Người ta đang từ cuộc sống giàu có, sung sướng nay phải đổi sang cuộc sống nghèo khó, vất vả. Hay đang từ cuộc sống phóng túng nay phải sống gò bó trong kỷ luật. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta phải cố gắng lắm mới vượt qua những khó khăn ấy được. Chúng ta khi học tập điều gì mới thì đã cực nhọc lắm rồi, nay nếu chúng ta phải từ bỏ thói quen suy nghĩ cũ để học lối suy nghĩ mới, đôi khi lối suy nghĩ mới lại trái ngược lại với cách chúng ta đã suy nghĩ từ trước đến nay thì thật là vất vả lắm thay.

 Ngày xưa, lúc tôi đi nhập ngũ. Những tuần lễ đầu tiên là phải học tập cách đi đứng cho ra kiểu nhà binh, tập hít thở, cách ngồi, nằm, trườn, bò cho đúng cách. Toàn những chuyện nghe lạ tai và nhiều anh em đã bị phạt vì làm sai. Ngay từ lúc còn bé tí teo, tôi đã được tập lật, tập trườn, tập bò rồi tập đứng, tập đi, tập chạy. Tôi đã dầy dạn kinh nghiệm vì nhiều lần té ngã u cả trán, sưng cả đầu. Thế mà giờ đây các huynh trưởng hướng dẫn khóa sinh bắt chúng tôi học lại từ đầu. Và khi khóa học bắt đầu chúng tôi mới khám phá ra là từ trước tới giờ mình đã đi trật nhịp, hít thở không đúng cách. Cả tám tuần lễ huấn nhục, chúng tôi đều phải đi diễn hành tại sân vũ đình trường vào chiều thứ bảy. Nếu đại đội khoá sinh nào đi đều hàng, đúng nhịp thì sẽ được về phép cuối tuần. Theo thường lệ, cứ mỗi hai tuần chúng tôi được đi phép cuối tuần một lần, còn nếu không thì tuần đi phép ấy kể như không có, đành ở lại ăn cơm quân trường vậy.

Đại hội giới trẻ năm nay vừa được tổ chức trong tháng bảy vừa qua tại Sydney . Chắc các bạn đã được nghe giảng thuyết rất nhiều về vai trò quan trọng của Chúa thánh Thần trong đời sống đức tin của người tín hữu, cũng như trong sự phát triển của giáo hội, và nhất là trong vấn đề truyền giáo. Hầu hết các bạn đã có ý niệm muốn đổi đời, đổi mới cuộc sống của mình. Thay đổi từ cách suy nghĩ đến tư tưởng lời nói và việc làm để phục vụ cho Nước Chúa có hiệu quả hơn. Tôi đoán chắc các bạn cũng sẽ phải chiến đấu dũng cảm với chính bản thân mình và vất vả lắm thay.

Chúng ta biết rằng sau khi Chúa Giêsu về trời được mười ngày thì Chúa Thánh Thần là đấng Phù Trợ chúng ta đã được sai đến với thế gian, như lời Chúa Giêsu cầu xin cùng với Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần cho những ai thuộc về Người. Sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên đầu các tông đồ qua hình lưỡi lửa. Người đã ban các ơn của Người và biến đổi các ông. Từ những con người yếu đuối, nhút nhát, sợ sệt, ít học, bình dân nay họ trở thành những người can đảm, khôn ngoan, thông thái, nói được nhiều thứ tiếng lạ, và dũng cảm tuyên xưng đức tin bằng cách đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cho đến bây giờ, Chúa thánh Thần vẫn còn đang đồng hành với chúng ta trên bước đường truyền giáo để phát triển giáo hội, mở mang Nước Chúa. Người chia sẻ những bước chân gian khổ, những thiếu thốn, khó khăn, những hiểm nguy, bách hại của các vị truyền giáo, và Người bảo vệ hội thánh Chúa đến muôn đời.

