm món dê sào lăn, dê nấu rựa mận. Chiều hôm ấy chúng tôi cũng mời gia đình bác Đại, nhưng chỉ có ba bố con bác ấy tham dự tiệc vui, vỉ bác gái bận việc không đến được. Trong khi thưởng thức món tái dê mềm, thơm ngon, bác Đại hỏi chúng tôi có biết ăn thịt chó không. Tôi kể một hơi các món nhậu tuyệt hảo của thịt chó tại Hàng Xanh, Ngã ba Ông Tạ, Ngã ba Tam Hiệp. Bác ta nghe mà phục chúng tôi hết sức. Và bác Đại cho biết nhà có một chú cầy tơ, bác ấy sẽ làm thịt để đãi chúng tôi, thưởng thức món quê hương trước khi chúng tôi trở về lại Úc. Người con Út của bác cũng nói sẽ cho chúng tôi thưởng thức món thịt dơi, anh ta vừa mới săn bắn được vào tuần trước. Chúng tôi nghe thấy được ăn các món ăn quý hiếm tại Vanuatu. Lòng thầm vui khi gặp được những người, chan chứa tình người như gia đình bác Đại.

Thứ tư, ngày 26/11/08

Đi câu cá biển. Theo kinh nghiệm của anh Kông đã có dịp đi câu cá biển lần trước, thì chúng tôi chịu khó thuê xe đi xa thành phố một chút thì giá tiền cho dịch vụ câu cá rất rẻ, và mình có quyền mang cá câu được về nhà. Nếu như chúng tôi xuống tàu ngay tại Port Vila thì giá mắc gấp ba lần và mình không được lấy cá mang về. Vì dân du lịch chỉ thích đi câu chơi mà thôi. Chúng tôi khởi hành lúc 0800 giờ sáng, đi qua thành phố về hướng thác nước nhiều tầng hôm nọ, tiếp tục chạy xe qua núi Mt. MacDonal, vượt qua những cánh rừng già độ khoảng một giờ lái xe, chúng tôi đã đến được bãi biển tuyệt đẹp. Người dân lo dịch vụ đi câu biển đã chờ sẵn chúng tôi trên chiếc thuyền canô sơn màu vàng. Anh Trường, tôi và người cháu bước vào chiếc ca nô để cùng người dân bản xứ đi ra khơi câu cá. Mặt biển phía trong bờ bằng phẳng và im lặng như tờ, tôi nghĩ thầm thế mà anh Huyền lại dặn dò mọi người kỹ lưỡng, phải uống 2 viên thuốc say sóng, tôi không tin và không uống, vì ngày xưa tôi đã lái tàu vượt biên suốt 5 ngày đêm mà nào có hề hấn gì. Chiếc canô càng ra xa, sóng càng nhiều và tôi thấy làm thích thú vì chuyến đi câu này làm tôi gợi nhớ chuyến hải hành vượt biển ngày xưa. Độ hơn một giờ sau, chúng tôi đã ra tới chỗ câu, nơi đây có một chiếc phao nổi. Người lái cho chiếc canô chạy một vòng quanh chiếc phao nổi, một vài con chim to bay nhởn nhơ và đậu lại trên chiếc phao. Bỗng người lá chiếc canô cho máy chạy chậm lại rồi ngưng hẳn tiếng  kêu kèn kẹt của một cần câu phía sau tàu. Tôi chưa kịp hỏi lý do thì anh Kông người cháu của tôi quay về phía sau chiếc canô và chỉ về hướng một con cá to độ 10 ký, dài chừng 1 mét, màu vàng tuyền đang cố phóng theo chiếc canô. Người bản xứ gọi nó tên là cá Mahimahi. Loại cá này có thể ăn gỏi rất ngon, anh ta hỏi chúng tôi có mang theo máy chụp hình theo không, nhưng máy chụp ảnh chúng tôi để lại trên bờ. Thật là tiếc, vì con cá da màu vàng này sẽ biến áât màu khi nó chết. Lần đầu tiên tôi được cầm cần câu để quay con cá to như thế lên khoang thuyền. Có lẽ vì thế mà không biết mệt.  Người dân bản xứ cho canô chạy thêm vài vòng nữa nhưng không bắt thêm được con nào nữa cả. Chiếc canô đổi hướng khác để tìm chỗ câu cá Ngừ. Ở đâu có chim trời bu lại thì đó có cá. Những người đánh cá giỏi, đều biết câu nói này của các cụ ngày xưa. Chúng tôi nhìn từ xa đã thấy từng đàn chim xà xuống biển, thế là chiếc canô cứ nhắm hướng ấy mà lao thẳng tới, chẳng mấy chốc tiếng canô nổ nhỏ dần và ngừng lại thay vào đó tiếng kêu bạc đạn của ổ líp cần câu vang lên. Hai con cá ngừ to độ trên 2 ký đã dính mồi giả. Chúng tôi quay kéo nó lên một cách khó khăn, vì loại cá này khi đã cắn câu thì tìm cách chui sâu xuống đáy biển. Chính vì vậy mà tôi mệt đừ, khi quay được con cá thứ sáu lên khoang thuyền. Sau khi chúng tôi hụt mất 2 con cá Ngừ khi kéo nó sát tới khoang thuyền. Chúng tôi quay trở về bến sau khi dã ở ngoài khơi gần 4 tiếng đồng hồ. Anh Trường và tôi đều mệt lả người, có lẽ vì sóng nhồi,  tuổi đời không còn trai trẻ như xưa, và có lẽ vì bữa thịt dê ngày hôm qua, nên khi chúng tôi lên bờ là nằm lăn quay ra đánh một giấc cho tới lúc ra về. Chiều hôm ấy chúng tôi ăn một bữa cá hấp no nê.

