Đầu năm mới xin được chúc toàn thể mọi người trong Cộng Đòan Dân Chúa Úc Châu được hồn an, xác mạnh và nhất là được tràn đầy Phúc, Lộc, Thọ. Hay nói một cách khác. Xin kính chúc mọi người được giàu có về phúc đức, tiền của, danh vọng, con cái, sức khỏe, và bình an của Thiên Chúa. Ai muốn gì được nấy, nhất là các bạn thanh niên, thanh nữ.

Nó đã phải học thuộc lòng những câu chúc tết, để đi chúc tết cha mẹ, họ hàng đôi bên. Vợ chồng nó cũng thường được mọi người chúc lại: “Chúc anh chị làm ăn phát đạt, tiền vào như nước, con cái đầy nhà”. Lời chúc ấy chỉ đúng có nửa câu dưới, còn phần trên thì có ai chỉ cho nó bí quyết làm ăn đâu mà phát đạt được.

Nó cứ vẫn nghèo, sống lận đận trong suốt bao nhiêu năm trường của đời người. Bữa cơm với rau là chính, đậu hũ chấm nước mắm. Tuy nhiên, vì ở nhà quê nên vợ chồng nó thỉnh thoảng có những bữa nhậu ngon miệng như thịt rắn, thịt chim sẻ nướng, thịt ốc sên quấn lá lốt nướng, mỗi khi đến nhà bạn bè chơi. Bây giờ nhìn lại những tấm hình gầy gò, hốc hác của những ngày ấy. Nó cảm thấy thương mình thật nhiều. Có những đêm thao thức, nó đã ngồi một mình ở đằng sau vườn nhà, để nghe tiếng máy xay lúa kêu xình xịch suốt ngày đêm của Ông Tư trưởng khóm, cách nhà nó độ trăm mét. Nó thấy mình thật vô dụng, lòng quặn đau khi để vợ con phải sống trong cảnh nghèo một cách bất đắc dĩ. Cuối cùng, nó quyết định phải thay đổi cách sống. Nó lần mò đi tìm hiểu những bí quyết thành công của những gia đình giầu có, qua các cuộc thăm viếng gia đình trong giáo xứ.

Bí quyết thứ nhất: Cần có ước nguyện và nuôi dưỡng lòng đam mê làm việc.

Trí óc nó miên man suy nghĩ, miệng thì thầm lời nguyện xin cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con hứa sẽ không để một giây phút nào trong đời sống của con qua đi một cách vô ích. Dù là đêm hay là ngày. Xin Chúa cho con thoát được cảnh sống nghèo, thoát được chữ “nghèo” càng sớm càng tốt. Con biết rằng, nếu muốn thóat được cảnh nghèo, con cần Chúa ban cho con có ý chí kiên quyết, có sức khoẻ dồi dào, và con phải luôn trông cậy vào Chúa”. Kể từ ấy nó bắt đầu lần lần từng bước, để tìm cách thóat khỏi khu rừng gìa rộng lớn, cây cối dầy đặc và đầy âm u của cảnh nghèo.

Bí quyết thứ hai: Cần có quyết tâm làm việc chăm chỉ, siêng năng, cần mẫn để thực hiện điều mình đã họach định.

Dù phải vất vả, long đong, và gian khổ. Nó quyết tâm làm việc hăng say bằng tất cả trí óc, thân xác, lẫn tâm hồn. Những công việc cho dù là lời ít hay lời nhiều. Nó không bao giờ từ chối, miễn có việc thì dù cực nhọc đến đâu, nếu  sức khỏe có thể cáng đáng được là nó nhận lời ngay. Sau năm 1975, cùng cảnh khổ như biết bao nhiêu gia đình khác, Nó đã làm các công việc như: vào rừng lấy măng tre về luộc đem ra chợ bán, đi lấy củi, mua mía về bán, mua than từ Bùi Chu, Hố Nai chở  bằng xe đạp về Sài Gòn bán, đi cắt hàng rào kẽm gai của các doanh trại lính về bán cho nơi mua đồ ve chai, sắt. Đi bán kẹo kéo, nấu kẹo Ú đi bỏ mối. Đi buôn thùng gánh nước ra Phan Thiết bán, lúc về mua ít thùng nước mắm. Vợ chồng nó ghi tên vào tổ hợp đan võng, để đan võng gia công. Thời gian ấy vất vả, cực nhọc lắm, nhưng có nhiều bạn bè cùng cảnh khổ nên nó vẫn có thể nở được nụ cười trên môi. Nhất là khi nhìn thấy đàn con trẻ dại vẫn có gạo ăn hàng ngày. Nó nhớ lại những vệt máu chảy dài theo hai ống quần do bị những con vắt cắn, khi đi xắn măng ở rừng tre, và tự nhiên nó buột miệng than: “Đã nghèo không đủ ăn, mà con bị chia máu cho vắt hút nữa, thì còn gì nghèo hơn”.

