Đời sống đạo của nó, được dạy dỗ bằng những tấm gương sáng của nhiều người, và cũng chính do lòng mến Thiên Chúa của họ, mà nó đã được biến đổi từ kiếp nghèo trở nên no đủ; Từ thất vọng nó trở nên hy vọng; Từ cuộc sống buồn tủi nay nó trở nên tươi vui.
Lòng mến lan toả đến mọi người



Thánh Phao lô. Đã viết thư khuyên dạy tín hữu cộng đồng Corinto: “Hiện nay, Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn là Đức Mến.” (1 Cr 13,13). Bởi vì ông thấy sự chia rẽ trong cộng đồng tín hữu thời bấy giờ. Họ chia thành nhiều bè phái. Nhóm về phe Apollô, nhóm về phe Phaolô, nhóm theo Kêpha, nhóm về phe Đức Kitô. Ông đã phải viết lên câu: “Phải chăng Đức Kitô đã bị phân mảnh”. Trong cộng đồng tín hữu thời ấy đã chia bè phái, họ tin thờ Chúa nhưng họ lại không có lòng mến, không có sự hợp nhất, đoàn kết trong tâm trí, và nhất là thiếu tình yêu anh em, như con của cùng một Cha chung trên trời.

Bác ái là biểu tượng cho tình yêu tha nhân, giữa con người với nhau như kinh Mến: Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen”.

Nó chợt nhớ đến câu chuyện của vị quan toà, xử người đàn ông ăn cắp ổ bánh mì ở bên Pháp. Truyện kể rằng: Có một người đàn ông, nhà nghèo, thất nghiệp, con đông. Ông sống trong xóm lao động nghèo nàn, ở ngoại ô thành phố. Một hôm ông ta bị bắt qủa tang vì tội ăn cắp ổ bánh mì, bị giam tù và chờ ngày xử án.

Đến ngày xử, quan toà hỏi ông ta vì lý do nào, đã khiến ông ta phải đi ăn cắp. Ông bèn kể nguyên nhân do thất nghiệp, tiền không có, mẹ già và vợ con ông đã nhịn đói hơn 3 ngày nay. Ông đã đi xin ăn nhưng không có ai chịu giúp đỡ, và ông ta đành liều đi vào tiệm bánh mì, để ăn cắp vài ổ bánh mì đem về cho các con của ông, nhưng chẳng may ông đã bị bắt quả tang,

Những người đi xem vụ xử án, đều là những kẻ hiếu kỳ và giàu có. Họ nhao nhao lên, xin quan toà xử án nặng người đàn ông ấy về tội ăn cắp, vì ông ta đã làm ô uế thanh danh của người Pháp. Quan toà sau một hồi nghị luận cùng với các người bồi thẩm đoàn. Ông đã quyết định xử phạt người đàn ông ấy 50 quan tiền Pháp. Ai nấy đều ca ngợi ông quan toà xử phạt nặng rất đúng mức vì giá một ổ bánh mì chỉ đáng 20 xu. Tội nghiệp người đàn ông bị cáo ấy, đã nghèo phải đi ăn cắp bánh mì, cho con cái ăn. Thế mà giờ đây lại bị phạt tiền một cách quá nặng như thế. Ông ta mếu máo, xin quan toà thương xót. Ông ta xin được ở tù, vì ông không có tiền mua bánh cho con, thì làm sao có tiền để đóng phạt.

