Cách đây ba mươi năm, hồi làn sóng người tỵ nạn mới đến Úc. Người ta khi gặp nhau thường hay nói đến chuyện mua được xe mới, xe nhập, nhất là các thanh niên thì tràn đầy hy vọng là có phương tiện để chở người yêu đi lễ, đi làm hay đi chơi và sau đó là hy vọng cưới được người mình yêu. Dần dần cuộc sống ổn định, người ta khi gặp nhau thì lại hỏi thăm nhau về việc mua nhà, nhà gạch hay nhà cây, và ở vùng nào .
 Bây giờ các bậc cha mẹ khi gặp nhau thường hay hỏi thăm nhau về sự học hành của con cháu, bàn tán về sự học kèm để thi vào trường tuyển công lập, thi lấy học bổng vào các trường tư thục hay học kèm để con cái họ thi tốt nghiệp trung học đạt được kết quả tốt. Hiện tượng này tạo nên phong trào cha mẹ đua nhau cho hoặc bắt con đi học kèm với hy vọng con mình học hành bằng con người ta, để hy vọng con mình sẽ vào được đại học với các ngành nghề đòi hỏi số điểm cao.

Học kèm, hiểu theo tiếng dân gian ngày xưa thì nó có nghĩa là một học sinh còn yếu kém về một môn học nào đó của năm học nên phải tìm thầy để được dậy thêm, cắt nghĩa thêm hay giảng giải, ôn lại căn bản cho học sinh ấy về môn học ấy. Ngày nay chữ học kèm còn có nghĩa là tìm thầy dạy cho con cái mình biết cách làm bài thi, hoặc để thầy dậy cho các em làm các bài thi tương tự như kỳ thi thật, để chúng có thể đạt được điểm cao trong các kỳ thi thật.

Hệ thống giáo dục của nước Úc về thi cử khác nhau tùy theo tiểu bang, nhưng về hệ thống các trường học thì đều có như nhau: Trường công lập, trường tuyển công lập, trường Công Giáo, Anh Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo và các trường tư thục mắc tiền.

Quý vị phụ huynh có con em học ở các trường công lập của chính phủ, không phải đóng tiền học, có thể quí vị đã suy nghĩ rằng vì học ở trường công không phải đóng tiền, nên việc dạy dỗ không được chu đáo.  Có thể vì con cái của họ phải học chung với những đứa trẻ phá phách, không chăm chỉ chịu học nên ảnh hưởng tới việc học của con mình nên tìm thầy cho cháu học thêm ư?

Thực tế lại khác, vì bây giờ đa số các em đi học kèm là những học sinh từ các trường tư thục, công giáo, công lập và ngay cả trường thi tuyển cũng đều đòi học kèm hay bị cha mẹ bắt đi học kèm.

Con cái của qúi vị xin đi học kèm vì thầy giáo giảng không hiểu, vì thầy cô không dạy kịp theo chương trình mà ngày thi thì đến gần. Hay cũng có thể vì bạn bè của chúng được học kèm, nên rủ chúng đi học cho có bạn.

Cha mẹ bắt con đi học kèm vì mong con mình đạt được điểm cao để hy vọng chúng vảo được ngành cần điểm cao như Y, Nha, Dược, Kiến Trúc, Luật Sư…Từ hai luồng tư tưởng trên, đã khiến cho chúng ta là những bậc làm cha mẹ đang có con ở tuổi học sinh cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng.

Học kèm vì con cái chúng ta cảm thấy thua bạn bè trong lớp. Xin qúi vị phụ huynh theo dõi và nghe ngóng về học lực của con mình qua những buổi gặp gỡ với các thầy cô ở mỗi cuối học kỳ, để biết về những ưu và khuyết điểm của chúng. Tìm hiểu những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc học hành của chúng, thí dụ như: không chịu làm bài tập ở nhà, mải coi Tivi, video, chat trên internet, hay nhiều khi bị bạn bè phá phách trong lớp nên không tập trung học được. Và nhất là tình trạng các thầy cô chưa cố gắng đủ hay chưa có kinh nghiệm truyền đạt lời giảng dạy cho học sinh được thấu hiểu môn học. Việc nói chuyện trực tiếp với các thầy cô là cần thiết, thế nhưng nhiều khi chúng lại gây ảnh hưởng ngược lại là có em bị thầy cô ấy “đì” đến nỗi chúng không còn muốn hỏi gì nữa cả, theo lời một vài người bạn Úc của tôi kể lại và giải quyết cuối cùng là họ đã xin đổi trường cho con của họ.

