Mới ngày hôm qua, tôi còn vững tin với ý tưởng là còn nước thì còn tát. Thế mà hôm nay, tôi đâm ra tuyệt vọng khi nghe tin bên nhà, từ Việt Nam gọi sang, cho biết là mẹ tôi đang trong cơn hấp hối. Tôi thẫn thờ cả người, im lặng vì biết rằng, tôi sẽ mất mẹ thật rồi.

Trong tâm trí của tôi tràn ngập những giằng co của sự mừng vui và đau khổ. Mừng vui vì mẹ tôi sắp thóat khỏi sự đau đớn của những vêt loét lở, những khoảnh thịt chết đang lan dần, đục khóet khắp cơ thể của mẹ tôi. Mừng vui vì ngày chờ đợi của mẹ tôi, để đi phỏng vấn vào nước Trời sắp đến. Nhưng cùng một lúc, tôi lại đau khổ vì tôi sắp sửa mất mẹ thật rồi, và tôi không biết đến bao giờ mới gặp lại được mẹ trên nước trời. Tôi có thể được Chúa chọn, để được định cư về cùng một nơi với mẹ trong tương lai, hay tôi phải giam vào một nơi nào khác mà ngàn đời phải cách biệt mẹ. Sự giằng co ấy cũng có thể là của giữa sự hạnh phúc và đau khổ vì cái chết gần kề của mẹ tôi.  Hạnh phúc nào chẳng có đau khổ, vinh quang nào mà chẳng có sự nhục nhã, và mừng vui nào mà có thể thiếu nước mắt của con người cho được.

Tôi tự hỏi mình. Chân lý là gì nhỉ, nếu không phải là biết chấp nhận sự thật, cái mà con người không thể nào tránh khỏi. Chấp nhận cái mà con người từ xưa đến nay đều phải có, đó là sự chết. Sự chết là dấu hiệu cuối cùng của cuộc sống nơi trần gian này, và nó cũng là dấu hiệu bắt đầu cho cuộc sống đời sau. Sự mất mát của đời này là sự có được của đời kế tiếp. Sự chết đi của đời này là sự sống lại vĩnh viễn của đời sau. Mẹ tôi đang đi về với cội nguồn. Chính vì thế mà nhiều người đã cho rằng chết không phải là hết, nhưng chỉ là sự đổi thay của cuộc sống kiếp làm người.

Mẹ tôi đi vào giai đoạn cuối đời người, bằng một việc trông như rất bình thường. Đêm hôm ấy, mẹ tôi thức giậy để đi tiểu. Khi bà vừa thò chân bước xuống giường, thì cơn chóng mặt đã làm mẹ tôi té ngã xuống đất và không thể tự mình chỗi dậy được nữa. Mẹ tôi thấy đau bên hông phải. Bà nằm kêu la dưới đất, được một lúc thì đứa em tôi nghe thấy, nó chạy đến đỡ mẹ tôi lên giường. Cơn đau nhức bên hông phải càng lúc càng tăng theo sự cử động của mẹ tôi. Bố tôi kêu xe chở mẹ tôi đi bệnh viện Thánh Tâm. Hôm ấy, chẳng ai gọi điện thoại cho tôi hay, nhưng tôi linh cảm thấy như có điều không hay đang xảy ra cho gia đình.  Vài ngày sau, tôi gọi điện thọai về Việt Nam thì mới hay tin mẹ tôi đang nằm điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ đã cho lệnh chuyển mẹ tôi xuống trại nằm chờ chết. Vì bệnh không thể cứu chữa, gồm các chứng bệnh như tắc nghẽn ruột già, bí tiểu, và bị nứt xương chậu không thể mổ vì tuổi già.

