Khi hừng đông ló dạng, mặt trời lại được dịp tỏa sáng cho vạn vật, và nhờ ánh sáng chiếu soi trên mặt đất, nên cảnh vật đều được chiếu sáng, ấm áp và khô ráo. Chúng ta hãy Suy gm cuc đi Chúa Giêsu qua sự lần chuỗi Mân côi. Qua Năm sự Sáng.
Lúc 0600 giờ sáng.

Ngắm thứ Nhất:  Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan. 

Trích Phúc âm theo thánh Luca. 

“Vậy khi tất cả dân chúng chịu phép rửa, Chúa Giêsu cùng chịu phép rửa, và Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra; và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán:  “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Luca 3, 21-22). 

Và thánh Matthêu ghi chép về việc ông Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu,:  “Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Gio-đan, để ông làm phép rửa cho.  Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Người rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?”.  Chúa Giêsu liền đáp lại:  “không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”.  Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người.  Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước.  Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu trên Người.  Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”  (Matthêu 3, 13-17). 

Suy niệm.

Chúng ta thấy có ba sự việc đáng ghi nhớ: 

Khi Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa rồi bước lên khỏi mặt nước, đang cầu nguyện, thì các tầng trời mở ra. Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu tên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. 

Thánh Gioan Baotixita đã rao giảng tin mừng và làm phép rửa xám hối và cầu ơn tha tội cho dân chúng.  Họ đang mong đợi Đức Kitô, một đấng được xức dầu tấn phong.  Họ nghĩ trong lòng có lẽ ông Gioan Baotixita là Đức Kitô mà họ đang mong đợi, nhưng ông đã trả lời mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa cho các người, nhưng đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, tôi không xứng đáng cởi dây giầy Người: Chính Người sẽ rửa các người trong Chúa Thánh Thần và trong lửa.  Người cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đổ đi trong lửa không hề tắt !”  (Luca 3, 16-17). 

Như thế ông đã xác nhận với dân chúng, những người đến xin ông làm phép rửa, là có một Đấng sẽ dến, sẽ giảng dậy tin mừng và sẽ rửa cho mọi người trong Chúa Thánh Thần và trong lửa.  Và Đấng ấy chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.  (Gioan 1, 29).  Chính vì vậy, khi ông Gioan Baotixita thấy Đức Chúa Giêsu dến để xin ông làm phép rửa thì ông đã can rằng: “chính tôi phải được Người rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?”.  Nhưng Chúa Giêsu đáp lại với lời lẽ khiến ông Gioan không thể từ chối, vì đó là bổn phận sám hối mà chúng ta cần phải chu tòan, như thế có nghĩa là Chúa Giêsu chịu phép rửa bằng nước của ông Gioan và sau khi chịu phép rửa xong, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống đậu trên Người dưới hình chim bồ câu, như để ban ơn thêm sức cho Người.  Một món qùa tặng qúi gía cho một người mà Chúa Cha yêu thích nhất.  Bởi thế chính lúc đó có tiếng từ trời phán rằng: “Này là con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.

Tóm lại, chúng ta thấy qua phép rửa có hai cách: 

Cách thứ nhất như ông Gioan Baotixita đã làm là sau khi rao giảng tin mừng và kêu gọi người ta từ bỏ tội lỗi và sám hối thì ông đã dùng nước để rửa tội cho họ, để họ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. 

 Cách thứ hai theo như lời ông Gioan Baotixit đã nói là Đức Giêsu sẽ rửa cho dân chúng bằng cách rửa trong Chúa Thánh Thần và trong lửa.

Thường thì chúng ta muốn rửa vật gì thì dùng nước mà rửa, ngày nay có thêm chút xà phòng để cho vật ấy được sạch.  Ở các tiệm vàng người thợ dùng lửa để tẩy luyện cho vàng được sạch chứ không phải rửa bằng nước.  Còn Chúa Giêsu lại rửa cho những người đến nghe tin mừng và sám hối bằng Chúa Thánh Thần.