Nếu học lực của các em thật sự yếu kém với chúng bạn trong lớp, thì việc học kèm là chính đáng.  Thế nhưng! Học kèm ở đâu, thày nào dạy, thầy dậy có những bằng cấp gì, về môn gì hay đang dạy học ở trường nào, bao nhiêu năm kinh nghiệm, hoặc trường nào tổ chức dạy kèm, đã có bao nhiêu em đạt được điểm cao sau khi học kèm từ trường ấy, từ thày ấy về cái môn học mà chúng ta xin cho con của chúng ta đến học kèm. Đó là những câu chuyện đầu môi chót lưỡi của các ông, các bà khi gặp nhau, “Cháu học kèm ở đâu vậy chị?”.

Cũng có em đang học ở các trường công lập phải thi tuyển vào học hay đang học ở các trường tư thục mắc tiền thế mà cũng vẫn đòi đi học kèm môn này, môn nọ. Bộ nhà trường dậy học chưa đủ hay sao?  Cha mẹ lại phải cố gắng làm việc thêm để có tiền cho con ăn học để bằng chị bằng em.  Chính vì thế mà sự chọn lựa thày để cho con cái chúng ta học kèm cần phải kỹ lưỡng, vì thầy dậy dở cũng là thầy mà thầy dậy giỏi cũng là thầy. Xin quí vị phụ huynh tìm hiểu trước khi cho con chúng ta theo học, kẻo tiền mất, và thì giờ của con cái chúng ta cũng mất, mà con của chúng ta thì không đạt được như quí vị mong ước.

Trường hợp “học kèm” vì ý của cha mẹ muốn con mình đạt được điểm cao trong kỳ thi vào trường tuyển hay kỳ thi tốt nghiệp trung học. Có nhiều cha mẹ không chịu tìm hiểu về sở thích cùa con mình về các môn chúng thích học. Cha mẹ đã bắt con cái ghi danh các môn khác ý của các em, như các môn toán đặc biệt, vật lý, cơ thể học, hóa học…Trong khi con của họ chỉ muốn học môn kế toán, nghệ thuật, âm nhạc, thương mại, văn chương. Họ bỏ tiền ra cho con cái học thêm mà chúng không thích. Hy vọng chúng nhờ học kèm mà đạt được điểm cao, để vào được các ngành như họ muốn, để họ khỏi tủi hổ với bạn bè có con học cùng lớp hoặc cùng trình độ.

Cổ nhân có câu nói: “Muốn là đã được phân nửa”. Nhưng đây là cái muốn của bậc làm cha mẹ chứ đâu phải cái muốn của các em. Chính vì thế, sự học kèm lại trở nên là gánh nặng thêm cho con cái của chúng ta, vì phải học các môn chúng không thich. Mà đã không thích thì học chỉ là gượng gạo mà thôi.

 Xin được phép mời quí vị phụ huynh của các em học sinh đọc câu chuyện của bả mẹ hai ông Giacôbê và Gioan, con của ông Giêbêđê, trích theo sách Tin Mừng của thánh Matthêô như sau: “Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai đứa con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các con không biết điều các con xin. Các con có thể uống chén mà ít nữa đây Thầy sắp uống chăng?”. Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các con sẽ uống chén của Thầy, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”. Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em. Chúa Giêsu gọi các ông lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt. 20: 20-27).

