Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống thành phố Hobart, cảnh xe cộ chạy tấp nập, nối đuôi nhau như những đoàn tàu xe lửa đủ màu sắc, mà những chủ nhân của nó đang muốn cố chạy cho đến được công sở đúng giờ. Con sông Derwent nằm uốn khúc quanh thành phố, chạy dài qua các vùng phụ cận, mặt nước sông êm đềm như chưa bao giờ nổi cơn bão tố. Tôi chợt thấy lòng mình như hoà nhập với đất trời, như được nâng hồn lên tới Chúa. Tình Ngài thương tôi như sông dài, biển rộng đang bao phủ lấy tâm hồn của chính tôi. Bỗng như có tiếng thì thầm bên tai tôi, lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô: “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
 Cuộc sống của con người dưới trần gian này, có quá nhiều phức tạp chứ không đơn giản như có người cho rằng: “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”. Con người phải đối đầu với công việc hàng ngày để mưu cầu sự sống. Người thì khôn của thì hiếm, mạnh được yếu thua. Cảnh người ăn không hết người đào không ra dù là đào bới và sống trên những đống rác. Sự khác biệt này đã tạo ra cảnh bất công từ muôn thủa. Từ những bất công ấy đã dễ dàng đưa đến sự hà hiếp của kẻ có quyền thế đối với người làm công, kẻ dưới quyền. Những chủ nhân ông ấy đã tước đoạt nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của người yếu thế, và thậm chí chiếm đoạt cả vợ con của kẻ ăn người ở cho gia đình họ. Những bất công ấy đã tạo nên những sự oán thù như trong phim tàu chúng ta thấy, những mối thù truyền kiếp như thù giết cha mẹ, thù giết vợ con, thù giết thày. Có những lời thề của người nuôi chí, quyết tâm trả thù cho cha mẹ, cho chồng con, đã khiến chúng ta thấy khiếp sợ và suy nghĩ, như những lời thề mà chúng ta thường nghe thấy trong phim tàu. Họ thề sẽ quyết tâm giết chết kẻ thù để ăn thịt, uống máu của kẻ thù, để rửa hận cho thân nhân. Những bất công tạo nên óan thù ấy có thể do lời nói việc làm, nó có thể xuất phát từ trong tư tưởng, từ trong lòng của con người chúng ta. Thế nhưng nếu cứ lấy oán để trả thù, thì bao giờ mới hết hận thù, bao giờ thì mới hết chiến tranh, và đó cũng không phải là cách kiến tạo hòa bình.

Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm đoạn phúc âm của thánh Mátthêu về lề luật cũ đã được giáo huấn mới của Chúa Giêsu kiện toàn như sau:

Các con đã nghe bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thày bảo các con: đừng chống cự lại kẻ hung ác; nhưng nếu ai vả má phải ngươi, thì hãy giơ má kia nữa” (Mt. 5: 38-39). Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về sự mến yêu tha nhân như sau: “Các ngươi đã nghe bảo: Hãy yêu mến thân nhân và hãy ghét địch thù. Còn Ta, ta bảo các ngươi: hãy mến yêu kẻ thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi; ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác” (Mt. 5: 43-46).

Sống ở dưới thế gian này, chúng ta đã có công giữ đạo biết bao nhiêu năm, thế mà để thực hành được Lời Chúa dạy, một cách trọn vẹn thì thật khó khăn thay. Ngay cả các vị hiển thánh như thánh Phanxicô cũng đã thốt lên lời cầu xin với Chúa, cho ông biết đem yêu thương vào nơi oán thù như Chúa Giêsu. Người đã lấy chính cuộc sống của mình để làm chứng cho chúng ta về chân lý này, khi Người cầu nguyện cùng với Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không  biết việc chúng làm” (Luca 23: 34). Quân lính vì không biết việc chúng làm nên Chúa Giêsu đã phải chịu nhục hình, chịu đóng đinh vào thập giá, và cuối cùng  Người bị chết treo trên thập giá cùng với hai kẻ ăn trộm. Chúa Giêsu đã không nói suông, nhưng Người đã làm gương cho chúng ta thấy mà bắt chước.