Chúng ta nhớ lại sự kiện Chúa Thánh Thần đã hiện xuống đậu trên các thánh tông đồ như hình các ngọn lửa, và sau đó các ông được biến đổi thành một con người mới. Trước kia họ nhút nhát, khiếp sợ thì nay đã trở nên can đảm, khôn ngoan.  Có người được ơn chữa bệnh, có người được ơn nói tiên tri.  Chính vì thế, khi chúng ta được rửa trong Chúa Thánh Thần thì chúng ta sẽ được biến đổi thành một con người mới tốt lành hơn.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Ta hãy xin cho được thanh tẩy trong Chúa Thánh Thần. 

Lạy Chúa Thánh Thần, xin tẩy rửa lòng trí chúng con, hồn xác chúng con bằng ơn thánh của Người.  Để chúng con được trở nên trong sạch, thân xác khỏe mạnh, thần trí khôn ngoan và sáng suốt.  Để chúng con biết xa lánh trước những cám dỗ của thế tục, đủ sức chiến đấu với tội lỗi.  Để chúng con can đảm sống truyền bá tin mừng và đem bình an cùng ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với mọi người.  Chúng con biết rằng Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa đã được đưa vào hoang địa để chịu ma qủy cám dỗ.  Suốt bốn mươi ngày đó Người đã không ăn gì cả, và sau thời gian đó Người đói và ma qủy đã đến cám dỗ Người.  Ba lần thử thách Chúa Giêsu qua các hình thức về đói khát, quyền hành, danh vọng, giầu có và về quyền phép.

Xin Chúa Thánh Thần luôn ở cùng chúng con, vì nếu không có Người chúng con thật là yếu hèn chẳng làm được việc gì cả.  Nhưng với ơn của Chúa Thánh Thần gíup đỡ, chúng con tin chắc rằng chúng con sẽ làm được mọi việc để sáng danh Chúa.  Xin Chúa đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.  Amen. 

Lúc 0700 giờ sáng.

Ngắm thứ hai: Đức Chúa Giêsu tỏ mình ra tại tiệc cưới Cana. 

Trích phúc âm theo thánh Gioan. 

“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa.  Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và vì thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, tôi với bà nào có can chi đâu, giờ tôi chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc rằng: “Hễ Người bảo gì thì làm theo”.  Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái, mỗi chum đựng được hai hay ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ đầy nước vào các chum”.  Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người qủan tiệc” và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, ông không biết từ đâu ra, nhưng những người giùp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn.  Còn ông, ông đã giữ rượu ngon cho tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người đã tin Người” (Gioan 2, 1-11).

Suy niệm.

Theo phúc âm thánh Gioan. Chúng ta thấy đây là phép lạ đầu tiên khi Chúa Giêsu đã có một số môn đệ đi theo Người dự tiệc cưới tại nhà một người dân ở Cana xứ Galilêa.  Nhưng xét theo thánh Luca thì từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa và bắt đầu công cuộc rao giảng tin mừng trong các hội đường Nagiarét, thành Capharnaum, tại đây người đã chữa lành người bị qủy ám, chữa lành mẹ vợ ông Simon.

Khi Chúa Giêsu đến xứ Galilêa, Người giảng dậy trong các hội đường, và có lần Người đứng ở bờ hồ Giêrusalem, và đã xuống chiếc thuyền của ông Simon. Ngồi trên thuyền người giảng dậy dân chúng.  Vừa giảng xong, Người bảo Simon: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”  (Luca 5, 4). Và các ông đã vâng lời thả lưới, bắt được rất nhiều cá đến nỗi lưới các ông hầu như bị rách, cá đổ đầy hai chiếc thuyền và chở nặng gần chìm.  Mặc dù trước đó ông Simon đã cực nhọc thả lưới suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Điều này gíup chúng ta hiểu được rằng phép lạ của Chúa Giêsu chỉ xảy ra, khi người đến xin ơn có lòng tin và vâng phục làm theo lời Người như ông Simeon đã tin. 

Trong phép lạ tại tiệc cưới Cana cũng vậy, những người gíup việc đã không hỏi Chúa Giêsu tại sao phải gánh nước đổ vào chum đá, và họ đã gánh nước đổ đầy sáu chum đá, sau đó đã vâng lời múc đem cho người quản lý nếm thử. 