Phận làm con trai trưởng trong gia đình. Tôi làm sao chịu để mẹ mình, phải chịu chờ chết cách kỳ cục như vậy được. Còn nước còn tát cơ mà, huống hồ bệnh gì kỳ cục quá vậy. Tôi được tuyển bước vào học nghề Y. Từ năm 1974. đã được phục vụ nhiều loại bệnh nhân, từ trẻ em đến người già. Tôi chẩn đoán bệnh của mẹ tôi qua sự kể lại của các em tôi. Bắt đầu  bằng sự chóng mặt, rồi té. Chụp phim quang tuyến thấy nứt xương chậu. Vì đau nên khó có thể cử động chân phải, hay tự đổi được thế nằm nghiêng bên phải. Tôi bàn với các em liên lạc với người anh trưởng tộc, hiện ở Sài Gòn. Nhờ anh xin chuyển mẹ tôi về bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.  Mọi thủ tục lại phải làm lại từ đầu, các xét nghiệm máu, các loại chụp quang tuyến đều phải làm y như người mới nhập viện. Cũng may là những triệu chứng bí tiểu và táo bón được chữa trị nhanh chóng. Sau hơn một tuần lễ nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy, mẹ tôi được cho xuất viện về nhà và chờ tái khám.

Thế nhưng, cơn đau nhức xương bên hông phải tiếp tục gia tăng, thuốc uông không giảm, và mẹ tôi khó có thể ngồi dậy hay xoay thế nằm được. Các vết lở loét vì thiếu máu huyết lưu thông từ các vùng bắp thịt mông bắt đầu phát hiện và ngày càng to, khiến mẹ tôi càng đau đớn thêm. Các em tôi có nhờ người bạn làm y-tá đến chăm sóc vết thương cho hàng ngày. Tôi gọi điện thoại về nhà, nói các em đi mời bác sĩ đến nhà khám bệnh và biên toa thuốc uống và chích giảm đau và trụ sinh để chữa lành vết loét cho mẹ tôi. Bác sĩ có đến nhưng không chịu cho thuốc gì cả, có lẽ vì tuổi già và họ cho rằng mẹ tôi đã bị  bệnh quá trầm trọng, đến nỗi nhà thương chê, nên đành hết thuốc chữa. Ở trong một quốc gia mà thực phẩm có giá hơn nhân phẩm thì mẹ già của tôi có giá trị gì đâu mà các thầy thuốc cần phải chữa trị để kéo dài sự sống cho trật đất.

Ừ! thì còn nước còn tát. Không lo được phần xác thì lo về phần hồn cho mẹ tôi. Mẹ tôi thuộc gốc Hà Nam, Phủ Lý. Đạo gốc, con cháu của thánh Hiếu tử đạo. Cho nên ngày di cư vào nam, mẹ tôi cố gắng tích góp tiền bạc, để mua cho được nhà ở sát ngay cuối sân nhà thờ. Ước mong sớm tối thúc giục con cháu đi dự thánh lễ, và để khi cuối đời mình,  được chịu các phép Bí Tích cần kíp của đạo. Nào ngờ, tôi càng đau lòng khi hay tin  bây giờ ở quê nhà, các giáo xứ  ngày nay cũng thay đổi cách sống đạo, và giữ đạo. Chuyện là như thế này, khi tôi gọi điện thoại hỏi thăm bố tôi về phần thiêng liêng của mẹ tôi. Tôi được bố tôi cho biết mọi sự tốt đẹp cả, mẹ tôi không hề than van, trách móc gì cả, chỉ thích nghe bố tôi đọc sách kẻ liệt cho mẹ tôi hằng ngày mà thôi. Khi tôi hỏi đến việc xưng tội rước lễ, bố tôi cho biết cách đây hai tháng khi còn nằm ở bệnh viện Thánh Tâm, đã được cha giúp nhà thương, cho chịu các phép rồi. Còn bây giờ thì mẹ tôi vẫn rước lễ thiêng liêng hàng ngày. Tôi giật mình hỏi bố tôi sao không trình cha cho được rước lễ hằng ngày, hay ít ra hằng tuần trong lúc mẹ tôi vẫn còn tỉnh táo và ước ao. Bố tôi cho biết rằng đã từ lâu lắm rồi, cha xứ chỉ cho bệnh nhân rước lễ mỗi tháng một lần mà thôi. Tôi đau lòng khôn tả, vì mẹ tôi đã ước ao, cố gắng chắt chiu từng đồng tiền, để mua nhà sát cạnh nhà thờ, để có thể đi dự  thánh lễ hằng ngày. Vậy mà giờ đây, trong lúc ốm đau, lúc mà kẻ bệnh cần thầy thuốc phần hồn, đành phải rước lễ một cách thiêng liêng mà thôi. Tôi tự nghĩ tại sao cả giáo xứ hơn năm ngàn giáo dân mà không có ai được giúp việc đưa mình thánh cho bệnh nhân. Bố tôi cố gắng giải thích cho tôi biết là rước lễ thiêng liêng cũng có giá trị như rước lễ thật vậy. Tôi đau lòng, xót ruột vì mẹ tôi. Tôi đã hỏi bố tôi: “Ăn thật và ăn giả thì có giá trị truyền giáo giống nhau không?”. Ở cái thời mà con người sống chạy theo vật chất hơn là sống theo lời Chúa. Nếu như không có những nghi lễ như đi cho kẻ liệt chịu mình thánh thì lấy gì để truyền giáo. Thời nay nhiều người quên đi Lời Chúa, lại bận rộn truyền giáo kiểu chia cơm, nhường áo cho dân ngoại, mà quên đi con cái của chính mình còn đang đói khát phần hồn.