Hẳn trong chúng ta, ai lại chẳng có lúc oán người này hay hận kẻ khác. Có lắm thanh niên còn xâm trên cánh tay của mình dòng chữ to, màu xanh đậm: “Hận kẻ bạc tình”, phía bên dưới còn vẽ thêm hình trái tim bị mũi tên xuyên qua, hay cho bi đát hơn nữa thì thêm vài giọt máu, màu mực đỏ. Những người sống trong bậc gia đình cũng không tránh khỏi những lúc oán giận giữa vợ chồng, hay giữa mẹ chồng với nàng dâu. Ngày xưa các phụ nữ còn âm thầm lặng lẽ chịu khổ đau một mình cho gia đình được êm ấm, nhưng ngày nay, sống trên đất nước mà quyền bình đẳng của phụ nữ đã được nâng lên hàng quốc sách, thì thường dẫn đến sự đỗ vỡ, ly dị, và hậu qủa của nó là đem lại sự khổ đau trong tâm hồn cho chính mình và con cái của họ suốt đời. Trong cuộc sống của anh em cùng gia đình, cùng chung một mẹ cha cũng bị sự oán thù xâm chiếm, có nhiều khi anh em từ nhau, không còn thèm nhìn mặt nhau vì những quyền lợi tranh chấp về tài sản, về công ăn việc làm. Trong môi trường sống, oán thù cũng có mặt giữa tình bạn hữu do sự hiểu lầm, như làm ơn mắc oán. Sự oán thù xảy ra trong tình đồng nghiệp, hay trong tình bạn học. Sự oán thù gây nên chia rẽ, mất đoàn kết, và tai hại hơn nữa nó làm cho chúng ta trở thành kẻ thù của nhau và tìm cách hạ gục đối phương, vì chúng ta thường thích giữ theo lề luật cũ: “Mắt đền mắt, răng đền răng”.

Làm thế nào để có thể đem yêu thương vào nơi oán thù

Muốn đem yêu thương vào nơi oán thù, chúng ta trước hết phải có lòng yêu thương, nhân từ và sẵn sàng tha thứ cho kẻ lầm lỗi và cho chính chúng ta. Ca dao Việt Nam có câu: “Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười”. Đem áp dụng vào đời sống tinh thần của đạo công giáo thật là hợp lý. Vì khi chúng ta yêu được kẻ làm khốn mình, thì chúng ta đã biến đổi được cái nhìn của chúng ta từ thù hằn trở nên có thiện cảm, để rồi thông cảm và tha thứ cho điều lỗi lầm của kẻ làm khốn mình. Viết đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện: “Mất búa”. Có hai người tiều phu sống gần nhà nhau, họ cùng làm nghề vào rừng đốn cây. Cái búa rìu trở nên dụng cụ rất cần thiết cho những người tiều phu như họ. Họ sống vui vẻ và rất qúi mến nhau, thường xuyên trò chuyện và hỏi han nhau. Cho đến một ngày kia, một trong hai người không đi vào rừng đốn cây được vì cái búa của ông ta không cánh mà bay. Người kia tưởng rằng bạn mình bị đau ốm nên đến nhà hỏi thăm. Nào ngờ khi anh ta đến nhà thăm hỏi, anh ta đã bị người mất búa nghi ngờ và cho rằng chính anh là người ăn cắp chiếc búa. Trong đầu óc của người bị mất cái búa suy đoán: Có lẽ vì cạnh tranh nghề đốn cây nên nó ăn cắp chiếc búa của mình, hay có lẽ nó thấy cái búa của mình sắc bén hơn nên nó ăn cắp. Từ đó ông ta xa lánh và ghét người bạn của mình, thậm chí là mọi cử chỉ, hành động, và mọi lời nói của người kia đều giống có vẻ là người đã ăn cắp cái búa của ông ta. Cho đến một ngày, khi ông ta rèn một cái búa khác và tìm thấy cái búa cũ nằm dưới đáy của thùng nước đục đen ngầu mà ông ta dùng để ngâm búa sau mỗi khi rèn. Lúc ấy, ông ta mới khám phá ra là từ bao lâu nay chính ông đã nghĩ sai lầm, và nghi oan cho người bạn của mình.