Thứ năm 27/11/08

Thịt Dơi (Flying Fox) của xứ Vanuatu. Bác Đại mang đến cho chúng tôi bảy con dơi đã được lột da sẵn sàng, mỗi con cân nặng độ bảy lạng. Thịt dơi đỏ, chúng tôi làm món dơi rựa mận, kho nước dừa, mẻ, xả.  Vì hãy còn món cá ngày hôm qua đầy trong tủ, món cháo cá có vẻ hấp dẫn cho chúng tôi, vì nó ngon tươi và giã rượu. Các bà có dịp ăn món thịt dơi để bồi bổ sức khỏe. Ngày hôm nay chúng tôi ở nhà nấu ăn, như chương trình đã hoạch định, cứ một ngày đi chơi ở ngoài, thì một ngày ở nhà nghỉ ngơi và bồi dưỡng. coi phim điệp viên, phim khoa học giả tưởng. Ban đêm cá vẫn nhẩy lên khỏi mặt nước, đùa giỡn với mặt nước biển, nhưng chẳng có con nào chịu cắn câu.

Thứ sáu 28/11/08

Đi thăm công viên, bảo tàng viện quốc gia. Ngày hôm nay, mọi người thuê xe đi thăm bảo tàng viện quốc gia và chụp hình cái máy chém, các thú vật, như rắn, kỳ nhông. Các bà lại có dịp đi sắm đồ. Riêng tôi vì mệt nên đành ở nhà mở máy luyện phim cho đến chiều, đợi các bà về làm đồ nhậu ăn tối. Anh em chúng tôi ăn uống cho đến khuya, cần cần câu ra ngồi lan can. Dù đã thay đổi đủ loại mồi từ mồi giả, đến mồi thật nhưng chẳng bắt được con cá nào lớn hơn 2 lạng. Thất vọng. Chúng tôi lắc đầu hỏi nhau, cá ở đây không biết chúng ăn gì để sống.

Thứ bảy 29/11/08

Thịt cầy. Khoảng giữa trưa, thì con trai bác Đại đến và mang cho chúng tôi 2 đùi thịt chó đã thui, như lời bác đã hứa hôm ăn thịt dê. Bác con dặn người con trai mang đủ các thứ gia vị như giềng, mẻ, xả, mắm tôm, để chúng tôi có thể nấu rựa mận, thịt luộc, thịt nướng. Món thịt này thì tôi với anh Trường và người cháu lại phải nhờ chai rượu Cognac để đưa cay. Ăn lá mơ, và canh rau ngót để phòng ngờ ăn thịt chó bị nóng người. Ôi! Một bữa nhậu thịt cầy để nhớ quê hương, chúng tôi nhớ đến những buổi ngồi quán thịt cầy ở Tân Mai, Tam Hiệp, hay ở Ngã ba Ông Tạ, Hàng Xanh, và Thị Nghè. Cứ một miếng thịt lại một lần nâng cốc. Quyết tâm phải chén một bữa cho đã, vì đúng nó rồi. Mai mốt về Úc biết có còn được gặp nó nữa hay không. Bữa cơm trưa hôm ấy giá mà không phải đi lễ thì khó mà đứng dậy nổi.

Sau thánh lễ sáu giờ chiều. Chúng tôi nhờ sơ Xinh dẫn đường đến thăm nhà thờ do giáo dân Việt Nam ở Vanuatu xây dựng, cách thành phố Vanuatu không xa lắm.

