Ngày tháng cứ trôi đi vùn vụt, thấy mà chóng cả mặt.  Mới mùa đông hôm nào thế mà nay lại sắp hết mùa thu rồi.

Nhân thể, tôi có em gái từ Việt Nam sang thăm, vợ chồng chúng tôi thu xếp công việc nhà, việc làm, mặc dù rất bận rộn nhưng chúng tôi cố gắng tổ chức một cuộc đi câu cá qua đêm tại một vùng gần Geelong. Vùng Barwon Heads này, có nhánh sông nước từ biển Bass Strait chảy vào nên giòng sông có rất nhiều cua và cá đủ loại, nên được dân câu cá rất thích.  Đoàn người gồm có hai vợ chồng người bạn già của tôi, họ đi câu chuyên nghiệp nên đầy đủ đồ nghề câu và ba người chúng tôi.
Lúc 0900 giờ sáng hôm ấy trời nắng đẹp.  Chúng tôi trực chỉ từ Melbourne chạy về phía Geelong, hướng Barwon Heads.  May thay chúng tôi đã tìm được địa điểm thích hợp của một Caravan Park , trước mặt là giòng sông nổi tiếng có nhiều cá, dọc theo bờ sông có nhiều bóng cây to che rợp nắng.  Sau khi chúng tôi đã thỏa thuận mướn xong một cabin để ngủ trọ qua đêm, chúng tôi cất các hành lý vào cabin, anh em tôi đã theo người bạn ra bờ sông để câu cá.  Còn chị bạn và vợ tôi thì ở lại nấu ăn trưa.

Mặt nước của sông đang dâng lên cao, nhưng rất im lặng như thể nước sông đứng im không chảy, nước trong veo, không có rác bẩn trôi.  Bề ngang của giòng sông rất rộng nhìn cảnh vật ở bờ bên kia sông thấy mờ mờ.  Em gái tôi nhìn giòng nước của sông Barwon Heads và chợt nhớ về sông Đồng Nai ở quê nhà.  Cô ta chép miệng tâm sự với tôi rằng: “Cũng một con sông thế mà sông ở quê ta thì đầy rẫy những lục bình trôi”.

Lục bình trôi 

Những bè lục bình to, kết thành từng mảng lớn trôi theo giòng nước chảy từ suối nhỏ ra sông lớn Đồng nai, chảy từ Biên Hòa về Bến Gỗ chảy qua các vùng gần xứ đạo của chúng tôi.  Tôi làm sao có thể quên được những ngày nắng, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi tắm sông.  Tôi im lặng đôi ba phút, vì ba chữ “lục bình trôi” làm tôi liên tưởng nhớ lại thân phận của mình, là người tỵ nạn, di dân từ phương trời Đông sang tới bên trời Tây để sinh sống.

Ngay từ thủa ấu thơ, tôi đã theo chân bố mẹ từ miền Bắc di cư vào miền Nam , tôi đã sống và lớn lên tại đây và để rồi bây giờ sau bao thăng trầm biến đổi, tôi lại đang có mặt ở nơi đây, một vùng đất xa lạ của nước Úc đối với tôi, để câu cá.  Đời tôi sao mà giống như đời của những lục bình trôi sông này quá vậy.  Đời lục bình của tôi đã trôi từ miền Bắc vào Nam với lắm nhiều thay đổi, rồi lại nhiều đổi thay khi vượt biển và sống tại trại tỵ nạn Mã Lai và giờ đây lại phải thay đổi cách sống ở một nơi mà từ tiếng nói đến phong tục tập quán hoàn toàn xa lạ.  Cũng may là tôi đã kịp thời để cập nhật hoá với cuộc sống mới, để đời mình sống còn có ý nghĩa và hội nhập được với cuộc sống nổi trôi này.  Tôi còn đang miên man suy nghĩ về đời mình, chợt có tiếng trả lời của anh bạn: “Có lẽ vì đây là sông nước mặn, nên không có lục bình trôi”.