Nhờ ơn Chúa giúp

Cách đây hơn 35 năm, sau khi chúng tôi thành duyên vợ chồng, tôi thường được nghe vợ tôi kể về cuộc đời của bố vợ tôi. Câu chuyện như sau: Ngày xưa bố được sinh ra trong một gia đình giàu, có nhiều ruộng nương, Gia đình có 5 chị em gồm 3 gái và 2 trai. Bố dù nhỏ tuổi nhưng là con trai đầu lòng, nên của cải, công việc, tài sản được ông bà trước khi lìa đời giao phó cho tất cả. Thoạt đầu mới di cư vào trong miền nam. Bố vì mang theo vàng bạc lên cuộc sống khá giả. Thấy bố có tiền, một người bạn biết lái xe rủ bố mua xe đò, để cùng ông ấy hành nghề chạy xe đò chở khách. Công việc làm ăn phát đạt được một thời gian thì người bạn của bố đến nhà hỏi mượn một số tiền, lấy lý do đi về quê thăm gia đình. Nhưng vì có lòng tham nên ông bạn ấy đã lái chiếc xe đò trốn đi mất luôn. Bố vì mất xe, mất tiền, và mất cả niềm tin vào bạn, nên từ đó bố không còn muốn giao tiếp với ai nữa cả, ngay cả với hàng xóm. Bố trở nên trầm lặng, ít nói. Cũng may bố còn biết đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa giúp, và có lẽ ảnh hưởng nếp sống tốt của gia đình, của đạo công giáo, của Phúc âm mà cuộc sống của bố đã thay đổi. Bố thường nhắc nhở con cái, sống làm sao đừng để lỗi phạm đến đức công bằng, nhất là lỗi phạm sự công bằng trong lời nói, vì biết đâu người bạn của bố bị tai nạn gì đó mà biệt tích. Hơn thế nữa, bố thường bảo chúng tôi nên cầu nguyện cho kẻ thù, cho kẻ đang làm chúng tôi khốn khổ. Ngày ấy, chúng tôi còn đang ở độ tuổi thanh niên, thanh nữ . Vợ tôi không hiểu rõ ý nghĩa câu nói của bố, nên cứ thắc mắc, làm sao mà chúng tôi có thể cầu nguyện cho kẻ thù được, những kẻ đang cố tình ăn không nói có để làm hại chúng tôi. Còn riêng tôi thì hiểu việc cầu nguyện cho kẻ thù là trước nhất xin Chúa soi lòng, mở trí cho họ đừng làm hại chúng tôi nữa, hay ít nhất để kẻ thù thấy mình không có thái độ chống đối, họ sẽ không để ý đến mình nữa và nhỡ sau này mình có hành động trả thù, họ sẽ cũng không thể ngờ được. Quân tử trả thù mười năm vẫn chưa muộn cơ mà. Hồi ấy, tôi thật khó lòng mà giải thích cho vợ tôi hiểu, để mà nhịn nhục những người làng xóm lắm chuyện ấy. Tôi âm thầm sống theo lời khuyên của bố vợ là dĩ hòa vi quý, để có cuộc sống yên thân và tìm đường vượt biên.

Cầu nguyện cho kẻ thù

Sau này tôi quen biết được một người, cô ta là mẫu người đã thực hiện được những lời bố tôi đã khuyên chúng tôi là cầu nguyện cho kẻ thù. Hai vợ chồng cô ấy đã chung sống với nhau được hai mặt con. Thế mà chẳng biết tại sao anh chồng bỏ vợ về Việt Nam cưới vợ khác, người đã có hai đứa con riêng. Anh ta hiện sống với người vợ sau này , sinh được 3 người con, và chẳng còn màng gì đến mẹ con của cô ta nữa cả. Cô ta sống âm thầm trong đau khổ, giữ đạo và nuôi con. Tuy thế, nhưng hàng ngày cô vẫn cầu nguyện cho gia đình mới của anh chồng kia được hạnh phúc, vì cô ta tiếc thương cho linh hồn người chồng và của người đàn bà kia cùng con cái của họ. Thật là một việc làm qúa sức tưởng tượng của loài người, nếu không có được một đức tin mạnh mẽ dựa vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, thì dễ gì có mấy ai làm được như cô ta.

Tôi cũng nghe được một câu chuyện vui, khi dự tiệc chung với một số bạn nhậu như sau: Trong nghĩa trang của một vùng thôn quê, bên cạnh một ngôi mộ vừa mới đắp được hơn một tháng, có một người đàn ông tuổi ngoài 50 đang khóc lóc thật thảm thiết, kể lể những câu ai oán: “Hỡi anh ơi! Anh chết sớm làm chi, để cho tôi phải khổ thế này, anh ơi…”. Nhiều người nghe cũng thấy mủi lòng, trong số đó có một cụ cao niên đi ngang và dừng chân lại để an ủi anh ta.