Hôm nay đây, chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần cho chúng ta nhìn ra sự việc một cách hoàn toàn khác hẳn với cái nhìn thuở xưa, khác với cái nhìn thông thường dưới con mắt loài người của chúng ta. Không phải là cái nhìn trục lợi, cái nhìn khinh bỉ, cái nhìn căm hờn, cái nhìn van lơn. Nhưng Chúa Thánh thần đã giúp chúng ta nhìn cảnh vật, nhìn tha nhân dưới cái nhìn tràn đầy lòng yêu thương, trìu mến và tha thứ. Vì Người là Thiên Chúa của Tình Yêu. Người sẽ sinh hoa trái tình yêu cho những ai mộ mến Người. Với con mắt đức tin và trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có cái nhìn mới về tha nhân, cái nhìn của sự yêu thương tha nhân như yêu chính mình vậy.

Cái nhìn mới này giúp chúng ta đổi mới trong cách suy nghĩ về tha nhân. Lối suy nghĩ mới tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết nghĩ đến những người đang sống trong cảnh nghèo khổ, những người kém may mắn, bệnh tật, già lão. Lối suy nghĩ này cũng giúp chúng ta biết nghĩ đến và cầu nguyện cho những nạn nhân kém may mắn do thiên tai động đất, bão lụt, hỏa hoạn hay do loài người gây nên.

Từ cách suy nghĩ tốt lành về tha nhân. Chúng ta được Chúa Thánh Thần tác động để thực hiện những việc hy sinh, bằng những việc làm hữu ích như: Các cuộc lạc quyên đóng góp tiền bạc, vật chất, hay bằng những sự chia sẻ nỗi khổ đau với nạn nhân qua chén cơm, manh áo, hoặc có thể bằng những việc làm chăm sóc trực tiếp. Cũng từ cách suy nghĩ mới tràn đầy ơn của Chúa Thánh Thần này đã dẫn đưa chúng ta đến những quyết định thứ tha cho những kẻ lầm lỗi, nhường nhịn kẻ ganh tị, cầu nguyện cho kẻ thù, và nhất là biết hy sinh bản thân để danh Chúa được cả sáng. Những việc làm tốt lành cho tha nhân sẽ làm tăng sức sống đức tin của chúng ta và cho chúng ta phần thưởng Nước trời, vì như thánh Máthêu đã viết: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời” (Mt. 7: 21).

Các bạn thanh niên giới trẻ Công Giáo thân mến. Phải chăng ngày nay nhân loại đang sống trong cảnh thiếu tình thương của đồng loại. Những cảnh đói khát, nghèo khổ, chém giết, chết chóc vì hận thù, chiến tranh và khủng bố. Những cảnh hà hiếp kẻ cô đơn, tham nhũng, trộm cắp đang lan tràn khắp mọi nơi trên thế giới. Dân số thế giới hiện nay theo những nhà thống kê cho biết là khoảng 6 tỷ người, trong đó có 1.1 tỷ là người Công Giáo, số còn lại gần 5 tỷ người chưa biết Chúa hay có những người không tin vào Chúa. Họ sống trong ích kỷ, trong chiếm đoạt sở hữu của kẻ khác. Họ sống trong uy quyền của kẻ mạnh thì được, kẻ yếu bị thua. Họ chỉ biết sống và yêu chính họ mà thôi. Họ không tin có đời sau, nên họ chi biết có hiện tại. Họ sống trên nhung lụa còn biết bao nhiêu người đang sống lầm than vất vả.