Quan toà sau một hồi suy nghĩ, ông đứng dạy tuyên bố: “Tội phạt không thể sửa đổi, nhưng tất cả những người trong phiên xử án ấy cũng phải chịu trách nhiệm chung”. Ông ta ngưng một lát rồi tiếp tục nói tiếp: “Chúng ta sống trong một đất nước tự hào là văn minh, sống trong một thành phố tự hào là giàu có, thế mà chúng ta lại để có một gia đình nghèo, đến nỗi không có của ăn, khiến gia chủ phải đi ăn cắp vài ổ bánh về nuôi gia đình. Cho nên tất cả mọi người trong phòng xử án này cũng đều bị kết án về tội thiếu bác ái, thiếu tình thương đồng loại, thiếu sự chia sẻ của ăn cho nhau và nhất là thiếu sự chăm sóc cho những người cùng sống trong thành phố với nhau”. Ông tháo chiếc mũ của ông ra vào bỏ vào chiếc mũ ấy 50$ tiền nộp phạt cho chính mình. Chiếc mũ ấy được chuyền tay đến hết mọi người trong phòng xử án. Chẵng bao lâu chiếc mũ ấy đầy tràn những đồng tiền phạt. Ông quan toà trao chiếc mũ đầy tiền ấy cho ông nhà nghèo, và nói: “Bây giờ thì ông đã có tiền nộp phạt, và số tiền còn dư ấy là thuộc về ông”.

Câu chuyện kể trên có tính cách giáo dục cho bọn trẻ tụi nó ngày xưa, thế nhưng vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống đạo của nó ngày hôm nay.

Bác ái là làm việc thiện mà không cần người nhận biết đến mình

Cái ngày đổi đời, đổi thời 1975. Nó đang lên voi, lại bị xuống làm thân trâu, ngựa.  Khiến cho nó rơi vào cảnh túng thiếu một cách bi đát. Trai thời loạn như nó, thì chỉ biết cầm súng gìn giữ biên cương, chứ nào có biết cái nghề gì khác đâu. Cộng thêm vào sự kiểm soát của tổ dân phố, thuộc thành phần quá khích trong xóm làng. Nó đành rơi vào cảnh bó tay, bó miệng. Cũng may nó còn được theo học một thời gian về ngành y. Ngày ấy có một người đàn bà, mà nó thường gọi là chị Phan. “Phan” là tên gọi của người chồng. Nó quen biết với chị trong những lần đi họp hội Legio Mariae trước năm 1975. Nhà chị làm nghề giò chả, nên sau này cũng không bị ảnh hưởng gì.

Chị thật là tốt bụng và thương người đúng theo tinh thần của Thầy Giêsu. Làm phúc nhưng kín đáo, không để lộ cho người khác biết. Có một hôm chị đến gặp nó, và nhờ nó đi khám bệnh, chăm sóc cho một bệnh nhân gia đình rất túng thiếu trong xứ đạo của chị. Chị nói: “Chú cứ đến thăm bệnh, và chữa trị cho họ, hết bao nhiêu tiền thuốc, tiền công, chị sẽ trả cho chú”. Từ đấy trở đi. Nó trở thành thầy thuốc của kẻ nghèo, do sự tài trợ tiền bạc của chị Phan. Không biết giờ này chị ở đâu, có còn sống hay không, nhưng nó suốt đời cầu nguyện cho chị, vì chị đã cho nó một tấm gương sáng, cao quý trong đời sống của một Kitô hữu.

Thời ấy, nó đã bắt chước noi gương chị Phan, và cứ vào ngày cuối năm, nó đốt cuốn sổ nợ của những người bệnh nhân nghèo còn thiếu nợ. Ai có tiền sau này trả cho nó, thì nó cám ơn, và ai không có tiền thì nó xí xoá luôn. Và cứ thế một năm mới lại một năm mới bắt đầu. Xuân qua Thu tàn, cho đến ngày nó thoát khỏi quê hương Việt Nam vào năm 1983.