- Phải chăng người qúa cố là anh em ruột, mà khi chết anh không về kịp để chịu tang?

- Không phải.

- Thế thì chắc phải là họ hàng thân thích rất gần với anh ?

- Không phải.

- Như vậy chắc phải là anh em bạn bè rất thân thích với anh ?

- Cũng không phải.

- Thế thì tại sao, anh lại khóc lóc thảm thiết quá sức như thế?

- Dạ! con xin nói để cụ được rõ. Số là con lấy phải con vợ dữ như sư tử Hà Đông, chịu cực,vất vả với nó đã nhiếu năm, thì bỗng dưng được anh này đến cặp kè với nó và rủ nó đi tìm cuộc sống mới. Nào ngờ, con mới được sống nhàn, thóat cảnh làm tôi tớ cho vợ, được có hơn một năm thì anh ta vắn số lại chết. Bây giờ, vợ con lại quay trở về nhà, thế là con lại phải tiếp tục sống khổ, sống nhục để cho nó sai khiến. Chính vì thế mà hôm nay con đến ngôi mộ của anh ta, thắp vài nén hương, uống vài xị rượu và kể lể tâm sự với anh ta cho vơi bầu tâm sự.

Ông cụ cao niên lắc đầu bước đi, miệng lẩm bẩm: “Đúng là miệng lưỡi của những thằng con của Ngọc Hòang”.

Thực hiện việc tha thứ và giải hòa

Trong cuộc sống tạm bợ ở dưới trần gian này. Chúng ta chắc hẳn cũng còn đang mang nhiều mối hận thù, oán ghét. Nó có thể âm thầm đang len lỏi trong trí óc, tư tưởng của chúng ta, hay đang phát ra từ lời nói, việc làm. Nó có thể được phát sinh từ những sự hiểu lầm hay do tự những lỗi lầm của người khác. Sự thù hận chẳng đem lại lợi ích gi cho cả hai phía, hay ngược lại, nó chỉ đem lại sự bất an cho cuộc sống của con người. Con người hàng ngày đã chịu quá nhiều khổ đau rồi, thì tại sao chúng ta không đi tìm một phương thức nào đó, để có được sự bình an cho tâm hồn. Phương thức ấy là thực hiện việc tha thứ và giải hòa. Chúng ta hãy tha thứ mãi mãi cho nhau, dù là phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy. Chúng ta hãy làm hòa với nhau trước khi đem sự việc ra tòa để luận tội, và làm hòa trước khi chúng ta lên đền thờ để dâng của lễ cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy noi gương Cha của chúng ta ở trên trời, Người là nguồn mạch của tình yêu. Người đã quên hết tội lỗi của con người, ngay cả khi họ đem con một của mình đi giết. Chính vì tình yêu không giới hạn của Thiên Chúa, đã đem lại cho giáo hội chúng ta nhiều vị thánh truyền giáo hăng say nhiệt thành, tiên khởi là thánh Phaolô. Đức thánh Cha đã chọn từ tháng sáu năm 2008 đến tháng sáu năm 2009 là năm mừng kính thánh Phaolô. Tình yêu của Thiên Chúa đã khiến cho Phalô từ một kẻ bắt bớ, giết hại các người theo Chúa Giêsu, nay trở nên một tông đồ nhiệt thành truyền giáo cho dân ngoại, và cuối cùng ông đã chịu tử vì đạo. Nếu chúng ta đều quyết tâm đem yêu thương vào nơi oán thù, chia cơm nhường áo, giúp đỡ lẫn nhau, và tha nợ cho kẻ mắc nợ chúng ta như Thiên Chúa đã tha nợ cho chúng ta. Thế giới sẽ hết chiến tranh, hết cảnh bất công, hết cảnh kẻ ăn không hết người đào không ra. Chúng ta sẽ hưởng được sự bình an của cả thể xác lẫn tâm hồn. Ước mong mọi người biết bắt chước gương thánh Phaolô biết biến hóa từ sự thù hận, bắt bớ những người theo Chúa Giêsu, để trở nên một tông đồ nhiệt thành làm chứng nhân cho Chúa Giêsu. Đặc biệt trong tháng 6 này, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xin cho mọi người biết yêu thương nhau hơn, biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Thụy Miên.




Leave a Reply.