Suy nghĩ về sự kiện hết rượu của tiệc cưới. Và vì tiệc cưới thiếu rượu, mẹ Người đến nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Tại sao mẹ Maria lại đến nói với Người mà lại không nói với người nhà, những người lo về đồ uống cho bữa tiệc. Phải chăng mẹ đã chứng kiến cảnh Chúa Giêsu làm phép lạ cho ông Simeon thả lưới sau khi cả đêm chẳng bắt được gì, mà nay vì vâng lời Người, ông thả lưới và bắt được hai thuyền cá chở nặng gần chìm.

Phải chăng mẹ Maria đã tin tưởng tuyệt đối vào lời Thiên Thần truyền tin là Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa, đấng quyền phép vô cùng nên có thể làm phép lạ để cứu giúp nhân loại. Phải chăng mẹ Maria sợ là Chúa không biết tiệc cưới thiếu rượu. Thế nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã khiến chúng ta suy nghĩ về một người lãnh đạo, chỉ huy giỏi, họ luôn luôn tiên liệu về các sự việc và khi sự việc xảy ra thì họ đã có cách ứng xử. 

Suy nghĩ tới tiệc cưới chắc phải đông người lắm, cho nên người quản lý cũng không biết vì sao mà có rượu, chỉ có những người giúp việc đã gánh nước thì biết. Họ là những người nghèo giúp việc đã vâng lời Chúa Giêsu gánh nước. Chúa Giêsu cũng chẳng giải thích cho những người ở trong tiệc cưới biết là chính Chúa đã giúp ho có rượu. Chỉ có Mẹ Maria, các môn đệ ngồi ở gần với Người và các Người giúp việc đã gánh nước biết được điều đó làm thế nào mà có được.

 

Áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng Đức Chúa Trời.

Lạy Chúa!  Xin cho chúng con biết tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa và vâng phục theo thánh ý Chúa, mặc dù có rất nhiều sự việc mà trí thông minh, sự hiểu biết của chúng con không thể nào giải thích được.  Chúng con cũng biết: phúc cho chúng con là những kẻ tin rằng Lời Chúa nói cùng chúng con sẽ được thực hiện.

Xin Chúa ban cho chúng con những điều cần thiết để chúng con có cuộc sống an vui, bình an.  Nếu điều ấy là tốt đẹp theo ý Chúa.

Xin cho chúng con biết xác tín rằng vào giờ của Chúa thì Người sẽ đến để cứu thoát chúng con khỏi phải sa chước cám dỗ, hay trong chúng con lúc tuyệt vọng.  Xin cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa một cách trọn vẹn.  Amen. 

Lúc 0800 giờ sáng.

Ngắm thứ ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Tám Mối Phúc Thật. 

 

Trích Phúc âm theo thánh Matthêu. “Khi ấy Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bây giờ Người mở miệng dạy họ rằng: 

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ.

Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.

Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả.

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.

Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ.

Phúc cho các con, khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. 

Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời.  Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy” (Matthêu 5, 1-12). Còn theo thánh Marcô: “Người nói: “Thời gian đã đầy đủ, và nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Macrô 5, 15). 

 

Suy niệm. 

Theo thánh Marcô thì sau khi thánh Gioan Baotixita bị bắt, Chúa Giêsu đến xứ Galilêa rao giảng Tin Mừng về nước Thiên Chúa.  Cũng như thánh Gioan Baotixita đã rao giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời đã gần đến”.  Chúa Giêsu đã nói: “Thời gian đã đầy đủ, và nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy thống hối và tin tưởng và tin vào Tin Mừng”.

Chúa Giêsu đã giảng dậy trong hội đường Nagiarét, tại thành Capharnaum, trong các hội đường xứ Galilêa.  Thiên hạ kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dậy như Đấng có uy quyền, chớ không như các luật sĩ (Marcô 1, 22). 

Ông Gioan Baotixita đã đi khắp miền sông Giodan, rao giảng phép rửa sám hối, cầu ơn tha tội, dân chúng hỏi ông rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” (Luca 3, 10).  Ông đã trả lời: Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy.  Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và hỏi rằng: Thưa Thầy chúng tôi phải làm gì?  Ông đáp: Các ngươi đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các ngươi”.  Các quân nhân cũng hỏi ông: Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì? Ông đáp: Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình” (Luca 3, 10 – 14).