 Kính thưa quí vị phụ huynh. Tôi xin được phép viết vài lời cùng các em học sinh.  Các em cần hiểu rõ mục đích, lý tưởng mà các em đi học để sau này làm gì.  Mục đích học ấy sẽ giúp chúng em biết phải học như thế nào, và các em cần sự giúp đỡ về các môn học như thế nào, để cho đạt được mục đích ấy. Mục đích của việc học cần phải đặt ra để nhắc nhở các em quyết tâm theo đuổi việc học hành cho bõ công sức, giờ giấc và tiền của mà cha mẹ cũng như các em đã phải hy sinh.  Tuy nhiên, mục đích học của các em phải dựa vào thực lực của bản thân, trí óc và sự thông minh, cùng sự cần cù của chính mình, nó phải nằm trong vòng tay mà các em có thể với tới được, đừng như câu chuyện kể về con cóc muốn to bằng con bò trong câu chuyện cổ tích ngày xưa mà làm hại bản thân.

Câu hỏi mà các em cần phải đặt ra là: Em bây giờ cố tâm học, để sau này làm gì, để trở thành nhân vật  như thế nào trong xã hội.

Hơn thế nữa các em là người học sinh Công Giáo, các em cần phải hiểu rõ mục đích học của mình là: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” mà đoạn phúc âm của thánh Matthêu kể trên đã nói cho chúng ta hiểu được ý Chúa Giêsu  muốn. Các em trở nên người tài giỏi, trở nên những người lãnh đạo, để phục vụ tha nhân. Các em cũng cần bày tỏ những ước mơ, lý tưởng của mình cho thày cô giáo trong trường học, cho cha mẹ hay anh chị trong gia đình để họ biết mà giúp đỡ và cầu nguyện cho các em.

Có nhiều em học lớp mười mà vẫn chưa biết rõ mình sau này sẽ theo học ngành gì để chọn môn học. Phải chăng đây là sự thiếu sót trong việc tìm hiểu năng khiếu và trong việc giúp con cái chọn lựa nghề nghiệp ngay từ khi còn bé. Nếu các em muốn trở thành những khoa học gia vể không gian thì cần phải học biết những điều về không gian. Những em muốn trở thành tu sĩ thì cần luyện tập các nhân đức, học tập về kinh thánh, học tập cách phục vụ, giúp đỡ tha nhân.  Những em muốn trở thành nhà kinh doanh thì cần biết tính toán, điều hành nhân viên, học tập cách xã giao…

Qua đoạn phúc âm của thánh Matthêu kể trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói với hai môn đệ là  muốn vào được nước trời cùng với Chúa Giêsu thì các ông bây giờ phải uống được chén đắng của Người. Các ông phải chịu đau khổ, chịu nạn và chịu chết  trước khi được hưởng sự vinh quang trên nước của Chúa. Cũng thế, các em muốn vào được các ngành nghề mình muốn, thì trước hết các em phải cố gắng học tập để đạt được đủ số điểm mà nhà trường yêu cầu. Các em cần phải cố gắng học tập hết sức của mình, đừng lãng phí thời gian vào các việc không bổ ích cho việc học thì mới hy vọng đạt được kết quả tốt trong kỳ thi. Đấy mới là điều chính yếu các em phải làm. Chính vì thế, các em hãy cầu xin cùng Thiên Chúa cho các em biết việc phải lảm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho các em từ khi khởi sự cho đến khi hòan thành, để mọi việc được hòan thành đẹp lòng Chúa.

Về phần các phụ huynh, xin quí vị tìm hiểu kỹ lưỡng về tài năng sức học và những mơ ước, lý tưởng của con em mình và tìm cách giúp đỡ chúng đạt được những lý tưởng, những ước mơ của chúng hơn là buộc chúng học kèm những môn chúng không thích hay không có đủ khả năng, để hòan thành những ước mơ cho mình hơn là cho con cái của chúng ta.

Cầu chúc quí vị phụ huynh tìm thấy sự bình an của Chúa qua việc học hành hàng ngày của các em học sinh, con cái của chúng ta.

Thụy Miên




Leave a Reply.