Tôi khôi hài trả lời thêm cho em gái tôi hiểu:  “Vì nước Úc này là nơi để cho các sắc dân di dân đến định cư và sinh sống, nên không còn cảnh lục bình trôi sông nữa”.

Ngược dòng lịch sử nước Úc, thì người bản xứ chính gốc là người thổ dân, và ngày nay họ đa số sinh sống ở vùng Bắc nước Úc.  Những nhà thám hiểm Hoà Lan đã tìm ra châu Úc này vào đầu thế kỷ thứ 17 là ông Willem Janszoon vào năm 1606, và ông Dirk Hartg vào năm 1616.

Cuối thế kỷ 18, vào năm 1770 thì trung úy thuyền trưởng James Cook chỉ huy con tàu Endeavaour đã đến được vịnh Botany vào ngày 29 tháng 4 năm 1770.  Sau đó ông đã tiếp tục cho tàu chạy về phía Bắc và cặp vào eo biển Torres ngoài khơi của bán đảo Cape York vào ngày 22 tháng 8 năm 1770.  Cho mãi đến ngày 13 tháng 5 năm 1787.  Chính quyền Anh quốc đã phái 11 chiếc tầu của đội tầu đầu tiên rời cảng Portsmouth đưa làn sóng di cư người da trắng đầu tiên đi định cư tại Úc và đoàn tầu đã đáp bến tại vịnh Botany.

Ngày 26 tháng giêng năm 1788 là ngày chính phủ của nước Anh tuyên bố công nhận Úc châu là thuộc địa của họ qua sự biệt phái đại úy Athur Phillip và những kẻ bị lưu vong  đến sinh sống tại Sydney Cove.  Ngày này về sau đã được chọn là ngày lập quốc ( Australia ’s nation day).

Những cuộc di dân đến Úc vào đầu năm 1850 là những người đi đào vàng.  Họ đến từ các nước như Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan, Âu Châu, Bắc Mỹ và Trung Quốc.

Sau thế chiến thứ hai, từ năm 1948 đến 1975 đã có hai triệu người di dân đến từ vùng phía nam và từ vùng trung tâm của Âu Châu.

Cuộc di dân kể từ sau năm 1975 cho đến nay 2008.  Là làn sóng người di dân này đến Úc bằng những chương trình tỵ nạn từ các nước có chiến tranh.  Phần lớn những người di dân này đã thoát khỏi đất nước của họ bằng đường sông, biển và đến các trại tỵ nạn.  Sau khi đã được chấp thuận, họ được chở bằng máy bay vượt biền rộng để đến định cư tại nước Úc này.  Tôi cũng là một trong những người ấy.

Đời tôi như lục bình trôi từ suối nhỏ ra sông lớn và trôi từ sông ra biển cả mênh mông và nay tấp  được vào bến bờ của nước Úc này với hy vọng được định cư ở đây cho đến hết cuộc đời trần thế này.

 Sống ở xứ lạ, quê người.  Lúc đầu tôi cảm thấy như lục bình trôi đơn độc, tôi cố gắng tìm người tóc đen để làm quen, để hỏi đường đi, lối về.  Có ngày tôi đi lạc ra  trung tâm thành phố Melbourne , hôm ấy tôi đã phải hỏi thăm đến mười người tóc đen thì mới gặp được một người thật sự là người Việt.

Dần dần số người Việt đến định cư tại nước Úc ngày càng đông, và chúng ta đã có những cộng đồng người Việt ở khắp mọi tiểu bang của nước Úc như ngày hôm nay.  Các nhu cầu cần thiết cho người tỵ nạn, di dân nói chung đã được chính phủ Úc tài trợ chu đáo như các chương trình học Anh ngữ, tìm việc làm, các dịch vụ trợ cấp an sinh xã hội, thông dịch, y tế, trợ cấp và chăm sóc sức khoẻ cho người già, tàn tật, trẻ em khiếm khuyết, bị tật bẩm sinh, và còn rất nhiều điều trợ giúp khác nữa mà cho tới nay hãy còn rất nhiều người Việt chúng ta chưa hề biết đến để sử dụng.