Tôi tin chắc rằng mọi người đều có kinh nghiệm về sự mất mát. Có thể là bị mất hay đánh mất vật gì đó của mình như tiền bạc, địa vị, của cải mà mình quí thích, mất người thân, bạn bè, hay mất một phần chi thể của chính mình . Mọi người có những phản ứng khác nhau, nhưng tựu trung là: Khóc. đau khổ, tiếc nuối, buồn, trầm cảm, thất vọng, chán nản và tuyệt vọng.

Ngay cả đứa bé sơ sinh vừa mới lọt lòng mẹ. Nó cũng có cảm nghiệm về sự mất mát. Khi tới giờ được sinh ra, nó đã mất cái chỗ ở ấm cúng trong cung lòng của người mẹ, để rồi nó phải thóat ra ngõ hẹp và lớn lên trong một môi trường mới, to lớn hơn và lạnh lẽo hơn. Phản ứng đầu tiên của nó là khóc. Nó khóc là đúng vì nó đã bị người hộ sinh cắt mất đi huyết mạch cung cấp mọi dinh dưỡng, máu huyết từ khúc ruột nối liền giữa người mẹ với nó. Từ nay nó phải tìm kiếm sự sống, qua sự tìm vú mẹ để có sữa mà sống. Nó đã khóc chóe nên vì sự mất mát ấy, trong khi mọi người thân cho rằng nó đã khóc vì được chào đời.

Trong chiến tranh, những người vợ, những đứa con trong gia đình đã khóc thảm thiết khi nghe tin chồng, cha đã hy sinh ngoài trận tuyến. Rất nhiều thương binh đã rơi lệ khi nhìn vào những chi thể của họ bị mất vì bom đạn, tủi cho số phận của họ, vì họ biết rằng vì mất một phần chi thể, họ rồi sẽ còn mất nhiều thứ khác nữa. Thời tàn chiến cuộc, hàng triệu con người miền nam Việt Nam đã bị thế giới coi như là thân phân kẻ mất nước. Họ đã khóc ngậm ngùi trong đau thương, trong âm thầm qua suốt bao nhiêu năm, mà nước mắt vẫn tuôn rơi, mỗi khi tới ngày kỷ niệm bị lấy mất nước, bị lấy mất quyền tự do làm người. Cái mất cũng bao gồm các loại như mất quyền thế, mất danh giá, mất địa vị. Nói chung thì mất cái gì cũng đều đau khổ cả, huống chi là tôi sắp mất mẹ của tôi thật rồi.