Suy niệm về việc Chúa Giêsu đã giảng dậy dân chúng về hiến chương nước trời qua tám mối phúc thật, theo thánh Matthêu viết: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó.  Phúc cho những ai hiền lành.  Phúc cho những ai đau buồn.  Phúc cho những ai đói khát điều công chính (chu toàn lề luật và thánh ý Thiên Chúa).  Phúc cho những ai hay thương xót người.  Phúc cho những ai có lòng trong sạch.  Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa.  Phúc cho những ai bị bắt hại vì lẽ công chính”.  (Matthêu 5, 3-10). 

Chúng ta cũng suy niệm đến sự giảng của Chúa Giêsu về việc dân chúng phải biết yêu thương tha nhân, yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình nữa.  Hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền.  Hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. 

Suy niệm về việc Chúa Giêsu giảng dậy dân chúng rằng: “Đừng xét đóan, thì các ngươi sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con sẽ khỏi bị kết án.  Hãy tha thứ, thì các ngươi sẽ được tha thứ.  Hãy cho thì sẽ cho lại  các ngươi; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các ngươi.  Vì các ngươi đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.  (Luca 6, 37-38).

Suy niệm về việc Chúa Giêsu dạy về thí dụ muối đất và sự sáng thế gian; về việc bố thí, cầu nguyện (kinh Lạy Cha); về hiệu lực của lời cầu nguyện và ăn chay; về sự làm tôi Thiên Chúa hoặc tiền của; về việc vâng phục Thiên Chúa không phải chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng việc làm.  “Tại sao các ngươi gọi Ta “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà các ngươi không thi hành điều Ta dạy bảo?  (Luca 6, 46).

Áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Ta hãy xin cho được hóan cải và đón nhận Tin Mừng. 

Tám mối phúc thật của Chúa đã giúp chúng con biết được bổn phận của người tín hữu, chúng con cần phải sống và thực hành những điều Chúa giảng dậy như:  Có tinh thần nghèo khó; có lòng trong sạch; ăn ở thuận hòa; hiền lành; chịu đau buồn để được ủi an;  chịu bách hại vì lẽ công chính để xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa và để được Nước Trời là của mình.

Chúa Giêsu đã dậy chúng con cách cầu nguyện, ăn chay, bố thí.  Để giác quan của chúng con không làm cớ cho chúng con vấp phạm, và để chúng con khỏi phải mất công đức trước mặt Chúa.

Chúng con sẽ quyết tâm thực hiện Lời Chúa dậy: Yêu thương kẻ thù , làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa và cầu nguyện cho kẻ vu khống chúng con.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con đủ can đảm và nghị lực để hóan cải đời sống của chúng con, và để thực hiện Lời của Chúa từng giây, từng phút suốt cuộc đời của chúng con.  Amen.

Lúc 0900 giờ sáng.

Ngắm thứ bốn:  Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. 

Trích Phúc Âm theo thánh Matthêu. 

“Sáu ngày sau, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao.  Người biến hình trước mặt các ông; Mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môisen và Elia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bây giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi.  Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông chẳng còn thấy ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mt. 17, 1-9).

Suy niệm. 

Cả hai thánh Mátthêu và Luca đều viết rằng, Chúa Giêsu đã gọi các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan trong số các môn đệ của Người và đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao để cầu nguyện.  Lên núi cao là nơi vắng vẻ và ít người lai vãng. Tại sao lại không vào các hội đường để cầu nguyện mà Chúa Giêsu lại chọn nơi thanh tịnh, vắng vẻ?  Có phải  để hồn chúng ta được dễ nâng lên cùng Chúa và để Người dễ dàng hiện xuống với chúng ta.  Vì núi là nơi ở trên thì tiếp xúc với trời mây và dưới là mặt đất, nơi con người đang bận rộn với cuộc sống. 

Người biến hình trước mặt các ông.  Mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.  Sự biến đổi khác thường này đã sảy ra đang lúc Chúa Giêsu cầu nguyện đã nói lên sự hiêp thông, hiệp nhất của Chúa Giêsu với Chúa Cha trên trời trong lời cầu nguyện.  Người đã cầu nguyện như thế nào?  Có lẽ Lời cầu nguyện như sau:  Lạy Cha, xin cho con biết việc con phải chịu trong những ngày sắp tới, nó sẽ xảy ra tại nơi nào? 