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện mà tôi đã được nghe trong một bữa tiệc. Có một người nêu lên câu hỏi: “Làm thế nào để chữa được bệnh nghèo”. Vì nghèo đã làm cho người ta sống khổ sở không thua gì các loại bệnh khác. Có người thì cho rằng, nếu họ tìm được mỏ kim cương hay mỏ vàng thì có thể trở nên giàu có và hết nghèo. Có người cho rằng siêng năng, chịu khó làm việc nhiều giờ thì lâu ngày cũng thoát khỏi cảnh nghèo. Có người cho rằng nếu làm ăn, mà được trúng mùa thì sẽ phát đạt và sẽ hết nghèo. Có vị Linh mục cho rằng: “Chỉ khi chết thì mới hết nghèo”. Câu trả lời của vị linh mục này thoạt nghe có vẻ bi quan, nhưng hợp lý với những vị chân tu, nam nữ tu sĩ. Các vị này đã khấn nguyện suốt đời theo Chúa, họ từ bỏ ông chủ tiền bạc, để sống khó nghèo và theo bước chân Chúa Giêsu, tôn thờ Thiên Chúa làm chủ đời sống của mình đến trọn đời. Những vị chân tu này chấp nhận sống nghèo và bù lại Chúa đã cho họ thật giàu lòng nhân ái.

Cuối cùng, câu trả lời được mọi người đồng ý nhất là: Nếu nhân loại có được “tình người”, và biết san sẻ tình người cho nhau thì lúc đó nhân loại mới hết nghèo.

Đúng thế, chỉ khi nào nhân loại nhận thức được rằng của cải, vật chất ở trên thế gian này là do Thiên Chúa tạo dựng nên cho mọi người được hưởng nhờ chung và chỉ khi nào các quốc gia giàu có biết quan tâm giúp đỡ các quốc gia nghèo đói, hay các quốc gia văn minh biết chia sẻ những sự văn minh ấy cho các nước chậm phát triển. Người có của ăn biết chia sẻ cho người không có, người có hai áo chia bớt cho người không có áo để mặc, người thu thuế không lấy hơn số thuế đã được ấn định và người lính bằng lòng với số tiền lương mà họ được trả, không hà hiếp dân chúng. Có như thế thì cảnh nghèo đói mới chấm dứt và kết quà là niềm vui sẽ đến với mọi người sống trên trái đất này.

Ước gì! Tất cả con cái của Thiên Chúa đều biết vâng giữ giới răn của Người. Cũng như dám dấn thân để thực hiện lời di ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu là đi giảng dậy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt. 28:19). Nghe và nói thì dễ nhưng làm thì thật là khó thực hiện phải không các bạn. Nếu chúng ta không được Chúa Thánh Thần ban ơn, trợ giúp và cùng đồng hành với chúng ta trên bước đường truyền giáo.

Tôi giật mình suy nghĩ không biết ngày xưa khi tôi được rửa tội, thì có số thứ tự của người tín hữu như số quân khi tôi gia nhập quân đội hay không? Vì tôi sợ rằng sau này đến trước tòa phán xét, Thiên Chúa sẽ gọi tôi bằng con số thứ tự ấy mà xét sử linh hồn tôi. Cái tội của tôi là thờ ơ làm việc truyền giáo, tôi chỉ biết theo đạo và giữ đạo cho tôi mà thôi. Tôi không làm điều gian ác, tôi không bóc lột ai. Thế nhưng câu chuyện trong phúc âm của thánh Luca về người phú hộ và người ăn xin Lagiarô (Luca 16:19-31), đã khiến tôi giật mình sợ hãi về giới răn thứ hai của Chúa. Mọi người chúng ta đều biết rằng, từ khi chúng ta được tái sinh trong nước và trong Chúa Thánh Thần, Chúng ta được gọi là nghĩa tử của Thiên Chúa, chúng ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa, được che chở, bảo vệ và yêu thương.

Để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa, chúng ta cần phải can đảm tuyên bố nhận Chúa trước mặt thiên hạ, sống giữ giới răn của Chúa, và đi giảng dậy cho muôn dân.