Một nhu cầu khác nữa cũng cần thiết không kém cho người di dân, tỵ nạn chúng ta đó là nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng.  Về đạo Phật Giáo, các chùa chiền được nhanh chóng xây dựng lên do đồng bào đóng góp và đôi khi có nơi được sự trợ giúp của chính phủ, để các Phật tử có nơi để nhóm họp nhau sinh hoạt lễ hội về phần tâm linh.

Đối với người tín hữu Công Giáo, Tin Lành.  Nước Úc phần đông dân số là người Âu Châu, nên các nhà thờ Tin Lành, Anh Giáo, Công Giáo đã được xây cất từ thời lập quốc.  Tuy nhiên, Tại Melbourne, do sự đóng góp của tín hữu và được sự cho phép của giáo quyền nên người Công Giáo đã có được hai trung tâm Công Giáo cho người Việt đến sinh hoạt hằng tuần. 

Trung tâm được tạo dựng nên ở phía miền Tây Melbourne đó là trung tâm Vinh Sơn Liêm ở vùng Flemington, bao gồm một nguyện đường và một số phòng ốc làm nơi sinh hoạt đòan thể cho các hội đoàn và làm trường dạy Việt ngữ cho các em học sinh.  Hiện nay do cha Raphael Võ Đức Thiện làm Tuyên Úy quản nhiệm. Một trung tâm khác nữa được giáo quyền cho phép và giáo dân đã đóng góp công của để tạo dựng nên ở phía Đông Melbourne , do cha Bartôlômêô Huỳnh San làm Tuyên Úy quản nhiệm.

 Ngược trở về lịch sử cùa các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, từ năm 1977 tại Melbourne .  Cùng với làn sóng người Việt tỵ nạn thời ấy, có hai thầy Giuse Bùi Đức Tiến và thầy Bartôlômêô Huỳnh San được Đức tổng Giám Mục cho chịu chức linh mục vào ngày 18 tháng 8 năm 1979, sau đó hai cha đã  được giao phó trách nhiệm chăm sóc cho giáo dân Việt Nam mới định cư tại hai miền Đông và Tây của Melbourne, để đáp ứng nhu cầu mục vụ di dân cho người công giáo Việt Nam vì trở ngại về ngôn ngữ. Cha Giuse Bùi Đức Tiến chăm sóc cho cộng đoàn thánh Vinh Sơn Liêm, còn cha Bartôlômêô Huỳnh San thì chăm sóc cho hai cộng đoàn thánh Gioan Hoan và cộng đòan thánh Tôma Thiện.

Ngày tháng trôi qua đi nhanh quá, kể từ khi có các cộng đoàn

Công Giáo Việt Nam tại Melbourne cho đến nay đã là 30 năm nhìn lại rồi.  Riêng Cộng Đoàn thánh Vinh Sơn Liêm đã trải qua ba đời cha Tuyên Úy, từ cha Bùi Đức Tiến, cha Lê Văn Hưởng và nay là cha Võ Đức Thiện.  Có lẽ vì thay đổi nhiều nên cho đến nay vẫn chưa có mục vụ di dân nào rõ ràng để đáp ứng cho nhu cầu của Thanh Niên Công Giáo cả, có chăng chỉ là sinh hoạt của các ca đoàn chuyên lo về thánh nhạc cho các thánh lễ.  Ngoài ra chẳng có đoàn thể hay sinh hoạt nào khác lo về đời sống tâm linh như huấn luyện cách sống đạo, học hỏi về tín lý, giáo lý và phúc âm. Hay vì sống lâu ở xứ Úc, tuổi trẻ bắt đầu giống thanh niên Úc họ ít đi lễ nhà thờ, và được hiểu rằng nhà thờ là để dành riêng cho các ông bà già đạo đức đi lễ nhà thờ, còn các thanh niên thì đi lễ ở các khu shopping, tại các nơi giải trí, bãi tắm.