Chính vì thế mà Môisen và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người, và nói cho Ngươì biết về cuộc khổ nạn, về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem.  Cái chết ấy là do sự phản bội của Giuđa, một trong những môn đệ của Người, do lòng ghen ghét của bọn luật sĩ, thượng tế và do kỳ lão là những người hàng ngày nghe Chúa Giêsu giảng dạy trong các hội đường, nhưng bởi sự xúi dục của các luật sĩ và thượng tế nên họ đồng thanh khép tội cho Ngừơi cái tội phạm thượng, tự cho mình là Con Thiên Chúa. 

Sự biến đổi về diện mạo trở nên uy nghi, sáng láng đã phát tỏa ra sự uy quyền của Đấng Tối Cao đầy quyền phép.  Vua trên hết các vua.  Chính sự đầy quyền uy này đã làm thức tỉnh ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan,lúc họ đang ngủ mê mệt.  Ông Phêrô sung sướng ngất ngây khi thấy được sự biến hình đầy uy quyền của Người, lên tiếng thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thày, chúng con được ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia”. 

Trong khi ông còn đang nói, bỗng có đám mây bao phủ các ngài và các ngài biến vào trong đám mây không còn nhìn thấy được nữa.  Chắc chắn đám mây phải dầy đặc lắm đến nỗi các ông không còn nhìn thấy các ngài.  Và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”.  Tiếng phán này giống như lần Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. 

Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi.  Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”, ngước mắt lên các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. 

Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không đựơc nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người tự cõi chết sống lại”.

 

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

 

Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa. 

Lạy Chúa Giêsu.  Người đã biến hình trong lúc cầu nguyện cùng với Đức Chúa Cha về những đau khổ, những buồn sầu và về những tội lỗi của loài người chúng con.  Với thân phận làm con người, Người đã đau buồn, lo sợ vì không biết giờ nào, cách nào sự chết sẽ xảy đến với Người.  Và trong sự hiệp nhất với Chúa Cha qua lời cầu nguyện, Người đã biến hình trên núi cao, Người trở nên sáng láng, đầy quyền uy, từ diện mạo đến áo mặc.  Môisen và Êlia đã hiện ra để đàm đạo với Người. 

Còn phần chúng con qua cuộc sống trần gian này, chúng con cũng đã nhiều lần biến dạng với những khuôn mặt đầy hung ác, dữ tợn vào những lúc chúng con nổi cơn giận dữ, hay khi ma qủy chiếm ngự tâm hồn chúng con, hoặc khi chúng con đang làm điều tội lỗi.

Cũng có lúc khuôn mặt chúng con trở nên nhu nhược, đầy vẻ yếu hèn của kẻ van xin, lậy lục người khác.  Cũng có khi khuôn mặt chúng con đầy vẻ chán chường vì gặp thất bại chua cay trên đường làm ăn.  Cũng có lúc khuôn mặt của chúng con làm cho anh em, bạn bè xa lánh vì nó trông thật dễ ghét, đểu giả và bần tiện. 

Lạy Chúa!  Đời sống trần thế của chúng con là thế đấy.  Vì phải đối diện với cuộc sống hàng ngày, biết bao nhiêu vấn đề phức tạp, khó khăn.  Chưa kể đến những bệnh dịch, tai ương đang lan tràn làm chúng con biến dạng trở nên xấu xí và trở nên lệ thuộc vào vật chất qúa nhiều.

Có lẽ chúng con đã quên đi sức mạnh của lời cầu nguyện cùng Chúa.  Xin cho chúng con biết chạy đến cùng Chúa Giêsu nơi nhà tạm, qua phép Bí Tích Thánh Thể, để Người cất đỡ gánh nặng phần hồn, phần xác cho chúng con, để chúng con được nâng hồn lên tới  Chúa, trò chuyện cùng Chúa và để thân xác, tâm hồn chúng con được biến dạng cùng Chúa trong sự thảnh thơi và bình an.

Lạy Chúa!  cuộc sống trần gian của chúng con đầy vất vả và bận rộn.  Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa dạy chúng con trong lúc lẻ loi, trong đêm vắng hay trong lúc nguyện cầu cùng Chúa, để chúng con đem ra thực hành trong đời sống của chúng con. 