Bí quyết thứ ba: Dè sẻn, dành dụm, và biết qúy trọng đồng tiền.

Vợ chồng nó rất ư dè sẻn. Ăn bữa nay, dành bữa mai. Tất cả những gì không thật cần thiết cho cuộc sống thì nó không mua sắm. Không đói thì không ăn, hay nói khác đi là nhịn chẳng được nữa thì mới kiếm tí gì bỏ vào miệng cho đỡ đói. Tất cả lo cho con cái được ăn no, còn bố mẹ thì ăn cầm hơi. Vợ chồng nó thường hay bảo nhau: “chưa đói”. Vợ nó thường hay nhịn cho nó ăn để lấy sức đi vào rừng chặt củi về bán. Mỗi sáng nấu 1lít gạo, nắm thành một nắm to cho nó, còn bao nhiêu thì lo cho các con, khi đến phần của vợ nó thì chỉ còn độ lưng chén cơm mà thôi. Dù kiếm được thêm một đồng, nó cũng cố gắng làm thêm cho đúng với câu nói của ông bà: “năng nhặt chặt bị”.

Bí quyết thứ ba: Giữ uy tín.

Đã hẹn thì phải giữ, đã hứa thì phải làm. Dù có bị trở ngại gì đi chăng nữa, nó quyết định thực hiện việc mà mình đã nói với người khách hàng. Vì có trung tín trong việc nhỏ thì người chủ, mới giao việc lớn cho. Các cụ có câu: “Khôn ngoan chẳng lọi thật thà”. Thật đúng thế có người chủ nào, mới thoạt đầu đã giao ngay việc lớn  cho nhân viên làm đâu. Họ thử thách chúng ta nhiều lần, và sau khi đạt được chữ tín rồi, họ mới dám thực sự giao công việc lớn cho chúng ta làm. Được như thế thì lợi nhuận của chúng ta mới được nhiều hơn, chức vụ mới được cất nhắc cao hơn, trách nhiệm càng to lớn hơn.

Bí quyết thứ tư: Biết rút ưu khuyết điểm để thay đổi cách làm việc, hay thay đổi công việc cho đỡ vất vả.

Có những năm, nó làm việc đua với máy in những tờ quảng cáo một phút máy chạy ra 500 tờ, cứ 2 phút lại phải đóng bó, cột dây một lần cho 1000 tờ. Tay chân phải nhanh cho kịp máy in đùn những tờ giấy ra, vì nếu không kịp thì máy in bị tắc nghẽn và bị ngưng máy. Tiền làm over time ai mà chẳng ham, nên nó đã làm chẳng còn thì giờ nghỉ ngơi. Nó đã biến thành một người máy bốc giấy. Cũng may, nó làm được gần 2 năm thì hãng in bị cháy. Nó đổi nghề, mở hãng ủi.

Những bí quyết ở trên mới chỉ là những bí quyết làm việc để có mà ăn. Chứ chưa thể nào gọi là bí quyết để làm giàu được, vì các cụ đã nói: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”.

Có người hỏi nó bí quyết để làm giầu thì như thế nào?

Bí quyết thứ năm: Phi thương bất phú.

Ngày xưa, ở Việt Nam, theo chế độ phong kiến, và phần đông sống dựa vào nông nghiệp, cho nên các cụ xếp hạng theo thứ tự: Sĩ, Nông, Công, Thương. Xét ra thì Thương gia đứng hạng địa vị thứ tư của những kẻ hái ra tiền trong xã hội. Thế nhưng, để trở thành một thương gia, thì nào có phải dễ dàng gì đâu. Có người làm ăn thì lên như diều gặp gió, nhưng cũng có kẻ thì làm ăn mất cả chì lẫn chài.