Bác ái bằng cách dạy nghề cho người không có việc làm

Nó đã gặp được một người giáo dân có lòng mến Chúa cách thật sự, xin được kể để hầu chuyện qúi anh chị em Cursillistas. Trong thời buổi khó khăn, vật giá mắc mỏ. Người thì đông, do dân ngoài miền Bắc tràn vào trong Nam sau năm 1975. Nó bỗng dưng trở thành thất nghiệp vì thuộc thành phần quân, dân trong miền Nam. Nhiều người tội nghiệp nó, đã dạy cho nó các loại nghề như đan võng, sửa đồng hồ, bán kẹo kéo, buôn bán thùng thiếc ở Phan Thiết. Nó học nghề nhưng chẳng bao giờ hành  nghề kiếm đủ được miếng cơm nuôi sống gia đình. Tuy thế vợ chồng nó cũng chắt bóp tiền bạc, nuôi được một con heo con. Nó định bụng nuôi lớn để gầy nên thành con heo nái. Ai nào ngờ, chẳng được bao lâu thì con heo ấy bị bệnh ho, nóng sốt, và bỏ ăn. Nó lần mò ra chợ, đi tìm thuốc về cho heo uống. Người ta chỉ cho nó đến gian hàng bán tạp hoá của bà Lực. Gọi là gian hàng tạp hoá vì ở đấy bà ta có bán đủ mọi loại mặt hàng, từ nồi niêu soong chảo, bát đĩa, dụng cụ học sinh như: tập vở, bút viết, cho đến thuốc ta, thuốc tây.

Sau khi hỏi bệnh tình của con heo nhà nó. Bà ta đã bán cho nó một thìa thuốc trụ sinh, bột màu vàng. Bà ta bảo nó đem về chia làm 3, hoà với nước cho con heo uống, nếu thấy đỡ thì ra mua tiếp thêm vài ngày nữa. Ấy thế mà con heo nhà nó khỏi bệnh.

Làm việc bác ái, thường thì ta chỉ nghĩ là bỏ ra một ít tiền cho hội đoàn làm việc bác ái, hay bỏ ít giờ làm việc thiện nguyện. Nhưng cái thủa mới giao thời năm 1975 ấy. Có ai mà dám tin ai, ngoại trừ là người trong gia đình. Thế nhưng bà Lực, người bán gian hàng tạp hoá ấy, đã giúp nó thành nghề chích thuốc, chữa bệnh cho heo thời ấy. Nhờ ơn Chúa giúp, và vì nó ‘mát tay’ nên khách hàng của nó càng ngày càng đông. Bà Lực đã vì lòng bác ái mà cho nó một cái nghề “Chích heo”. Cái nghề này đủ nuôi sống được cả gia đình. Bà Lực đã bỏ vốn thuốc men cho nó đi chích chữa bệnh cho heo, khi bà ta biết nó là một sĩ quan Trợ Y, và có kiến thức về bệnh lý, cũng như cách chữa trị. Ngày ấy có phong trào nuôi heo cho các hợp tác xã, nên dân chúng đua nhau nuôi heo. Bệnh dịch xảy đến thì nó tha hồ mà có việc làm. Heo nái đẻ thì dân chúng kêu nó đến đỡ đẻ cho heo và tưởng thưởng cho nó khoản tiền hậu hỹ, khi họ có được một bầy heo con khoẻ mạnh. Thật là một vị ân nhân mà suốt đời nó phải ghi nhớ.

Đọc tin tức nó thấy có người ở Úc, về Việt Nam mở lớp dạy nghề cho các em mồ côi. Nó rất thán phục về tinh thần phục vụ bác ái của người thanh niên ấy. Trong Xã hội văn minh ngày nay, ở Úc cũng có nhiều đoàn thể  từ thiện, đã quyên góp và phái nhân viên đến giúp đỡ người dân tại các quốc gia nghèo khổ, đặc biệt như hội Caritas Công giáo. Con gái út của nó đã hỏi xin tiền nó để đóng góp cho hội từ thiện Caritas, và nó đã gật đầu đồng ý ngay. Tập cho con cái mình biết đóng góp vào việc làm bác ái là bổn phận của kẻ làm cha mẹ.

Trong thư của thánh Phao lô, gởi tín hữu thành Côrintô, đã viết về Đức mến như sau:

“Đức mến thì khoan dung, nhân hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả (1 C 13,4-7).