Nhà thờ Đức Bà là Cửa Thiên Đàng, hay còn gọi là nhà thờ Thiên Môn. Do công lao đóng góp của bà con Công Giáo  cùng với cha Vịnh xây dựng lên. Con đường dẫn vào nhà thờ nay đã bị nước chảy soi mòn thành rãnh, không được sửa sang. Chúng tôi leo lên cầu thang xây ở hai bên cửa chính bên ngoài của nhà thờ, để có thể đọc rõ hàng chữ viết trên gần đỉnh nóc nhả thờ, với con số năm 1954-1990. Và hàng chữ: “Đức Bà là Cửa Thiên Đàng” vì trời đã tối. Chúng tôi bật đèn xe nên để có ánh sáng chụp vái tấm hình lưu niệm trước những bảng đá ghi tên người quá cố ở ngay sát cạnh nhà thờ. Cái bóng tối cộng thêm cái vẻ hoang vu, điêu tàn của khuôn viên thánh đường làm tôi có linh tính rằng nơi đây là vùng đất chết, hay ít người qua lại, viếng thăm.  Tối hôm ấy,tôi nhớ lại những câu chuyện mà tôi nghe được khi hỏi về sự sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở đây. Trường dạy học tiếng Việt ở đây không có, mặc dù đã có sự hiện diện của dân ta từ những năm đầu thế kỳ XX. Ngày xưa, trước khi độc lập (1980), số dân cư người Việt còn đông, có đến tám đội banh bóng tròn, đá rất giỏi. Mọi người sống đoàn kết, kính trọng lẫn nhau, cùng nhau vui sống trong tình anh em. Thế nhưng ngày nay, số người Việt còn ở lại đảo này quá ít, vì đa số đã di dân qua Tân đảo (Noumea) để sinh sống vì đảo này hãy còn thuộc về của Pháp. Khổ một nỗi là càng ít người thì càng ít đoàn kết. Nên đành sống riêng rẽ riêng một góc trời nào đó mà thôi. Chuyện của ai thì nhà ấy lo, ai hơi đâu mà ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Còn một lý do khác nữa là con cháu của người Việt đều đi du học và sinh sống ở Úc, ở Pháp. Chúng đâu cần học nói tiếng Việt làm chi. Các ông bà già chết gần hết thì còn đâu tinh thần Việt Nam. Nghĩ đến đây tôi giật mình lo sợ cho tương lai con cháu người Việt nam đang sống ở Úc, tôi lo sợ những trung tâm Công Giáo Việt Nam tại Úc, có một ngày nào đó cũng bị bỏ hoang, không người sửa sang, không người lai vãng vì thiếu đoàn kết hay thiếu vị chủ chăn đạo đức và hy sinh phục vụ Chúa vì phần rỗi của tha nhân. Tôi miên man suy nghĩ và thiếp vào giấc ngủ say lúc nào không biết. Thoáng một cái là hết một đêm. Trời lại sáng.

Chúa Nhật 30/11/08

Ngày về. Hôm nay chúng tôi phải thức dậy sớm hơn mọi khi, để chuẩn bị hành trang trở về Úc, Khi đi thì các bà mang theo thực phẩm thức ăn, nhưng khi về thì các bà lo đóng gói mang về quần áo, tặng phẩm, những thứ đã mua sắm trong suốt 10 ngày qua. Chúng tôi ăn cơm sớm, để kịp giờ ghé thăm chào giã biệt và cám ơn tấm chân tình mà gia đình bác đã dành cho chúng tôi. Chỉ có mười ngày sống chung thôi, mà các con của người cháu chúng tôi đã thấy buồn, khi chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt. Trên đường ra phi trường chúng tôi có ghé thăm lại nhà thờ Thiên Môn một lần nữa, để thấy rõ cảnh nhà thờ bỏ hoang như đang chờ một linh mục nào đó từ Úc, từ Noumea hay một nước nào đó qua du lịch và đến nơi đây dâng lể cho người Công Giáo Việt Nam bằng tiếng Việt. Tôi cũng tìm gặp được gia đình anh chị Xứng Vinh, chị Vinh người xứ Bùi Thái lấy chồng qua đây vào cuối năm 1974. Nhưng vì thời gian có hạn nên đành chia tay để kịp giờ chuyến máy bay lúc 1400 giờ. Chúng tôi đến Úc được bằng an, không gặp trở ngại như lúc đi. Chúng tôi mang về nỗi nhớ, niềm mong ước có ngày tái ngộ với người thân, người đồng hương và với đảo quốc Vanuatu mà chúng tôi chưa có đủ thời gian để đi hết những đảo lớn như đảo Santô, Tanna. Xin gởi lại niềm vui, tình thương yêu và nỗi nhớ đến với những người còn đang sống tại Vanuatu. Xin trả lại sự yên tĩnh và ngăn nắp cho gia đình người cháu, với tấm lòng biết ơn vì đã cho chúng tôi những ngày nghỉ holiday tuyệt vời tại đảo quốc Vanuatu này. Thôi nhé! Hẹn ngày tái ngộ.

Thụy Miên.

khong
2/24/2016 05:23:38 pm

Bài viết hay, diễn tả được lòng xa xứ và niềm hoài cổ, cũng nh7 miêu tả cảnh thực của những ngày du lịch thư giản

Reply



Leave a Reply.