Buôn bán nào phải chuyện dễ. Ngòai những đức tính chịu khó, siêng năng, cần mẫn, người thương gia còn phải biết học hỏi kinh nghiệm từ những thương gia khác, để kiểm điểm, rút tỉa kinh nghiệm, và soạn ra cho riêng mình một cách làm ăn mới, như về cách giao tiếp với khách hành, cách qủan trị nhân viên, cách thâu mua và bán hàng, cách tổng kết chi thu và nhất là tính toán thời gian làm sao để có thể sinh lợi cho công việc buôn bán của mình. Tất cả những học hỏi ấy sẽ giúp các thương gia có một chương trình làm việc chu đáo và hoàn hảo nhiều hơn. Người làm công chỉ làm việc bằng sức lực thể xác, còn người thương gia thì cần phải làm việc bằng cả trí óc, thể lực và tâm hồn thì mới mong thành công được. Chúng ta thường chỉ biết khi họ thành công, còn những lúc thất bại của họ, mấy ai được nghe nói tới. Cho nên có nhiều người liều như nó. Nó mở hãng ủi quần áo mà chưa biết ủi áo quần, chưa biết chỗ nhận hàng. Hoặc có người mở nhà hàng mà không biết nấu ăn, tất cả đều trông cậy vào thợ. Việc thất bại trông thấy trước mắt là 50%. Ấy là chưa kể các khoản tiền phải chi để có thể mở cửa tiệm ngoài mức trí óc tưởng tượng nữa. Vốn chìm, vốn nổi, vốn ngoại giao. Hay người buôn bán cần phải có vốn sống, vốn chết thì mới mong bước vào nghề kinh doanh để mà thành công sau này được. Sau năm 1975. Ở vào lúc này, thời buổi khó khăn. Nó được chị họ cho vay vốn, để buôn vé số, đi bỏ mối lẻ cho những người đi bán dạo. Chỉ mới có một lần đầu tiên bỏ mối cho người ta thôi, nó đã bị lỗ mất 20% số tiền mà chị họ của nó cho mượn rồi. Nguyên nhân là có người đã không hoàn trả lại tiền bán vé số cho nó. Nó rầu rĩ, đến gặp người chị họ con ông bác ruột, để xin trả lại số vốn còn lại. Người chị họ là người đã có nhiều kinh nghiệm buôn bán, Chị rất bình tĩnh, khuyên nó một câu mà nó nhớ đời: “Nếu chú cần thì chị đưa thêm vốn cho mà lấy thêm vé số về mà bán, cẩn thận tìm người thật thà mà giao việc. Buôn bán thì phải năm, bảy lần thất bại rồi mới thành công được. Chú mới bị một lần mà đã nhát sợ thì làm sao mà có ngày thành công”. Vâng, thật đúng như lời chị nó khuyên. Sau này thành công rồi, có những lúc nó đã nói với chính nó: “ Cám ơn chị nhiều lắm, em bây giờ mới hiểu câu nói của chị”.

Ở nước Úc này, người Việt Nam chúng ta cũng đã có rất người giầu có, thành công trong việc buôn bán, nhà hàng, tiệm tạp hóa, tiệm thuốc, tiệm uốn tóc, tiệm thịt, tiệm cá, hay đi bỏ hàng may. Cũng có nhiều người thành công trong các dịch vụ công nghiệp như chăn nuôi, trồng cấy, dịch vụ mua bán nhà cửa, dịch vụ lo cho du học sinh…Tất cả những thành công ấy chắc hẳn phải cần có vốn, sự làm việc nỗ lực, có sức khỏe tốt, có một trí óc tính toán hơn người, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bắt đầu và nhất là họ biết nắm bắt thời cơ.

Bí quyết thứ 6: Biết dừng đúng lúc.

Có người lại hỏi: “ Thế có bao nhiêu tiền mới gọi được là giàu ?”.