Đau là điều kế tiếp theo tiếng khóc. Có nhiều loại đau như đau ngoài da, các cụ thường bảo là còn xa ruột nên chưa thấm vào đâu, đau đầu như búa bổ, đau âm ỉ như cơn đau thấp khớp, đau như hòn đá đè làm nặng ngực như cơn đau tim. Cơn đau răng làm người ta khổ sở vô cùng, ai có đau rồi mới thương kẻ đau. Thế nhưng đau như Mẹ Maria đã chịu khi nhìn thấy Chúa Giêsu chịu khổ nạn. Cái đau đớn ấy, mới đủ diễn tả được cái đau của người sắp mất mẹ như tôi bây giờ.

Tôi gọi điện thoại hằng ngày, và cố gắng trò chuyện với mẹ của tôi. Mặc dù tôi biết mẹ tôi không thể nói được nữa, nhưng tôi tin rằng mẹ tôi vẫn nghe và hiểu được, qua sự trợ giúp nhắc lại của các em tôi, ngồi chung quanh giường của mẹ tôi.

Tôi kể cho mẹ tôi nghe chuyện ngày xưa. Mẹ tôi được bà ngoại của tôi gả chồng từ năm 16 tuổi, Ở cái thời nông nghiệp của quê ta thời ấy, thì có mấy ai thoát cảnh mẹ chồng con dâu. Làm con dâu chịu khổ trăm chiều, vất vả ngược xuôi, để hầu hạ gia đình chồng, theo kiểu chồng làm chúa, vợ làm tôi đòi. Đến khi 20 tuổi thì đẻ được tôi. Tưởng rằng mẹ tôi sẽ được cuộc sống khá hơn khi xưa một tí, nào ngờ số phận mẹ tôi hẩm hiu, tôi bị mắc bệnh dịch Đậu Mùa, nên gia đình bà nội của tôi coi mẹ tôi như là người không mang lại may mắn cho gia đình. Thời gian tôi bị bệnh đậu mùa, mẹ tôi đã bán hết của hồi môn, để có tiền mua thuốc bắc đem về sắc trong các siêu đất, cứ ba chén nước thì đun cho tới khi sôi chỉ còn lại một chén là được thuốc uống. Công ơn ấy tôi có bao giờ dám quên. Tôi nhắc chuyện mẹ tôi mua nhãn lồng Hưng Yên cho tôi ăn, cho da của tôi được trắng và mịn màng trở lại vì các nốt sẹo bệnh đậu mùa đã đen thâm trên da mặt của tôi. Chuyện mẹ tôi rượt tôi ngoài đường, vừa chạy, mẹ tôi vừa la: “Mày có chạy đằng trời. Bà cũng bắt được mày”. Tôi đã chạy bằng đường trời thật. Bây giờ thì làm sao mà mẹ bắt được con nữa nhỉ? Tôi biết mẹ tôi thích mua nhà gần nhà thờ, để tiện việc đi lễ, khi tuổi già vì bệnh thấp khớp đã cản trở mẹ tôi. Bây giờ tôi cũng thế. Tôi bắt chước mẹ, vừa mua xong căn nhà ngay cạnh nhà thờ chính toà của thành phố Hobart, thì mẹ tôi ốm. Tôi nói khôi hài nhắn mẹ tôi, cố gắng về nước trời tìm chỗ nào gần nhà Thánh Gia, có căn nhà nào bán thì mua dùm cho tôi một căn.

Mẹ tôi được sinh ra trong gia đình có tất cả 4 anh chị em. Mẹ tôi là con út, gồm hai anh và một chị. Anh cả của mẹ tôi là bố của mẹ cha Lê Trọng Bình, cái ông cha cao như Úc mới chịu chức năm 2008. Ở Úc này, về họ đằng ngoại của tôi chỉ có hai gia đình chị em chúng tôi mà thôi. Hiện nay, mẹ tôi chỉ còn một người anh kế là còn sống, tuy già, gầy gò, thế nhưng bác của tôi vẫn khoẻ, ngày chỉ hai cữ cà phê bột là đủ rồi.