Ngày xưa lúc tôi còn bé tí teo, mẹ tôi đã tập cho tôi biết làm dấu thánh giá: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Mỗi buổi sáng thức dậy, trước khi đi ngủ, làm dấu trước khi ăn cơm, trước khi đọc kinh, trước khi uống thuốc. Vì dấu thánh giá được làm để tuyên xưng mình là con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi giữa người đời. Đồng thời làm dấu thánh giá để chúng ta cảm tạ và nhớ đến lòng nhân từ, yêu thương vô bờ bến của Đức Chúa Cha. Sự chết khổ hình của Chúa Con trên cây thập giá để cứu chuộc tội cho nhân loại, và sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Giêsu về trời, Người là thần khí của Thiên Chúa, là Thiên Chúa của tình yêu, là Đấng phù trợ các giáo hữu, Đấng che chở hội thánh. Đối với đức tin Công Giáo thì thân xác chúng ta rất quí trọng vì nó là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Ngày nay nhiều người đã bỏ không dám làm dấu khi đi dự tiệc ở những nơi công cộng, hay khi phải dự tiệc chung bàn với những người ngoại giáo. Họ viện cớ là “đi với ma thì mặc áo giấy” cho thích hợp. Họ đã quên đoạn tin mừng thánh Mathêu viết: “Vậy ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt.10: 32). Họ ngại ngùng khi phải nói rằng chúng tôi là người Công Giáo trước khi dùng bữa ăn thường làm dấu thánh giá để cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của đời tôi vào năm 1977, lúc mà tôi còn đi bán kẹo kéo tại các cổng trường học. Có một hôm khoảng giữa trưa, đói bụng, vắng học sinh. Tôi vừa giơ tay làm dấu định ăn cơm, thì có một em học sinh đi ngang nhìn thấy tôi và nói: “Ông mà cũng biết làm dấu cơ à!”. Tôi chưa hiểu hết ý của câu nói đó nên trả lời em bé: "Tôi là người đạo Công Giáo”. Thường thì các xe đạp bán kẹo kéo của chúng tôi có một cái thùng gỗ đựng cục kẹo kéo nặng độ 2 ký lô, cột ở đằng sau cái yên xe đạp. Thùng đựng kẹo có một bàn quay có viết các số trúng từ 1 đến số 9. Tùy theo người quay trúng số nào, thì mình kéo dài cây kẹo theo vạch mức vẽ theo thước đo trên thùng kẹo. Cũng có trẻ khôn ngoan, đòi chúng tôi kéo và bẻ ra từng cục kẹo. thí dụ: quay trúng số 5 thì kéo năm cục số một. Đối với những khách hàng này thì thật là hết lời, vì tôi chưa kéo đến cục kẹo thứ ba, thì cục thứ nhất đã thun ngắn lại còn có phân nửa mà thôi. Vì thế có trẻ cho là chúng tôi ăn gian, bắt chúng tôi phải kéo bù thêm. Sau này về đến nhà tôi mới hiểu ra lời nói của em học sinh ấy và đổi nghề khác.

Để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy sống tuân giữ mọi điều Chúa Giêsu đã truyền dậy, được tóm về hai giới răn quan trọng nhất đó là: Hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa chúng ta trên hết mọi sự, với hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu mến tha nhân như yêu chính mình ta vậy. Nếu chúng ta giữ được hai giới răn này một cách hoàn hảo thì làm đẹp lòng Chúa hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh.

Chúng ta nên xét mình về hai giới răn kể trên trong đời sống hàng ngày của chúng ta và cố gắng thực thi Lời Chúa phán dạy. Dù cuộc sống vất vả, chúng ta vẫn cố gắng dành thì giờ để tỉnh thức, cầu nguyện và làm việc hãm mình, hy sinh. Vì có nhiều loại ma quỷ đòi hỏi phải có cầu nguyện và sự hy sinh mới trừ khử được chúng.

Cầu nguyện cùng Chúa Ba Ngôi, để được liên kết mật thiết với Người và nhất là với Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ được Người ngự xuống nhà linh hồn, và ban cho chúng ta những ơn cần thiết. Nhờ đó chúng ta sẽ yêu mến Chúa hơn, sống xứng đáng làm con của Chúa và giữ được giới răn của Chúa.

Bảy ơn của Chúa Thánh Thần đó là:

Ơn Khôn Ngoan. Giúp chúng ta biết phân biệt điều hay, lẽ phải, trái.