Câu trả lời tuỳ vào người hỏi. Cũng có thể là có cơm ăn ngày hai bữa đã là giàu rồi, vì còn biết bao nhiêu người không có đủ lương thực hàng ngày. Cũng có thể có được một căn nhà mới, với đầy đủ tiện nghi là đã khá giàu rồi, vì còn biết bao nhiêu người đang sống chen chúc nhau trong căn nhà mái lợp bằng cỏ tranh, vách chét bằng đất sét trộn rơm. Nhưng cũng có người đòi phải có tiền triệu trong sổ bank mới được gọi là giàu, là triệu phú. Hay có người đòi hỏi phải có tiền tiêu sài cả đời mà không phải làm việc bằng chân tay nữa thì mới gọi là giàu. Giàu nghèo ở tại lòng của người ta. Nếu họ biết dừng lại, để nghỉ ngơi khi thấy mình đã thành công trong sự nghiệp. Nếu họ biết dùng câu châm ngôn: Tri túc tiện túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn hà thời nhàn”. Đó cũng là nỗi vui của những người giàu biết ngừng đúng lúc vậy. Còn nếu không thì họ vẫn cho là mình còn nghèo, còn thua kẻ này người nọ, để tiếp tục làm việc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, Tay trắng lại hoàn toàn trắng tay.

Những niềm vui của người giàu có

Ai lại chẳng thấy vui, khi thấy mình đếm tiền thu vào hàng ngày, nhiều đến nỗi mỏi cả tay, và cuối cùng phải mua cái máy đếm tiền cho nó nhanh. Tiền thu vào man vàn đến nỗi đếm không xuể, phủ vàng lên khắp thân thể cũng không hết. Thành công, nổi danh, nổi tiếng đến nỗi ai cũng biết tên mình trên thị trường, thật chẳng còn gì sung sướng hơn. Họ ngẫm nghĩ rằng mình dù có chết đi thì họ cũng đã để lại danh tiếng với núi sông, như ông tỷ phú Bill Gate chẳng hạn. Hay các ngôi sao âm nhạc của Mỹ, các ngôi sao thể thao thế giới.

Những người giầu có ấy vui, vì họ đã có được một cuộc sống sang trọng, đầy đủ mọi tiện nghi, xa sỉ như: Biệt thự rộng lớn với những tiện nghi tối tân nhất. Họ có xe mới nhất, đời mới nhất, thuyền buồm to lớn và hiện đại nhất, họ có máy bay riêng. Hay họ có thể  hưởng thụ những môn thể thao tốn rất nhiều tiền như chơi đánh golf, đua thuyền buồm, đi du lịch vòng quanh thế giới, du lịch lên cung trăng, Hỏa tinh, hay đi tầu ngầm thám hiểm dước đáy biển. Họ có lắm tiền nhiều của, vàng nhẫn kim cương to và đẹp. Tất cả những thứ ấy, chúng ta đang sống ở trong hoàn cảnh nghèo, thì có khi nào dám mơ tưởng đến kiếp sống của những người thuộc giai cấp thượng lưu.

Ngoài những niềm vui cho riêng bản thân của họ, Phúc âm thánh Matthêu cũng cho ta thấy người giầu có là những người khôn ngoan biết dùng tiền của Chúa giao ban, để sinh lời thêm nhiều hơn. Cũng có những  người giầu cảm thấy vui khi họ có thể dùng tiền bạc, của cải của họ để giúp đời. Họ có thể làm được nhiều việc từ thiện, giúp đỡ được nhiều người nghèo có công ăn việc làm. Hay nói khác đi là họ có thể chia sẻ được miếng cơm manh áo cho kẻ khốn cùng ở trên khắp thế giới. Thế nhưng ngoài những niềm vui ấy, họ cũng có những nỗi bất hạnh như bao nhiêu người khác.

Nỗi bất hạnh của những kẻ giàu có

Có người bảo nó: “làm gì có kẻ giàu mà họ phải khổ”. Ấy vậy mà thực tế lại có, và còn có nhiều hơn là chúng ta tưởng tượng. Chỉ xin kể hai chứng bệnh thường gặp nơi người giàu: Mất ngủ và mất bình an.