 

Lúc 1000 giờ sáng.

 

Ngắm thứ năm:  Đức Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể.   

Trích Phúc Âm theo thánh Luca. 

“Đoạn Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.  Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là chén Tân ước trong máu Ta sẽ đổ ra vì các con”.  (Luca 22, 19-20). 

 

Suy niệm 

Trong bữa ăn của lễ Vượt Qua lần sau cùng của Chúa Giêsu, Người đã truyền phép Thánh Thể bằng cách cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ bánh ra, trao cho các môn đệ mà ăn.  Người cũng cầm lấy chén rượu, tạ ơn và trao cho các môn đệ mà bảo họ uống.  Người còn nhắn nhủ họ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.  Vâng vì tình yêu Chúa Giêsu đã chịu nộp mình, chịu khổ hình, chịu đóng đinh trên thập giá và chịu chết.  Người đã sống lại và lên trời.  Thân xác Người rời xa chúng ta vĩnh viễn, nếu như Người không lập Bí Tích Thánh Thể, để nấu thân trong tấm bánh nơi nhà Tạm, để trở nên lương thực làm của nuôi linh hồn chúng ta, và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Thật là một điều vượt hẳn con mắt của khoa học loài người, vượt hẳn mọi triết lý của nhân loại.  Thánh Gioan đã viết như sau:  Bấy giờ Chúa Giêsu đã nói với họ: Thật Ta bảo thật các ngươi:  Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi.  Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.  Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống.  Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy.  Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha thì kẻ ăn Ta, chính kẻ ấy cũng sống nhờ Ta.  Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn bánh Manna và đã chết.  Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.  (Gioan 6, 54,59).

 Chính Chúa Giêsu đã ví mình là bánh có sự sống đời đời, và ngày nay qua tấm bánh trong nhà Tạm mà Chúa Giêsu đã hiện diện để làm của nuôi linh hồn cho mọi tín hữu, để như cành nho dính liền vào thân cây nho, sinh nhiều hoa trái và để họ sẽ có được sự sống đời đời.  Còn hành động  nào cao quý hơn là việc Chúa Giêsu đã lấy chính thịt, máu mình làm của nuôi cho nhân loại và để cứu rỗi nhân loại.  Vì thế khi người tín hữu tham dự thánh lễ,  nên dọn mình để tham dự tiệc thánh, vi khi ăn và uống máu thánh của Chúa thì  chúng ta đã được trở nên thành chi thể của Chúa Kitô, như cành nho liền với cây và họ sẽ nhận được tràn đầy ơn thánh sủng của Chúa.

 

Áp dụng vào đời sống hàng ngày

 

Ta hãy xin cho được siêng năng rước lễ. 

Đời sống phần xác chúng ta, mọi ngày sáng, trưa, chiều, tối chúng ta đều cần được ăn uống.  Còn đời sống tâm linh của người Kitô hữu chúng ta, cũng cần có những bữa ăn cho linh hồn, để đức tin chúng ta được lớn mạnh.  Thức ăn đó là Lời Chúa và thịt cùng máu của Con Người.  Nếu chúng ta không đọc và tìm hiểu, lắng nghe Lời Chúa thì chúng ta không hiểu biết về Người, vì vô chi bất mộ.  Làm sao chúng ta có thể hiệp thông được với Người.  Nếu chúng ta không ăn và uống máu của Người thì làm sao chúng ta có thể biến thành chi thể của Người, và hơn thế nữa chúng ta không có được sự sống đời đời. 

Để xứng đáng tham dự tiệc thánh, ăn và uống máu Người.  Chúng ta cần phải biết đọc và lắng nghe Lời của Chúa và biết đem ra thực hành trong đời sống của chúng ta.  Thực hành Lời chúa dạy như:   

Hãy kính sợ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình vậy.

Hãy thảo kính cha mẹ.  Hãy sống trong tinh thần khó nghèo.  Hãy hiền lành và khiêm nhường.  Hãy cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc.  Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù đầy.  Chớ trộm cắp, giết người, làm sự dâm dục.  Hãy bố thí, cầu nguyện và ăn chay một cách kín đáo.  Chớ ghen ghét, chớ đoán xét, chớ thề nguyền và chớ ly dị trừ nố tà dâm. 