Bố tôi cứ hỏi tôi, theo tôi đoán thì bao giờ mẹ tôi sẽ về chầu Chúa. Tôi đành cười ra nước mắt cho sự lẩm cẩm của ông. Tôi nào có phải là Chúa đâu mà biết được. Tôi cũng không phải là thánh, vì ở cách xa ngàn dặm, không nhìn thấy thân xác, khuôn mặt của mẹ tôi. Tay tôi không sờ thấy mạch, tai không nghe thấy tiếng đập của tim mạch, tiếng thở hít của phổi, và tiếng nói của mẹ tôi. Tôi làm sao mà biết ngày giờ ra đi của mẹ tôi một cách chính xác được. Tôi đành nhờ vào linh tính trực giác của tôi mà thôi. Mẹ tôi, thân xác vẫn còn đấy, nhưng chỉ là chờ giây phút trút hơi thở cuối đời mà thôi.

Thế rồi vào lúc 1930 chiều ngày thứ sáu 11/9/09. Đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật đứa cháu nội đích tôn của tôi, thì mẹ tôi nhắm mắt giã từ cõi thế trần. Cũng cái ngày 11/9. hai tòa nhà bên Mỹ bị khủng bố cho máy bay đâm sập, làm cà ngàn người chết. Ôi! cái ngày thật khó quên và dễ nhớ, cái ngày mang lại niềm vui và đau thương cho gia đình của tôi.

Tôi không thể về được vì tôi đang làm hợp đồng với bệnh viện Calvary. Tôi đành nhờ đến các con. Qua sự bàn thảo của các con, người con trai út của tôi đã về phụng dưỡng, báo hiếu bà nội, với sự cộng tác tiền bạc của các gia đình anh chị của nó. Phần chúng tôi chỉ biết tin nhờ vào lời cầu nguyện của mọi người thân quen. Xin Thiên Chúa ban cho mẹ tôi được thêm sức, chịu đựng mọi sự đau khổ của bệnh tật, để thông hiệp với Chúa Giêsu trên đồi Calvê thuở xưa. Gia đình chúng tôi, xin Mẹ Maria cùng các thánh gìn giữ, và luôn ở cùng mẹ tôi. Đặc biệt trong tháng Mân Côi, xin Mẹ Maria là quan thầy của mẹ tôi, giúp cho mẹ tôi học tập thông suốt 12 nhân đức của Mẹ Maria.

Hỡi những ai đang còn mẹ cha, hãy thông cảm với nỗi thống khổ của tôi, cái đau khổ của kẻ sắp sửa mất mẹ. Hãy tìm mọi cách phụng dưỡng mẹ cha, dù ở trong bất cứ tuổi tác nào, dù bạn đang ở trong bất cứ hòan cảnh nào. Xin hãy thể hiện đạo hiếu của người Việt Nam. Vì Mẹ cha là đấng sinh thành dưỡng dục chúng ta nơi trần gian, và nếu chúng ta không thảo kính thì làm sao chúng ta có thể thờ phượng Thiên Chúa là đấng chúng ta không thể trông thấy được.

Sau hết, xin mọi người thân quen cho con xin một lời kinh cầu cho linh hồn Maria là mẹ của chúng con sớm được hưởng nhan thánh Chúa. Con phó thác mẹ của con trong tay Thiên Chúa và Mẹ Maria. Mặ dù sự đau đớn có làm cho con thêm đau khổ, nhưng xin Chúa Cha tòan năng đừng làm theo ý con, nhưng xin vâng ý của Cha trên trời, để mọi sự được trở nên trọn vẹn. Amen.

Thụy Miên.




Leave a Reply.