Mất ngủ

Những người giàu thường hay bị chứng bệnh mất ngủ, nhức đầu kinh niên, táo bón vì họ lo lắng thái quá về công việc làm ăn. Thật đúng vậy. Ai lại không lo về chuyện bưôn bán lỗ lã, thất bại, hay phải tính tóan sao cho công việc được trôi chảy, và gặt hái được nhiều lợi nhuận. Ai lại không lo chuyện trục trặc xảy ra ngoài ý muốn, chuyện cạnh tranh giá cả thị trường, chuyện lừa đảo. Ai lại không có mối lo âu khi bước vào đường doanh nghiệp. Tiền tài, danh vọng là những mối lo âu suốt cả đời họ. Ngoài ra, người giàu có còn lo sợ bị cướp của,  bị bắt cóc, bị hãm hiếp, và bị giết. Ôi! Bao nhiêu thứ phải lo khi trở thành người giàu tiền lắm bạc. Có những người sau này thoát khỏi công việc kinh doanh mới thấy mình được thảnh thơi thực sự.

Các cụ còn có câu: “Ông trời bó miệng nhà giầu”. Hay câu tương tự như câu: “Nhà giàu tham việc, còn thất nghiệp thì tham ăn”. Những người giàu thường thì làm không kịp nghỉ, nghỉ không đủ giờ để ăn, vì bận suy tính, tiếp khách. Ăn vội vàng, ăn qua loa cho đỡ đói, ăn mau chóng để rồi còn làm việc. Giàu như thế cả đời chỉ có khổ, chứ có sướng gì đâu.

Mất bình an

Lại có người, lúc còn là thanh niên, thanh nữ đã mải mê làm giàu, nên không tính chuyện gia đình. Đến khi giàu có, thì họ lại không dám lấy vợ, lấy chồng. Họ sợ người bạn đời lấy họ chỉ vì của, họ sợ vì biết đâu chỉ ít lâu là người bạn đời sẽ đòi ly dị và phải chia gia tài, của cải. Những thứ mà họ đã tích góp cả đời nay bỗng dưng bị chia đôi. Sống với sự lo sợ như thế thì làm sao họ có bình an trong tâm hồn được.

Ở cạnh nhà nó, có ông già người Âu Châu sang Tasmania định cư hơn 50 năm. Ông sống một mình trong căn nhà lầu to, gồm 5 phòng ngủ lớn. Độ khoảng một năm trước. Lúc gia đình nó mới dọn về ở kế bên. Nó thường thấy có người đưa cơm cho ông ta sáng, trưa và chiều. Cái dịch vụ công cộng ấy rất bình thường với người già ở xứ Úc này. Dần dần thấy có người đến nhà ông ta ngủ qua đêm. Khi hỏi thăm ra thì mới biết ông bị chứng bệnh quên. Ông ta quên đường đi, lối về, và thường bị đi lạc. Cứ vài hôm lại thấy cảnh sát chở ông ta về nhà. Cái hàng rào ngăn giữa nhà nó và nhà ông ta đã mục nát và sắp đổ. Nó tính hỏi ông ta có đồng ý chia đôi số tiền chi phí ấy hay không, nhưng lại nghĩ làm sao nó có thể hỏi được khi ông ta không còn có đủ trí nhớ. Cũng may có người nhân viên đến chăm sóc cho ông ta. Nó bèn đem chuyện làm hàng rào ra hỏi. Bà ta cho biết là nó phải liên lạc với cơ quan Public Trustee. Bà ấy cho nó số điện thoại để liên lạc. Cuối cùng, nó được họ chịu chia một nửa số tiền khi làm cái hàng rào ngăn giữa hai nhà. Cái hàng rào mới làm xong độ một tháng. Người chăm sóc cho nó biết, họ sẽ gởi ông ta vào viện dưỡng lão, vì mức độ bệnh quên của ông ta đã trở nên qúa nặng. Chỉ vài tháng sau đó, có một nhóm người đến dọn dẹp đồ đạc ở trong nhà và chở đi. Nó nói chuyện với một trong những người dọn nhà ấy. Lúc bấy giờ nó mới biết mình là hàng xóm với một ông già giàu có, sống cô độc từ 50 năm nay, không vợ, không con, không thân nhân, không họ hàng. Tài sản của ông mà cơ quan Public Trustee cai quản cho ông ta là 10 căn unit ở vùng Sandy Bay, khu này giá nhà khá cao, và căn nhà cạnh nhà nó giá độ hơn nửa triệu. Ông ta sống cả đời làm việc, đầu tư vào bất động sản. Thế mà nay sống trong viện dưỡng lão, trong khu trại các cổng đều phải khóa vì sợ họ đi lạc mất.