Lạy Chúa! Vì mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể.  Xin cho chúng con hiểu biết được tình yêu và sự hy sinh vô biên của Chúa.  Để chúng con siêng năng rước lễ, đón Chúa vào nhà linh hồn của chúng con.  Để chúng con trở nên chi thể của Chúa Giêsu và để chúng con sống nhưng không phải là chúng con sống nhưng là chính Chúa sống trong chúng con và chúng con sẽ có được sự sống đời đời.  Amen. 

 

Lúc 1100 giờ.

 

Suy niệm tổng quát về Sự Sáng 

Từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa tội tại sông Gio-đan, dự tiệc cưới Canna và phép lạ hoá nước thành rượu,  Chúa Giêsu rao giảng về Tám mối Phúc thật.  Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, và sau cùng Chúa Giêsu lập phép Bí Tích Thánh Thể. 

Cuộc đời cứu chuộc của Chúa Giêsu bắt đầu từ khi Người chịu phép rửa với ông Gioan Tẩy Giả tại sông Gio-đan.  Chúng ta đã được nghe thánh Matthêu  thuật lại có tiếng phán ra từ trời: “Này là Con  yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. (Mt. 3, 17).  Lời này đã xác tín Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.  Sau đó Người lui vào sa mạc, nhịn đói bốn mươi đêm ngày, chịu cám dỗ, thử thách.  Sau khi ma qủy đã phải thất vọng vì những cám dỗ về quyền năng, ăn uống, tước vị và vinh quang trên mặt đất đã không thể nào cám dỗ được Chúa Giêsu , chúng đã rời bỏ Người lại một mình và các Thiên Thần đến hầu hạ Người.  Chúa Giêsu đã đi đến Nagiarét, Capharnaum, và Galilea để loan báo tin mừng cùng giảng dạy cho dân chúng. Chúa đã thâu nhận các môn đệ, tuyển chọn mười hai tông đồ: Simon (Phêrô), Anrê em ông Phêrô, Giacôbê và em là Gioan con ông Giêbêđê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêo, tôma, Simon nhiệt thành (Tađêô), Giacôbê con ông Alphê và Giuđa con ông Giacobê và Giuđa Iscariôt là kẻ phản bội.  Theo bốn Tin Mừng của các thánh: Matthêu, Marcô, Luca, và Gioan thì ta thấy Chúa Giêsu thường gọi ba tông đồ đi theo Người trong các dịp chữa bệnh, lên núi cầu nguyện và cho được xem thấy Chúa biến hình, đó là các ông: Phêrô, Giacôbê, và em ông là Gioan.

Trong suốt ba năm giảng dạy, Người đã rất làm nhiều phép lạ. 

Phép lạ đầu tiên là cho ông Simon bắt được đầy hai thuyền cá.

Phép lạ biến nước thành rượu ngon tại tiệc cưới thành Canna.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều (năm chiếc bánh và hai con cá.  MC. 6, 30).

Và lần thứ hai (bảy tấm bánh và ít con cá nhỏ.  Mt. 15, 32).

Phép lạ cho con trai bà góa thành Nain sống lại.

Phép lạ cho con gái ông Giairô sống lại.

Phép lạ cho ông Lagiarô em của hai bà Maria và Mártha sống lại.

Phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt biển (Mt. 14, 22).

Phép lạ Chúa quát sóng gió yên lặng.

Phép lạ Người biến hình trên núi Tabor (Mt. 17, 2). 

Chúa Giêsu cũng đã chữa lành nhiều bệnh nhân đau yếu, cảm sốt, tê liệt, bất toại, câm, điếc, mù, phong cùi và qủy ám.  Có nhiều bệnh nhân chỉ cần động đến tua áo của người mà thôi là được khỏi bệnh. 

Theo thánh Matthêu đã ghi chép: 

Chúa chữa người cùi (Mt. 8, 1).

Chúa chữa bệnh tên đầy tớ viên đại đội trưởng (Mt. 8, 14).

Chúa chữa bệnh sốt rét cho bà mẹ vợ ông Phêrô (Mt. 8, 14).