Ơn Hiểu Biết. Giúp chúng ta hiểu biết sâu xa hơn những điều Chúa và Hội Thánh dạy.

Ơn Biết Lo Liệu. Giúp chúng ta biết giải quyết những khó khăn trong đời sống.

Ơn Sức Mạnh. Giúp chúng ta chu toàn bổn phận và vượt qua mọi khó khăn.

Ơn Thắng Mình. Giúp chúng ta nhận ra thánh ý của Chúa.

Ơn Đạo Đức. Giúp chúng ta yêu Chúa và giúp đỡ tha nhân.

Ơn Kính sợ Thiên Chúa. Giúp chúng ta biết tôn kính sự công bằng, quyền phép của Thiên Chúa và sợ làm phiền lòng Người.

Chúng ta cũng cầu nguyện cùng với Mẹ Maria, để nhờ Mẹ Maria chuyển lời cầu xin của chúng ta lên Thiên Chúa vì Chúa Giêsu là con của Mẹ và Chúa Thánh Thần là bạn chí ái của Mẹ. Vì thế mà lời cầu xin của chúng ta chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời.

Sau khi chúng ta đã sống ăn năn, sám hối, từ bỏ những cám dỗ lợi danh của trần thế, và giữ các giới răn của Chúa. Chúa Giêsu muốn chúng ta ra đi để truyền giáo, thực hiện chúc ngôn của Chúa Giêsu, để nhờ đó mà muôn dân được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dặn các môn đệ trước khi về trời, hãy ở lại trong thành, cầu nguyện và chở đợi cho đến khi nhận được Đấng mà Chúa Cha đã hứa ban, Đấng ấy là Chúa Thánh Thần. Người đã biến đổi các môn đệ trở nên can đảm, khôn ngoan, sáng suốt, hiểu biết Lời của Chúa, những lời mà trước đây các ông đã nghe nhưng không hiểu.

Điều này nhắc nhở chúng ta, những bạn trẻ đầy nhiệt huyết đang sẵn sàng phục vụ tha nhân, nên biết cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trong tâm hồn của chúng ta. Xin Người đốt lửa mến yêu Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta, và ban ơn giúp sức cho chúng ta trước khi ra đi làm việc truyền giáo, để có thể làm được mọi việc cho sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Để có thể đón rước Chúa Thánh Thần vào ngự trong nhà linh hồn, chúng ta cần phải có một tâm hồn đơn sơ và trong sạch. Một tấm lòng phó thác và hiến dâng cho Thiên Chúa thì sự bình an của Chúa mới được thông ban cho chúng ta. Lòng chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui trong tình yêu của Chúa Thánh Thần. Vì Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của bác ái, hoan lạc, bình an, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, và tiết độ (Gl. 5:22-23).

Chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trong mọi lúc, mọi nơi. Khi an vui cũng như lúc sầu khổ. Cầu nguyện liên tục và vững lòng cậy trông. Khi xưa, lúc Giáo Hội còn sơ khai Chúa Thánh Thần không những đã biến đổi đời sống các tông đồ mà còn biến đổi cả đời sống của những người nghe lời họ giảng dạy. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hòa hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp rồi phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu từng người (Cv 2: 44-45). Ngày nay nếu chúng ta biết khuyến khích nhau thành lập những đoàn thể, để cùng nhau hoạt động tông đồ: yêu Chúa, yêu người và thực hiện chúc ngôn của Chúa. Nếu có những đoàn thể thanh niên Công Giáo hữu ích như: Hội Legio Mariae giới trẻ, Thanh Niên Nam Nữ Công Giáo, Thanh Sinh Công, có các Linh Mục, các nam nữ Tu Sĩ hướng dẫn giới trẻ hoạt động tông đồ và xã hội, thì “tình người” sẽ được san sẻ, ơn Chúa sẽ được phân phát, và Lời Chúa sẽ được rao giảng khắp nơi.