Thật đáng tiếc cho những người tín hữu đã đến Úc trước đây bao gồm mọi giáo dân cùng các vị Tuyên Úy tiền nhiệm đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền của với hy vọng có thể xây cất riêng cho người công giáo Việt nam một nhà thờ, để nối dõi các cha ông thủa xưa đã anh dũng chịu tử vì đạo, như 117 vị thánh tử đạo Việt Nam.  Thế mà giờ đây giới trẻ Việt Nam lại ơ thờ không còn muốn giữ lại đức tính giữ đạo tốt đẹp ấy như cha mẹ, ông bà, tổ tiên ngày xưa nữa.  Tại sao ? và tại sao ?.  Đó là những câu hỏi mà những người tín hữu có chút lòng lo lắng cho tuổi trẻ ngày hôm nay về cách sống đạo vào giữ đạo của thế hệ tương lai của giáo hội, đang phải điên đầu suy nghĩ.

Trung Tâm Công Giáo Việt Nam là nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hoá cho mọi người Việt ở mọi lứa tuổi, chứ đâu phải chỉ dành riêng cho các cụ già, trẻ em.  Vậy mà chẳng thấy hội đoàn của thanh niên, thanh nữ Công Giáo được gầy dựng nên để sinh hoạt và làm nồng cốt cho mọi sinh hoạt của cộng đoàn.  Có chăng chỉ là một nhóm ít người đạo đức đến sinh hoạt hội đòan Legio Maria.  Còn đại đa số chăng có sinh hoạt nào cả, như chiên lạc đàn  đang bơ vơ giữa rừng sâu đầy thú dữ.  Hay như người bệnh đang chờ thầy thuốc đến cứu chữa cho thoát khỏi tay tử thần.

Nhu cầu mục vụ di dân dành cho thanh niên nam nữ Công Giáo Việt Nam rất cần thiết mà những người làm bậc cha mẹ và các vị trong vai trò làm Tuyên Úy cho người di dân cần phải đặt ưu tiên hàng đầu trong các mục vụ và nên kịp thời nghiên cứu hơn các nhu cầu về việc phát triển cơ sở vật chất của cộng đoàn.

Con cháu của các thánh tử đạo Việt Nam sống ở nước Úc sẽ bị mai một trước cám dỗ của những quyến dũ thời bây giờ, vì họ đã và đang thiếu thốn sự chăm sóc về phần hồn của chúng ta.  Tuổi trẻ đang lạc lõng giữa quê người, họ đang rơi vào những cám dỗ của sự tự do nhân bản của xã hội Tây phương, họ đang dồn hết trí  lực, thời giờ vào việc lo kiếm tiền, xây nhà mới, lo cho con cái họ học hành giỏi giang và họ quên mất mình đang làm nô lệ cho tiền bạc hơn là dành thì giờ để tôn thờ Thiên Chúa.

Ai sẽ nhắc nhở các thanh niên, thanh nữ công giáo nếu như họ không được các cha Tuyên Úy qủan nhiệm người Việt để tâm, để ý và bỏ công nghiên cứu, soạn thảo chương trình giảng dậy, hướng dẫn họ về tín lý, giáo lý và về đời sống đạo, luật đạo.  Nếu các vị Tuyên Úy cho sắc dân Việt Nam không gầy dựng nên các hội đoàn cho thanh niên công giáo Việt Nam thì họ lấy chỗ đâu, quyền ở đâu để mà nhóm họp mang danh đoàn Thanh Niên Công Giáo Việt Nam .