Phúc âm thánh Luca đoạn 16, câu 19- 31. cũng kể cho chúng ta nghe nỗi bất hạnh của nhà phú hộ sau khi chết, thèm có giọt nước để làm mát lưỡi mà không có được, vì khi ông ta còn sống ở thế gian đã được hưởng mọi sự sung sướng. Ông ta đã không bố thí cho người ăn mày Lagiarô nằm trước cổng nhà ông với mình đầy mụn nhọt, lở loét. Tệ hại hơn nữa là mối nguy hiểm của những người giàu sang, theo Phúc Âm thánh Matthêu (19, 23- 24): “Thầy bảo thật các con: người giàu có thật khó mà vào nước trời”. Thầy còn bảo các con rằng: “ Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước trời”.

Sau khi nghe những câu chuyện phúc âm của các thánh kể trên. Có nhiều người thè lưỡi, rụt vai, miệng kêu lên: “ Eo ơi! Thế thì chẳng ham làm giàu nữa”.

Thế nhưng xin qúy vị hãy nghe nó kể  thêm một bí quyết làm giàu này nữa nhé. Hy vọng với bí quyết này, có thể giúp mọi người biết làm giàu với một tâm hồn tràn đầy bình an.

Bí quyết làm giàu thứ 7: Sống nghèo, và sống với tinh thần khó nghèo.

Trên thực tế, theo nó không có ranh giới rõ rệt giữa giàu và nghèo. Cái giàu của người này lại là cái nghèo đối với cái nhìn của người khác. Hoặc cái nghèo của người này lại được người khác cho là qúa giàu đối với họ. Cũng có thể so sánh một cách khác như sau: các nghèo của ngày hôm nay của một người nào đó, nếu đem so sánh với những ngày tháng trong quá khứ thì họ đã là quá giàu rồi. Hay ngược lại.

Nó nằm mơ thấy mình là một kẻ ăn mày từ đất liền sang xin ăn ở đảo Tasmania. Cái nghèo đã bám theo gia đình của nó từ thủa còn ấu thơ. Thế nhưng lần này, nó đã sắm sửa đủ mọi thứ, nào là gậy, bị, lon xin tiền, cái nón cũ, vài  ba bộ đồ rách để mặc đi ăn xin. Thế nhưng, khi sang tới đảo Tasmania này. Nó gặp nhiều người cùng đi ăn xin như nó, họ ngồi ăn xin ngoài nắng, đầu không có cái nón rách để đội; Tay họ không có ống lon để xin gạo như nó; Lưng của họ không có bao bị gì cả. Họ không có nhà, có chỗ trú thân. Họ nghèo thực sự, ngồi xin ăn giữa đường phố mặc cho mưa nắng, gió rét hành hạ thân xác của họ. Cùng thân phận xin ăn. Nó cảm thông với họ, để rồi nó trút vào tay người ăn xin nơi hè phố. Những đồng tiền mà nó nhận được từ những người giầu lòng ái. Nó mới biết mình nghèo nhưng còn nhiều người nghèo hơn, và nó có thể chia sẻ và cho đi chút tình người cho những kẻ cùng cảnh ăn xin.

Ai đã cho nhiều hơn. Người nghèo hay người giàu. Dụ ngôn hai xu của người đàn bà góa (Luca 21, 1- 4), đã cho chúng ta thấy ai là người đã dâng cúng vào đền thờ nhiều hơn. Người phú hộ thực sự đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn gấp nhiều lần số tiền hai xu của bà goá. Thế nhưng, đó chỉ là tiền lẻ, tiền dư thừa của người phú hộ mà thôi. Còn bà góa kia đã dâng cúng tất cả những gì bà ấy có, dù chỉ là hai xu. Ngày nay cũng vậy, có nhiều bà già không có tiền, nhưng hàng ngày đến quét lá rụng, quét rác cho nhà thờ. Công lao ấy thật lớn lao và quý hóa biết chừng nào so với các người giàu đi lễ chỉ bỏ ít tiền cắc vào giỏ xin tiền trong nhà thờ và nghĩ rằng mình đã làm đủ bổn phận công dân nước Trời.