Trước khi kết thúc. Tôi xin phép được kể một câu chuyện có thật xảy ra cho tôi vào năm 1978, để các bạn tin rằng Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta. Hôm ấy, lúc 1400 giờ chiều tôi như thường lệ nhìn lên bảng ghi chép tên những người muốn tôi đến khám bệnh tại nhà.  Bảng ghi trống, không có tên ai cả. Tôi nghỉ thầm thế là mình được tự do. Tôi muốn đi thăm các bệnh nhân cũ của tôi vào chiều hôm ấy. Trước khi dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà, tôi thường làm dấu thánh giá đơn, lòng trí tôi thầm thĩ cầu xin, vì tôi ngày xưa là hội viên Legio Mariae, nên tôi đã có thói quen cầu nguyện: “Lạy Chúa, con xin hợp làm một với Mẹ Maria cùng với Chúa Thánh Thần đi thăm viếng các bệnh nhân cũ của con”. Ngay lúc ấy, trong trí óc tôi có một tư tưởng thúc giục tôi nên đến thăm viếng một bệnh nhân bị bệnh phổi, ông ta thường đến nhờ tôi tiêm thuốc trụ sinh cách đây vài tháng trước. Ông Thự, người xứ Bùi Vĩnh, nhà ở giáp ranh giới Bùi Hiệp. Trên đường đi đến thăm ông Thự, đến lối rẽ, chỗ nhà ông Thiệm, ông này là chánh trương giáo xứ của tôi. Ông Thiệm nhìn thấy tôi và gọi tôi vào uống nước, hút thuốc lào. Tôi nghĩ chiều nay mình rảnh thì âu cũng là đi thăm viếng cơ mà, đi dâu mà phải vội. Tôi ngồi chơi nói chuyện với ông chánh trương về chuyện vắn, chuyện dài, chuyện thời sự, chuyện quá khứ đời xửa, đời xưa. Hết vài ấm trà, hút dăm ba điếu thuốc lào. Lúc ấy độ khoảng 1500 giờ chiểu. Chúng tôi chợt nghe tiếng chuông sầu của giáo xứ của tôi kêu vang lên từng tiếng một, tôi không thể lầm lẫn với tiếng chuông của các giáo xứ kế bên như Bùi Hiệp, Bùi Hưng, Bùi Thái. Tiếng chuông của giáo xứ tôi mang âm ‘Đô’ trong nốt nhạc. Tôi đếm được bảy tiếng thì tiếng chuông ngưng. Chúng tôi biết đó là một người đàn ông trong giáo xứ của chúng tôi vừa qua đời. Tôi đứng dậy kiếu chào ông Chánh trương ra về, và quên hẳn việc đến thăm ông Thự, vì có lẽ tôi đã uống no bụng nước trà và đã hút nhiều điếu thuốc lào. Khoảng độ nửa giờ sau thì tôi biết được tin là ông Thự đã chết vào lúc 1430 giờ, cái giờ mà tôi còn đang ngồi hút thuốc lào ở nhà ông Thiệm chánh trương. Lòng tôi cảm thấy hối hận vì đã không đến thăm ông Thự, như tiếng nói mà tôi cho là ‘tiếng nói của Chúa Thánh Thần’ thúc giục tôi ngay từ lúc bắt đầu ra khỏi nhà. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn cầu nguyện cho linh hồn ông. Tôi hối hận vì đã bỏ lỡ cơ hội đến thăm người sắp lìa cõi đời mà Chúa Thánh Thần đã thúc giục tôi. Từ đó tôi quyết tâm sẽ không bao giờ để những việc tương tự như thế có thể xảy ra một lần khác nữa trong đời của tôi.

Xin cầu chúc cho các bạn trẻ thanh niên Công Giáo được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, và biết lắng nghe tiếng Chúa để các bạn có đủ can đảm đổi đời, dấn thân trên bước đường phục vụ Nước Chúa. Amen.

Thụy Miên.




Leave a Reply.