Ngày xưa Chúa Giêsu khi thấy đoàn người, số đàn ông khoảng năm ngàn người đi theo Chúa vào nơi hoang địa gọi là Bethsaiđa để nghe giảng dậy, khi đã xế chiều, Người đã bảo các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn đi” (Luca 9: 13).  Chúa Giêsu dâng lời cảm tạ Chúa Cha và Người đã dùng đôi tay làm phép lạ bẻ bánh hóa ra nhiều để cho dân chúng được ăn no nê.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng muốn nhờ bàn tay của các cha, đặc biệt là các cha Tuyên Úy đã nhận lãnh trách nhiệm được giao phó từ Đức Tổng Giám Mục của giáo phận là chăm sóc phần hồn cho các con chiên Việt Nam không phân biệt tuổi tác, phái tính.  Đặc biệt là những thanh nniên nam nữ đang sống lưu lạc ở đất khách quê người, không thuộc vào các xứ đạo nào của người Úc nào cả.  Họ như chiên con đang vất vả chiến đấu với cuộc sống mới, hay họ đang bị lung lay đức tin sống đạo giữa những cám dỗ của ma qủy, tội lỗi. 

Tại sao lại phải chăm sóc đặc biệt cho tuổi trẻ?  Vì Thanh Niên Công Giáo là giường cột chính của Giáo Hội ở thế hệ mai sau.  Chính vì thế mà Đoàn Thanh Niên Nam Nữ Công Giáo rất cần thiết được thiết lập tại các nơi giáo xứ có người Việt Nam sinh sống và đặc biệt nhất là tại các Trung Tâm sinh hoạt của Cộng đồng Công Giáo người Việt Nam.

Hỡi các bạn thanh niên nam nữ, các bạn hãy tự hỏi chính mình.  Các bạn đang cần gì về phần rỗi của linh hồn của bạn ở giáo hội, và ở các cha Tuyên Uý trông coi giáo dân Việt Nam tại nước Úc, nơi các bạn đang sinh sống định cư này.

 Các bạn hãy làm ơn, làm phúc nói cho các vị Tuyên Úy ấy biết giùm cho Giáo Hội, vì có lẽ các vị ấy còn qúa nhiều việc phải lo mà chưa lo được hết cho các nhu cầu mục vụ cho mọi giới.  Không biết Chúa có thông cảm cho các cha Tuyên Úy hay lại bắt tội các cha là không làm tròn trách nhiệm đã được giao phó trong ngày sau hết.

Còn về phía các bạn tuổi trẻ Việt Nam .  Chúa Giêsu cũng đang giơ tay mời gọi các bạn cùng mở rộng tấm lòng, cùng giang tay kết đoàn anh chị em tuổi trẻ để cùng nhau học hỏi về tín lý, giáo lý và cách sống đạo trong cuộc sống tha hương nơi đất khách quê hương này, biết đâu trong số các bạn sẽ có người làm chủ chăn, chăn dắt các con chiên Úc của Chúa sau này, hay ít ra Lời của Chúa lại được rao truyền bởi  miệng của các bạn, hay bằng cử chỉ việc làm qua đời sống hàng ngày của các bạn.

Cho dù các bạn có thể thông thạo tiếng Anh một trăm phần trăm giống người Úc, nhưng mầu da, giòng máu, văn hóa, tập quán và mọi người thân của gia đình bạn đã và đang ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của các bạn. 

Tôi đoán các bạn còn nhiều thắc mắc trong đời sống hôn nhân, trong đời sống đạo về những điều: làm thế nào để các bạn có thể sống làm con cái của Chúa, giữa cái thời buổi mà nhân loại đang bỏ hết thì giờ vào việc làm để kiếm tiền sinh sống, hay giữa tình trạng đồi trụy về đức tin công giáo của tuổi trẻ trên toàn thế giới.