Gia đình nó có 6 người con, bốn trai, hai gái, và tám đứa cháu nội. Gia đình thằng thứ ba thì có 3 thằng con. Chuyện xảy ra giữa các đứa cháu nội ấy đã khiến cho nó nhớ lại lời viết của thánh Phao lô ở trên về Đức mến. Chuyện trẻ con ghen tình mẹ mà ghét nhau như chuyện của mấy đứa cháu nội của nó:

Khi đứa cháu thứ nhất của gia đình người con thứ ba ấy chào đời. Gia đình hai bên nội ngoại đều mừng vui. Nhưng thằng bé này rất khó nuôi trong năm đầu tiên. Nó khóc luôn miệng và lúc nào cũng đòi người bế ẵm. Nó hay nóng đầu sổ mũi, biếng ăn, và tủi thân. Dần dần ngày tháng trôi qua, nó lớn lên khoẻ mạnh. Nhưng thằng bé lúc nào cũng bám lấy bố mẹ, ông bà để nũng lịu. Nó muốn mọi sự là của nó đặc biệt là đồ chơi, thì không đứa trẻ nào được đụng vào, vì nó sẽ khóc oà lên như bị ai đánh vậy.

Thế rồi thằng em của nó được sinh ra. Thằng em này thì Chúa cho lại nuôi quá dễ, từ khi nó còn bé sơ sinh, cười nhiều hơn khóc, và khi lớn lên vài tuổi thì nó luôn lo nhường cho anh nó, nhường anh đủ thứ, từ đồ chơi, thức ăn, và nhường cả mẹ cha cho thằng anh, khi nó thấy mẹ nó bế anh nó, thì nó đành chạy theo bà nội, để được bế. Ai cũng cho là thằng bé này rộng lượng, ngày sau có thể đi tu làm linh mục được.

Bố mẹ nó lại sinh thêm một thằng thứ ba. Cái ngày mà mẹ nó bế em bé ở nhà thương về nhà. Mẹ nó gọi cả hai thằng anh vào phòng cho nhìn em. Thằng thứ nhất thì đã hẳn tính tình của nó chỉ biết có mình, nên nhìn mặt em chứ không nói năng gì, cũng không cảm thấy gì khác thường để phải suy nghĩ. Đến lượt thằng thứ hai nhìn em. Ai cũng tưởng nó sẽ quý em như nó đã từng quý và lo cho thằng anh. Trong lúc người lớn còn đang mải mê trò chuyện, thì em bé mới sinh khóc thét lên. Mọi người giật mình nhìn lại thì thấy mắt của thằng bé sưng lên và đỏ hỏn. mọi người nhìn thằng thứ hai thì thấy mặt của nólấm lét sợ sệt. Mọi người bấy giờ mới chợt hiểu nó ghen với thằng em mới sinh, nên nó đã nắm tay giộng một cái vào mặt thằng em. Mẹ nó thấy con mắt trái của đứa bé cứ sưng vù lên, vội vàng bế con trở lại nhà thương. Các bác sĩ, ai nấy cũng ngạc nhiên về hành động “ghen với em” của con trẻ.

Ngày xa xưa, cũng vì hai chữ “Yêu Chúa” mà giáo dân trong Cộng Đoàn Côrintô, đã chia bè, chia phái. Ai cũng muốn được Thiên Chúa chúc phúc lành, hay ban nhiều các ơn như: nói tiếng lạ, ơn nói tiên tri, ơn chữa lành cho họ nhiều hơn. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải viết: “Chẳng lẽ thân thể của Đức Kitô bị phân mảnh rồi sao?”

Tại sao chúng ta không để lòng mến của mình đối với Thiên Chúa được lan toả rộng rãi đến với mọi người. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu mến tha nhân. Làm sao chúng ta có thể cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống được, khi mà anh em trong nhà của chúng ta, đã không biết chia sẻ, và nhường nhịn lẫn nhau.

Chúng ta hãy siêng năng cầu xin với Chúa Thánh Thần, để xin Người ban thêm lòng mến yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân, cho chúng ta mỗi ngay một nhiều hơn. Yêu người như yêu mình ta vậy, và yêu người như Chúa yêu chúng ta. Nhờ đó mà tình yêu của Thiên Chúa, và công cuộc cứu chuộc của Thày Giêsu được chia sẻ một cách rộng rãi cho mọi người ở khắp thế gian này.

Thuỵ Miên




Leave a Reply.