Ai mới được hưởng quyền sống. Kẻ nghèo hay người giàu. Lẽ đương nhiên ai cũng có quyền sống, cho dù là hai kiếp sống khác nhau. Có kẻ ăn không hết, người lần không ra. Người nghèo thì lo làm sao ăn cho đủ lo, mặc cho đủ ấm, thế là hạnh phúc lắm rồi. Còn người giầu thì ăn sao cho ngon, mặc cho đẹp. Nhà nghèo thì miễn làm sao có chỗ để che nắng, trú mưa. Còn nhà giàu thì ở nhà phải đẹp, thoáng mát, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, có kẻ hầu hạ, có người canh gác, bảo vệ đêm ngày. Ôi! nếu cứ so sánh như vậy thì ai sướng hơn ai. Có câu chuyện kể rằng: Ngày kia có một thanh niên giàu có, sáng sớm thức dậy, đi ăn phở, uống cà phê. Dọc đường anh ta gặp một người ăn xin bên vệ đường. Người ăn mày cất tiếng: “Xin Ông làm ơn cho tôi chút ít tiền, vì từ ngày hôm qua đến nay, tôi chưa có hột cơm nào vào bụng”. Động lòng thương, anh nhà giàu bèn móc túi cho người ăn xin hết số tiền mà anh định đi ăn sáng. Anh ta quyết tâm là nhịn ăn sáng bữa ấy để làm phúc bố thí cho kẻ nghèo. Thay vì ăn sáng anh ta đi dạo trong một công viên gần đấy. Lúc trở về ngang quán phở. Mắt anh ta trố ra như muốn nhìn cho rõ cái gì đó ở trong quán phở. Thì ra người ăn mày, cái người mà anh đã cho tiền lúc nãy đang bưng bát phở lên miệng và như cố muốn húp cho hết những giọt nước phở còn lại trong tô. Ít phút sau người ăn xin đứng dậy, trả tiền và bước ra khỏi quán phở. Hai người gặp nhau, bốn mắt nhìn nhau, kẻ thì thẹn thùng, người thì tức giận. Sau giây phút im lặng ấy. Người ăn xin lên tiếng trước: “Xin ông hiểu cho. Tôi đã ngồi ăn xin ở gần quán phở này từ bao nhiêu năm tháng nay rồi. Mùi phở bay ra từ nhà bếp, khiến cho tôi đã từ lâu mơ ước có được một bát phở ăn, để cho biết mùi phở với đời. Nhưng vì là thân ăn mày, nào có ai cho tôi nhiều tiền đến nỗi có thể mua được một bát phở mà ăn. Cũng có ngày tôi xin được nhiều tiền, nhưng còn phải để dành cho ngày mai lỡ mà không ai cho đồng nào, hay ốm đau thì còn có mà mua thức ăn. Hôm nay, tôi may mắn gặp được ông, mới sáng sớm mà ông đã cho tôi đủ tiền mua một tô phở. Tôi đành liều vào quán mà ăn, chẳng may bị ông bắt gặp, khiến ông tức giận. Xin ông vui lòng thông cảm và hiểu cho tôi”. Sau khi nghe xong lời phân trần. Người thanh niên im lặng, mỉm cười như hiểu ra được chân lý của lẽ sống: “Ai cũng có quyền ăn, dù kẻ đó là người giàu hay kẻ nghèo”. Anh ta lặng lẽ bỏ đi.

Qua câu chuyện này chúng ta hiểu được việc chia cơm sẻ áo cho người cùng khổ là cần thiết. Người nghèo cũng có quyền được ăn những thức ăn như những người giàu, vì họ cũng là con người. Không ai nghèo khó đến nỗi không có gì để cho đi. Chính vì thế mà mình vẫn còn được coi là giàu hơn nhiều người nghèo khác, ngay cả khi chúng ta than nghèo. Nếu so sánh cuộc sống hiện tại với qúa khứ nghèo của nó. Nó đã quá giàu rồi, dù nó chỉ là con gà trống già, năng nhặt chặt bị mà thôi.

Nó vội tung chăn thức dậy, làm dấu thánh giá, và miệng nó bắt đầu đọc kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”. (Mt. 6, 9- 13).

Nhân dịp đầu năm mới. Xin một lần nữa kính chúc quý cha, qúy sơ, qúy nam nữ tu sĩ, và toàn thể Dân Chúa Úc Châu được hồn an, xác mạnh và đầy lòng nhân ái.

Thụy Miên.




Leave a Reply.