Chúa trừ quỷ cho hai người ở Giêrasa (Mt. 8, 28).

Chúa chữa người bất toại (Mt. 9, 1).

Chúa chữa người phụ nữ loạn huyết (Mt. 9, 18).

Chúa chữa hai người mù (Mt. 9, 27).

Chúa chữa người câm bị quỷ ám (Mt. 9, 32).

Chúa chữa người bại một tay (Mt. 12, 9).

Chúa chữa người bị quỷ ám (Mt. 12, 22).

Chúa chữa lành bệnh con gái một bà quê ở Cananea. (Mt. 15, 21).

Chúa chữa nhiều người bệnh ở bờ biển Galilêa. (Mt 15, 29).

Chúa trừ quỷ kinh phong (Mt. 17,14).

Chúa chữa hai người mù gần thành Giêricô. (Mt. 20, 29).

Chúa chữa lành những người đui mù và què quặt trong đền thờ Giêrusalem. (Mt. 21, 14). 

Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy cho dân chúng về Tám Mối Phúc thật. 

Người kể những dụ ngôn về Nước Trời, Người dạy dỗ về các lề luật mới để kiện toàn lề luật cũ.  Người dạy dỗ về sự ăn chay, cách cầu nguyện, cách làm phúc bố thí, giảng về sức mạnh của Đức tin vào Thiên Chúa. 

Người nhấn mạnh vào hai giới răn trọng nhất đó là: 

Thứ nhất: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt. 22, 37). 

Thứ hai: “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Mt. 22, 39). 

Chúa Giêsu cũng dạy  dân chúng cách cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

Người cũng nói rõ cho dân chúng biết là không thể làm tôi hai chủ, “Vì hoặc nó sẽ ghét người này mà mến người kia, hoặc nó sẽ chuộng chủ này và khinh chủ nọ.  Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền bạc được. (Mt. 6, 21). 

Chúa Giêsu cũng nói cho mọi người biết ai là anh em đích thực của Người.  “Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy” (Mt. 12, 46). 

Chúa Giêsu cũng đã dậy các môn đệ gương khiêm nhường qua việc người rửa chân cho các ông sau bữa ăn tối trước lễ Vượt Qua  “Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.  Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như thầy đã làm cho các con” (Gioan 13, 14-15).

 

Áp dụng vào đời sống hàng ngày 

Lạy Chúa!  Suy gẫm năm Sự Sáng, chúng con hiểu phần nào về cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Chúa.  Chúng con bàng hoàng vì thái độ cứng lòng tin của dân chúng thời ấy, qua các việc Chúa đã chữa bệnh, làm phép lạ cho kẻ chết sống lại, cho dân chúng có bánh ăn nơi hoang vắng, cho rượu ở tiệc cưới thiếu rượu.  Cũng như cách giảng dậy đầy uy quyền của Chúa tại các hội đường.  Họ đã tin và tung hô Người là Con Thiên Chúa  và để rồi họ lại kết tội Chúa là ngạo phạm khi người tự xưng mình là Đức Kitô, Con Thiên Chúa.  Họ cũng đã theo Chúa khắp mọi nẻo đường, nhưng rồi lại rẽ khúc quanh để bỏ Người cho bọn luật sĩ, thượng tế, và bọn kỳ lão bắt và đem đi giết Người, treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp. 

Lạy Chúa!  Qua Bí Tích Thánh Thể.  Người đã lập ra để giúp chúng con được liên kết với Người mỗi ngày trong đời sống của chúng con.  Để chúng con được sống trong tình yêu của Người như lời thánh Gioan đã nói: “Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở  trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, thì được” (Gioan 15, 7). 

Xin Chúa cho chúng con biết sống xứng đáng làm con cái của Chúa,  biết lắng nghe Lời Chúa qua các thánh lễ, sách Phúc Âm, để chúng con hiểu biết lời Chúa dạy mỗi ngày một nhiều hơn, và biết đem ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày của chúng con. 

Xin Chúa cho chúng con biết năng kết hợp cùng Chúa qua phép Bí Tích Thánh Thể, để chúng con trở nên là chi thể của Chúa và để chúng con có được sự sống đời đời.  Amen.

 Thụy Miên.




Leave a Reply.