Các bạn cũng đồng ý với tôi rằng, mọi lứa tuổi đều có nhưng nhu cầu riêng về tín ngưỡng của họ, tùy theo sự hiểu biết và kinh nghiệm sống phải không các bạn.  Chính vì thế khi soạn bài giảng cho thiếu nhi thì đâu thể giảng theo kiễu người lớn.  Hay giảng cho các cụ già, những người đã có kinh nghiệm sống đạo trên sáu mươi năm, hoặc có cụ là con cháu các thánh tử đạo thì chắc chắn bài giảng đâu cần nhấn mạnh, lập đi lập lại như giảng cho tuổi trẻ là những người đang bị cuộc sống thời nay, ở nơi xứ lạ quê người và đầy rẫy cám dỗ của ma quỷ rình rập, để chúng có thể lấy mất đi những hạt giống Tin Mừng vừa được gieo trong cuộc sống tâm linh của các bạn.

Hãy cho tôi được phép hỏi các bạn vài điều như sau nhé.

Các bạn đã có lần nào tự hỏi hay bị hỏi, tại sao phải đi dự thánh lễ vào ngày Chúa Nhật, trong khi bạn có thể được trả tiền gấp đôi khi đi làm ngày Chúa Nhật?

Hay tại sao các bạn phải đi xưng tội một năm ít nhất là một lần, trong khi cả đời các bạn chuyên bị người khác bóc lột, hành hạ, áp bức và cả đời các bạn chẳng làm điều gì ác?

Các bạn đã có lần nào đi xem bói, đi hỏi người lên đồng cốt về tương lai, quá khứ của các bạn vì cuộc sống của các bạn luôn gặp toàn những vận xui liên tục xảy đến.

Các bạn đang hoài nghi tất cả mọi người và chẳng còn dám tin ai ngoài chính bạn, vỉ bạn bè toàn đem đến cho các bạn những chuyện lừa lọc, giả dối.

Các bạn đang chuẩn bị ly thân vì cuộc sống vợ chồng gặp quá nhiều trắc trở.

Các bạn sống chán nản, tuyệt vọng và đang tìm cách kết liễu đời mình qua rượu, cờ bạc và ma tuý.

Các bạn chẳng còn muốn đi lễ vì phải gặp mặt những người không ưa, họ nói một đàng mà làm một nẻo.  Hay các bạn cho rằng Chúa ở khắp mọi nơi, đâu cần phải đi đến nhà thờ mới gặp được Chúa.

Còn nhiều điều khác tạo ra những vấn nạn mà các bạn chưa tìm ra câu trả lời.  Các bạn ngại ngùng không dám gặp các cha để hỏi vì sợ bị chê là dốt đạo.

Các bạn hãy mạnh dạn nói lên những nhu cầu về tâm linh ấy cho

các cha Tuyên Uý hiểu,  để các ngài nhận ra được tầm quan trọng của mục vụ di dân cho giới thanh niên nam nữ đang sống giữa biển trời bơ vơ, nơi xứ người này. 

Hội đoàn cho Thanh Niên nam nữ cần thành lập tại các nơi có thanh niên nam nữ Việt Nam sinh sống và họ rất cần các cha Tuyên Uý qủan nhiệm đang chịu trách nhiệm coi sóc cho sắc tộc Việt Nam quan tâm đến và đặt trọng trách đó lên hàng đầu.

Cầu chúc đời lục bình trôi của những người tỵ nạn và di dân có được nhiều hội đoàn để nối kết thành từng mảng lớn lục bình vững chắc để có thể trôi theo biển đời mênh mông và  có thể thắng được những cám dỗ của thế gian và tội lỗi do ma qủy gây ra. Nguyện xin 117 vị thánh tử đạo Việt Nam trợ giúp chúng con giữ vững Đức Tin sống đạo và để chúng con có thể loan báo Tin Mừng cho muôn dân và cách riêng làm gương sáng cho các thanh niên nước Úc này.  Amen.

Thụy Miên.




Leave a Reply.